Cuộc chiến toàn cầu giành vaccine ngừa COVID-19

Trần Phương Danh. trợ lý nghiên cứu của công ty dược Arcturus Therapeutics ở San Diego, California đang nghiên cứu vaccine ngừa coronavirus. Reuters/NYT.

HIẾU CHÂN

Cuộc “chạy đua vũ trang” toàn cầu giành vaccine ngừa coronavirus đã bắt đầu, báo The New York Times nhận định. Theo báo này, chỉ ba tháng sau ngày dịch covid-19 bùng phát ở Vũ Hán và phát tán nhanh ra toàn thế giới thì cả Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên Âu (EU) đã bắt đầu cuộc đua nước rút giành vị thế dẫn đầu trong việc chế ra loại vaccine ngừa coronavirus.

Ngoài lợi ích về uy tín khoa học, giá trị bản quyền và doanh thu gặt hái được từ việc sản xuất thành công loại vaccine có hiệu quả – mà dự báo nhu cầu sẽ rất lớn vì đại dịch đã lan tràn khắp nơi – nước dẫn đầu còn bảo đảm toàn bộ dân chúng của mình sẽ sớm được chủng ngừa, xử trí được những thiệt hại về kinh tế và chiến lược mà cuộc khủng hoảng gây ra. Chính vì vậy, cuộc đua vaccine ngay từ đầu đã có ý nghĩa an ninh quốc gia, mang yếu tố dân tộc chủ nghĩa.

Trung Quốc không chậm hơn các nước?

Trung Quốc mở màn cuộc đua, huy động 1.000 khoa học gia vào cuộc nghiên cứu vaccine, “quân sự hóa” hoạt động này bằng việc giao việc nghiên cứu và chế tạo vaccine cho quân đội, đồng thời sẵn sàng tung tiền thâu tóm những công ty nào có khả năng chế ra vaccine sớm nhất, hiệu quả nhất.

Trung Quốc “sẽ không chậm hơn các nước khác” là tuyên bố của Vương Tuấn Chi (Wang Junzhi), chuyên gia kiểm soát phẩm chất sản phẩm sinh học của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ Ba 17-03. Các nhà nghiên cứu của Viện hàn lâm Y khoa quân đội Trung Quốc đã phát triển được cái gọi là ứng viên vaccine hàng đầu và đang tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng. Nhân Dân nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm qua đưa tin vaccine ngừa coronavirus của quân đội Trung Quốc sắp được thử nghiệm trên người giai đoạn 1.

Trung Quốc vừa bỏ ra 133,3 triệu USD mua cổ phần của công ty BioNTech – một công ty sinh học của Đức đang nghiên cứu vaccine ngừa coronavirus và có nhiều triển vọng sáng sủa.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh tuyên truyền về “thành quả” xuất sắc của nước này. Nhưng ở đây, trò gian dối của họ sớm bị vạch trần: một bức ảnh được đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội nói rằng Trần Vĩ (Chen Wei) – một nhà nghiên cứu virus của Quân đội Trung Quốc – đang tiếp nhận mũi tiêm đầu tiên của cái gọi là loại vaccine đầu tiên do quân đội Trung Quốc sản xuất – đã bị công luận chỉ ra là “đồ giả” – bức ảnh được chụp trước khi bà Trần đi tới Vũ Hán, nơi dịch khởi phát.

Mỹ-Đức lùm xùm

Ngày 02-03, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump triệu tập cuộc họp đặc biệt với các cơ quan y tế liên bang và đại diện các tập đoàn dược phẩm, các công ty sinh học bàn việc đẩy nhanh sản xuất vaccine. Có tin rằng tại cuộc họp này ông Trump đề nghị vaccine nên sản xuất trên đất Mỹ để Hoa Kỳ kiểm soát được nguồn cung. Từ thông tin đó, các chính trị gia Đức cáo buộc ông Trump lôi kéo công ty sinh học Đức CureVac – một trong 25 công ty dự họp – chuyển cơ sở nghiên cứu và sản xuất sang Mỹ.

Không có bằng chứng cho thấy ông Trump lôi kéo công ty CureVac sang Mỹ; công ty CureVac cũng đã ra thông cáo bác bỏ tin đồn công ty nhận được lời mời chào, nhưng ông Dietmar Hopp – sở hữu tới 80% cổ phần của CureVac – khẳng định có chuyện đó. “Cá nhân tôi không nói chuyện với ông Trump. Ông ấy nói với công ty và họ báo cho tôi ngay lập tức và hỏi ý kiến tôi về chuyện đó. Tôi biết ngay rằng không thể chấp nhận như vậy,” ông Hopp nói.

Dựa vào thông tin của ông Hopp, báo Đức Welt am Sonntag lập tức viết bài lên án tổng thống Mỹ, khiến các chính trị gia Đức lo lắng và ra tay cản trở vụ thâu tóm tưởng tượng này. Kết quả trước mắt là Ủy ban châu Âu (EC) ngay lập tức công bố tài trợ cho CureVac 85 triệu USD để công ty khỏi “bán mình” cho Mỹ. Cùng thời điểm này, việc công ty BioNTech – một công ty Đức khác, cạnh tranh với CureVac trong chế tạo vaccine – nhận 133,3 triệu USD đầu tư của Trung Quốc thì không ai chú ý cả.

Ai đang nghiên cứu vaccine?

Khác với Trung Quốc “quân sự hóa” việc chế tạo vaccine, ở cả Mỹ và châu Âu, nghiên cứu chế tạo vaccine là công việc của các công ty sinh học tư nhân nhưng có sự hỗ trợ về tài chính và khoa học của chính phủ.

Ở châu Âu, Viện Paul Ehrlich Institute của chính phủ Berlin hỗ trợ cho các công ty CureVac, BioNTech và nhiều công ty khác. Mỹ có Viện nghiên cứu vaccine (VRC) trực thuộc Viện Y tế quốc gia (NIH) hỗ trợ cho công ty Moderna, Innovio và nhiều công ty khác. Các tập đoàn dược phẩm lớn như Roche, Eli Lily, Pfizer, Sanofi… thường không đầu tư nghiên cứu vaccine vì không có lời nhiều nhưng luôn hợp tác với các công ty sinh học để khi có mẫu vaccine thử nghiệm thành công, các tập đoàn sẽ bắt tay sản xuất đại trà nhờ hệ thống nhà máy dược phẩm khổng lồ của mình.

Ngoài ra, trong việc nghiên cứu vaccine cứu người, các công ty sinh học còn nhận được sự tài trợ hào phóng của các tổ chức phi lợi nhuận như Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation của Mỹ, CEPI (Coalition for Epidemic Preparedness Innovations) của châu Âu. Các tổ chức này tài trợ cho những công trình nghiên cứu y học phục vụ nhân loại, không phân biệt quốc gia hay ý hướng chính trị, miễn là có triển vọng thành công về khoa học.

Trong tiến trình nghiên cứu, chế tạo vaccine và nghiên cứu y khoa nói chung, các công ty Mỹ và Âu châu thường cạnh tranh nhưng cũng hợp tác chặt chẽ với nhau và hầu như đều hợp tác với các trường đại học lớn như Harvard, Yale, Oxford… chia sẻ ý tưởng và thành quả nghiên cứu. Vì thế có hiện tượng các công ty nghiên cứu của Mỹ và châu Âu không loại trừ lẫn nhau mà nhiều khi cùng đi về một hướng, hỗ trợ nhau, sử dụng những công nghệ tương tự như nhau; ví dụ trong lĩnh vực vaccine ngừa coronavirus có nhóm đi theo công nghệ nuôi cấy virus truyền thống, có nhóm công ty chuyên phát triển vaccine trên nền DNA, lại có nhóm nghiên cứu vaccine theo công nghệ mRNA hiện đại hơn, nhanh hơn.

Đến thời điểm này, công nghệ sản xuất vaccine ngừa coronavirus theo công nghệ mRNA dường như tiến xa hơn các công nghệ khác.

Nghiên cứu vaccine chủng ngừa coronavirus tại Phòng thí nghiệm VirPath ở Lyon, Pháp. AFP

Tại châu Âu, công ty CureVac từ tháng Chín năm ngoái đã được tổ chức CEPI tài trợ 34 triệu USD để nghiên cứu sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA và mới đây được nhận thêm 8,3 triệu USD từ CEPI để nghiên cứu vaccine ngừa coronavirus chủng mới. Thông tin từ CureVac cho biết, mẫu vaccine của công ty có thể được đưa vào thử nghiệm bước đầu từ tháng 04 tới.

Tại Mỹ, công ty Moderna Inc. đã cho ra đời lô vaccine ngừa coronavirus đầu tiên hồi giữa tháng trước dựa trên công nghệ mRNA và lô vaccine này đã bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người hôm thứ Hai vừa qua.

Theo ý kiến của bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu Hoa Kỳ về bệnh truyền nhiễm, cho dù thử nghiệm thành công giai đoạn 1 thì mẫu vaccine còn phải qua nhiều đợt thử nghiệm nữa và phải mất ít nhất một năm trước khi vaccine được sản xuất đại trà để ngừa dịch trên toàn cầu.

Nguy cơ can thiệp từ chính phủ

Có một thực tế trong thời đại ngày nay ít có quốc gia nào chịu phụ thuộc vào nước khác về dược phẩm và khi xảy ra dịch bệnh như hiện nay nước nào cũng muốn thủ đắc nguồn cung vaccine, thuốc điều trị, dụng cụ y tế… phục vụ riêng cho người dân nước mình, dù trên bình diện ngoại giao, chính trị gia nào cũng cam kết chia sẻ các thành tựu y học với toàn thế giới. Năm 2009 khi dịch cúm heo châu Phi xảy ra, một công ty Úc là đơn vị đầu tiên chế ra loại vaccine chỉ cần tiêm một liều (single-dose vaccine) là đủ ngừa bệnh; nhưng rồi công ty này được yêu cầu phải đáp ứng nhu cầu của dân Úc trước khi được phép xuất cảng vaccine qua Mỹ và các nước khác. Sự kiện đó gây tức giận, kích hoạt các thuyết âm mưu, các buổi điều trần tại nghị viện để tìm hiểu lý do.

Nghiên cứu, sản xuất vaccine là việc của các nhà khoa học và doanh nghiệp, nhưng phê chuẩn, cho phép vaccine được bán ra thị trường lại là quyền của các chính phủ. Sự can thiệp “ích kỷ” của chính quyền có nguy cơ cản trở nỗ lực nghiên cứu, chế tạo vaccine. Bác sĩ Amesh Adaja của Trung tâm An ninh Y tế Đại học Johns Hopkins cho rằng ai cũng muốn hợp tác, ai cũng muốn nhanh tìm được vaccine nhưng triển vọng công ty bị “quốc hữu hoá” là thứ người ta không muốn có khi cố gắng chế tạo vaccine nhanh nhất có thể. Hành vi chỉ cho phép vaccine được sử dụng cho dân chúng một nước sẽ ngăn cản vaccine tới những nơi nó có hiệu quả nhất về mặt dịch tễ, Seth Berkley, giám đốc điều hành của GAVI, tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp vaccine cho các nước nghèo, nói.

“Hành động theo chủ nghĩa dân tộc là hoàn toàn sai lầm vì nó sẽ làm gián đoạn dây chuyền cung ứng và gây nguy hiểm cho mọi người khắp thế giới,”

– Severin Schwan, giám đốc tập đoàn dược phẩm roche, Thụy Sĩ

Hôm thứ Năm 19-03, lãnh đạo các tập đoàn dược lớn nhất thế giới nói rằng họ đang hợp tác với nhau và với các chính phủ để bảo đảm vaccine được tìm ra nhanh nhất và được phân phối công bằng nhất. Nhưng họ cũng van nài các chính phủ đừng có đầu cơ tích trữ vaccine sau khi nó được tìm ra, bởi vì làm như thế sẽ hủy hoại mục tiêu chung là cùng nhau dập tắt đại dịch COVID-19. “Hành động theo chủ nghĩa dân tộc là hoàn toàn sai lầm vì nó sẽ làm gián đoạn dây chuyền cung ứng và gây nguy hiểm cho mọi người khắp thế giới,” ông Severin Schwan, giám đốc điều hành tập đoàn dược phẩm Thụy Sĩ Roche, nhận xét.

Tại hội nghị trực tuyến hôm qua thứ Năm, lãnh đạo năm “ông lớn” về dược phẩm thế giới (Big Pharma) cho biết họ đang gia tăng năng lực chế tạo thông qua hợp tác chia sẻ nguồn lực với nhau để đẩy nhanh sản xuất một khi các loại vaccine ngừa coronavirus được thử nghiệm thành công. Họ đề nghị tiến hành cùng lúc nhiều chương trình thử nghiệm với nhiều loại vaccine để tăng cơ may thành công và yêu cầu các chính phủ cấp phép ngay lập tức để các tập đoàn đẩy nhanh việc sản xuất vaccine quy mô lớn.

Một nữ tình nguyện viên 43 tuổi nhận mũi vaccine thử nghiệm đầu tiên ở Trung tâm nghiên cứu Kaiser Permanente hôm 16-03 . AP

Một khi vaccine được phê chuẩn, “chúng ta cần phải chủng ngừa cho hàng tỷ người khắp thế giới, cho nên phải tính tới việc chúng ta phải phân bổ sản xuất ở đâu, bằng cách nào,” ông David Lowe, phó chủ tịch tập đoàn Sanofi Pasteur của Pháp, nói. Tập đoàn Sanofi đang hợp tác với tập đoàn Eli Lily và Johnson & Johnson của Mỹ, Roche của Thụy Sĩ và Takeda của Nhật Bản.

Để ngăn chặn nguy cơ “độc quyền” vaccine, các chính phủ châu Âu cùng với Quỹ Bill & Melinda Gates đã góp sức thành lập CEPI – tổ chức phi lợi nhuận đặt trụ sở tại Na Uy, chuyên tài trợ cho nghiên cứu và sản xuất vaccine. Tất cả các thỏa thuận tài trợ của CEPI đều có điều khoản “quyền tiếp cận bình đẳng”, bảo đảm “vaccine được cung cấp trước hết cho những cộng đồng dân cư khi và nơi họ cần để dập tắt một vụ dịch, hạn chế một vụ bùng phát dịch bất kể họ có tiền để trả hay không”. Hiện CEPI đang tài trợ cho tám công ty, tổ chức có nhiều hứa hẹn nhất trong việc chế tạo vaccine ngừa coronavirus, trong đó có công ty CureVac của Đức.

Trung Quốc tận dụng cơ hội

Nhưng Trung Quốc dường như vẫn đi theo con đường riêng; không chỉ độc quyền vaccine vào tay nhà nước mà khi giao cho quân đội, hay “quân sự hóa” vaccine họ muốn có một thứ vũ khí đặc biệt để giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược với phương Tây.

Từ lâu Bắc Kinh vẫn muốn xây dựng một “nhà vô địch quốc gia” (national champion) trong y sinh học và dược phẩm, kiểu như tập đoàn Huawei trong công nghệ viễn thông. Nếu có được một tập đoàn như vậy, Trung Quốc sẽ dễ dàng mở rộng ảnh hưởng chính trị thông qua các hợp đồng cung cấp vaccine cho các nước nghèo và kém phát triển vốn không đủ năng lực khoa học và tài chính để chế tạo vaccine cho riêng mình.

Đã có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang khai thác đại dịch để giành lợi thế địa chính trị qua việc hỗ trợ các quốc gia trước đây vẫn trông mong ở Hoa Kỳ hoặc Âu châu. Hiện Trung Quốc hợp đồng cung cấp bộ test-kit cho Phi Luật Tân – đồng minh của Mỹ ở châu Á – và Serbia là dấu hiệu cho thấy họ sẽ làm gì một khi Trung Quốc có được trong tay loại vaccine phòng ngừa coronavirus.

Ngay trong thời bình thường, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đã thôi thúc Bắc Kinh tìm mọi cách chiếm vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực công nghệ thiết yếu, kể cả y sinh học, dùng mọi thủ đoạn có thể nghĩ ra. Nhiều tháng trước khi dịch cúm Vũ Hán bùng phát ở Trung Quốc, cơ quan điều tra liên bang FBI của Mỹ đã bắt đầu một chiến dịch tóm gọn các nhà khoa học mà họ tin là đang ăn cắp các kết quả nghiên cứu y sinh học của Mỹ để chuyển cho Bắc Kinh, phần lớn là những nhà khoa học người Trung Quốc hoặc công dân Mỹ gốc Trung Quốc. Trong năm ngoái đã có khoảng 180 trường hợp ăn cắp như vậy bị điều tra.

Bây giờ, khi dịch bệnh lan tràn và chống dịch trở thành ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia, đang dấy lên nỗi lo ngại rằng công cuộc tìm kiếm một loại vaccine hiệu quả sẽ thổi bùng lên ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa, dẫn tới những xung đột không nên có vào lúc nhân loại cần hợp tác để vượt qua thảm họa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: