Cựu Quân Cảnh tại Little Saigon kỷ niệm 58 năm thành lập Binh Chủng Quân Cảnh

Lễ truy điệu tám tử sĩ anh hùng Quân Cảnh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

GARDEN GROVE, California (NV) – Hội Ái Hữu Quân Cảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Nam California vừa tổ chức lễ kỷ niệm 58 năm thành lập Binh Chủng Quân Cảnh Quân Lực VNCH vào sáng Chủ Nhật, 10 Tháng Chín, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 2, thành phố Garden Grove.

Cựu Quân Cảnh Kiều Công Lang, thành viên trong ban tổ chức, cho hay: “Hằng năm, Hội Ái Hữu Quân Cảnh Nam California đều có tổ chức những buổi họp mặt, để gia đình Quân Cảnh tại hải ngoại có dịp gặp mặt nhau hàn huyên tâm sự, ôn lại những kỷ niệm xưa trong thời trai trẻ đã phục vụ cho đất nước và quân đội VNCH, đồng thời cũng tưởng nhớ đến các bạn đồng môn đã mất. Đặc biệt vào dịp này, cuối Hè, hội tổ chức lễ kỷ niệm 58 năm thành lập Binh Chủng Quân Cảnh Quân Lực VNCH. Nhân dịp này, ban tổ chức cũng làm lễ tưởng niệm tám chiến hữu Quân Cảnh đã liều mình tuẫn tiết vào ngày 30 Tháng Tư, 1975.”

Tuy Binh Chủng Quân Cảnh là một đơn vị không tác chiến, nhưng mỗi lần tổ chức họp mặt, ngoài các gia đình của cựu Quân Cảnh còn có sự tham dự của đại diện nhiều hội đoàn, đoàn thể. Đặc biệt có nhiều đơn vị bạn đến dự như Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Không Quân, Hải Quân, Thiết Giáp, Lực Lượng Đặc Biệt, Pháo Binh, các Sư Đoàn Bộ Binh, Cảnh Sát Quốc Gia,…

Sau nghi thức khai mạc là lễ tưởng niệm tám anh hùng Quân Cảnh đã tuẫn tiết vào ngày 30 Tháng Tư, 1975. Tên và địa điểm tuẫn tiết gồm có: Đại Úy Nguyễn Hòa Đương (Trường Quân Cảnh Vũng Tàu), Trung Úy Trần Văn Kính (Trường Quân Cảnh Vũng Tàu), Trung Sĩ Nhất Nguyễn Lương Hùng (Trường Quân Cảnh Vũng Tàu), Thượng Sĩ Trần Chánh Tạo (tại Bộ Chỉ Huy Quân Cảnh), Thượng Sĩ Nguyễn Linh Đông (văn phòng Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô), Trung Sĩ Nguyễn Văn Hòa (Đồn Quân Cảnh Phú Cường Bình Dương), Trung Sĩ Nhất Trần Văn Minh (sân cờ Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH), Hạ Sĩ Nhất Lê Công Hưởng (Ngã Ba Hòm Sài Gòn).

Tập Thể Chiến Sĩ Tây Nam Hoa Kỳ đồng ca bài “Khúc Tình Ca Hàng Hàng, Lớp Lớp.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong lễ truy điệu, Quân Cảnh Kiều Công Lang đọc điếu văn: “Các anh là những chiến hữu vị quốc vong thân; những chiến sĩ anh hùng Quân Cảnh; những người đã thề không đội chung trời với bọn quỷ dữ vong nô. Các anh đã để lại tiếng thơm cho Binh Chủng Quân Cảnh Quân Lực VNCH.”

Ông Nguyễn Kỳ Dương, tổng hội trưởng Quân Cảnh Toàn Thế Giới, ngỏ lời chào mừng và cám ơn mọi người đến dự. Sau đó, Quân Cảnh Trọng Vương, hội trưởng Hội Ái Hữu Quân Cảnh VNCH Nam California, nói về lý do có Binh Chủng Quân Cảnh VNCH.

Ngành Quân Cảnh VNCH được hình thành từ năm 1959 đến 1975 là một binh chủng trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu của Quân Lực VNCH. Binh chủng này được thành lập để thừa hành và thực thi quân luật của quân đội, và duy trì quân phong quân kỷ.

Đơn vị Quân Cảnh là biến thân của ngành Cảnh Sát Quân Sự được hình thành từ thời Quân Đội Liên Hiệp Pháp cho đến thời Quân Đội Quốc Gia. Binh Chủng Quân Cảnh chính thức thành lập vào năm 1959 dưới nền Đệ Nhất Cộng Hòa của chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Hội Cảnh Sát Quốc Gia Nam California đồng ca bài “Tình Thư Của Lính.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông David Nguyễn, đại diện Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn (Cộng Hòa-Địa Hạt 36), trao bằng tưởng lục cho Hội Ái Hữu Quân Cảnh Nam California.

Buổi tổ chức có phụ diễn chương trình văn nghệ với sự yểm trợ của các ban văn nghệ: Hội Cảnh Sát Quốc Gia Nam California, Tập Thể Chiến Sĩ Tây Nam Hoa Kỳ, Hội Hậu Duệ Quân Lực VNCH, và thân hữu đóng góp.

Niên trưởng Quân Cảnh Phan Kỳ Nhơn tâm tình: “Trong Tháng Tư, 1975, tôi là chỉ huy phó Quân Cảnh Quân Khu III, được lệnh cùng hai Đại Đội Quân Cảnh ra miền Trung để bổ sung cho Thiết Kỵ Binh. Lúc đó không may, tôi bị Cộng Sản bắt làm tù binh từ ngày 18 Tháng Tư, 1975. Tám năm sau thì tôi mới được ra khỏi tù Cộng Sản. Đã gần nửa thế kỷ qua, Cộng Sản vẫn còn tồn tại trên quê hương mình. Nhưng ở hải ngoại, cộng đồng người Việt chúng ta vẫn giữ tinh thần đoàn kết để chống cộng, nhằm nói lên tình thần bất khuất của Quân Lực VNCH.”

Từ trái, Thanh Hằng, Ánh Nguyệt và Linda Trần tam ca bài “Chúng Mình 3 Đứa.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Quân Cảnh Thạch Răng kể lại: “Tháng Tư, 1972, trận chiến An Lộc bùng nổ, tôi được lệnh đến An Lộc để tiếp viện cho đơn vị Quân Cảnh tại Bình Long. Năm 1973, tôi được lệnh về làm việc với Ủy Ban Trao Trả Tù Binh tại những điểm như căn cứ Thiện Ngôn; căn cứ Lộc Ninh của tỉnh Bình Long. Lúc đó, nhiệm vụ của chúng tôi là đưa những tù binh Cộng Sản về trao trả tại điểm hẹn với phái đoàn Cộng Sản, đồng thời chúng tôi cũng nhận tù binh của Quân Lực VNCH được trở về, và đưa họ về Trung Tâm An Dưỡng tại Suối Máu, Biên Hòa.”

Nói về sự tuẫn tiết của anh hùng Quân Cảnh trong ngày 30 Tháng Tư, ông Thạch Răng kể tiếp: “Sau đó, tôi được bổ nhiệm về đồn Quân Cảnh Phú Cường, Bình Dương, cho đến ngày miền Nam bị thất thủ. Trong ngày 30 Tháng Tư, 1975, tôi và bạn của tôi là anh Trung Sĩ Nhất Nguyễn Văn Hòa đang ở tại đồn Quân Cảnh. Lúc đó, anh Hòa kêu tôi về với gia đình, còn anh thì ở lại đồn. Tôi từ giã anh Hòa và đi khoảng 20 mét thì nghe tiếng nổ vang trời. Khi trở lại thì tôi đã chứng kiến cảnh anh Hòa đã tự sát bằng hai quả lựu đạn M 26, để nêu gương anh hùng Quân Cảnh thà chết chớ không hàng địch.”

Hai chiến hữu Quân Cảnh Long Nguyễn (trái) và Thạch Răng. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Quân Cảnh Long Nguyễn kể lại: “Năm 1969, tôi được thụ huấn trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang, sau khi ra trường, tôi về phục vụ Tiểu Đoàn 2 Quân Cảnh với nhiệm vụ yểm trợ an ninh cho những Biệt Khu Thủ Đô Sài Gòn và Chợ Lớn. Sau đó tôi được biệt phái về căn cứ Khe Sanh yểm trợ cho Bộ Chỉ Huy Hành Quân Lam Sơn, do Tướng Hoàng Xuân Lãm làm tư lệnh. Tại đây, mỗi ngày cộng quân đã nã đại pháo vào rất dữ dội. Đơn vị cuối cùng của tôi là Tiểu Đoàn 4 Quân Cảnh, tan hàng tại An Thới.”

Trước 1975, lãnh thổ VNCH được chia thành bốn vùng chiến thuật. Mỗi vùng đều có một tiểu đoàn Quân Cảnh và có một chỉ huy trưởng Quân Cảnh Quân Khu. Riêng tại Sài Gòn thì có Tiểu Đoàn 6 Quân Cảnh và hai Tiểu Đoàn Tổng Trừ Bị là Tiểu Đoàn 5 và 12. Tại Vùng 2 có Tiểu Đoàn Trừ Bị 11. Mỗi quân khu đều có một trại giam do những tiểu đoàn Quân Cảnh đảm trách canh giữ. Riêng Vùng 2 thì có thêm một trại giam phụ nữ ở Qui Nhơn, và một trại giam ở Đặc Khu Phú Quốc thì có bốn tiểu đoàn Quân Cảnh canh giữ tù binh Cộng Sản.
Năm 1974, một số tiểu đoàn Quân Cảnh được chuyển sang đơn vị tác chiến để thành lập Liên Đoàn 8 Biệt Động Quân, hai tiểu đoàn trừ bị 12 Quân Cảnh của Sài Gòn và 11 Quân Cảnh của vùng 2 được thuyên chuyển qua các Sư Đoàn Bộ Binh.

Hội Hậu Duệ Quân Lực VNCH. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Tại Little Saigon, khoảng năm 1985, một số gia đình cựu quân nhân Quân Cảnh đã được định cư tại Hoa Kỳ từ nhiều nơi về sống tại nơi này. Lúc đó, thỉnh thoảng anh em gia đình cựu Quân Cảnh cũng có họp mặt. Khoảng hai năm sau thì Hội Ái Hữu Quân Cảnh VNCH Nam California được ra đời vào Tháng Mười Hai, 1985. Quân Cảnh Đỗ Văn Tân là hội trưởng đầu tiên.

Hiện nay, tại Little Saigon và những vùng phụ cận có khoảng trên 200 cựu quân nhân Quân Cảnh và gia đình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tự sửa máy may
Máy may là một vật dụng vô cùng hữu ích, nhưng thường bị bỏ xó trong tủ vì ít sử dụng nhiều hoặc có phần nào của máy bị hư.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: