HIẾU CHÂN
Jack Ma (马云, Mã Vân, Mã = ngựa) – tỷ phú công nghệ Trung Quốc nhờ sao chép và vận dụng một phiên bản thương mại điện tử Amazon ở châu Á – đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn hai tháng qua sau khi ông có lời nói xúc phạm chế độ Trung Quốc. Sự vắng mặt khó hiểu của Mã đang gây đồn đoán sôi nổi trên mạng và trong giới kinh doanh về cách đối xử của chính quyền Trung Quốc với những người có ý kiến khác, dù đó là người có ảnh hưởng lớn như Mã.
Jack Ma – nhà sáng lập và điều hành tập đoàn Alibaba Group – là một trong những doanh nhân thành công và thẳng thắn nhất Trung Quốc. Trong một bài phát biểu dậy sóng ở Thượng Hải hồi tháng 10, ông đã ví hệ thống ngân hàng quốc doanh của nước này như những tiệm cầm đồ và chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính là “câu lạc bộ của các ông già lú lẫn”. Từ đó ông kêu gọi cải tổ hệ thống ‘kìm hãm sự đổi mới kinh doanh’ và cho rằng, các doanh nghiệp “không sợ những quy định quản lý [của nhà nước] mà chỉ sợ các quy định lỗi thời, lạc hậu”.
Những ý kiến chỉ trích của Mã Vân đã làm cho chính phủ Trung Quốc tức giận, họ coi những phát biểu công khai của Mã là một cuộc tấn công vào quyền lực của Đảng Cộng sản. Ngay sau đó, Bắc Kinh có những hành động trấn áp bất thường các hoạt động kinh doanh của Mã.
Vào tháng 11, các quan chức Bắc Kinh đã ‘hạ bệ’ Mã và đình chỉ vào phút cuối đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỷ USD của Tập đoàn tài chính Ant – tập đoàn con của Alibaba – theo chỉ thị trực tiếp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo tin của báo Wall Street Journal.
Sau đó, họ khuyên Mã Vân không nên rời khỏi Trung Quốc trong lúc chính quyền mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Tập đoàn Alibaba Group Holding của Mã, công bố vào đêm trước lễ Giáng sinh. Bắc Kinh cũng yêu cầu công ty công nghệ tài chính Ant Group của Ma thu hẹp quy mô hoạt động. Ant Group khởi thủy có tên Alipay, là công ty hỗ trợ khách hàng thanh toán tiền mua sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Alibaba, phát triển lên thành một tập đoàn tài chính có dịch vụ cho vay và nhận tiền gửi của khách, cạnh tranh trực tiếp với hệ thống ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc. Năm 2018, Ant Group có giá trị thị trường khoảng 150 tỷ USD, tăng gấp đôi lên 300 tỷ USD khi chuẩn bị IPO vào tháng 11 vừa qua. Hiện Ant Group bị các cơ quan quản lý tài chính của Bắc Kinh gây sức ép buộc công ty phải từ bỏ dịch vụ cho vay và nhận tiền gửi, quay trở về với chức năng ban đầu là hỗ trợ thanh toán thương mại điện tử.
Sau vụ này, Mã đã biến mất một cách bí ẩn khỏi chương trình truyền hình “Thách thức Anh hùng Kinh doanh châu Phi” dàn dựng theo phong cách trò chơi Hang Rồng (Dragons’ Den) của Sony Pictures. Tại Trung Quốc, chương trình truyền hình này do Alibaba tài trợ và dàn dựng, trận chung kết được tổ chức vào tháng 11-2020 nhưng ngay trước trận chung kết, Jack Ma đã bị xóa tên và ảnh khỏi trang web của hội đồng giám khảo chương trình. Người phát ngôn của Alibaba nói với báo Financial Times rằng Mã không còn là thành viên hội đồng giám khảo ‘do xung đột lịch trình làm việc’ dù chỉ vài tuần trước đó, Mã đăng tweet nói rằng ông ‘nóng lòng’ được gặp các thí sinh. Kể từ đó, không có hoạt động nào trên ba tài khoản Twitter của Jack Ma dù trước đây các tài khoản này thường đăng năm, sáu tweet mỗi ngày.
*
Đảng Cộng sản Trung Quốc có thành tích hành động tàn nhẫn đối với những người chỉ trích họ trong nội bộ. Hồi tháng Ba, một ông trùm bất động sản – ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) cũng đã biến mất sau khi ông ta gọi Chủ tịch Tập là ‘gã hề’ vì đã xử lý cuộc khủng hoảng coronavirus. Bạn bè của Nhậm không thể liên lạc với ông ta và sáu tháng sau ông ta bị kết án 18 năm tù giam, bị khai trừ khỏi đảng, sau khi ông ta ‘tự nguyện và trung thực thú nhận’ về nhiều tội danh tham nhũng.
Trước đó, vào năm 2017, Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), một tỷ phú tài chính, đã bị bắt cóc từ một khách sạn ở Hồng Kông và đưa về Trung Quốc lục địa. Ông ta được cho là vẫn bị quản thúc tại gia hơn ba năm qua và không có thông tin chính thức về vị trí của ông ta hiện nay.
*
Cuộc điều tra chống độc quyền đối với tập đoàn Alibaba Group đã khiến cổ phiếu của Alibaba giảm một phần tư so với mức đỉnh khi Mã phát biểu vào tháng 10, làm cho giá trị cổ phiếu mà Mã nắm giữ bị bốc hơi hơn 10 tỷ USD. Với vụ thất thoát này, Mã rơi xuống vị trí thứ ba trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc, sau Hoàng Tranh (Colin Huang) ông chủ của mạng thương mại điện tử Pinduoduo, và Mã Hóa Đằng (Pony Ma Huateng), ông chủ tập đoàn Tencent Holdings. Theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, Jack Ma hiện có tài sản ròng ước tính là 63,1 tỷ USD.
Mặc dù là một trong những doanh nhân thành công nhất của Trung Quốc, ông Mã ngày càng mâu thuẫn với chế độ Bắc Kinh vì ông theo đuổi một nền kinh tế mở và định hướng thị trường, giảm sự can thiệp của nhà nước. Cho đến gần đây, Mã được coi là người dẫn đầu phong trào tạo ra sự giàu có bằng cách giải phóng các lực lượng thị trường trong một khuôn khổ cộng sản được kiểm soát chặt chẽ.
Nhưng sự kiện các cơ quan quản lý Trung Quốc ngăn chặn tập đoàn Ant của Mã chào bán cổ phần trên thị trường chứng khoán được coi là hành động trả đũa bài phát biểu dậy sóng của Mã tại Thượng Hải hồi tháng 10. Theo nhiều nhà phân tích, bằng việc ra đòn với Mã và đế chế kinh doanh của ông ta, ông Tập Cận Bình muốn chứng tỏ cho Mã và các ông trùm kinh doanh mới nổi thấy ai mới thực sự là người nắm quyền lực ở Trung Quốc. Nói chung, ở các nước độc tài cộng sản, giới kinh doanh cứ cúi mặt lo làm ăn, đừng phô trương tài sản và nhất là đừng có những lời nói, hành động phản biện, phản đối các nhà lãnh đạo chính trị thì sẽ được yên ổn, ngược lại sẽ có những biện pháp trừng phạt, thậm chí có thể bị tống vào tù và tịch biên gia sản như trường hợp ông Nhậm Chí Cường.
Với ông Mã Vân, dù ông đã “biệt tích” hai tháng nay nhưng chưa có thông tin chính thức nào cho biết ông đã bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản hay chưa, và cũng không có dấu hiệu cho thấy ông bị ngược đãi về tinh thần hay thể xác. Dù sao, trường hợp “thất sủng” bất ngờ của Mã cũng là tấm gương mà giới doanh nhân Trung Quốc đang chăm chú theo dõi hoặc để tránh hoặc để biết khi nào thì tới lượt mình.