Một bài tường thuật độc quyền của báo The Newsweek ra ngày 2-6-2021 ghi nhận những nỗ lực âm thầm và bền bỉ của các “điều tra viên” nghiệp dư nhằm thu thập những thông tin bí mật liên quan tới vai trò của Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán (Wuhan Institute of Virology, WIV) trong sự bùng phát đại dịch COVID-19.
Bài liên quan:
- Francis Fukuyama: Tin vào khoa học?
- Truy tìm nguồn gốc virus COVID-19, chẳng đi đến đâu!
- Loạt bài về nguồn gốc Coronavirus trên Sài Gòn Nhỏ
Cho đến nay, có hai giả thuyết chính về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19: giả thuyết “tự nhiên” cho rằng virus từ động vật, có thể là từ loài dơi, truyền sang con người qua những tiếp xúc ngẫu nhiên nào đó; và giả thuyết “phòng thí nghiệm” cho rằng virus được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, có thể ở WIV, bị rò rỉ ra cộng đồng do một tai nạn nghề nghiệp. Chưa thể xác định giả thuyết nào là đúng, nhưng sau khi đại dịch hoành hành suốt 18 tháng, cướp đi sinh mạng của 3,7 triệu người và làm tê liệt hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội toàn thế giới, thì công luận đã bắt đầu nghiêng về hướng giả thuyết “phòng thí nghiệm” và đòi hỏi có một cuộc điều tra quốc tế độc lập, khách quan và không bị chính trị chi phối để xác định nguồn gốc của virus, nhằm đề phòng và ngăn chặn một đại dịch tương tự trong tương lai. Báo Newsweek miêu tả quá trình những “thám tử nghiệp dư” đã góp phần đưa lý thuyết phòng thí nghiệm từ trong bóng tối ra ánh sáng, làm nên sự thay đổi trong công luận…
Trong phần lớn năm ngoái, hầu hết các ý kiến cho rằng đại dịch COVID-19 có thể được kích hoạt bởi một tai nạn trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc, đều bị bác bỏ, bị coi như một thuyết âm mưu phân biệt chủng tộc của cánh hữu. Tờ Washington Post vào đầu năm 2020 đã cáo buộc Thượng nghị sĩ Tom Cotton “quạt lửa từ tàn tro của một thuyết âm mưu đã được các chuyên gia lật tẩy nhiều lần”. CNN đã vào cuộc với bài “Làm thế nào để lật tẩy các thuyết âm mưu coronavirus và thông tin sai lệch từ bạn bè và gia đình.” Hầu hết các tờ báo chính thống khác, từ The New York Times (“lý thuyết bên rìa”) đến NPR (“Các nhà khoa học gỡ bỏ lý thuyết tai nạn trong phòng thí nghiệm”) đều bác bỏ ý kiến về tai nạn trong phòng thí nghiệm. (Newsweek là một ngoại lệ, đưa tin vào tháng Tư năm 2020 rằng WIV đã tham gia nghiên cứu “gia tăng chức năng” (gain of function) và có thể là địa điểm của một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm; các trang Mother Jones, Business Insider, NY Post và FOX News cũng là những ngoại lệ.) Nhưng trong khoảng một tuần trở lại đây, câu chuyện tai nạn phòng thí nghiệm đã khiến dư luận xôn xao. Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu tình báo Hoa Kỳ điều tra. Và các phương tiện truyền thông chính thống, với một sự trở mặt đáng kinh ngạc, đang coi khả năng này có mức độ nghiêm trọng chết người.
Lý do cho sự thay đổi thái độ đột ngột là rất rõ ràng: trong nhiều tuần và nhiều tháng sau khi xảy ra đại dịch, đống bằng chứng gián tiếp chỉ tới phòng thí nghiệm Vũ Hán cứ tăng lên cho đến khi nó trở nên quá nghiêm trọng không thể bỏ qua.
Những người chịu trách nhiệm phanh phui các bằng chứng này không phải là nhà báo, điệp viên hay nhà khoa học. Họ chỉ là một nhóm những thám tử nghiệp dư, với rất ít nguồn lực ngoại trừ sự tò mò và sẵn sàng dành nhiều ngày để tìm kiếm manh mối trên internet. Trong suốt thời đại dịch, có khoảng hai chục người đưa tin như vậy, nhiều người ẩn danh, làm việc độc lập từ nhiều quốc gia khác nhau, đã phát hiện ra các tài liệu tối nghĩa, kết hợp thông tin và giải thích tất cả thành các chuỗi bài dài trên mạng Twitter — một loại diễn đàn mở, loại trí tuệ tập thể bao gồm một phần khoa học pháp y, một phần báo chí công dân và hoàn toàn mới. Họ tự gọi mình là DRASTIC (Decentralized Radical Autonomous Search Team Investigating COVID-19) (Nhóm Tìm kiếm Tự trị, Cấp tiến và Phi tập trung Điều tra COVID-19).
Trong một thời gian dài, những khám phá của DRASTIC chỉ gói gọn trong thế giới kỳ lạ của mạng Twitter, chỉ một vài tín đồ mọt sách biết đến. Các thám tử đã nhiều lần rơi vào ngõ cụt, thỉnh thoảng vấp phải các cuộc tranh cãi với các nhà khoa học không đồng ý với cách giải thích của họ, và tạo ra một loạt báo cáo. Dần dần, chất lượng nghiên cứu và sự chặt chẽ trong tư duy của họ đã thu hút một lượng lớn người theo dõi, trong đó có nhiều nhà khoa học và nhà báo chuyên nghiệp.
Nhờ DRASTIC, giờ đây chúng ta biết rằng Viện Virus học Vũ Hán (WIV) đã có một bộ sưu tập lớn các loại coronavirus thu thập được sau nhiều năm lùng sục các hang dơi, và rất nhiều trong số đó — bao gồm cả họ hàng gần nhất được biết đến của virus SARS-CoV- 2 — được lấy từ một hầm mỏ bỏ hoang, nơi có ba người đàn ông chết vì nghi ngờ mắc bệnh giống SARS (bệnh viêm đường hô hấp cấp) vào năm 2012. Chúng ta biết rằng WIV đã tích cực làm việc với các loại virus này, sử dụng các giao thức an toàn không đầy đủ, theo những cách có thể gây ra đại dịch; và phòng thí nghiệm cùng các nhà chức trách Trung Quốc đã cố gắng hết sức để che giấu những hoạt động này. Chúng ta biết rằng những ca bệnh đầu tiên xuất hiện vài tuần trước khi dịch bùng phát tại chợ động vật Hoa Nam (Huanan), nơi từng được cho là điểm xuất phát của dịch.
Tất nhiên, chưa có điều gì chứng minh rằng đại dịch đã bắt đầu từ phòng thí nghiệm Vũ Hán: có thể hoàn toàn không có. Nhưng các bằng chứng mà DRASTIC thu thập được tương đương với cái mà trong pháp lý các công tố viên gọi là “nguyên nhân có thể xảy ra” (probable cause) — là một trường hợp mạnh mẽ, dựa trên bằng chứng, cần phải được điều tra đầy đủ. Vẫn chưa rõ những nỗ lực tốt nhất của Hoa Kỳ và các quốc gia khác để điều tra giả thuyết về vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm, bằng cách này hay cách khác, có bao giờ thu được bằng chứng rõ ràng hay không, khi không có sự hợp tác đầy đủ của Trung Quốc, một sự hợp tác khó mà xảy ra được.
Nhưng nếu họ có được bằng chứng rõ ràng như vậy thì cái nhóm nhỏ, đa dạng những thám tử nghiệp dư này đã có thể làm nên câu chuyện lớn nhất của thế kỷ 21.
Đây là cách họ đã làm chuyện đó.
Sự trùng hợp kỳ lạ
Một người Ấn Độ tự xưng là The Seeker (Người Tìm Kiếm) ở độ tuổi cuối 20, sống ở đâu đó ở miền đông Ấn Độ và sử dụng một tác phẩm nghệ thuật của người thiểu số vùng quê hương Tây Bengal làm ảnh đại diện của mình trên Twitter, anh cho biết qua email. Sự nghiệp của anh là kết hợp giữa kiến trúc, hội họa và làm phim — một khichdi như mẹ và chị gái anh thường gọi – chỉ một món canh hầm gồm nhiều thành phần khác nhau nhưng cho ra một món gì đó lạ lùng và thú vị. Là một người tự học luôn khao khát tìm hiểu, anh ta trở thành một chuyên gia tìm kiếm các ngõ ngách đằng sau mạng internet, xa khỏi những nơi hào nhoáng được Google liệt kê, để tìm thông tin về bất kỳ chủ đề nào anh quan tâm. Anh thường đăng bài trên mạng Reddit, nơi anh đã tích lũy được 750.000 điểm. Đó là tất cả những gì The Seeker tiết lộ với Newsweek qua email và tin nhắn; anh vẫn duy trì tình trạng ẩn danh của mình.
Giống như hầu hết những người theo dõi tin tức khi đại dịch bùng phát, lúc đầu The Seeker tin rằng coronavirus đã truyền từ động vật hoang dã sang con người tại một khu chợ động vật ở Vũ Hán. Anh tin điều đó bởi vì báo chí chính thống đã nói như thế, và báo chí chính thống tin điều đó bởi vì đó là những gì một nhóm các nhà khoa học đã nói.
Đứng đầu trong số các nhà khoa học này là một nhà sinh vật học tên là Peter Daszak, chủ tịch của EcoHealth Alliance, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, điều hành một chương trình quốc tế lớn để khảo sát các mầm bệnh trong tự nhiên có khả năng gây ra đại dịch. Tiến sĩ Daszak đã cộng tác trong nhiều năm với tiến sĩ Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), giám đốc Viện Virus học Vũ Hán và là một nhà virus học nổi tiếng về loài dơi. Daszak cùng với Thạch là đồng tác giả của gần chục bài báo và nhận được ít nhất 600.000 đô la tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ cho nghiên cứu của bà ấy.
Đại dịch bùng phát ngay trước cửa một phòng thí nghiệm có bộ sưu tập coronavirus lớn nhất thế giới làm dấy lên suy đoán rằng WIV có thể có liên quan. Khi ấy Daszak và 26 nhà khoa học khác đã ký vào một lá thư đăng trên tờ The Lancet vào ngày 19 tháng 2 năm 2020. “Chúng tôi cùng nhau lên án mạnh mẽ các thuyết âm mưu cho rằng COVID-19 không có nguồn gốc tự nhiên,” bức thư nêu rõ.
Bây giờ, nhờ Đạo luật Tự do Thông tin (Freedom of Information Act), chúng ta biết Daszak đã dàn dựng ra bức thư để dập tắt cuộc bàn luận về một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Ông ta đã soạn thảo nó, liên hệ với các nhà khoa học đồng nghiệp mời họ ký tên và làm việc ở hậu trường để làm cho bức thư có vẻ như là đại diện cho quan điểm của nhiều nhà khoa học.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, không có gợi ý nào về vai trò tổ chức của Daszak. Bức thư đã giúp Daszak hiện diện khắp nơi trên các phương tiện truyền thông, nơi mà ông ta gọi lý thuyết về một vụ rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “vô lý”, “vô căn cứ” và “thuần túy vớ vẩn.” Ông ta cũng tấn công các nhà khoa học đã công bố những bằng chứng chỉ tới phòng thí nghiệm. Ông ta lập luận rằng một phần lý do khiến lý thuyết phòng thí nghiệm không có ý nghĩa là vì Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán không nuôi cấy bất kỳ loại virus nào tương cận với virus SARS-CoV-2. (Daszak chưa trả lời yêu cầu bình luận của Newsweek.)
Trong một thời gian dài, Daszak có ảnh hưởng đáng kinh ngạc. Rất ít phương tiện truyền thông đặt câu hỏi về bản thân ông ta hoặc chỉ ra rằng sự nghiệp và tổ chức của ông ta sẽ bị tổn hại sâu sắc nếu chứng minh được công việc của ông đã gián tiếp đóng một vai trò nào đó trong vụ bùng phát đại dịch. Đồng phạm không mong đợi của ông ta là Donald Trump, người đã chấp nhận lý thuyết phòng thí nghiệm, biến những gì đáng lẽ phải là một câu hỏi khoa học thành một vấn đề chính trị.
Khi chính quyền Trump hủy bỏ các hợp đồng với EcoHealth Alliance, vốn đã chi hàng triệu đô la cho công việc nghiên cứu virus mới, chương trình 60 Minutes (của đài CBS News) đã chạy một đoạn phim vẽ ra Daszak như một thánh tử đạo do bộ máy âm mưu của cánh hữu. Đối với những người có tư duy đúng đắn ở khắp mọi nơi, đó có vẻ như là một cách nói dễ hiểu: Kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn của tôi: do đó, lý thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là trò nhảm nhí.
Một cuộc kiểm duyệt
Vào đầu năm 2020, The Seeker bắt đầu đặt câu hỏi về quan điểm đó. Anh bắt đầu tiếp xúc với những người đang chọc thủng lỗ hổng của trí tuệ thông thường.
Một phần thông tin quan trọng là một bài đăng trên mạng Medium của doanh nhân người Canada Yuri Deigin thảo luận về RaTG13 – một chủng virus mà Thạch Chính Lệ đã tiết lộ với thế giới trong một bài báo ngày 3 tháng Hai trên tạp chí Nature. Trong bài báo đó, Thạch trình bày phần mở rộng đầu tiên về virus SARS-CoV-2, dường như không biết từ đâu đến — loại virus này không giống bất kỳ loại virus nào đã từng thấy trước đây, kể cả virus gây bệnh SARS đầu tiên đã giết chết 774 người từ năm 2002 đến năm 2004. Tuy nhiên, trong bài báo của mình, bà Thạch cũng đã giới thiệu RaTG13, một loại virus có cấu tạo di truyền tương tự như SARS-CoV-2, khiến nó trở thành họ hàng gần duy nhất của SARS-CoV-2 được biết đến vào thời điểm đó.
Bài báo rất mơ hồ, nó không cho biết chính xác virus RaTG13 đã được tìm thấy ở đâu hoặc khi nào, chỉ biết rằng trước đó nó đã được phát hiện trong một con dơi ở tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Quốc.
Bài báo làm dấy lên nghi ngờ của Deigin. Ông tự hỏi liệu virus SARS-CoV-2 có thể đã hình thành từ một sự pha trộn và kết hợp gen trong một phòng thí nghiệm làm việc với virus RaTG13 hoặc các loại virus có liên quan hay không. Bài đăng của ông là hợp lý và toàn diện. The Seeker đã đăng lại lý thuyết của Deigin lên trang Reddit, và việc đó đã làm cho tài khoản Reddit của anh nhanh chóng bị khóa vĩnh viễn.
Đợt kiểm duyệt ban đầu đó đã khơi gợi trí tò mò của Seeker, vì vậy anh đã tìm đọc thêm các ý tưởng của nhóm Twitter. “Tôi tìm thấy một nhóm người sôi nổi háo hức tranh luận và khám phá đề tài này”, anh nói với Newsweek qua email.
Đó là một nhóm chiết trung, có tư tưởng cởi mở. Trong nhóm có các doanh nhân, kỹ sư và một nhà vi sinh vật học từ Đại học Innsbruck nước Áo tên là Rossana Segreto. Không ai trong số họ quen biết với nhau trước; họ bị thu hút vào diễn đàn sau khi kết luận một cách độc lập rằng sự hiểu biết thông thường về nguồn gốc của COVID-19 là không có ý nghĩa. Các cuộc trò chuyện được theo dõi bởi một điều phối viên khôn ngoan sống ở đâu đó ở Châu Á, người có bút danh là Billy Bostickson và có ảnh đại diện trên Twitter là một bức tranh hoạt hình về một con khỉ bị đánh đập trong phòng thí nghiệm.
The Seeker thấy môi trường của nhóm rất phù hợp. “Họ đã giúp tôi bắt kịp cuộc tranh luận và tôi bắt đầu tự giáo dục bản thân”. Anh bị thúc đẩy một phần bởi tính tò mò, nhưng cũng bởi ý thức ngày càng tăng về nghĩa vụ công dân của mình. “COVID đã cướp đi sinh mạng của vô số người và tàn phá cuộc sống của rất nhiều người khác. Nhưng nó cũng để lại rất nhiều manh mối chưa được theo dõi. Nhân loại xứng đáng có câu trả lời.”
The Seeker và phần còn lại của nhóm ngày càng tin rằng virus RaTG13 có thể nắm giữ chìa khóa cho một số câu trả lời đó. Trong một chủ đề rắc rối, một nửa tá thành viên của nhóm đã tìm cách khám phá ra những bí ẩn, họ lùng sục khắp mạng internet và các tài liệu trước đó của WIV để tìm manh mối.
Nếu có một khoảnh khắc nào đó mà nhóm DRASTIC tập hợp lại từ các bộ phận khác nhau thì đó chính là chủ đề này. Trong thời gian thực, để cho cả thế giới thấy, họ đã làm việc thông qua dữ liệu, thử nghiệm các giả thuyết khác nhau, sửa chữa lẫn nhau và ghi một số lần truy cập trực tiếp.
Các sự kiện quan trọng nhanh chóng kết hợp vào nhau. Trình tự di truyền của virus RaTG13 hoàn toàn khớp với một đoạn mã di truyền nhỏ được đăng tải như một phần của bài báo do Thạch Chính Lệ viết nhiều năm trước, nhưng không bao giờ được đề cập đến nữa. Mã này đến từ một loại virus mà WIV đã tìm thấy trong một con dơi ở Vân Nam. Kết nối các chi tiết quan trọng trong hai bài báo với những câu chuyện cũ, nhóm DRASTIC xác định rằng virus RaTG13 đến từ một hầm mỏ cũ ở huyện Mộ Giang (Mojiang), tỉnh Vân Nam (Yunnan), nơi mà vào năm 2012 sáu người đàn ông xúc phân dơi đã phát bệnh viêm phổi cấp. Ba người trong số họ đã chết. DRASTIC tự hỏi liệu sự kiện đó có đánh dấu những trường hợp đầu tiên con người bị nhiễm tiền chất của virus SARS-CoV-2 hay không — có lẽ là virus RaTG13 hoặc loại tương tự như vậy.
Trong hồ sơ đăng trên tạp chí Scientific American, Thạch Chính Lệ thừa nhận đã làm việc trong một hầm mỏ cũ ở huyện Mộ Giang, nơi những người thợ mỏ đã chết. Nhưng bà ta tránh kết nối việc đó với virus RaTG13 mà cho rằng một loại nấm trong hang đã giết chết những người khai thác.
Giải thích đó không phù hợp với nhóm DRASTIC. Họ nghi ngờ một loại virus giống virus SARS, không phải một loại nấm, đã giết chết các thợ mỏ và vì lý do gì đó mà WIV đã cố gắng che giấu sự thật. Đó là một linh cảm và họ không có cách nào để chứng minh điều đó.
Tại thời điểm này, The Seeker tiết lộ khả năng nghiên cứu của mình cho cả nhóm. Trong những lần khám phá trực tuyến của mình, anh đã phát hiện ra một cơ sở dữ liệu khổng lồ của Trung Quốc gồm các tạp chí học thuật và luận án được gọi là kho dữ liệu CNKI (China National Knowledge Infrastructure, 中国知网). Bây giờ anh tự hỏi liệu ở đâu đó trong kho tàng rộng lớn của CNKI có thể có thông tin về những người thợ mỏ bị bệnh hay không.
Làm việc suốt đêm trên chiếc bàn cạnh giường ngủ đặt điện thoại và máy tính xách tay, được tiếp sức bằng nước trà và sử dụng các ký tự Trung Quốc với sự trợ giúp của phần mềm dịch thuật Google Translate, anh đã nhắm tới Mộ Giang – địa phương có khu mỏ bỏ hoang – và kết hợp nó với mọi từ khác mà anh nghĩ có thể có liên quan, dịch ngay lập tức mỗi loạt kết quả mới sang tiếng Anh. Anh tìm kiếm “Mộ Giang + viêm phổi”; “Mộ Giang + WIV”; “Mộ Giang + dơi”; “Mộ Giang + SARS”… Mỗi lần tìm kiếm mang về hàng nghìn kết quả và nửa tá cơ sở dữ liệu khác nhau về các tạp chí, sách, báo, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Anh đã xem xét các kết quả này, đêm này qua đêm khác, nhưng chưa bao giờ tìm thấy bất cứ điều gì hữu ích. Khi cạn kiệt năng lượng, anh lao vào các trò chơi điện tử và uống nhiều chai nước trà hơn.
Anh cho biết, vào lúc anh đang trên bờ vực sắp bỏ cuộc thì anh nhặt được vàng: một luận án thạc sĩ dài 60 trang của một sinh viên Đại học Y khoa Côn Minh (Kunming) viết vào năm 2013 có tiêu đề “Phân tích 6 bệnh nhân bị viêm phổi nặng gây ra bởi các loại virus không xác định”. Bằng các chi tiết đầy đủ, nó mô tả tình trạng và cách xử lý từng bước bệnh tình của các thợ mỏ. Nó chỉ ra thủ phạm bị nghi ngờ: “Do [coronavirus] giống SARS từ dơi móng ngựa Trung Quốc hoặc các loài dơi khác gây ra.”
The Seeker đã lặng lẽ ghi lại liên kết vào ngày 18 tháng 5 năm 2020, sau đó anh đi tiếp theo luận án thứ hai của một nghiên cứu sinh tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC) Trung Quốc, nó xác nhận nhiều thông tin trong luận án đầu tiên. Bốn trong số các thợ mỏ đã xét nghiệm dương tính với các kháng thể từ một bệnh nhiễm trùng giống SARS. Và WIV đã khoanh vùng để kiểm tra tất cả các mẫu từ những bệnh nhân này.
(Ngay sau khi The Seeker đăng các luận án này lên mạng, Trung Quốc đã thay đổi cách kiểm soát truy cập vào CNKI để không ai có thể thực hiện tìm kiếm như vậy nữa).
Nếu một loại virus giống SARS đã xuất hiện vào năm 2012, đã được che đậy, và WIV đã cử người quay lại khu mỏ hoang để kiếm thêm mẫu và đưa chúng về Vũ Hán, đó đáng lẽ phải là tin sốt dẻo trên trang nhất của báo chí ngày hôm sau. Nhưng thay vì vậy, không có một bài báo nào xuất hiện trong nhiều tuần. Một vài bài báo đã xuất hiện ở Vương quốc Anh, gồm một bài đăng trên Sunday Times. Các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ đã bỏ qua.
The Seeker thừa nhận: “Tôi chắc chắn đã mong đợi nó sẽ làm nổ tung tất cả các tin tức. Nhưng rồi, sự thiếu quan tâm đến các dữ kiện hoặc suy luận nói chung đã làm tôi ngạc nhiên. Và tôi vẫn bối rối khi thấy rằng ngay cả với tất cả các nguồn lực của họ, báo chí điều tra đang tụt hậu một cách khủng khiếp.”
Trong vòng vài ngày, DRASTIC đã tìm được tọa độ của khu mỏ Mộ Giang bí ẩn, nhưng nó không thu hút sự chú ý của giới truyền thông cho đến cuối năm 2020, khi một cuộc chạy đua đến đó bắt đầu. Nỗ lực đầu tiên là của phóng viên BBC John Sudworth, người đã bị chặn đường bởi xe tải và lính canh. (Sudworth sau đó sớm bị buộc phải rời khỏi Trung Quốc vì bài báo của anh.) Cùng lúc đó hãng tin AP đã cố gắng tiếp cận khu mỏ, nhưng không may mắn hơn các đồng nghiệp BBC. Sau đó, các đội phóng viên từ NBC, CBS, Today và các tờ báo khác cũng bị chặn đường bởi xe tải, cây cối và những người đàn ông tức giận. Một số người nói rằng đi vào khu vực này rất nguy hiểm vì đàn voi hoang dã. Cuối cùng, một phóng viên của tờ Wall Street Journal đã đến được lối vào mỏ bằng xe đạp leo núi, chỉ để bị giam giữ và thẩm vấn suốt năm tiếng đồng hồ. Bí mật của mỏ vẫn còn là bí mật.
Một câu đố Sudoku khổng lồ
Mặc dù tiết lộ về mỏ Mộ Giang vào tháng 5 năm 2020 không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, nó đã thu hút các thành viên mới đến với DRASTIC, nhóm này đã có thể mở rộng việc thu thập thông tin tình báo để bao gồm mọi thứ từ mã di truyền của virus đến các giao thức an toàn của phòng thí nghiệm sinh học. Vào ngày 21 tháng 5 năm 2020, Billy Bostickson đặt tên cho nhóm là “Nghiên cứu DRASTIC” Ông cũng bắt đầu tổ chức nhóm thành các nhóm con để tập trung vào các khía cạnh khác nhau của vụ điều tra. Chẳng bao lâu sau, họ thường xuyên đăng những khám phá khiến cho vai trò của phòng thí nghiệm dường như có nhiều khả năng xảy ra hơn.
Một thành viên quan trọng của nhóm là Francisco de Asis de Ribera, một nhà khoa học dữ liệu ở Madrid, Tây Ban Nha – một người xuất sắc trong việc khai thác các bộ dữ liệu lớn. Trong những năm qua, WIV đã công bố một lượng lớn thông tin về các dự án săn tìm virus của mình ở các cơ sở dữ liệu và định dạng khác nhau. Ribera bắt đầu tập hợp tất cả thành “một câu đố Sudoku khổng lồ”, tìm kiếm những vị trí mà anh có thể điền vào một số chỗ trống, từ từ lắp ráp một bản đồ toàn diện về toàn bộ chương trình nghiên cứu virus của WIV. Anh Ribera và The Seeker tạo thành một đội đáng gờm; The Seeker khai quật những mảnh ghép mới và Ribera lắp chúng vào đúng vị trí.
Ribera chịu trách nhiệm giải một mảnh khác của câu đố RaTG13. Có phải WIV đã làm việc tích cực trên chủng virus RaTG13 trong suốt bảy năm kể từ khi họ phát hiện ra nó hay không? Peter Daszak nói không: họ chưa bao giờ sử dụng virus vì nó không đủ giống với virus SARS ban đầu. “Chúng tôi nghĩ rằng virus đó là thú vị, nhưng không có rủi ro cao”, ông ta nói với trang The Wired. “Vì vậy, chúng tôi đã không làm bất cứ điều gì với nó mà cất nó trong tủ đông.”
Ribera đã bác bỏ lời trần tình đó. Khi một bài báo khoa học mới về di truyền học được xuất bản, các tác giả phải đăng các trình tự di truyền kèm theo lên cơ sở dữ liệu quốc tế. Bằng cách kiểm tra một số thẻ siêu dữ liệu (metadata) đã được WIV tình cờ tải lên cùng với trình tự di truyền của virus RaTG13, Ribera phát hiện ra rằng các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm WIV đã thực sự tích cực nghiên cứu loại virus này vào năm 2017 và 2018 — dù thế nào thì họ đã không cất nó vào tủ đông và quên nó như lời ông Daszak.
Trên thực tế, WIV đã rất quan tâm đến virus RaTG13 và mọi thứ khác đến từ khu mỏ hoang Mộ Giang. Từ câu đố Sudoku khổng lồ của mình, Ribera xác định rằng WIV đã thực hiện ít nhất bảy chuyến đi khác nhau đến khu mỏ, trong nhiều năm, thu thập hàng nghìn mẫu vật. Ribera đoán rằng vào các năm 2012, 2013 công nghệ của họ không đủ tốt để tìm ra loại virus đã giết chết các thợ mỏ, vì vậy họ tiếp tục quay trở lại khu mỏ khi kỹ thuật được cải thiện.
Anh cũng đưa ra một dự đoán táo bạo. Tham khảo chéo các đoạn thông tin từ nhiều nguồn, trong một chủ đề Twitter ngày 1 tháng 8 năm 2020, Ribera đoán rằng một nhóm tám loại virus liên quan đến SARS đã được đề cập ngắn gọn trong một phần ít người biết của một bài báo của WIV thực sự cũng đã đến từ mỏ Mộ Giang. Nói cách khác, họ không chỉ tìm thấy một họ hàng của SARS-CoV-2 trong khu mỏ hoang đó mà đã tìm thấy đến chín chủng virus như vậy. Vào tháng 11 năm 2020, Thạch Chính Lệ đã xác nhận nhiều nghi ngờ của nhóm DRASTIC về hang động Mộ Giang trong một phụ lục cho bài báo gốc của bà ta về virus RaTG13 và trong một cuộc nói chuyện vào tháng 2 năm 2021.
Tất nhiên, lý do duy nhất khiến Ribera phải thực hiện những kỳ công kiểu thám tử Sherlock Holmes như vậy là vì WIV đã không chia sẻ dữ liệu mà các nhà điều tra yêu cầu. WIV duy trì một cơ sở dữ liệu trên trang web với tất cả dữ liệu về virus trong bộ sưu tập của mình, bao gồm nhiều dữ liệu chưa được công bố, nhưng trang đó trên trang web của họ đã bị trống một thời gian. Vào tháng 1 năm 2021, khi được hỏi về cơ sở dữ liệu bị mất, Thạch Chính Lệ giải thích rằng nó đã được lấy ra khỏi mạng trong thời gian đại dịch vì máy chủ web của WIV đã trở thành tâm điểm của các cuộc tấn công trực tuyến. Nhưng một lần nữa, DRASTIC đã chỉ ra lỗ hổng trong lời giải thích này: cơ sở dữ liệu đã bị gỡ xuống vào ngày 12 tháng 9 năm 2019, trước khi bắt đầu đại dịch và trước khi WIV trở thành mục tiêu tấn công mạng.
Các cơ sở dữ liệu khác mang lại những manh mối khác. Trong các đơn xin tài trợ và giải thưởng của WIV, The Seeker đã tìm thấy các mô tả chi tiết về kế hoạch nghiên cứu của WIV, và chúng thật đáng nguyền rủa: Các dự án được thực hiện để kiểm tra khả năng lây nhiễm của các loại virus mới giống SARS mà họ đã đưa vào tế bào người và động vật thí nghiệm, xem chúng có thể đột biến như thế nào khi truyền nhiễm giữa các loài và tái tổ hợp di truyền các mảnh của các virus khác nhau — tất cả đều được thực hiện ở mức độ an toàn sinh học không đầy đủ. Tất cả các yếu tố cho một thảm họa đã có sẵn.
Tất nhiên, đó không phải là bằng chứng cho thấy một thảm họa đã xảy ra. Nếu không có lời khai của nhân chứng, chúng ta có thể không bao giờ có được bằng chứng vững chắc. Nhưng tất cả các bằng chứng mà DRASTIC đều đưa ra cùng một hướng: Viện Virus học Vũ Hán đã dành nhiều năm để thu thập các mẫu coronavirus nguy hiểm, một số trong số đó chưa bao giờ được tiết lộ với thế giới. Họ đang tích cực thử nghiệm những loại virus này để xác định khả năng lây nhiễm sang người cũng như những đột biến nào cần thiết để tăng cường khả năng lây nhiễm đó — có thể với mục tiêu cuối cùng là tạo ra một loại vaccine có thể bảo vệ chúng ta khỏi tất cả các loại virus ấy. Và nỗ lực không ngừng của họ để che đậy điều này ngụ ý rằng có thể đã xảy ra sự cố trong quá trình nghiên cứu của họ.
Đi vào dòng chính
Vào đầu năm 2021, nhóm DRASTIC đã tạo ra nhiều thông tin đến mức không ai có thể theo kịp, thậm chí các nhà nghiên cứu của chính họ cũng không theo kịp, vì vậy họ đã lập ra trang web của riêng mình như một kho lưu trữ, tại địa chỉ www.drasticresearch.org. Trang web chứa đủ các bài báo khoa học, chủ đề Twitter, bản dịch các tài liệu tiếng Trung và liên kết đến các bài báo để khiến cho một người tò mò phải bận rộn trong nhiều tháng.
Càng ngày, những người làm công việc này càng trở thành những nhà báo và nhà khoa học chuyên nghiệp. “Rossana Segreto và Yuri Deigin là những người hùng của tôi”, nhà văn Nicholson Baker, người đã viết một bài tường thuật có ảnh hưởng về lý thuyết “rò rỉ từ phòng thí nghiệm” trên tạp chí New York, nói. “Họ đã đào xới các công trình nghiên cứu, tạo ra những kết nối đầy cảm hứng và khám phá ra những phần quan trọng của câu chuyện cần được kể. Mona Rahalkar và Billy Bostickson cũng vậy. Một cuộc dọn phân khoa học có nguồn gốc từ cộng đồng.”
Nhà báo người Anh Ian Birrell cũng đồng tình. Ông viết trên tờ Unherd: “Không còn nghi ngờ gì nữa, những nỗ lực tập thể của họ … là rất quan trọng trong việc thách thức cả Trung Quốc và các tổ chức khoa học nhằm bảo đảm lý thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm phải được điều tra một cách thích hợp. Thật là hấp dẫn khi thấy trong quá trình điều tra của tôi suốt năm qua, nhóm các nhà hoạt động này – song song với một vài nhà khoa học dũng cảm – đã đưa giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm từ trong bóng tối ra ánh sáng như thế nào.”
Một trong những nhà khoa học đó là Alina Chan, một nhà sinh học phân tử tại Viện Broad của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Harvard, người đã nhận ra giá trị của thông tin mà nhóm DRASTIC tạo ra và bắt đầu giải thích nó cho các nhà khoa học cũng như những người không thuộc giới khoa học bằng những lời giải thích rõ ràng trên Twitter, một việc đã biến cô trở thành ngôi sao giao tiếp khoa học. Chan đã ghi nhận thành tích của cả nhóm trong một chuỗi dài trên Twitter. “Nếu không có các công việc do nhóm DRASTIC thực hiện, tôi thực sự không biết ngày hôm nay chúng ta sẽ ở đâu trong vấn đề nguồn gốc của COVID-19”, cô viết và nói thêm, “Công việc của những người ngoài cuộc này … đã có tác động có thể đo lường được đối với cuộc thảo luận khoa học. “
Cuộc thảo luận khoa học đó đã gia tăng đột biến vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, khi nhà virus học Jesse Bloom của Đại học Washington, một trong những nhà nghiên cứu COVID-19 được kính trọng nhất của đất nước, trở thành nhân vật khoa học lớn đầu tiên công khai hợp pháp hóa những đóng góp của DRASTIC. “Vâng, tôi theo dõi công việc,” ông viết trên Twitter, kích hoạt những chấn động lớn trong cộng đồng khoa học. “Tôi không đồng ý [với] tất cả, nhưng một số phần có vẻ quan trọng và chính xác,” ông Bloom nói, và chỉ ra bài báo của Mona Rahalkar về mỏ Mộ Giang. Sau đó ông Bloom nói thêm rằng trong những ngày đầu của đại dịch, “Tôi nghĩ rằng việc virus rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm là rất khó xảy ra. Nhưng dựa trên những nghiên cứu tiếp theo, bây giờ tôi nói là nó khá hợp lý.”
Các nhà khoa học khác đã gây áp lực buộc Bloom phải thay đổi quan niệm, nhưng ông giữ vững lập trường, và bức tường im lặng bắt đầu sụp đổ. Vào tháng Năm, mười bảy nhà khoa học từ Harvard, Yale, MIT, Stanford và các tổ chức khoa học hàng đầu khác, bao gồm cả Alina Chan, đã tham gia cùng Bloom trong một bức thư trên Science kêu gọi điều tra kỹ lưỡng phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Gần như cùng ngày hôm đó, The Seeker lại gây chấn động. Truy cập vào cơ sở dữ liệu do Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc lưu trữ, anh tìm kiếm tất cả các luận án do Thạch Chính Lệ giám sát. Bùng nổ. Ba lần truy cập. “Tôi đã nhận được nó trong lần truy cập đầu tiên,” anh nói. “Không chắc tại sao không ai khác nghĩ đến điều này trước đây, nhưng tôi đoán không ai tìm kiếm cả.”
Nếu vẫn còn bất kỳ nghi ngờ nào về mô hình lừa dối của WIV, các luận điểm mới này sẽ xóa tan nỗi nghi ngờ. Chúng chỉ ra rằng các nhà nghiên cứu của WIV chưa bao giờ tin một loại nấm đã giết chết các thợ mỏ ở Mộ Giang, mâu thuẫn hoàn toàn với giải thích của Thạch Chính Lệ trên tạp chí Scientific American và những nơi khác. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu của WIV đã rất lo lắng về một đợt bùng phát dịch giống bệnh SARS mới đến mức họ đã xét nghiệm máu của người dân các làng lân cận khu mỏ để tìm các trường hợp khác. Và họ đã biết trình tự di truyền của 8 loại virus giống SARS khác từ khu mỏ — điều này có thể giúp họ hiểu biết thêm về virus SARS-CoV-2 trong những ngày đầu đại dịch — từ rất lâu trước khi đại dịch bắt đầu, và họ đã giữ kín thông tin cho riêng họ cho đến khi bị nhóm DRASTIC lôi ra.
Trong vòng vài ngày kể từ khi có các tiết lộ mới và bức thư trên Science, nhiều học giả, chính trị gia và thậm chí cả các phương tiện truyền thông chính thống đã bắt đầu xem xét một cách nghiêm túc vụ virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm, đỉnh điểm là vào ngày 26 tháng 5 khi Tổng thống Joe Biden ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ “tăng gấp đôi nỗ lực thu thập và phân tích thông tin có thể đưa chúng ta đến gần hơn một kết luận dứt khoát”. Ông Biden hứa rằng “Hoa Kỳ cũng sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác cùng chí hướng trên toàn thế giới để buộc Trung Quốc tham gia vào một cuộc điều tra quốc tế đầy đủ, minh bạch, dựa trên bằng chứng và cung cấp quyền truy cập vào tất cả các cơ sở dữ liệu và chứng cứ liên quan.”
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn lạnh nhạt với đề nghị này. Có thể họ sẽ không bao giờ hợp tác với một cuộc điều tra quốc tế. Nhưng bây giờ rõ ràng, câu hỏi liệu một phòng thí nghiệm sinh học có thể đã gây ra đại dịch này – và sẽ có thể gây ra đại dịch tiếp theo hay không – sẽ được khám phá theo cách có thể không bao giờ có được nếu một nhóm người bên ngoài, cấp tiến và phi tập trung, đã không thách thức thực trạng hiện nay.
Đó là bài học mà The Seeker sẽ không sớm quên. Anh viết cho Newsweek: “Tôi không còn coi khoa học là lĩnh vực độc quyền nữa. Ai cũng có thể tạo nên sự khác biệt.”
Nguồn tham khảo: Exclusive: How Amateur Sleuths Broke the Wuhan Lab Story and Embarrassed the Media (newsweek.com), ngày 2 tháng Sáu 2021.