HKMH Theodore Roosevelt xin cách ly thủy thủ đoàn để ngăn dịch Covid-19

HKMH Theodore Roosevelt. Getty Images

H.C. lược dịch

Chỉ huy hàng không mẫu hạm (HKMH) vận hành bằng năng lượng nguyên tử Theodore Roosevelt, hiện có hơn 100 thủy thủ bị nhiễm coronavirus, yêu cầu cách ly toàn bộ thủy thủ đoàn để tránh thương vong trong một tình huống mà ông miêu tả là đang xấu đi nhanh chóng.

HKMH Theodore Roosevelt hiện neo tại đảo Guam thuộc Mỹ với thủy thủ đoàn hơn 4.000 người sau khi phát hiện các ca nhiễm coronavirus trên tàu khoảng một tuần trước.

Sáng nay thứ Ba 31-03, báo San Francisco Chronicle đưa tin Thuyền trưởng Brett Crozier, chỉ huy tàu Theodore Roosevelt, hôm qua đã gửi văn thư lên Bộ Hải quân trình bày một yêu cầu bất thường là cho toàn bộ thủy thủ đoàn lên bờ thực hiện kiểm dịch và cách ly xã hội để tránh sự lây lan của coronavirus.

Thuyền trưởng Brett Crozier, chỉ huy tàu Theodore Roosevelt

Trong bức thư dài bốn trang gửi các quan chức cao cấp của quân đội, ông Crozier nói chỉ có một nhóm nhỏ các thủy thủ bị nhiễm bệnh được rời tàu lên bờ; đa số thủy thủ vẫn còn ở trên tàu và không thể thực hiện việc cách ly và kiểm dịch 14 ngày như hướng dẫn chính thức của chính phủ. “Do những hạn chế về không gian của chiến hạm, chúng tôi không thể tự cách ly được. Dịch bệnh đang lây lan và đang tăng tốc,” ông Crozier viết và yêu cầu “có không gian kiểm dịch để thực hiện cách ly” toàn bộ thủy thủ đoàn trên đất liền của đảo Guam “càng sớm càng tốt”.

“Tình hình đòi hỏi một giải pháp chính trị, nhưng là một điều phải làm. Chúng ta đang không ở trong tình trạng chiến tranh. Các thủy thủ không cần phải chết. Nếu chúng ta không hành động bây giờ, chúng ta sẽ không thể chăm sóc đúng mức tới tài sản đáng tin cậy nhất của chúng ta là các thủy thủ”, ông Crozier viết.

*

Bộ Hải quân đã có câu trả lời vào sáng nay, thứ Ba 31-03. Trả lời đài CNN, quyền Bộ trưởng Bộ Hải quân Thomas Modly nói: “Tôi đã nghe về lá thư của thuyền trưởng Crozier; tôi biết cơ quan chỉ huy của chúng tôi đã biết chuyện này khoảng 24 giờ qua và chúng tôi đã làm việc suốt bảy ngày qua để đưa thủy thủ rời khỏi con tàu và bố trí họ trên đảo Guam. Vấn đề là ở chỗ đảo Guam hiện thời không có đủ số giường và chúng tôi phải thảo luận với chính quyền ở đó xem chúng tôi có thể sử dụng một số khách sạn hay dựng lên các lều trại dã chiến hay không.”

“Chúng tôi không thể không đồng ý với thuyền trưởng của con tàu, nhưng chúng tôi phải giải quyết một cách thận trọng, bởi vì HKMH không giống như tàu du lịch bình thường. Trên HKMH chúng tôi có vũ khí, có phi cơ chiến đấu; chúng tôi phải có khả năng dập lửa nếu xảy ra hỏa hoạn trên bong tàu, chúng tôi phải vận hành trạm phát điện nguyên tử; có rất nhiều việc chúng tôi phải làm trên con tàu đó – những công việc hơi độc đáo, hơi khác thường, nhưng chúng tôi đang thu xếp và chúng tôi sẽ giải quyết,” ông Modly nói.

*

Cho đến nay, không thủy thủ bị nhiễm coronavirus nào có triệu chứng trầm trọng, nhưng số người được xét nghiệm dương tính đã tăng theo cấp số nhân kể từ khi Bộ Hải quân thông báo có ba thủy thủ trên tàu bị nhiễm virus hôm 24-03 vừa qua – lần đầu tiên coronavirus được phát hiện trên một con tàu lênh đênh giữa biển khơi.

Tuần trước, các sĩ quan cao cấp của quân đội nói rằng toàn bộ thủy thủ đoàn hơn 4.000 người của tàu Theodore Roosevelt sẽ được xét nghiệm khi con tàu về căn cứ của nó ở thành phố San Diego ở phía Nam tiểu bang California.

Vào lúc đó, quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly tỏ ý tin tưởng rằng họ đã xác định được toàn bộ những thủy thủ đã tiếp xúc với ba thủy thủ bị bệnh và đã được cách ly theo dõi. “Đây là một trường hợp cho thấy chúng ta có khả năng giữ cho các chiến hạm hoạt động trên biển, ngay cả khi có trường hợp nhiễm Covid-19,” ông Modly nói.

Nhưng khi HKMH Theodore Roosevelt cập cảng Guam hôm thứ Sáu tuần trước, số thủy thủ bị nhiễm virus đã tăng lên 25 người, ngay sau đó tăng lên 36 người.

Trước số ca nhiễm tăng nhanh, tuần trước Tổng tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc Mike Gilday, nói rằng Hải quân coi “mối đe dọa này là nghiêm trọng” và yêu cầu cách ly ngay những trường hợp dương tính để ngăn chặn lây lan. Ông hứa sẽ gia tăng số trường hợp được xét nghiệm và cách ly những thủy thủ bị bệnh. Ông nhấn mạnh hai nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của HKMH là chăm sóc các thủy thủ và duy trì sự sẵn sàng chiến đấu. “Chúng tôi tin rằng phản ứng quyết liệt của chúng tôi sẽ giúp tàu Theodore Roosevelt có khả năng ứng phó với bất kỳ vụ khủng hoảng nào ở khu vực.” Đô đốc Gilday nói.

Nhưng đến hôm qua thứ Hai, một sĩ quan cao cấp trên tàu nói có khoảng 150 đến 200 thủy thủ đã xét nghiệm dương tính và chưa người nào được vào bệnh viện điều trị.

Trong lá thư gửi Bộ Hải quân, thuyền trưởng Crozier nói nếu đang hoạt động trong thời chiến thì con tàu sẽ tiếp tục hoạt động và chiến đấu với dịch bệnh bằng cách tốt nhất có thể. “Nhưng chúng ta đang không ở trong thời chiến, do đó không thể để cho một thủy thủ nào phải chết một cách không cần thiết vì bệnh dịch quái quỉ này… Cần phải có hành động dứt khoát ngay bây giờ để tuân thủ hướng dẫn chống dịch của CDC và của Hải quân, và tránh những hậu quả bi thảm,” ông Crozier viết.

*

Tuần trước Đô đốc Gilday nói với các phóng viên, không rõ liệu có phải các thủy thủ bị nhiễm coronavirus trong chuyến HKMH Theodore Roosevelt cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 03 vừa qua hay không. Ông Gilday nói vào lúc đó Việt Nam chỉ mới ghi nhận 16 ca nhiễm virus ở miền Bắc, còn hải cảng Đà Nẵng thì ở miền Trung Việt Nam.

HKMH Theodore Roosevelt trên vùng biển Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh báo Thanh Niên

Trước khi từ đất liền trở lại tàu, các thủy thủ đều được kiểm tra thân nhiệt. Ba thủy thủ đầu tiên được ghi nhận nhiễm bệnh trong vòng 15 ngày kể từ khi tàu rời Việt Nam. Từ đó trở đi rất khó kiềm chế sự lây lan của virus trên tàu. Các hướng dẫn phòng dịch của chính quyền liên bang và của quân đội đều yêu cầu cách ly các cá nhân nhiễm bệnh và những người tiếp xúc gần với họ, không sử dụng các khu vực công cộng.

“Do sự chật chội trên chiến hạm và số trường hợp dương tính hiện nay, mỗi cá nhân thủy thủ, không phân biệt chức vụ cấp bậc, trên con tàu Theodore Roosevelt đều phải được coi là một ‘tiếp xúc gần gũi’,” ông Crozier viết và thêm rằng chỗ ở chật chội trên HKMH là “môi trường thuận lợi nhất để virus lây lan”: một số lượng lớn thủy thủ sống và làm việc trong một không gian hạn chế, chia sẻ các phòng ngủ, nhà vệ sinh, nơi làm việc và máy tính, phòng hội họp chung, các bữa ăn do các nhân viên bị nhiễm bệnh chế biến, đi chung các cầu thang và cửa hầm chứa hàng v.v…

Ông Crozier cho rằng biện pháp phòng dịch hiện nay như chuyển một số nhỏ các thủy thủ nhiễm bệnh lên bến cảng, gia tăng lau chùi, vệ sinh, cố gắng tránh tiếp xúc… là không hiệu quả. “Chiến lược hiện hành chỉ có thể làm chậm sự lây nhiễm mà sẽ không bao giờ xóa sạch được virus,” ông Crozier viết.

*

Thuyền trưởng tàu Theodore Roosevelt so sánh tình trạng HKMH với tàu du lịch Diamond Princess, trích dẫn một nghiên cứu về chuyện gì sẽ xảy ra nếu như con tàu đó không thực hiện cách ly phù hợp. Tàu Diamond Princess có 712 hành khách dương tính với coronavirus, nhưng nghiên cứu cho biết nếu con tàu không được cách ly sớm thì ít nhất 80% du khách và thủy thủ đoàn đã bị nhiễm bệnh; còn ngược lại nếu như chủ tàu cho di tản lập tức toàn bộ hành khách trên tàu sau khi phát hiện những ca dương tính đầu tiên thì nghiên cứu cho rằng chỉ có khoảng 76 người bị nhiễm bệnh. Ông Crozier cho rằng tình trạng tàu Theodore Roosevelt có thể tồi tệ hơn bởi vì HKMH không có phòng để cách ly từng cá nhân như phòng ngủ trên tàu du lịch.

Với lời hứa của các quan chức cao cấp sẽ cho xét nghiệm toàn bộ thủy thủ đoàn, ông Crozier nói rằng đó không phải là giải pháp. “Xét nghiệm không có tác động trực tiếp lên sự lây lan của dịch mà chỉ xác nhận sự hiện hữu của virus.” Ông cho biết trong số 33 thủy thủ đầu tiên của tàu Theodore Roosevelt được xét nghiệm dương tính thì có bảy người, hoặc 21%, lúc đầu được xét nghiệm âm tính; phải từ một đến ba ngày sau lần xét nghiệm đầu tiên, ba người này mới bộc lộ những triệu chứng của bệnh covid-19. Tuy nhiên ông thuyền trưởng cho rằng xét nghiệm nên được sử dụng với toàn bộ thủy thủ trở lại tàu sau thời kỳ cách ly kiểm dịch 14 ngày để bảo đảm không có thủy thủ mang mầm bệnh nào trở lên con tàu đã được làm sạch virus.

Ông khuyến nghị hãy có một con tàu Theodore Roosevelt sạch virus: lau chùi tàu cẩn thận trong lúc cách ly thủy thủ đoàn trên bến cảng trong những cơ sở đủ rộng cho sinh hoạt của từng cá nhân. Theo kế hoạch của ông, 10% thủy thủ đoàn sẽ tiếp tục tự cách ly trên tàu để vận hành lò phản ứng nguyên tử, làm vệ sinh tàu, bảo đảm an ninh an toàn và đáp ứng lập tức khi có trường hợp khẩn cấp. “Vì chiến tranh chưa thể xảy ra ngay, chúng tôi khuyến nghị tuân theo điều kiện kết thúc công tác trong thời bình”, ông thuyền trưởng viết.

(San Francisco Chronicle)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: