Một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra từ nhiều năm qua tại Sở Y Tế Hà Nội, đến nay mới bị phanh phui: Hàng loạt cán bộ công tác trong lĩnh vực y tế nhận hối lộ hàng tỉ đồng để cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoạt động không đúng quy định của pháp luật cho gần 800 cơ sở kinh doanh dược, phòng khám trên địa bàn TP.Hà Nội.
Truyền thông Nhà Nước CSVN vào ngày 6 Tháng Hai cho biết, Công An TP.Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến hối lộ xảy ra tại Sở Y tế TP.Hà Nội,.
5 bị can là những cán bộ công tác tại Phòng Quản Lý Hành Nghề Y Dược Tư Quy Nhân, thuộc Sở Y Tế TP.Hà Nội bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc tội “nhận hối lộ” theo quy định theo Bộ Luật Hình Sự Việt Nam 2015, gồm: Nguyễn Văn Đức, trưởng phòng; Trần Thị Bạch Tuyết, phó phòng; Nguyễn Thị Huy, chuyên viên văn phòng; Đỗ Đình Long, cán bộ biệt phái; Đỗ Doãn Tiến, cán bộ phòng;
2 bị can bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc tội “môi giới hối lộ” gồm: Bùi Lan Anh, cư trú tại Quận Nam Từ Liêm, TP.HàNội, và Nguyễn Thị Bích cư trú tại Huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội.
Do biết được thông tin trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm cơ sở hành nghề y dược tư nhân có nhu cầu muốn được cấp, gia hạn giấy chứng nhận đạt thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, giấy đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy phép hoặc động khám-chữa bệnh…, đã chi từ 15 triệu đồng cho đến 60 triệu đồng cho Bùi Lan Anh, Nguyễn Thị Bích, và Đỗ Doãn Tiến để cấp mới, cấp lại cho mỗi giấy chứng nhận hoặc giấy phép hoạt động.
Sau đó Anh, Bích, và Tiến chi từ 6-30 triệu đồng cho 4 cán bộ Phòng Quản Lý Hành Nghề Y Dược Tư Nhân là Đức, Tuyết, Huy, và Long để làm các thủ tục cấp giấy không đúng quy định cho các nhà thuốc, phòng khám.
Tính từ năm 2018 cho đến hiện tại vụ án bị phanh phui, có gần 800 cơ sở kinh doanh dược, phòng khám trên địa bàn Hà Nội đã đưa tiền cho Bích và Anh, với tổng số tiền là 11 tỉ đồng. Trong đó, Bích hưởng lợi 800,000 triệu đồng, Anh hơn 1 tỉ đồng, số tiền còn lại là hối lộ cho các cán bộ nêu trên.
Vụ án được Công An TP.Hà Nội thông tin là đang tiếp tục điều tra, mở rộng, nhưng dư luận bày tỏ sự phẩn nộ không chỉ ở mức độ nghiêm trọng, quy mô rộng lớn, gây nhức nhối xã hội mà còn ở chỗ, tại sao các đối tượng gây án kéo dài gần 7 năm trời mà ngành y tế Hà Nội không phát hiện ra, cho đến khi có nguồn tin khai báo và cơ quan chức năng vào cuộc điều tra mới bị phanh phui?
Vụ án có gần 800 cơ sở kinh dược, phòng khám, các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực y tế có liên quan, chứ không chỉ một hai cơ sở. Vậy vai trò, trách nhiệm trong khâu thanh tra, kiểm tra hoạt động y tế, giám sát các hoạt động của các cơ sở y tế công lập và tư nhân của Thanh Tra Sở Y Tế TP.Hà Nội ở chỗ nào? Phải chăng có lợi ích nhóm, cấu kết của nhiều cán bộ cấp cao hơn cùng sai phạm?
Cùng với vấn nạn tham nhũng thì hối lộ cũng là một vấn nạn phổ biến, tràn lan trong hệ thống y tế tại Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám –chữa, chăm sóc sức khỏe của người dân, góp phần làm suy yếu hệ thống Y tế Việt Nam nói chung. Còn nói riêng, việc các cán bộ Sở Y Tế TP.Hà Nội “nhận hối lộ” để thực hiện các thủ tục cấp giấy không đúng quy định cho các nhà thuốc, phòng khám sẽ gây ra nhiều tác hại.
Đây là hành vi tiếp tay cho nạn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc và dịch vụ y tế kém chất lượng tràn lan tại Việt Nam, gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân.
Việc sử dụng giấy tờ thủ tục không đúng quy định của pháp luật sẽ khiến người dân có tâm lý hoang mang, không biết đâu là cơ sở kinh dược, phòng khám, cơ sở hoạt động lĩnh vực y tế tin cậy; Không công bằng, gây thiệt thòi cho những cở sở hoạt động đúng pháp luật; Gây thất thoát ngân sách, làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý của Nhà Nước trong lĩnh vực y tế.
Người dân Việt hẳn chưa quên đại án Việt Á bị phanh phui vào năm 2021 và mới xét xử xong trong năm 2024 vừa qua. Rất nhiều bị cáo trong số hơn 100 bị cáo trong vụ đại án phải nhận những bản án tù về tội liên quan hối lộ, thông đồng với tổng giám đốc Công ty Việt Á. Đứng đầu là Bộ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thành Long, và Bộ Trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh, khi cấp phép và phê duyệt các giấy tờ, thủ tục y tế không đúng quy định của pháp luật, hậu quả hàng chục ngàn người Việt Nam chết vì dịch COVID-19.