WESTMINSTER, California (NV) – Nhằm cống hiến cho cộng đồng thưởng thức những ca khúc và những tình khúc về mùa Thu, Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học thực hiện chương trình ca nhạc chủ đề “Một Chút Thu Trong Dòng Nhạc Xưa và Nay.”
Tại đây, các tiếng hát Chế Tùng, Thu Vàng, Nga Mi, Francine Kim Phượng, Xuân Hiệp và Andy Lê, cùng dàn nhạc Thanh Trúc (guitar), Lê Thắng (guitar), Xuân Hiệp (harmonica) và Đình Giang (keyboard) trình diễn nhiều nhạc phẩm của nhiều nhạc sĩ như Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Phạm Trọng Cầu, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Ngô Thụy Miên, Trần Trịnh, Lam Phương, Thụy Anh, Phú Quang, Việt Anh và Bùi Công Ký.
Cô Diệu Trang, người hướng dẫn chương trình, nói vào tối Thứ Bảy, 14 Tháng Mười, tại Viện Việt Học, thành phố Westminster, khi mùa Thu trở về với vạn vật và nhân loại: “Cụ Tản Đà đã có những vần thơ nói về giọt mưa Thu: ‘Mưa, mưa mãi, ngày đêm rả rích/ Giọt mưa thu, dạ khách đầy vơi/ Những ai mặt bể chân giời / Nghe mưa, ai có nhớ nhời nước non?’ Và bài nhạc ‘Giọt Mưa Thu’ cũng là tác phẩm cuối cùng của cố nhạc sĩ Đặng Thế Phong, ông đã soạn bài nhạc này khi ông trên giường bệnh.”
Mở đầu chương trình ca nhạc là tiếng hát Chế Tùng qua bài nhạc “Giọt Mưa Thu,” rồi đến bài “Tà Áo Xanh” và “Giữ Gió Cho Mây Ngàn Bay” đều của Đoàn Chuẩn và Từ Linh.
Mùa Thu, mùa của những cuộc tình lãng mạn, và khi nói đến mùa Thu thì có rất nhiều khung cảnh tuyệt vời để chuyên chở cho những vần thơ, âm nhạc mà những thi sĩ, nhạc sĩ đã cho ra đời những tác phẩm buồn, vui, trữ tình, sống động và trầm lặng. Trong đó có bài “Mùa Thu Cho Em” của Ngô Thụy Miên và Thụy Anh.
Trong thập niên 1960, tại miền Nam Việt Nam, một số nhạc sĩ đã cho ra đời nhiều ca khúc nói về mùa Thu hay những cuộc tình gãy đổ trong Thu, đã được sự yêu thích của giới nghe nhạc, trong đó có Ngô Thụy Miên cho ra đời bài “Mùa Thu Cho Em.” Và bài này ông đã soạn chung với Thụy Anh, cũng là tình khúc thứ hai của nhạc sĩ đã soạn lúc ông mới 20 tuổi. Trước đó là bài “Chiều Nay Không Có Em,” Ngô Thụy Miên đã soạn lúc ông mới 17 tuổi.
Ca sĩ Francine Kim Phượng, lần đầu tiên xuất hiện trên sàn diễn của Viện Việt Học, tâm tình: “Đêm nay tôi hát bài ‘Mùa Thu Cho Em’ vì tôi rất thích hát những dòng nhạc của Ngô Thụy Miên. Có thể nói, những ca khúc của người nhạc sĩ tài hoa này rất hạp với giọng hát của tôi. Không chỉ thế, bài hát đã cho tôi nhiều cảm xúc nhẹ nhàng khi hát.”
MC Diệu Trang lại tiếp tục than thở: “Người ta thường nói ‘Tình chỉ đẹp khi còn dang dở/ Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.’ Nhưng em ơi! Từ độ em đi, đi mãi… và, trong lòng người nghệ sĩ vẫn mãi là khối sầu không tan. Qua những ca từ: ‘Theo gió tha hương bay về miền xưa/ Nâng phím tơ lên mấy cung lả lơi/ Đây phím đưa duyên đây hoa đợi bướm/ Lá thu lìa cành nhớ hoa ngàn xưa…’ Với tiếng hát của Andy Lê sẽ tiếp nối chương trình qua bài nhạc ‘Tình Nghệ Sĩ’ của nhạc sĩ Từ Linh.”
Rồi sau đó, Andy Lê lại tiếp tục hai ca khúc “Thu Quyến Rũ” của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, và “Không Còn Mùa Thu” của Việt Anh.
Kế đó, tiếng hát Thu Vàng với hai ca khúc “Kỷ Niệm” và “Chiều Về Trên Sông” của Phạm Duy.
Bài “Kỷ Niệm” được Phạm Duy cho ra đời năm 1966. Hình như người nhạc sĩ tuổi nghề vững chãi này đã có quá nhiều kỷ niệm trên hành trình âm nhạc. Nhưng rồi, Phạm Duy cũng trở lại quãng thời gian từ đầu với những cảm xúc nguyên sơ của chính mình.
Bài “Kỷ Niệm” được nhạc sĩ Phạm Duy viết năm 1966. Khi viết xong bài “Kỷ Niệm,” ông đã từng tâm sự rằng: “Lúc còn ngây thơ sống cùng cha mẹ tại một tỉnh nhỏ, có những buổi chiều đi giữa làng quê bên cánh đồng lúa mênh mông, bát ngát, vì quá mê ngắm nhìn cảnh đẹp quê hương, nên tôi đã quên tiếng mẹ gọi về. Hay trong những đêm mùa khô ráo được ngồi bên cha mẹ, cùng nghe tiếng còi tàu để mơ ước viễn du. Tôi đã nhớ lại những kỷ niệm êm đềm ấy, và xin được đi lại từ đầu.”
Tiếng hát Thu Vàng đã thổn thức lại những ca từ của bài “Kỷ Niệm” để chia sẻ cùng Phạm Duy. “Cho tôi lại ngày nào, trăng lên bằng ngọn cau/ Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao/ Cha tôi ngồi xem báo, phố xá vắng hiu hiu/ Trong đêm mùa khô ráo tôi nghe tiếng còi tàu…”
Nhạc sĩ khẩu cầm (harmonica) Xuân Hiệp cùng với ban nhạc đã hòa tấu những bài nhạc ngoại quốc và Việt Nam đã cho khán giả những cảm xúc tuyệt vời, mà tại Việt Viện Học ít khi nghe được những bài nhạc do các khẩu cầm thủ thực hiện. Chẳng những thế, Xuân Hiệp còn hát rất hay qua hai ca khúc “Tiếng Hát Nửa Vời” của Trần Trịnh và “Lá Đổ Muôn Chiều” của Đoàn Chuẩn và Từ Linh.
“Người hát và ban nhạc gần như không thể tách rời trong những buổi trình diễn âm nhạc, và cũng có khi mình ngồi hát chung với bạn bè hay gia đình thì cũng không thể thiếu một nhạc sĩ đánh đàn. Tôi chọn vừa hát vừa chơi khẩu cầm cũng vì nguyên nhân ấy,” nhạc sĩ Xuân Hiệp tâm tình.
Khoảng 15 năm trước, Little Saigon đã xuất hiện tiếng hát của Nga Mi, giọng hát khác thường trong giới ca hát tại Little Saigon. Từ Washington, DC, Nga Mi đã mang nét đẹp và tiếng hát đặc biệt này qua những hoạt cảnh Chầu Văn, Ca Trù, Bắc Ninh Quan Họ…, và Nga Mi cũng đã thành công qua nhiều tình khúc khác.
Hai ca khúc “Mùa Thu Không Trở Lại” của Phạm Trọng Cầu và “Nước Mắt Mùa Thu”của Phạm Duy đã đưa khán giả trở về với những mối tình gãy đổ trong Thu không bao giờ hàn gắn qua tiếng hát của Nga Mi
Thế rồi, một lần nữa Nga Mi đã cao vút soprano của chính mình qua bài nhạc bất hủ “Mùa Thu Chết.”
Năm 1970, bài nhạc “Mùa Thu Chết” được nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời đã được ngàn ngàn sự yêu thích của giới trẻ Việt Nam và những người yêu thích loại nhạc trữ tình. Bài nhạc này được Phạm Duy phỏng theo lời bài thơ “L’adieu” của thi sĩ nổi tiếng Guillaume Apollinaire, được nhà thơ Bùi Giáng dịch: “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo/ Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi…”
Chưa hết, Nga Mi đã đưa khán giả về quê hương trong thời tiền chiến với đôi mắt người Sơn Tây u uẩn chiều luân lạc, buồn viễn xứ khôn khuây và chính đôi mắt của của Nga Mi hình như cũng đang u uẩn buồn viễn xứ khôn nguôi khi nhả những ca từ được phổ từ lời thơ của Quang Dũng, bài “Đôi Mắt Người Sơn Tây,” nhạc Phạm Đình Chương.
Kết thúc chương trình là bài “Xóm Đêm” của Phạm Đình Chương, với khẩu cẩm thủ Xuân Hiệp và ban nhạc cùng hòa tấu.
Trong số khán giả đến dự, ca sĩ Lê Uyên nói: “Những chương trình âm nhạc trong thính phòng như thế này nên thường xuyên tổ chức trong sinh hoạt cộng đồng của chúng ta, vì đây là một trong những chương trình có giá trị đã gợi lại những kỷ niệm tại quê nhà mà ai cũng đã có một thời đã trải qua. Viện Việt Học đã cho chúng ta những món ăn tinh thần, tuy không lớn, nhưng rất có giá trị về văn học nghệ thuật của dân tộc mình tại hải ngoại.”
Bà Nguyễn Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, tâm tình: “Xin cám ơn tấm lòng hảo tâm của khán giả đã đóng góp cho những chương trình văn nghệ tại đây. Sự yểm trợ của quý đồng hương đã khuyến khích Viện Việt Học được duy trì những chương trình văn hóa Việt Nam của chúng ta tại Little Saigon.”