EU gây quỹ 8 tỷ USD chống dịch, Mỹ không tham gia

Nghiên cứu vaccine ngừa coronavirus tại đại học Pittsburgh, Mỹ. Reuters

H.C.

Một hội nghị trực tuyến gây quỹ phòng chống dịch Covid-19 do Liên minh châu Âu (EU) tổ chức hôm nay thứ Hai 04-05 đã nhận được cam kết đóng góp của nhiều nước khắp thế giới – từ Nhật Bản tới Canada, từ Úc tới Na Uy – lên tới 8 tỷ Mỹ kim.

Quỹ này sẽ tài trợ cho các viện bào chế có những thành quả hứa hẹn trong việc nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng ngừa dịch Covid-19.

Các thủ tướng, một ông vua và ca sĩ Madonna, tất cả đều góp phần nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump không tham gia. Các quan chức của chính phủ Mỹ lưu ý rằng Hoa Kỳ đã bỏ ra hàng tỷ Mỹ kim cho các nỗ lực nghiên cứu vaccine của chính mình.

Trong hơn ba tiếng đồng hồ, các nhà lãnh đạo thế giới lần lượt đọc lời cam kết vào một đường dẫn video và thông báo mức đóng góp của nước mình, dù nhỏ hay lớn. Nước Romania đóng góp 200 ngàn USD, Gia Nã Đại góp 850 triệu USD. Phần đóng góp lớn nhất thuộc về Liên minh châu Âu và Na Uy, đều góp 1 tỷ euro, tương đương 1,1 tỷ USD.

Gates Foundation là quỹ từ thiện tư nhân duy nhất tham dự hội nghị trực tuyến và đưa ra cam kết tài trợ 125 triệu USD.

Vẫn chưa rõ chi tiết những đồng tiền đóng góp sẽ được phân bổ như thế nào. Ủy ban châu Âu – nhánh hành pháp của EU – nói số tiền đóng góp sẽ được chi trong hai năm tới để hỗ trợ những sáng kiến có triển vọng ở khắp thế giới. Mục đích cuối cùng là mọi người đều có thể có được thuốc chủng ngừa Covid-19 – bệnh dịch do coronavirus gây ra – với giá rẻ và có ở khắp nơi.

Nỗ lực đa phương này trái ngược với con đường độc hành của Hoa Kỳ, trong lúc các nhà khoa học khắp nơi đang mày mò nghiên cứu một loại vaccine ngăn chặn sự truyền nhiễm của con virus đang gieo rắc tai ương khắp toàn cầu, cho đến nay đã cướp đi hơn 250 ngàn sinh mạng.

Ở thủ đô Washington, một quan chức cao cấp ẩn danh nói chính phủ Mỹ “hoan nghênh” nỗ lực của các nước tham gia hội nghị, nhưng không giải thích vì sao Hoa Kỳ lại đứng ngoài.

Quan chức này nói rằng chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp 775 triệu USD viện trợ y tế, nhân đạo và phát triển kinh tế cho các chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế và hội từ thiện đang chống lại đại dịch; và đang trong tiến trình xem xét bổ sung thêm một khoản gấp đôi số tiền đó.

Ngoài ra, Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều tiền vào việc nghiên cứu và phát triển vaccine, bao gồm 2,6 tỷ USD trợ cấp thông qua Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh học tiên tiến (BARDA) – một bộ phận của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS). Ông Jim Richardson, giám đốc về viện trợ cho nước ngoài của Bộ Ngoại giao nói cho tới nay các công ty Mỹ đã đầu tư 7 tỷ USD cho bào chế vaccine và thuốc chữa coronavirus.

Hoa Kỳ không phải là cường quốc duy nhất vắng mặt trong hội nghị của EU. Nga không tham dự. Và Trung Quốc  – nơi đại dịch khởi phát – cũng chỉ cử đại sứ tại EU tham dự và không cam kết đóng góp gì.

Lãnh đạo Trung Quốc đang tìm mọi cách làm chệch hướng sự phê phán quốc tế về cách Bắc Kinh xử lý nạn dịch, và muốn vượt lên hàng đầu trong cuộc đua nghiên cứu vaccine ngừa coronavirus.

Trung Quốc đã giảm thiểu thủ tục hành chánh và cung cấp tài chánh để các công ty dược – và cả quân đội – nước này vực dậy ngành công nghiệp sản xuất vaccine. Đã có bốn công ty Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người những loại vaccine mà họ bào chế, nhiều hơn cả số thử nghiệm của Hoa Kỳ và Anh quốc cộng lại.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: