Thư Viện Việt Nam giới thiệu trang web với nhiều sách quý về VNCH

Từ trái: Nhà báo Du Miên, nhà báo Nguyễn Ngọc Chấn và ông Phạm Luyến tại buổi giới thiệu trang web của Thư Viện Việt Nam. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

GARDEN GROVE, California (NV) – Nhiều đồng hương Việt Nam vùng Little Saigon có mặt tại Thư Viện Việt Nam ở thành phố Garden Grove dự buổi giới thiệu trang web của thư viện vào hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Mười Một.

Buổi họp giới thiệu trang web có ba diễn giả chính là hai nhà báo Du Miên và Nguyễn Ngọc Chấn cùng ông Phạm Luyến.

Sau các nghi thức khai mạc, nhà báo Du Miên mở đầu bằng việc trình bày về công việc của mình trong tư cách là một nhà điều hành của Thư Viện Việt Nam. Ông cho biết nhiều người muốn đưa sách của thư viện lên mạng và ông đang muốn thực hiện điều đó vì mắc nợ cộng đồng sau khi nhiều người cho sách để gìn giữ kiến thức của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Ông nói mình cảm thấy rất ấm lòng khi đưa được hơn 100 cuốn sách giáo khoa của Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH lên trang web của thư viện và nhấn mạnh sách luôn gắn liền với lịch sử.

Nhiều người đến dự buổi giới thiệu trang web. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Việc đưa sách của Thư Viện Việt Nam lên mạng là mơ ước từ lâu của nhà báo Du Miên, nhưng chỉ mới bắt đầu xây dựng trang web từ lúc đại dịch COVID-19 bùng phát. Ông cho hay muốn giao lại thư viện cho những người trẻ hơn nhưng vì một số điều kiện gắt gao nên phải tiếp tục làm.

Các điều kiện đó gồm có đền bù thiệt hại nếu độc giả bị nhiễm vi khuẩn sau khi đọc sách cũ của thư viện, và phải hủy bỏ nhiều sách hay tặng cho nhiều tổ chức khác nếu sách không đủ tiêu chuẩn.

Vì vậy, ông ao ước được trút gánh nặng trên vai và “muốn làm chuyện cuối đời hữu ích,” nên lập ra trang web lovelittlesaigon.org.

Về trang web, ông cho biết không muốn chỉ đưa các dữ liệu bằng PDF lên mạng rồi cho độc giả đọc từng trang, mà muốn cho họ có thể lật được từng trang sách như nhiều thư viện tân tiến khác, và nói rất vui sau khi làm được điều đó nhờ sự giúp đỡ của nhiều người.

Trang web của Thư Viện Việt Nam. (Hình: Chụp từ màn hình)

Về những sách được đưa lên mạng, ông nhấn mạnh Thư Viện Việt Nam chỉ đưa những sách có bản quyền, được sự cho phép từ gia đình của tác giả mới đăng và còn tìm cách liên lạc với những người đó để viết tiểu sử về các tác giả, không hề dùng thông tin trên mạng.

Sau đó, ông kêu gọi nhiều người trẻ tuổi để giúp scan sách, và hứa sẽ có đủ thiết bị trong vài tháng tới.

Ông còn cảm động và xin cộng đồng cho mình hai năm để đưa hết sách của VNCH lên trang web của thư viện.

Ký giả Nguyễn Ngọc Chấn khen ngợi những đóng góp mà ông Du Miên đã dành cho Thư Viện Việt Nam một cách vô vụ lợi và cho rằng có trang web “trễ” 43 năm, vì đáng lẽ phải có từ ngày người Việt Nam thành lập Little Saigon.

Sách giáo khoa “Em Tìm Hiểu Khoa Học Lớp 4” trên trang web. (Hình: Chụp từ màn hình)

Trong nhiều năm ở Hoa Kỳ, nhiều nhà văn và nhà báo muốn khôi phục văn học Việt Nam để thế hệ con cháu không bị mất ngôn ngữ, không sợ mất tiếng Việt.

Thư Viện Việt Nam hiện nay có đến 50,000 cuốn sách và muốn đưa lên trang web lovelittlesaigon.org. Trang web này có nhiều danh mục, độc giả chỉ cần bấm vào từng danh mục để tìm sách hay các tài liệu mình muốn.

Độc giả chỉ cần bấm vào cuốn sách muốn đọc và sẽ thấy hướng dẫn để đọc trên máy điện toán. Như nhà báo Du Miên trình bày, sách không chỉ là tài liệu PDF mà độc giả dùng chuột của máy điện toán để kéo lên xuống từng trang, mà có hình từng cuốn sách, lại có thể lật từng trang qua lại như đang cầm một cuốn sách trên tay.

Tuy công việc đưa sách lên mạng đang suôn sẻ, nhưng một vấn đề mà Thư Viện Việt Nam đang phải đối mặt là “chưa có internet” và các nhà điều hành cho biết sẽ tìm cách lắp đặt trong những tháng tới.

Độc giả có thể lật từng trang sách. (Hình: Chụp từ màn hình)

Ông Phạm Luyến, người giúp xây dựng trang web lovelittlesaigon.org, còn thông báo tổ chức lớp dạy internet cho cộng đồng vào Chủ Nhật hằng tuần trong Tháng Mười Hai, do chính mình phụ trách. Ông nói mỗi lớp sẽ dài khoảng một tiếng, giúp nhiều người lớn tuổi hiểu rõ hơn về cách sử dụng internet và còn có thể giúp họ tự tạo ra được một trang web.

Vì thư viện chưa có internet, nên ông kêu gọi những người muốn học mang theo điện thoại hay các thiết bị như iPad.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: