Vũ trường: Từ ‘vô trần cư’ trở thành ‘tử địa’ của người gốc Á

Bên trong Star Dance Studio Ballroom sau khi bị cảnh sát phong tỏa (ảnh: Allen J. Schaben / Los Angeles Times via Getty Images)

‘Vô trần cư’

Ông H. Trần, 69 tuổi, định cư ở Fountain Valley, CA từ năm 1981 sau hai lần vượt biển. Ngày đến được bến bờ tự do cũng là ngày ông tự hứa phải xây dựng cuộc sống tốt đẹp, ấm no. Để thực hiện đúng lời hứa đó, ông mất hơn 40 năm quay cuồng với công việc. Lo cho những đứa con học thành tài xong, cũng là lúc ông đến tuổi “buồn vui với thế nhân chứ không khóc cười cùng hoa lá” nữa. Paradise Dance Studio là nơi ông H. tìm đến vào mỗi cuối tuần cùng với vợ của mình.

“Đến lúc chúng tôi sống cho niềm vui của tuổi già. Khiêu vũ để khoẻ, rồi trò chuyện với người Việt, bằng tiếng Việt. Đến tuổi này, tự nhiên nhớ Việt Nam nhiều hơn,” ông H. nói qua điện thoại.

Trước khi Covid-19 xuất hiện, Little Saigon, California từng tấp nập những phòng khiêu vũ giải trí (ballroom dance) vào đêm cho cộng đồng người Việt. Star Night ở Westminster Aver, Garden Grove từng là một nơi như thế. Mỗi đêm, phía sau cánh cửa kính của Star Night là một không gian tràn ngập âm nhạc và màu sắc. Một thế giới sôi nổi khác hoàn toàn với khu vực bên ngoài.

Giữa căn phòng rộng, nhiều đôi dìu nhau trong điệu Tango mượt mà của ca khúc “Cánh Buồm Xa Xưa” – sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tuổi đời của họ có lẽ cũng bằng hoặc gần bằng tuổi đời của ca khúc.

Bà Xuân Dung. (Ảnh: Kalynh)

Trong suốt tám năm, bà Xuân Dung, cư dân Fountain Valley, là khách hàng quen thuộc của Star Night. Ở đây bà tìm được những người bạn cùng thế hệ, cùng sở thích. Đến với Star Night, với bà Dung, là tìm đến những khoảnh khắc nhẹ nhàng, thoát khỏi những bộn bề âu lo trong cuộc sống.

“Mình có một cái nơi tập trung để vừa thể dục, vừa vui chơi với nhau cuối tuần. Tôi đi với bạn bè, ông xã. Nếu không có một nơi thế này thì sẽ rất buồn. Thứ nhất là mình xa xứ, qua đây ngoài công việc hằng ngày mệt mỏi, căng thẳng (stress), cuối tuần mình có một nơi phần đông là người Việt Nam để vui, khiêu vũ, ăn uống… rất vui,” bà Xuân Dung đã nói như thế.

Không chỉ riêng người Mỹ gốc Việt, cộng đồng người Hoa ở các khu phố Tàu trên khắp nước Mỹ cũng có cùng sở thích.

Viết trên NBCNews, ký giả Kimmy Yam phỏng vấn Edward Wan, 78 tuổi, một cao niên gốc Hoa sống nhiều năm ở cư dân ở Bethesda, Maryland. Ông Wan cho biết “lẻn” đến phòng khiêu vũ ba ngày một tuần, gặp những người Trung Quốc nhập cư lớn tuổi là một phần thiết yếu trong cuộc sống của ông. Nó giúp ông vượt qua nỗi cô đơn từ khi vợ của ông chết. Thậm chí, ông đã tìm được một tình yêu lấp vào khoảng trống cô độc tuổi già.

Ông Wan là một trong rất nhiều người nhập cư gốc Á xem phòng khiêu vũ như một “thánh địa” của sự giải thoát khỏi những áp lực, lo lắng, và cả những cám cảnh chết chóc trong chiến tranh. Kathy Yep, một giáo sư người Mỹ gốc Á của Pitzer College nói rằng khiêu vũ là một loại hình nghệ thuật có giá trị như vật lý trị liệu. Đối với nhiều người, đây là cách để họ xử lý chấn thương và các yếu tố gây căng thẳng mà không cần đến liệu pháp chữa trị của phương Tây.

Kathy kể về trường hợp người cậu của cô, là người Việt tị nạn gốc Hoa, từng đi tù cộng sản sau 1975. Ông đã trải qua nhiều năm địa ngục trần gian để sinh tồn. Khi định cư ở Mỹ, phòng khiêu vũ là nơi ông ấy được “tái sinh”.

“Cơ thể và chuyển động của cơ thể là một sự phối hợp có thể tạo ra cảm giác thân thuộc, có mục đích, cảm giác kết nối, khi (họ) đối mặt với các chấn thương từ lịch sử chiến tranh hoặc bạo lực,” giáo sư Kathy nói.

Imperial Ballroom Dance Studio, New York. (Ảnh: Google Map)

Bà Irene Ng., người quản lý Imperial Ballroom Dance Studio, New York từ năm 1995, cho biết phần lớn những người khách đến ballroom dance là người cao niên hoặc đã nghỉ hưu. Họ đến và khiêu vũ như một thói quen mỗi ngày. Sau những giờ nhảy đầm, họ thường tổ chức những buổi tiệc nhỏ với món ăn truyền thống như dim sum, bánh, trà. Không khí đầy ắp tiếng cười trong không gian ấm cúng.

“Nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người nhập cư lớn tuổi,” bà Irene Ng. Nói – “tiếng cười ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Họ kết bạn mới, cười đùa, vui vẻ và chia sẻ thức ăn. Đó là loại điều bạn sẽ bắt gặp ở đây.”

Cũng như bà Irene Ng., bà Kim Lý, chủ của Star Night, từng nói, “trong không gian đó, sau các điệu nhảy giải trí là cuộc trò chuyện thoải mái về tinh thần, và không thể thiếu những bữa ăn đầm ấm gia đình.” Chính bà Kim Lý là người nấu những món ăn giản dị đậm chất Việt Nam như bún riêu, phở, hủ tiếu…để người đến chơi cùng thưởng thức.

Ông Edward Wan nói với ký gải Kimmy Yam rằng, đến phòng khiêu vũ còn là một cách để ông tập thể dục. “Khi bạn nhảy, cả cơ thể của bạn chuyển động, chân, tay, đầu. Nó thật sự là môn thể thao rất tốt cho người lớn tuổi,’ ông Wan nói.

SanSan Kwan, tác giả cuốn sách “Kinesthetic City: Dance and Movement in Chinese Urban Spaces” giải thích rằng phần lớn cộng đồng khiêu vũ nghiệp dư được hình thành từ những người Mỹ gốc Hoa thế hệ đầu tiên đến Hoa Kỳ vào những năm 1950 và 60. Họ dành phần lớn cuộc đời của họ cho các lĩnh vực chuyên môn. Một số trong học đạt trình độ học vấn cao. Một số khác dành mấy mươi năm cuộc đời làm việc cật lực để đảm bảo thế hệ con cháu của họ có cuộc sống tốt đẹp.

Niềm vui giải trí khi đến phòng khiêu vũ thường xuất hiện vào thời điểm họ có thể sống chậm lại, hoặc sống cho chính mình, thoả mãn sự tò mò và niềm đam mê của chính họ. Họ đã dành nửa cuộc đời để lập nghiệp, xây dựng gia đình và phải đến khi đến một độ tuổi nhất định gần nghỉ hưu, họ mới có cơ hội để tập trung vào bản thân.

“Có thế nói việc đến phòng khiêu vũ là một cơ hội thật sự để họ cởi bỏ cái vẻ bề ngoài đạo mạo, công việc chuyên môn nặng nề, hoặc trách nhiệm với gia đình và làm một vài điều cho chính họ. Thật sự nói theo nghĩa đen là, để toả sáng,” SanSan Kwan viết như thế trong cuốn sách.

Từ ‘vô trần cư’ trở thành ‘tử địa’

Ký giả Kimmy Yam cho biết, theo các vũ công và các chuyên gia cộng đồng, bi kịch súng vừa qua ở Star Ballroom và Lai Lai Ballroom là một vết đen bám vào nơi từ lâu được cho là “vô trần cư” của người gốc Á. Nhiều di dân gốc Á lớn tuổi đã biến khiêu vũ trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Mỹ gốc Á trên khắp Hoa Kỳ. Trong nhiều thập kỷ, cộng đồng gốc Á đã dựa vào loại hình nghệ thuật này không chỉ vì phẩm chất chữa bệnh của nó, mà còn là cơ hội hiếm có để họ sống cho chính họ, tìm lại hạnh phúc sau nhiều năm vất vả để hoà nhập và sinh tồn ở một quốc gia mới.

“Thật không công bằng cho phòng khiêu vũ. Bản thân hoạt động này gần giống như bạn làm thơ hoặc ngồi thiền. Nó rất êm ả,” ông Edward Wan nói.

Star Ballroom Dance Studio, nơi xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng đêm Giao thừa 2023 (ảnh: Philip Cheung for The Washington Post via Getty Images)

Đọc thêm:

Bi kịch súng của nước Mỹ

California: 3 người chết trong vụ xả súng thứ sáu của tháng

Đêm Giao thừa đẫm máu ở California: Hung thủ Huu Can Tran là ai?

Ông H., ông Edward Wan, hay người cậu lính VNCH của Kathy Yep, hoặc bà Xuân Dung là một trong vô số những người nhập cư châu Á xem phòng khiêu vũ như “Vô trần cư” để sống lại với chính mình và kỷ niệm cũ. Nhưng giờ, “vô trần cư” đã trở thành “tử địa” từ những cuộc thảm sát súng gần đây ở California. Họ bị chấn động bởi hai vụ xả súng, một trong số đó lấy đi sinh mạng của 11 người, làm rung chuyển các vũ trường ở California, đặc biệt là khu vực tập trung cộng đồng gốc Á.

Sau khi xảy ra vụ thảm sát súng ở Monterey Park, thói quen đến phòng khiêu vũ vào cuối tuần của vợ chồng ông H. Trần không còn nữa. Bản thân ông không biết đây là tạm thời, hay vĩnh viễn. “Nỗi sợ nó còn hơn khi ra đường nếu không cẩn thận sẽ bị nhiễm Covid-19 vào hai năm trước,” ông H. nói.

Bà Irene Ng. của Imperial Ballroom Dance Studio có cách xử lý khác. Để đảm bảo an toàn, bà khoá cửa studio, hạn chế người ngoài vào khi nhóm khách muốn ở lại chơi trễ.

“Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục hoạt động, tiếp tục mở cửa và tăng cường an ninh,” bà Ng nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: