CÁT LINH
Chỉ sau một đêm, cái tên Nguyễn Hồng Nhung nổi lên như một ngôi sao trong bầu trời showbiz. Hình ảnh của cô trong những chuyến du lịch, những cuộc vui được chia sẻ cùng…sự tức giận. Sự tức giận của cộng đồng mạng!
Tấm ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hai tay ôm lấy gương mặt, dáng vẻ mệt mỏi, cặp kính cận thường nhật nằm chỏng chơ trên bàn, đã lan truyền khắp mạng xã hội vào rạng sáng thứ Bảy, 7-3.
Không phải ngẫu nhiên mà tấm ảnh này trở nên nổi tiếng. Bởi vì, đó là tấm ảnh ông Đam đang trực chiến đêm 6-3, được gửi đi cùng lúc với công bố của Ban Chỉ đạo phòng chóng dịch Hà Nội về ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở thủ đô, và là ca thứ 17 ở Việt Nam.
Con số “vàng” 16 không còn
Hà Nội đã chính thức công ca nhiễm Covid-19 đầu tiên sau hơn “hai tháng giữ gìn cẩn trọng”, theo cách tường thuật của báo Thanh Niên trong bản tin đầu tiên về ca nhiễm (Nóng: Hà Nội có ca dương tính với Covid-19 đầu tiên).
Cũng chính vì “hai tháng giữ gìn cẩn trọng” đó, mà ông Vũ Đức Đam phải ôm mặt thất vọng cùng dáng vẻ vô cùng cay đắng? Mới vài ngày trước, chính ông đã tuyên bố: “Nếu một tuần nữa không có ca nhiễm mới, Việt Nam tuyên bố hết dịch”.
Tất cả những công sức của ông và Ban Chỉ đạo phòng chóng dịch Covid-19 đã cố gắng trong mấy tháng qua đã bị bệnh nhân thứ 17 dập tắt trong vòng…”một nốt nhạc”.
Bệnh nhân thứ 17 đã tát một gáo nước lạnh vào ông Đam!
Không phải chỉ một mình ông Vũ Đức Đam thất vọng. Báo Thanh Niên tường thuật, trong buổi họp khẩn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nói: “N.H.N biết mình có khả năng bị nhiễm bệnh Covid-19 nên đã chủ động không tiếp xúc với mọi người, nhưng không chủ động khai báo với nhà chức trách. Kết quả là hàng trăm người và cả cộng đồng đang bị đặt trong tình trạng nguy hiểm.”
Cộng đồng đây là đoạn phố Trúc Bạch từ nhà số 125 (nơi tạm trú của bệnh nhân thứ 17) đến nhà 139 đã được cách ly hoàn toàn. Hình ảnh và tin tức do VnExpress đăng tải cũng cho thấy hàng rào chắn được lập ra đoạn phố từ Trúc Bạch đến Châu Long. Bên cạnh đó, nhiều người dân khuân tải đồ đạc rời đi.
Tài khoản Facebook Tấnn Được ghi nhận: “Nhiều người dân ở gần khu phố như Trúc Bạch, Ngũ Xã, Châu Long…tranh thủ rời đi ngay trong đêm. Vì nếu mai có lệnh cách ly thì sẽ không thể ra khỏi khu vực.”
Cộng đồng cũng là bệnh viện Hồng Ngọc, Ba Đình, Hà Nội, nơi người này đến khám vào ngày 5-3 khi bị sốt 38 độ C và có những triệu chứng của virus corona. Bệnh viện cũng đã được phun khử trùng toàn bộ và cách ly 18 y bác sĩ, nhân viên của viện.
Cộng đồng đây cũng là chuyến bay VN 0054 với 201 hành khách, bốn phi công và 12 tiếp viên. Những người này đang được kiểm soát, xét nghiệm.
Theo những gì báo chí đưa tin đến thời điểm này, những người từng tiếp xúc với bệnh nhân 17 là tám người, gồm: bố và bác bệnh nhân, năm người tạp vụ và một lái xe riêng. Tại Bệnh viện Hồng Ngọc, có 17 người tiếp xúc với bệnh nhân.
Hiện tại sức khỏe của những người này đều bình thường, không ai có biểu hiện sốt, ho, theo tường thuật từ truyền thông trong nước.
Chưa thể biết một, hai, ba hay một tuần nữa, những người đó (và những người liên quan khác) có bị lây nhiễm hay không? Nhưng hiện tại, bệnh nhân thứ 17 đã xoá nát con số 16 lý tưởng mà Việt Nam tự hào mấy tháng qua.
Giữa lúc các quốc gia trên thế giới “toang” vì số ca nhiễm và tử vong tăng từng giờ, vì Việt Nam vẫn cứ là 16. Con số “vàng” 16 đã làm cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) nhờ Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch.
Bệnh nhân thứ 17 là ai?
Báo chí trong nước tuy đưa tin về vụ nhiễm virus corona thứ 17 ở Việt Nam khá chi tiết. Tuy nhiên, điều mà hàng loạt tờ báo lớn đã không đề cập đến, đó là bệnh nhân thứ 17 là ai?
“Một bệnh nhân nữ 26 tuổi, nghề nghiệp quản lý chung cư mini; có địa chỉ tại phố Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội. Người này đã đi du lịch đến Anh, Ý, và qua Pháp để về Việt Nam.” Đó là tất cả những chi tiết do báo chí trong nước đề cập.
Nhưng, truyền thông mạng đã nhanh chóng làm đúng sứ mệnh của nó.
Theo Facebook Kim Long Huynh Khanh, bệnh nhân thứ 17 Nguyễn Hồng Nhung chính là “ái nữ của chủ tịch Thành, tập đoàn thép Việt Nhật”. Lộ trình du lịch của cô Nguyễn Hồng Nhung càng được rõ ràng hơn qua các “nhà báo mạng”.
Ngày 15-2, cô tiểu thư xuất ngoại, chu du đến trời Tây, từ xứ sở sương mù (Anh quốc) cho đến Milan hoa lệ, tỉnh Lombardy (ngày 18-2). Cô có biết đâu, Lombardy đang là nơi có số ca tử vong do nhiễm Covid-19 cao nhất Ý Đại Lợi, 34 người chết.
Chưa hết, sau đó cô sang nước Pháp lãng mạn để gặp chị gái của mình. Người chị gái này hiện cũng đang bị nhiễm Covid-19.
Trở về nước, dù biết mình có triệu chứng của coronavirus, nhưng bằng cách nào đó, cô tiểu thư đã thoát được cổng kiểm soát, đo thân nhiệt ở phi trường. Cô cũng không khai báo. Truyền thông thì đưa tin cho biết “cô đã tự cách ly khi về nhà.”
Cơn thịnh nộ của cộng đồng mạng
Chóng vánh một đêm, cái tên Nguyễn Hồng Nhung nổi lên như một ngôi sao trong bầu trời showbiz. Hình ảnh của cô trong những chuyến du lịch, những cuộc vui được chia sẻ cùng…sự tức giận. Sự tức giận của cộng đồng mạng!
Rồi cũng rất nhanh chóng, chỉ một giờ sau công bố của báo chí, cộng đồng mạng đã tìm được tài khoản cá nhân của người này và chửi bới. Ghi nhận của Zing cho biết “hàng nghìn người đã bình luận vào các bài đăng của người được cho là N.H.N. Bức ảnh gần nhất của tài khoản trên được đăng cách đây 2 ngày tại London, Anh. Hiện bức ảnh nhận được 14.000 bình luận từ cộng đồng mạng.“
Đến lúc này, khi truyền thông trong nước vẫn rất “nhẹ nhàng” với cách gọi bệnh nhân N.H.N, thì ngược lại, người dùng mạng xã hội thẳng tay tấn công vào các tài khoản mạng xã hội của cô gái được cho là Nguyễn Hồng Nhung gồm Instagram (hiện có 15.000 người theo dõi) và Facebook. Chỉ trong một giờ, Instagram này tăng gần 10.000 lượt theo dõi mới.
Đây là lúc quyền lực vô đối của mạng xã hội thể hiện sức mạnh của nó. Cộng động mạng đã chỉ trích hành động của cô gái này là “ích kỷ, thiếu trách nhiệm.” Hẳn nhiên, không thiếu những lời nói nặng nề, mang đậm “bản năng” của mạng xã hội.
Chắc chắc không phải chỉ một mình ông Vũ Đức Đam thất vọng. Cả nước Việt Nam lo lắng vì bệnh nhân thứ 17. Cộng đồng mạng đang sử dụng quyền lực vô đối của họ. Quyền lực này không dùng để chỉ trích người nhiễm bệnh, mà nó được dùng để bày tỏ sự phẫn nộ về một cách sống thiếu trách nhiệm. Người dân có quyền phẫn nộ, như cô gái kia “có quyền tự cách ly” mà không khai báo thật tình trạng sức khoẻ của mình.
Sau khi đẩy Nam Hàn vào ổ dịch lớn nhất Châu Á ngoài Trung Quốc, bệnh nhân thứ 31 của Nam Hàn đã chia sẻ: “Tôi rất đau lòng và lấy làm tiếc khi đã đi ra ngoài khiến dịch bệnh lây lan. Tôi mong mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa”. Giáo chủ giáo phái Tân Thiên Địa phải hai lần quỳ gối rạp đầu xin quốc gia tha thứ.
Nam Hàn đã “thất thủ” vì bệnh nhân thứ 31, đến nay có 6.593 ca nhiễm, 42 ca tử vong. Lẽ dĩ nhiên, tất cả chúng ta, không ai mong muốn những con số tiếp nối số 17 xuất hiện sau đêm nay, ở Việt Nam!