H.C.
Số người nhiễm coronavirus chủng mới ở Mỹ đã vượt quá một triệu người vào sáng nay thứ Ba 28-04, tăng gấp đôi chỉ trong 18 ngày và chiếm một phần ba tổng số người nhiễm bệnh toàn thế giới.
Hơn 56.500 người Mỹ đã chết vì đại dịch này, bình quân mỗi ngày có 2.000 người chết trong tháng này. Số người nhiễm virus trong thực tế có thể còn cao hơn, các quan chức y tế tiểu bang cho rằng thiếu hụt nhân viên y tế có tay nghề và dụng cụ khiến công việc xét nghiệm tìm virus bị hạn chế.
Tiểu bang New York là nơi dịch tàn oha1 nặng nề nhất, tiếp sau là New Jersey, Massachusetts, California và Pennsylvania.
Theo mô hình dự báo của Đại học Washington thường được các quan chức Tòa Bạch ốc trích dẫn, đại dịch có thể cướp đi 74.000 sinh mạng người Mỹ vào ngày 04-08, cao hơn mức 67.600 người mà mô hình này đưa ra tuần trước.
Trên toàn cầu, số người nhiễm coronavirus đã vượt quá 3 triệu người, kể từ khi nó bùng phát ở Trung Quốc cuối năm ngoái. Hoa Kỳ, có dân số đông thứ ba thế giới, có số ca nhiễm bệnh cao gấp năm lần các nước bị nặng nề như Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha và Pháp.
Trong số 20 nước bị đại dịch tàn phá nhiều nhất, Hoa Kỳ xếp thứ năm về tỷ lệ ca nhiễm bệnh trên đầu người. Hoa Kỳ có 30 người nhiễm trong 10.000 dân, con số này ở Tây Ban Nha là 48 người/10.000 dân, tỷ lệ cao nhất thế giới, tiếp sau đó là Bỉ, Thụy Sĩ và Ý.
Số người tử vong vì đại dịch cúm Vũ Hán ở Hoa Kỳ hiện đã vượt quá số người Mỹ bị chết trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, 36.516 người, gần bằng số người Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam 58.220 người.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC), đại dịch cúm Vũ Hán ở Mỹ gây chết chóc nhiều hơn bệnh cúm mùa trong các năm gần đây, chỉ trừ năm 2017-2018. Tử vong do bệnh cúm mùa dao động từ mức thấp 12.000 người năm 2011-2012 tới mức cao 61.000 người năm 2017-2018.
Mức tử vong vì dịch cúm Vũ Hán ở Mỹ vẫn còn thấp xa so với số người chết vì dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, giết chết 675.000 người Mỹ, theo CDC.
Biện pháp “ở nhà” chưa từng có trước đây đã có tác dụng ngăn chặn sự truyền nhiễm của virus, nhưng cũng gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, có tới 26,5 triệu người Mỹ ghi danh nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua.
Do lo ngại về công việc làm, thu nhập của người dân và nền kinh tế nói chung, một số tiểu bang đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội, mở cửa lại một số dịch vụ dù các chuyên gia y tế cảnh báo việc mở cửa sớm có thể làm gia tăng các trường hợp nhiễm virus mới.
(Reuters)