HIẾU CHÂN
Mỹ có nên quốc hữu hóa doanh nghiệp tư nhân để sản xuất trang thiết bị chống dịch COVID-19?
Đại dịch COVID-19 ập đến như một cơn lốc, làm lộ ra một điểm yếu của nền công nghiệp Mỹ: thiếu trầm trọng trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế và dân chúng nói chung: từ những thứ đơn giản như khẩu trang, áo quần bảo hộ, kính bảo vệ mắt cho đến máy trợ thở… Năng lực sản xuất những mặt hàng này của Mỹ cũng không còn sau nhiều thập kỷ “outsource” – chuyển hoạt động sản xuất công nghiệp sang Trung Quốc để hạ giá thành.
Tình trạng cấp bách tới mức nhiều chính trị gia yêu cầu Tổng thống Donald Trump kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (Defense Production Act, DPA) có từ năm 1950, cho phép chính phủ bắt buộc các doanh nghiệp phải sản xuất các loại sản phẩm nào đó, ấn định giá cả, tiền lương và mạng lưới phân phối. Nói cách khác, đạo luật này cho phép, trong tình trạng khẩn cấp, chính phủ có thể “quốc hữu hóa” hoạt động sản xuất công nghiệp, dù chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, việc thực thi đạo luật này đã gặp phải không ít lời phản đối cả trong chính phủ lẫn cộng đồng doanh nghiệp.
Tuần trước, ông Trump đã ký sắc lệnh tái thực thi đạo luật này nhưng không đưa ra biện pháp cụ thể. Hôm thứ Ba, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (Federal Emergency Management Agency, FEMA) lần đầu tiên sử dụng quyền hạn do DPA quy định để mua sắm và phân phối bộ test-kit xét nghiệm coronavirus và mặt nạ phòng độc, nhưng sau đó cho biết FEMA đã mua đủ 60.000 bộ test-kit mà không cần vận dụng luật DPA.
Nhưng các chính trị gia đảng Dân chủ còn muốn chính phủ mạnh tay hơn, kiểm soát kinh tế tư nhân để chống dịch. Thống đốc tiểu bang New York, ông Andrew Cuomo viết trên Twitter hôm Chủ nhật rằng chính phủ liên bang nên “quốc hữu hóa dây chuyền cung ứng thiết bị y tế” và “lệnh cho các công ty phải sản xuất áo quần bảo hộ, khẩu trang và găng tay y tế”. Các thống đốc thuộc đảng Dân chủ, cũng như các nghị sĩ Dân chủ trong Quốc hội, tán thành đề nghị của ông Thống đốc New York và yêu cầu chính phủ Mỹ hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn khi cơ hội ngăn chặn nạn dịch vẫn còn.
Tuy nhiên, sau khi ban hành sắc lệnh về DPA, ông Trump lại tỏ ra chần chừ; ông kêu gọi các công ty tự nguyện tham gia sản xuất và cung ứng trang bị bảo hộ y tế thay vì cưỡng bức họ. Buộc doanh nghiệp phải hoạt động theo chỉ thị của bộ máy hành chính tất yếu sẽ dẫn tới sự trì trệ quan liêu và kém hiệu quả. Và đi ngược lại tinh thần của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do – nền móng của kinh tế Mỹ. Hôm Chủ nhật, đáp lại yêu cầu của đảng Dân chủ, ông Trump nói: “Chúng ta là một quốc gia không đặt nền tảng trên quốc hữu hóa các doanh nghiệp.”
Do được tự do kinh doanh theo luật cung cầu, các công ty Mỹ, từ lớn tới nhỏ đều có “sức bền” đáng kể trước áp lực của thị trường và vận động linh hoạt để ứng phó với tình hình thực tế mà không cần chính phủ nào “chỉ đạo” cả.
Báo The Wall Street Journal ghi nhận hàng loạt công ty Mỹ nhanh chóng thay đổi, bổ sung hoạt động để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Công ty Honeywell, chuyên ngành hàng không vũ trụ, tuyển thêm 500 công nhân cho nhà máy ở tiểu bang Rhodes Island, sản xuất hàng triệu kính bảo hộ và khẩu trang N95 cho nhân viên y tế. Công ty 3M tăng gấp đôi sản lượng khẩu trang N95 trên toàn cầu, kể cả sản xuất tại Trung Quốc, và cung cấp nửa triệu khẩu trang này cho các điểm nóng ở Mỹ ngay trong tuần này.
Apple, Facebook, Tesla và ngân hàng Goldman Sachs không sản xuất khẩu trang nhưng trong kho luôn có sẵn để trang bị cho nhân viên đề phòng cháy rừng hoặc tai nạn hóa học, bây giờ họ xuất kho tài trợ hàng triệu khẩu trang y tế cho các bệnh viện. Các nhà máy sản xuất áo quần thì thay đổi quy trình để sản xuất trang bị bảo hộ và khẩu trang; công ty Hanes cung cấp bông vải Mỹ cho các nhà máy của họ ở El Salvador, Honduras và Cộng hòa Dominica sản xuất rồi chuyển sản phẩm về Mỹ. Công ty Puritan Medical Products, nhà sản xuất hàng đầu các que lấy mẫu bệnh phẩm ở mũi và cuống họng, có trụ sở tại tiểu bang Maine, đã tăng tốc sản xuất dù một số công nhân của họ bị nhiễm virus phải nghỉ việc.
Ngay các nhà sản xuất bia rượu tầm cỡ thế giới như Anheuser-Busch và Pernod Ricard USA cũng chuyển một số nhà máy sang chế biến cồn rửa tay diệt khuẩn; tập đoàn điện máy General Electric (GE) giảm công nhân các nhà máy sản xuất động cơ phản lực máy bay nhưng tuyển thêm người cho nhà máy sản xuất máy trợ thở. Các ông lớn ngành xe hơi – một thế mạnh của công nghiệp Mỹ – như Tesla, Ford, GM tham gia sản xuất máy trợ thở, sử dụng công nghệ in ba chiều (3D printing) mà họ có sẵn. Hôm thứ ba Ford cho biết đã bắt đầu sản xuất tấm che mặt bằng nhựa và hợp tác cùng 3M, GE sản xuất máy trợ thở và khẩu trang chống độc. Jim Hackett, CEO của Ford nói sản phẩm máy trợ thở của công ty có thể ra thị trường vào đầu tháng Sáu. General Motors (GM) đang tìm cách huy động mạng lưới nhà máy rộng khắp thế giới vào sản xuất và cung cấp máy trợ thở, không chỉ cho Mỹ mà còn cho nhiều nước khác.
Lực lượng công binh Mỹ không sản xuất hàng hóa như doanh nghiệp tư nhân nhưng đang giữ vai trò chủ lực trong việc cải biến các khách sạn, nhà nghỉ, ký túc xá đại học thành bệnh viện dã chiến phục vụ cách ly và điều trị bệnh nhân dịch COVID-19. Lực lượng này đang cấp tốc hoàn thành các bệnh viện như vậy ở New York, Washington State và California – những điểm nóng về dịch tễ.
Tình trạng thiếu thốn trang bị phòng dịch ở Mỹ vẫn còn trầm trọng nhưng hy vọng sẽ sớm được giải quyết nhờ khối doanh nghiệp tư nhân tích cực tham gia sản xuất và cung ứng. Dây chuyền cung ứng, nguyên vật liệu và lực lượng công nhân đa dạng, trải rộng ở nhiều nước đang giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong thời kỳ khủng hoảng, thay vì chỉ tập trung ở một nước, do một chính phủ cung cấp.
Hơn thế nữa, các doanh nghiệp hiểu rõ hơn chính phủ về năng lực của đội ngũ công nhân, thiết bị và dây chuyền sản xuất của chính họ – họ biết cách cải tiến, thay đổi quy trình sản xuất để đạt hiệu quả tối đa, điều mà không chính phủ nào làm được.
Công việc của chính phủ lẽ ra là ngay từ đầu dịch phải xuất tiền mua sắm trang thiết bị từ các nhà sản xuất, cả trong và ngoài nước, rồi phân bổ cho các tiểu bang, các bệnh viện chứ không phải là ra lệnh cho các doanh nghiệp như Apple hay GM phải sản xuất khẩu trang hay bộ test-kit là những thứ họ không có chuyên môn và thiết bị để làm.
Trong công cuộc ngăn chặn dịch COVID-19, Tổng thống Trump và chính phủ của ông có một số quyết định sai nhưng riêng việc từ chối quốc hữu hóa bộ phận doanh nghiệp tư nhân thì ông đã đúng. Nước Mỹ sẽ vượt qua đại dịch với một nền kinh tế tư nhân còn nguyên vẹn, bền bĩ và sẵn sàng tăng tốc chứ không phải một nền kinh tế quốc doanh đặt dưới sự kiểm soát của guồng máy hành chính và chính trị quan liêu.
Sau khi bài báo này lên khuôn, chúng tôi được tin sáng nay thứ Tư 25-03, hơn một trăm nhà chính trị là cựu quan chức an ninh quốc gia thuộc cả hai đảng, đã ký một lá thư gửi Tổng thống Donald Trump, thúc giục ông ngay lập tức sử dụng luật DPA “ở mức tối đa” để hỗ trợ các công ty sản xuất những mặt hàng thiết yếu cho cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19.
Các tác giả của bức thư cho rằng đạo luật DPA được thiết kế và ban hành chính là vì khu vực kinh tế tư nhân “thiếu năng lực xử lý những yêu cầu đặt ra, không ưu tiên cho những nhu cầu cấp thiết nhất và thiếu phối hợp với các công ty khác nếu không có sự tham gia điều phối của chính phủ”.
Các cựu quan chức an ninh lưu ý các nhân viên y tế đã than phiền rất nhiều về “nhu cầu khẩn cấp và bức bách” máy trợ thở, mặt nạ phòng độc, khẩu trang, dụng cụ xét nghiệm và nhiều thứ nữa. Việc trì hoãn thực thi luật huy động quốc phòng, theo lá thư, là “một sai lầm nghiêm trọng,”
Trong những quan chức ký tên vào lá thư có các ông Chuck Hagel, cựu bộ trưởng quốc phòng thời Tổng thống Barack Obama, Michael Hayden, giám đốc CIA thời Tổng thống George W. Bush; bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia trong chính phủ Obama; ông James Clapper, giám đốc tình báo quốc gia thời Obama, thứ trưởng quốc phòng phụ trách tình báo của Tổng thống Bush; và ông Robert Work, thứ trưởng quốc phòng thời ông Obama và ông Trump.