Có không một thời “Phục Hưng mới” sau Coronavirrus?

Địa ngục trần gian: Bức tranh Chiến thắng của Thần chết của họa sĩ Pieter Bruegel lột tả cảnh hoang tàn và nỗi kinh hoàng sau đại dịch Cái Chết Đen ở châu Âu thời Trung Cổ. (Hình: Sott.net)

TRẦN TUẤN gửi Saigon Nhỏ

Nước Ý hôm 27-3 lại đạt kỷ lục đau buồn khi trong một ngày có tới 969 người chết vì Coronavirus (vượt kỷ lục 793 người chết hôm 21-3). Vậy là chỉ sau năm tuần, dịch bệnh cướp đi hơn 9.000 người dân nước này, cao hơn hai lần số người chết tại nơi khởi phát dịch bệnh là Trung Quốc,… 

Tại sao đại dịch lần này lại chọn nước Ý? Phải chăng thiên mệnh lịch sử một lần nữa lại chọn đất nước này, để mở ra một thời “PHỤC HƯNG MỚI”? 

Đọc lại về đại dịch “Cái Chết Đen” hồi thế kỷ XIV, một trận dịch lớn nhất lịch sử nhân loại cho đến nay, đã giết chết khoảng 75 triệu người trên thế giới, trong đó riêng châu Âu chết 25-50 triệu người (khoảng 30%-60% dân số châu Âu lúc đó).

Đám tang một người dân ý trong đại dịch “Cái chết đen” năm 1338. Hình: Hulton Archive/Getty Images)

Và nước Ý cũng là nơi đầu tiên của châu Âu hứng chịu mầm mống dịch bệnh tràn sang từ châu Á. Khi những chiếc thuyền buôn mang bọ chét và bệnh dịch hạch theo “Con đường tơ lụa” từ Trung Hoa và Trung Á bắt đầu “đổ bộ” xuống Firenze (tức Florence) – thủ phủ vùng Toscana miền Trung nước Ý, cái nôi Phục Hưng của nhân loại. 

Đại dịch “Cái Chết Đen” đã giết chết hơn ½ dân số của thành phố Firenze, từ 120.000 người, chỉ còn sống sót 50.000 người (vào năm 1338). 

Nhưng “Cái Chết Đen” đã góp phần kết liễu thời kỳ Trung cổ, để cho những người con vĩ đại của quê hương Firenze, như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Sandro Botticelli,… thay mặt loài người mở ra một chương mới kỳ vĩ cho lịch sử nhân loại: Thời kỳ Phục Hưng (Rinascimento). 

Leonardo da Vinci, người mà nhân loại không biết chọn danh từ kèm theo tên ông là gì: Họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu, nhà phát minh, triết gia… – tác giả của những bức họa “Mona Lisa”, “Bữa ăn tối cuối cùng”… Còn Michelangelo nghĩ không cần nói thêm.

Mô hình thiết kế xe hơi của danh hoạ Leonardo Da Vinci được trưng bày ở Museum of the History of Science in Florence, Italy. Hình: Giuseppe Cacace/Getty Images.

Từ Firenze, trào lưu Phục Hưng lan rộng ra nước Ý, với những Raffaello, Francesco Petrarca – ông tổ của thơ mới châu Âu, Niccolò Machiavelli – sáng tổ của triết học hiện đại, Leonardo Bruni – sử gia hiện đại đầu tiên, những Leone Battista Alberti, Galileo Galilei,… Phục Hưng sau đó hiện diện ở phần còn lại của châu Âu. 

Nhưng đó là nước Ý thế kỷ XV-XVI khi là trung tâm, là đỉnh cao thế giới, kể cả từ trước đó thời cổ đại với hình ảnh một Đế quốc La Mã oai hùng. Còn giờ đây dù được xem là một quốc gia giàu có, nhưng những bộ óc vĩ đại thiên tài Ý của thời hoàng kim đã “đi vắng” quá lâu. 

Chỉ còn một sự lặp lại của vết xe lịch sử: Ý là quốc gia duy nhất trong số 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) tham gia “Một vành đai–Một con đường” của Trung Quốc. Tham gia một cách sốt sắng. 

“Con đường tơ lụa” xa xưa từng (góp phần) xuất khẩu Cái Chết Đen khủng khiếp đến châu Âu bằng cách “đổ bộ” đầu tiên vào Ý. Nay với version 2 của nó, là “Một vành đai–Một con đường”, liệu có liên quan gì với Coronavirus ở Ý, và Trung Quốc những ngày này? Với những kỷ lục chết chóc tang thương. 

Nước Ý sẽ không bao giờ có thể mơ tưởng tới một thời kỳ “tân Phục Hưng” riêng mình nào nữa, cả châu Âu cũng vậy, thế giới này cũng vậy. Thời đại của những trái tim và bộ óc khổng lồ đã qua rồi. Khi sự tham lam và thỏa hiệp, hoảng sợ và yếu hèn ngự trị loài người. Sẽ chỉ còn đó một thời đại mang tên là “Công Nghệ” cung cấp mọi sự hưởng thụ lười biếng, lôi dắt con người đi mãi, cho đến khi kết thúc tất cả. 

Một người con của Firenze giai đoạn tiền Phục Hưng là thi hào Dante Alighieri, cha đẻ của “Thần khúc” (Divina Commedia) bất hủ. Trên 14.000 câu thơ của “Thần khúc” lần lượt dẫn chúng ta qua Hỏa ngục (Inferno),Luyện ngục (Purgatory) trước khi tới Thiên đường (Paradiso). 

Trí tuệ của các người mà trời không cai quản/ Vậy là nếu thế giới hiện tại có bị lầm lạc/ Căn nguyên chính ở các ngươi, phải tìm ở các ngươi” (Thần Khúc/Luyện ngục, chương XVI, Nguyễn Văn Hoàn dịch).

Tác giả bên tượng Dante – Florence, 2001. (Hình: Trần Tuấn)

Dante viết: Chúng ta được phóng đi bằng sức mạnh một dây cung huyền bí của Tạo hóa. Để đến một nơi hạnh phúc. Nhưng không phải bao giờ dây cung ấy cũng thực hiện đúng ý nguyện của con người. Luôn dễ dàng chệch hướng, và lầm lạc. 

Vượt qua hỏa ngục, Dante được nữ thần Matenda tắm trong dòng sông Lãng Quên Lethe, và uống dòng nước Eünoè để tỉnh thức trước khi lên thiên đàng. 

Còn chúng ta, đang ở giai đoạn nào, đã đến bên dòng Lethe chưa? Đã nhìn thấy dòng sông tỉnh thức Eünoè bờ bên kia chưa?  

Hành trình của Dante trong Thần khúc bắt đầu vào đêm trước ngày lễ “Thứ Sáu tốt lành”, 8 tháng 4 năm 1300, khi thi sĩ bước vào cổng Hỏa ngục (tức Địa ngục). Vượt qua bao tầng địa ngục, gặp biết bao linh hồn đọa lạc…

Ngày 8 tháng 4 năm 2020 tới đây, nhân loại sẽ thêm bao nhiêu người bước vào hành trình Thần Khúc?  

Mùa đông năm 2001, sự may mắn đã đưa tôi đến thăm những ngôi mộ của Dante, Galileo, Michelangelo, Machiavelli, Marconi,… trong Nhà thờ chính tòa Florence.  

Kỳ thực, ngôi mộ của Dante trong nhà thờ này chỉ là “mộ gió”, khi cuối đời vì những bất đồng, thi nhân bị nhà nước Firenze trục xuất, và chết ở Venezia.  Dante chết ở tuổi 56 không phải bởi dịch tả như Nguyễn Du (tuổi 54), mà chết vì ký sinh trùng sốt rét.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: