MORROW, Georgia (NV) – Sau một thời gian đấu tranh mạnh mẽ, cộng đồng Việt Nam ở thành phố Morrow, Georgia, vừa đạt một thắng lợi quan trọng, dù chưa hoàn hảo, sau khi bốn nghị viên Hội Đồng Thành Phố trong cuộc họp hôm Thứ Ba, 8 Tháng Tám, đồng ý tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định lá phiếu bầu được in bằng tiếng Anh hoặc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt.
“Đây là một thắng lợi của cộng đồng. Cuối cùng, tiếng nói của người dân được lắng nghe,” Nghị Viên Vân Trần, người đưa ra đề nghị bao gồm nhiều ngôn ngữ trong lá phiếu, nói với nhật báo Người Việt hôm 9 Tháng Tám. “Sau nhiều ngày đấu tranh, đi gõ cửa từng nhà, với sự ủng hộ của nhiều cư dân gốc Việt và các hội đoàn, tổ chức, trong cộng đồng, cuối cùng, chúng tôi đã thể hiện được sức mạnh của cộng đồng.”
“Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới đạt được một nửa mục tiêu. Sắp tới, chúng tôi sẽ phải vận động cộng đồng bỏ phiếu càng nhiều càng tốt, để có thể thành công,” nữ nghị viên gốc Việt duy nhất trong HĐTP Morrow nói tiếp.
Morrow là một thành phố nhỏ, thuộc Clayton County, và tọa lạc tại phía Nam thành phố Atlanta. Ngoài Nghị Viên Vân Trần còn có một nghị viên gốc Việt khác là ông Khoa Vương.
Theo thống kê dân số hồi Tháng Bảy, 2022, Morrow có khoảng 6,500 cư dân, trong đó có khoảng hơn 2,000 người gốc Việt, tương đương khoảng 30%.
Trong cuộc họp ngày 12 Tháng Bảy, khi Nghị Viên Vân Trần đưa ra đề nghị này, một đồng viện của cô, Nghị Viên Dorothy Dean, đã dè bỉu nghị viên gốc Việt “không phải là người Mỹ” và là “một thất bại trong tư cách công dân Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ,” theo NBC News.
Bà Dean đặc biệt chỉ trích Nghị Viên Vân Trần vì đã phát flyer bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt trong ngày Lễ Độc Lập, 4 Tháng Bảy, được thành phố tổ chức, nhằm khuyến khích sự ủng hộ đối với các lá phiếu đa ngôn ngữ.
Bà Dean lập luận rằng cô Vân, với tư cách là một người Mỹ nhập cư, lẽ ra phải thuyết phục các cử tri học tiếng Anh thay vì cung cấp lá phiếu bằng các ngôn ngữ khác.
Đáp lại, cô Vân cho rằng những lời lẽ của bà Dean gây tổn thương, không chỉ cho mình mà còn là đối với các cộng đồng mà cô đại diện.
Phát biểu của bà Dean cũng gây phẫn nộ đối với cư dân Morrow, nhiều người sau đó đến đầy phòng họp HĐTP để ủng hộ cô Vân.
Các nhóm vận động chính sách như Quỹ Giáo Dục và Bảo Vệ Pháp Lý Người Mỹ Gốc Á cũng lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với cô Vân, nhấn mạnh rằng phát biểu của bà Dean thể hiện sự coi thường các điều khoản hỗ trợ ngôn ngữ của Đạo Luật Quyền Bầu Cử và Quyền Của Cử Tri nói ngôn ngữ thiểu số của thành phố Morrow.
Vì thế, đây là một vấn đề nhạy cảm trong HĐTP, làm cho Thị Trưởng John Lampl, người điều khiển cuộc họp hôm 8 Tháng Tám, phải “lúng túng.”
Hôm đó, HĐTP có hai cuộc họp, sơ khởi và chính thức.
Video của thành phố cho thấy, trong cuộc họp sơ khởi, Nghị Viên Vân Trần muốn đưa việc quyết định ngôn ngữ trên lá phiếu vào nghị trình cuộc họp chính thức để các thành viên bỏ phiếu, nhưng bị ông Lampt từ chối, nói rằng quy định đòi hỏi phải có ba trong tổng số bốn nghị viên HĐTP đồng ý thì mới được đưa vào.
Nữ nghị viên gốc Việt hỏi thêm: “Quy định nào đòi hỏi phải có ba người, xin ông cho biết?”
Vị thị trưởng nói loanh quanh một hồi rồi “quên” luôn.
Khi ra buổi họp chính thức, Nghị Viên Vân Trần một lần nữa đưa đề nghị vào nghị trình để HĐTP bỏ phiếu quyết định, ông Lampl không chịu, nói là cuối cuộc họp sẽ đưa vào.
Tuy nhiên, vào cuối cuộc họp, Nghị Viên Dorothy Dean bất ngờ đưa ra đề nghị giống của Nghị Viên Vân Trần, nhưng thay vì để HĐTP bỏ phiếu quyết định, bà “chuyển” sang đề nghị HĐTP quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 7 Tháng Mười Một để cho cử tri quyết định, và trên lá phiếu sẽ ghi “Thành phố Morrow có nên sử dụng nhiều ngôn ngữ trên phiếu bầu trong tương lai? Đồng ý hoặc không đồng ý?”
Sau đó, Thị Trưởng Lampl kêu gọi bỏ phiếu, và cả bốn nghị viên HĐTP đồng ý.
Khi được hỏi tại sao nghị viên từng chống đề nghị này bây giờ lại “quay xe,” Nghị Viên Vân Trần nói: “Có lẽ bà thấy nhiều người Việt Nam có mặt trong phòng họp hôm đó. Ngoài ra, sau khi bà phát biểu mang tính kỳ thị hồi Tháng Bảy, có tới bốn thượng nghị sĩ và 22 dân biểu tiểu bang Georgia viết thư chỉ trích bà. Riêng Dân Biểu Long Trần, đại diện Địa Hạt 80, cũng đưa ra một tuyên bố riêng chỉ trích nghị viên này.”
Vị nữ nghị viên gốc Việt cho biết thêm cô đang tìm hiểu thêm luật liên bang liên quan đến bầu cử để bảo vệ cộng đồng Việt Nam, đó là, trong trường hợp thành phố Morrow, liệu Đạo Luật Bầu Cử có bắt buộc phải in nhiều ngôn ngữ trên lá phiếu trong lúc cư dân gốc thiểu số ngày càng tăng. Nếu điều này đúng, thì thành phố phải thực hiện, không cần HĐTP phải quyết định hoặc phải trưng cầu dân ý.
Theo luật bầu cử hiện hành của Mỹ, nếu một thành phố có số cư dân gốc thiểu số đạt một tỉ lệ nào đó đủ theo quy định, thì địa phương đó bắt buộc phải in ngôn ngữ của nhóm cử tri này trên phiếu bầu.
Thành quả đấu tranh cộng đồng
Nghị Viên Vân Trần kể với nhật báo Người Việt, để có được thành quả, dù khiêm tốn, như hôm 8 Tháng Tám, là một nỗ lực rất lớn của cộng đồng Việt Nam.
“Trước hết, tôi phải cảm ơn Dân Biểu Long Trần đã đồng hành cùng cộng đồng ngay từ đầu. Ngoài ra, xin cảm ơn những thiện nguyện viên làm việc không ngừng nghỉ, đi gõ cửa từng nhà vận động, các nhà hảo tâm tặng áo thun có in khẩu hiệu vận động, làm các poster cắm nhiều nơi, và các tổ chức cộng đồng, các tổ chức bất vụ lợi, đã cùng làm việc với cộng đồng để có kết quả ngày hôm nay, dù mới chỉ được nửa đường.”
Nghị Viên Vân Trần kể thêm: “Trong cuộc vận động này, có một bác Lê Bá Quới, 89 tuổi, luôn có mặt khi chúng tôi và các sinh viên xin chữ ký cho thỉnh nguyện thư đòi in nhiều ngôn ngữ trên lá phiếu, và đi gõ cửa nhà cư dân.”
“Tôi nhớ khoảng cuối Tháng Bảy, hôm đó là tối Chủ Nhật, tôi có đến một gia đình Việt Nam xin chữ ký. Khi đến nơi, họ cho biết bác Quới đã đến xin chữ ký rồi. Tôi ngạc nhiên vô cùng. Sau này tôi hỏi bác tại sao tối rồi bác vẫn đi, bác trả lời: ‘Vì lòng tự hào dân tộc đó con.’ Tôi nghe xong rơi nước mắt,” nữ nghị viên gốc Việt kể.
Nghị viên này cho biết thêm, nhiều hôm, các thiện nguyện viên còn gọi điện thoại cho cô hỏi: “Hôm nay có đi lấy chữ ký không?”
“Thật ra, chúng tôi không có tiền để mướn người đi xin chữ ký như các cuộc vận động chính trị khác, nhưng nhờ lòng nhiệt thành của cộng đồng mà có được như ngày hôm nay,” nữ nghị viên chia sẻ.
Cô kêu gọi: “Như tôi nói, chúng ta mới chỉ đi được nửa đoạn đường. Trong nửa còn lại, tôi hy vọng mọi người tiếp tục ủng hộ và vận động mọi người đi bầu trong ngày 7 Tháng Mười Một để chúng ta đạt được phần còn lại. Đó là trên lá phiếu bầu phải có nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt.”
Nhiều tổ chức ủng hộ và vận động
Cuộc đấu tranh của cộng đồng người Việt ở Morrow có sự ủng hộ của nhiều tổ chức như Hiệp Hội Người Châu Á-Thái Bình Dương (AAPI) ở Georgia, Liên Đoàn Dân Quyền Mỹ (ACLU) ở Georgia, Asian American Legal Defense and Education Fund (AALDEF), Georgia Asian Pacific American Bar Association (GAPABA), GAGEO, Georgia Association of Black Women Attorneys, Gate City Bar Association Georgia, Hispanic Bar Association, Clayton County Democrats, Vietnamese American Association of Georgia, Vietnamese Women Community of GA, VAC-GA,…
Các tổ chức này cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ các cộng đồng thiểu số trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.
Cô Victoria Huỳnh, sáng lập viên AAPI Georgia và là một nhà hoạt động cộng đồng 15 năm qua, cho nhật báo Người Việt biết: “Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp tục trợ giúp và ủng hộ các cộng đồng thiểu số ở Morrow, cụ thể là cộng đồng Việt Nam.”
“Đây là thành công, nhưng phải được tiếp tục để hoàn thành. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bằng cách đi gõ cửa nhà cư dân, bằng texting qua điện thoại di động, khuyến khích mọi người đi bầu, xuất hiện trên các cơ quan truyền thông để quảng bá sự việc…,” cô Victoria cho biết.
Cô cho biết thêm: “Chúng tôi cũng sẽ mở những buổi thảo luận, thông tin, thông báo những vị trí nào trống trong chính quyền, khuyến khích người Mỹ gốc thiểu số ra ứng cử, đi bầu, để chúng ta có tiếng nói trong tiến trình soạn thảo chính sách ảnh hưởng đến đời sống người dân.”
“Mục tiêu trước mắt của chúng tôi là vận động cử tri đi bầu bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 7 Tháng Mười Một,” cô Victoria kết luận.