Tin tặc Trung Quốc nhắm xâm nhập công ty Moderna tìm thông tin vaccine Covid-19

Hai tin tặc Trung Quốc Lý Tiểu Ngọc (Li Xiaoyu) và Đổng Gia Chí (Dong Jiazhi) bị FBI truy nã. Ảnh FBI

H.C.

Các tin tặc liên kết với chính phủ Trung Quốc đã nhắm vào công ty công nghệ sinh học Moderna Inc. của Mỹ – đơn vị đang đi đầu trong việc nghiên cứu và bào chế vaccine chủng ngừa Covid-19, và thực hiện nhiều cố gắng xâm nhập hệ thống máy tính của công ty này để ăn cắp các dữ liệu có giá trị, theo một quan chức an ninh Mỹ chuyên theo dõi hoạt động tấn công tin học của Trung Quốc.

Trong một bản tin độc quyền phát đi chiều nay thứ Năm 30-07, hãng tin Reuters cho biết hoạt động của tin tặc Trung Quốc xâm nhập hệ thống của Moderna Inc. đã có từ đầu năm, ngay sau khi Moderna Inc. – có trụ sở tại bang Massachussetts, công bố “ứng viên vaccine” ngừa coronavirus, hợp tác với Viện quốc gia về Dị ứng và bệnh Truyền nhiễm (NIAID) và các đại học lớn ở khu vực thành phố Boston như Harvard, Yale.

Tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ công bố cáo trạng kết tội hai công dân Trung Quốc tội do thám nước Mỹ bằng hoạt động tin tặc, nhắm vào ba công ty Mỹ chuyên nghiên cứu dược phẩm để phòng chống Covid-19. Cáo trạng nói hồi tháng Giêng 2020 các tin tặc Trung Quốc “đã thực hiện do thám” hệ thống máy tính của một công ty công nghệ sinh học ở Massachussetts đang nghiên cứu và bào chế vaccine. Công ty Moderna Inc. xác nhận với Reuters công ty đã liên lạc với Cục Điều tra liên bang FBI và đã biết rõ “các hoạt động do thám thông tin” của nhóm tin tặc bị buộc tội trong cáo trạng tuần trước của Bộ Tư pháp.

“Moderna luôn hết sức cẩn thận với những rủi ro tấn công tin học; chúng tôi có đội chuyên viên nội bộ, dịch vụ hỗ trợ từ bên ngoài và có mối quan hệ cộng tác tốt với các cơ quan công quyền bên ngoài để đánh giá liên tục các mối đe dọa, bảo vệ các thông tin quý giá của chúng tôi,” ông Ray Jordan, phát ngôn viên của Moderna nói.

Cuối tuần trước, Moderna đã bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, cũng là giai đoạn cuối, một loại vaccine ngừa Covid-19 do công ty bào chế, trên 30.000 tình nguyện viên ở khắp các tiểu bang của Mỹ. Chính phủ Mỹ đặt nhiều hy vọng và đã đầu tư gần 900 triệu đô la vào việc nghiên cứu bào chế vaccine của Moderna Inc. nhắm có được vaccine để chủng ngừa cho người dân Mỹ vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Trung Quốc cũng chạy đua bào chế vaccine, huy động cả nhà nước, quân đội và các công ty tư nhân tham gia với tham vọng trở thành nước đầu tiên sản xuất được vaccine an toàn và hiệu quả để ngừa sự bùng phát của Covid-19.

Nhưng ngoài việc tự lực tìm tòi, Trung Quốc còn âm thầm sử dụng tin tặc xâm nhập hệ thống máy tính của các công ty công nghệ thế giới để ăn cắp thành quả nghiên cứu.

Cáo trạng công bố ngày 21 tháng Bảy vừa qua của Bộ Tư pháp Mỹ tố cáo hai tin tặc Trung Quốc, Lý Tiểu Ngọc (Li Xiaoyu) và Đổng Gia Chí (Dong Jiazhi) đã thực hiện một chiến dịch xâm nhập mạng kéo dài nhiều năm qua nhằm đánh cắp bí mật thương mại, dữ liệu về thiết kế vũ khí, thông tin dược phẩm, mã nguồn phần mềm và dữ liệu cá nhân., mà gần đây nhất là nhắm vào các tổ chức nghiên cứu và bào chế dược phẩm chống Covid-19.

Các biện lý Mỹ nói Lý và Đổng “làm thuê” cho Bộ Công an Trung Quốc, thực hiện những yêu cầu của Bộ này và nhắm vào các “mục tiêu” do công an chỉ định. Nhưng từ trước tới nay Bắc Kinh luôn phủ nhận cáo buộc rằng họ có vai trò trong các cuộc tấn công mạng trên toàn cầu. Trả lời Reuters, Tòa Đại sứ Trung Quốc tại thủ đô Washington trích văn bản của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “Trung Quốc từ lâu đã là nạn nhân của các vụ tấn công mạng và ăn cắp thông tin”, và “Trung Quốc phản đối mạnh mẽ những hành động như vậy”.

Ngoài công ty Moderna Inc. ở Massachussetts, cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ xác định hai công ty công nghệ sinh học khác cũng bị xâm nhập, tuy không nêu danh tính cụ thể nhưng cho biết một công ty ở California và một công ty ở Maryland. Các biện lý nói, tin tặc Trung Quốc cũng “tìm kiếm những lỗ hổng bảo mật” và “tiến hành do thám” các công ty này.

Theo thông tin của tòa án, có thể xác định công ty ở California là Gilead Sciences Inc. – công ty bào chế thuốc remdesivir đã được xác nhận có tác dụng giúp người bị nhiễm Covid-19 hồi phục sức khỏe nhanh hơn. Phát ngôn viên của công ty Gilead Sciences, ông Chris Ridley, nói công ty không bình luận về những vụ tấn công mạng.

Một công ty nữa là Novavax, chuyên nghiên cứu và bào chế vaccine ở Maryland. Phát ngôn viên của Novavax cũng không bình luận nhưng nói rằng “Đội bảo vệ an ninh mạng của Novavax đã được cảnh báo về các mối đe dọa từ nước ngoài mà sau này báo chí đưa tin”.

EU cấm vận tình báo Nga, Bắc Hàn và Trung Quốc vì hoạt động tin tặc

Cũng liên quan tới tin tặc và hoạt động xâm nhập mạng, hôm nay Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định cấm vận về đi lại và tài chánh đối với một bộ phận của sở tình báo quân đội Nga, một số công ty của Bắc Hàn và Trung Quốc vì thực hiện tấn công tin học khắp thế giới.

Trong đợt cấm vận đầu tiên liên quan tới tội phạm mạng, EU tố cáo Sở tình báo quân đội Nga thực hiện hai cuộc tấn công vào tháng Sáu 2017 nhắm vào nhiều công ty châu Âu, gây thiệt hại về tài chánh. Sở này cũng bị tố cáo tấn công hai lần vào mạng lưới điện của Ukraine năm 2015 và 2016.

Bốn cá nhân làm việc cho Sở Tình báo quân đội Nga cũng bị cấm vận vì tham gia tấn công mạng của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) ở Hòa Lan tháng Tư 2018.

Công ty Chosun Expo của Bắc Hàn vị cấm vận vì tham gia tập đoàn Lazarus Group, là nhóm tội phạm đã thực hiện nhiều vụ tấn công mạng khắp thế giới, nổi bật là vụ giả mạo Ngân hàng trung ương Bangladesh, xâm nhập hệ thống của Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed) khu vực New York, đánh cắp 81 triệu đô la và tấn công, xóa dữ liệu của hãng phim Sony Pictures ở Hollywood sau khi hãng này làm bộ phim chế nhạo lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un năm 2014.

Công ty Trung Quốc Haitai Technology Development bị cấm vận vì đã thực hiện chiến dịch tấn công nhằm ăn cắp các dữ liệu thương mại nhạy cảm của nhiều công ty đa quốc gia toàn cầu. Hai cá nhân Trung Quốc dính líu tới các vụ tấn công này cũng bị cấm vận.

Lệnh cấm vận bao gồm biện pháp cấm nhập cảnh vào EU và phong tỏa tài sản của các cá nhân, tổ chức bị cấm vận. Các công dân EU, công ty EU và các pháp nhân khác bị cấm cung cấp tài chánh, công nghệ cho những tổ chức và cá nhân bị nêu tên trong lệnh cấm vận.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: