Thực hư chuyện Dominion, Scytl gian lận bầu cử Mỹ

Trong vài ngày qua, các trang mạng Facebook ở Việt Nam chia sẻ với tốc độ chóng mặt những thông tin cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã bị gian lận một cách tinh vi bằng những công cụ tin học được sử dụng trong việc kiểm phiếu như thiết bị và phần mềm của Dominion Voting System, hệ thống bầu cử tự động Scytl v.v…. Thực hư những thông tin này như thế nào?

Ngày 12-11 Tổng thống Donald Trump đăng tweet tố cáo hệ thống Dominion Voting System – công ty sản xuất máy đếm phiếu bầu cử có trụ sở tại Denver, bang Colorado – đã hủy bỏ 2.7 triệu phiếu bầu cho ông trong cả nước; trong đó ở Pennsylvania có 221,000 phiếu bầu cho ông bị chuyển cho đối thủ Joe Biden; 941,000 phiếu bầu cho ông bị hủy bỏ; các tiểu bang sử dụng hệ thống Dominion đã chuyển 435,000 phiếu bầu từ Trump sang Biden… Những số liệu này ông Trump lấy từ một bài báo trên mạng One American News Network (OANN), căn cứ trên “một phân tích không được kiểm chứng những dữ liệu do Edison Research thu thập”. 

Luật sư riêng của Tổng thống Trump, ông Rudy Giuliani, đã tiếp tay quảng bá lời tố cáo của ông Trump rằng Dominion đã thay đổi phiếu bầu cho tổng thống thành phiếu bầu cho đối thủ Joe Biden. Bên cạnh các kênh thông tin cực hữu thân cận với ông Trump như Breitbart, OANN, Newsmax liên tục đăng những tweet gây tranh cãi của ông Trump, các trang mạng thuộc nhóm Pháp Luân Công như NTD, EpochTimes, New Tang Dynasty TV… cũng tiếp tay dịch sang tiếng Trung Quốc, tiếng Việt và phổ biến rộng rãi.

Một ngày sau đó, dân biểu tiểu bang Texas, ông Louis Gohmert nói trên đài truyền hình Newsmax rằng một lực lượng tinh nhuệ của quân đội Mỹ đã đột nhập và thu giữ hệ thống máy chủ chứa dữ liệu bầu cử Mỹ của công ty Scytl tại thành phố Frankfurt, Đức. Newsmax là một kênh truyền hình cực hữu mà chủ nhân của nó là bạn thân của Tổng thống Trump.

Những thông tin không có căn cứ này còn đi xa hơn, khi phát hiện chồng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, gia đình cựu Tổng thống Bill Clinton có cổ phần trong công ty Dominion nên công ty này là cánh tay đắc lực của đảng Dân Chủ; trùm tài phiệt George Soros là người đứng sau âm mưu phá hoại của công ty Scytl và sở hữu cả kênh truyền hình cánh hữu FoxNews, các tỷ phú của Microsoft như Bill Gates và Paul Allen đều đầu tư nhiều triệu Mỹ kim vào công ty Scytl để lũng đoạn chính trị Mỹ….

Dựa vào các thông tin không có căn cứ này, rất nhiều người viết Facebook ở Việt Nam đã truyền cho nhau những thông tin giật gân rằng kết quả bầu cử ở Mỹ sắp bị đảo ngược, Tổng thống Trump sắp thắng cử với số phiếu áp đảo, thậm chí ông Joe Biden và bộ sậu đã bị… bắt giam và “xin tha tội gian lận bầu cử”. Trong số những Facebookers hồ hởi phát tán và chia sẻ những thông tin giật gân này có không ít nhà báo, nhà văn, dịch giả, nhà đấu tranh dân chủ… là những người có trình độ học vấn, có điều kiện tiếp cận thông tin khá đầy đủ.

Sự thực như thế nào?

Trước làn sóng thông tin phát tán nhanh và rộng, hôm qua 13-11, công ty Scytl – một công ty Tây Ban Nha có trụ sở tại Barcelona, chuyên cung cấp phần mềm tổ chức bầu cử tự động – đã ra thông cáo đính chính: “Chúng tôi không thống kê, kiểm đếm hoặc đếm phiếu ở Mỹ / Chúng tôi không cung cấp máy kiểm phiếu ở Mỹ / Chúng tôi không cung cấp dịch vụ bỏ phiếu trực tuyến ở Mỹ trong các cuộc bầu cử ở Mỹ / Chúng tôi không có máy chủ hoặc văn phòng ở Frankfurt / Quân đội Mỹ không thu giữ đồ vật gì của Scytl ở Barcelona, Frankfurt hoặc bất cứ nơi nào khác / Chúng tôi không thuộc sở hữu của George Soros và không có liên lạc với ông ta / Chúng tôi không dính dáng tới Smartmatic, SGO, Dominion hoặc Indra / Chúng tôi không có liên hệ nào với Nga”.

Scytl chỉ thừa nhận rằng họ có cung cấp cho một số tiểu bang ở Mỹ bốn sản phẩm và dịch vụ cung cấp thông tin do từng khách hàng tạo ra để phổ biến cho cử tri hoặc nhân viên bầu cử, huấn luyện nhân viên bầu cử. Việc bán hàng và dịch vụ do một công ty con có tên là SOE Software có trụ sở tại Tampa, Florida thực hiện và tất cả các máy chủ liên quan đều đặt tại Mỹ.

Xem toàn văn thông báo của công ty Scytl tại đây: https://www.scytl.com/en/fact-checking-regarding-us-elections-debunking-fake-news/

Công ty Dominion cũng vác bỏ thẳng thường những cáo buộc sai lầm về chuyện chuyển phiếu bầu từ người này sang người khác trong hệ thống của công ty. Dominion Voting System chỉ được dùng trong một số quận hạt và đã có một số sai sót nhỏ, nhưng những sai sót đó phần lớn là do lỗi của người sử dụng và đã được sửa chữa nhanh chóng. Về con số 941,000 lá phiếu tại Pennsylvania mà Tổng thống Trump cho rằng cử tri bầu cho ông nhưng đã bị hủy bỏ, Dominion xác định, Dominion chỉ cung cấp dịch vụ cho 14 quận hạt của tiểu bang (Pennsylvania có 67 quận hạt); tính chung các quận hạt này có 1.3 triệu phiếu cử tri, tương đương 76% tổng số cử tri; trong số này có 676,000 phiếu bầu cho ông Trump, chiếm 52% và không có phiếu nào bị hủy bỏ, thông báo trên website của công ty cập nhật ngày 13-11 khẳng định. 

Dominion cũng khẳng định công ty không hề có sở hữu của thành viên gia đình bà Pelosi, gia đình nghị sĩ Feinstein, Quỹ toàn cầu Clinton, công ty Smartmatic, công ty Scytl hoặc chính phủ Venezuela như cáo buộc trên truyền thông xã hội.

Ngoài ra, Dominion cũng khẳng định không hề có sự cố kỹ thuật (glitch) nào trong phần mềm của công ty, tất cả phiếu bầu đều được thống kê chính xác, toàn bộ kết quả đã được kiểm toán (audit) 100% và những cáo buộc gian lận là sai lầm 100%. (Có thể xem toàn văn thông báo của Dominion tại đây: https://www.dominionvoting.com/election2020-setting-the-record-straight/

*

Các công ty bị cáo buộc đã lên tiếng như vậy, các cơ quan điều tra nói gì? 

Hôm 12-11, các cơ quan phụ trách an ninh bầu cử của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ ra thông báo chung nhấn mạnh: “Không có bằng chứng nào cho thấy hệ thống bầu cử đã hủy bỏ hoặc làm thất lạc phiếu cử tri, thay đổi lá phiếu hoặc gây hại bằng bất cứ cách nào” và đánh giá cuộc bầu cử năm nay là “an toàn nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Có thể xem toàn văn thông báo chung của các cơ quan an ninh bầu cử tại đây: https://www.cisa.gov/news/2020/11/12/joint-statement-elections-infrastructure-government-coordinating-council-election

Một quan chức cao cấp của chính quyền liên bang, được Tổng thống Trump bổ nhiệm năm ngoái đặc trách an ninh bầu cử còn nói rằng việc cáo buộc gian lận bầu cử là “lạ lùng, nực cười và xúc phạm”.

Những lời khẳng định của các cơ quan phụ trách an ninh bầu cử rằng cuộc bầu cử năm nay là an toàn, không có gian lận như cáo buộc thiếu căn cứ của Tổng thống Trump và các đồng minh của ông ta đã làm cho ông Trump tức giận và rất có thể các quan chức phụ trách của các cơ quan này sắp bị sa thải. Nhưng họ thà mất chức chứ không nói khác với sự thật để lấy lòng tổng thống.

Cơ quan CISA (Cybersecurity and Infrastructure Security Agency) còn lập hẳn một trang web để kiểm chứng những tin đồn sai sự thật về cuộc bầu cử năm nay tại địa chỉ https://www.cisa.gov/rumorcontrol.

Các quan chức phụ trách bầu cử ở địa phương là người của đảng Cộng Hòa cũng kịch liệt phản bác những lời tố cáo vô căn cứ của ông Trump về gian lận bầu cử, khẳng định trong khu vực mà họ phụ trách họ không phát hiện được, thậm chí không nghe thấy bất kỳ sự việc nào có thể coi là gian lận hoặc bất bình thường trong cuộc bầu cử.

Còn những thông tin về chuyện quân đội Mỹ đột nhập và tịch thu máy chủ ở Frankfurt, Đức cũng giống như những tin bịa đặt khác tung ra mấy ngày trước rằng Vệ binh Quốc gia đang đếm lại các phiếu bầu “được in với một loại mực đặc biệt có chất đồng vị phóng xạ để chống giả, sử dụng công nghệ Blockchain” hay tin “bản đồ bầu cử thật cho thấy ông Trump vượt qua ông Biden về số phiếu cử tri đoàn” thì hầu như báo chí chính thức không mấy quan tâm vì sự bịa đặt quá lộ liễu và khó thuyết phục những người có đầu óc tỉnh táo.

Chỉ cần nghĩ xem, tại sao dữ liệu bầu cử của Mỹ lại được lưu trữ và xử lý trong các máy chủ đặt tại Frankfurt, Đức; tại sao một thông tin nóng sốt như vậy lại không được phóng viên nào theo dõi, không một tờ báo uy tín nào đưa tin? 

Thật và giả lẫn lộn trên các mạng xã hội – nơi ai cũng có thể đăng bất cứ chuyện gì mà họ muốn quảng bá – đòi hỏi người đọc ngày nay phải hết sức tỉnh táo và thận trọng trong việc chọn lọc tin tức.

Bản tin AP hôm qua đã bác bỏ hoàn toàn thông tin sai trái về chuyện “quân đội Mỹ đột kích văn phòng công ty phần mềm Scytl tại Frankfurt, Đức; và thu được bằng chứng gian lận bầu cử tại Mỹ”. Nguồn: xem ở đây.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: