Số hàng giả này được gởi đến Mỹ bằng sáu kiện hàng, qua đường hàng không và đường biển, và bị tịch thu chỉ trong vòng một tuần hồi giữa Tháng Bảy.
Các loại hàng điện tử giả này được gọi chung là “CEE-Electronics,” bắt chước các sản phẩm như Apple Watch, Apple Ultra Watch, AirPods, và AirPods Pro.
Để “xâm nhập” vào Hoa Kỳ, các sản phẩm giả này được đóng gói trong hộp của các sản phẩm thật, theo CBP.
“Bởi vì các vật này nhìn rất giống hàng thật của Apple, người tiêu dùng rất dễ bị lừa,” ông Carlos C. Martel, giám đốc CBP ở Los Angeles, được trích lời nhận xét. “Ngăn chặn hàng giả là một trong những ưu tiên của CBP vì nhiệm vụ hàng ngày của chúng tôi là bảo vệ người tiêu dùng và nền kinh tế Hoa Kỳ.”
Đồng hồ giả bị Quan Thuế Mỹ ở Los Angeles/Long Beach bắt được. (Hình: CBP)
Sản phẩm Apple giả không có các tính năng đặc biệt như hủy tiếng ồn, chống thấm nước, và tự động kết nối không dây với các sản phẩm khác của công ty này.
“Quý vị có thể tự bảo vệ không mua nhằm hàng giả bằng cách mua các sản phẩm này tại các cửa hàng chính hiệu hoặc các đại lý được hãng chứng nhận, và tránh mua hàng trên mạng cũng như các nơi mua đi bán lại,” bà Cheryl Davies, giám đốc CBP phụ trách phi trường Ontario, cho biết.
Ngoài ra, khi mua hàng trên mạng, máy và thiết bị của người tiêu dùng có thể bị dính virus, hoặc bị mất thông tin và dữ liệu cá nhân trong lúc giao dịch, CBP cảnh báo.
Thiệt hay giả khó biết lắm, tốt nhất là mua hàng của chính hãng là ăn chắc, CBP khuyên. (Hình: CBP)
“Mua hàng giả chỉ có thua, không bao giờ thắng, và có thể vô tình tài trợ các hoạt động tội phạm như cưỡng bức lao động, buôn người, buôn ma túy, và tội ác bạo động,” ông Donald R. Kusser, giám đốc CBP hải cảng Los Angeles/Long Beach, cảnh báo.
CBP cho biết, trong năm 2022, cơ quan này tịch thu gần 21,000 kiện hàng chứa 25 triệu hàng giả vi phạm luật bảo vệ tài sản trí tuệ. Nếu bán ra theo giá thị trường, số hàng này có thể thu được gần $3 tỷ. Trong số hàng giả bị tịch thu này, hàng điện tử chiếm khoảng 3.7%.