Triệu phú trồng rau vùng Đông Bắc

CÁT LINH

Hơn 6 giờ sáng, khí hậu Virginia dễ chịu trong cái lạnh nhè nhẹ của tháng Mười. Sương chưa kịp tan trên lá cây, bà Bộc đã bắt đầu một ngày làm việctrong vườn rau bạc triệu của bà giữa khu thị tứ Falls Church vùng Đông Bắc.

Bà Bộc

Cách trung tâm Eden của cộng đồng người Việt Đông Bắc khoảng 15 phút chạy xe, vườn rau của bà Bộc nằm ngay khu thị tứ, thuộc vào khu đất vàng. Khác với những mảnh đất vàng khác dùng để xây cao ốc, siêu thị, hoặc chung cư, bà Bộc gắn bó với nghề trồng rau gần 40 năm. 

Mái tóc “demi garcon” ôm gọn khuôn mặt, chiếc áo bà ba, cái lưng đã khòm vì thời gian và công việc, bà Bộc, người được gọi là “triệu phú nông dân”lọt thỏm giữa vườn rau rộng hơn 2 mẫu với khoảng 50 loại rau, cây trái đủ loại.

Mùi đất, mùi phân cỏ, mùi rau thơm hòa lại thành một cảm giác vô cùng dễ chịu. 

Những góc trong vườn rau bà Bộc. (Hình: SGN)

Tay cầm bó rau râm mới cắt còn đẫm ướt sương, bà khoe:

“Rau râm của tôi rất thơm. Biết tại sao không? Vì nó có những đốm đen trên lá nè. Rau râm mà không có đốm đen, nó trắng thì cây nó vàng khè, nó từ từ nó chết.”

Sinh ra và lớn lên trong một túp lều tranh ở vùng quê miền Bắc. Gia đình dòng họ của bà, mấy đời đều làm nghề nông. Cái nghèo cái khổ vận vào thân cho đến khi di tản vào Nam, rồi từ miền Nam theo chồng về Mỹ.

Cũng nhiều người từng hỏi bà vì sao sang xứ Mỹ không làm gì cao sang hơn mà làm nghề nông? Câu trả lời của bà Bộc, đơn giản như…một bó rau:

 “Lúc mình mới bước chân sang Mỹ, mình bồng một đứa con mới 18 tháng, mình gửi nó đi mình đâu có biết người ta nuôi nó ra làm sao. Thành ra mình phải hy sinh cho con mình. Mình phải kiếm cái gì đó để mình vừa ôm nó vừa kiếm tiền phụ chồng.”

Mỗi sang, bà Bộc ra vườn rất sớm để cắt rau. (Hình: SGN)

Cơ duyên đưa bà Bộc đến với vườn rau này là thế. Nhưng, chưa phải là duy nhất. Thú vị hơn nữa, người “mở lối dẫn đường” cho bà đến với nghề nông trên đất Mỹ lại chính là ông Jeans, chồng của bà, một công chức làm việc cho chính quyền miền Nam cũ.

“Ông chồng tôi thích trồng rau lắm. Đi làm về là ổng thay đồ ra đào đất làm vườn, trồng rau. Hai vợ chồng ăn đâu có hết, nên mỗi cuối tuần là cắt rau mang cho bạn bè. Họ mừng lắm. Lúc đó tôi còn đi may phụ thêm. Tôi mang vô hãng may cho mấy bà bạn. họ nói rau mắc lắm đừng có cho. Trồng tốn công tốn sức tốn đủ thứ mà mang đi cho hoài. Mang đi bán đi. Họ bày tôi mang ra bãi đậu xe. Tôi làm theo, người ta thích quá trời, hỏi đủ thứ loại rau. Thế là từ đó tôi ngồi bán ở bãi đậu xe cũng khoảng 10 năm.”

Bước vào “nghề” bán rau là từ sở thích của chồng, nhưng mở ra một “tiệm bán rau” ở nhà là từ “sáng kiến” của bà má chồng. Bà kể lại chuyện xưa:

“Về sau, bà má chồng nói rau của con ngon, đi bán chi cho nó mệt, cứ ở nhà đi sẽ có người mua. Thế là tôi ở nhà. Sau đó có mấy người Mỹ đến làm phóng sự, đưa lên tivi, có địa chỉ hết nên từ đó nhiều người biết đến, thành ra tôi không phải đi đâu nữa hết.” 

Tiếng lành đồn xa. Rau ngon vang khắp vùng. Khách đến mua đông đến  mức khu vườn nhỏ của bà Bộc không được phép làm kinh doanh nữa. Vợ chồng bà phải tìm một khu đất rộng hơn hai mẫu, theo luật lệ của tiểu bang. Vườn rau bạc triệu nằm ngay khu thị tứ của bà Bộc ra đời từ đó. 

“Tôi làm hoài làm hoài gần 40 năm nay, không bỏ.”Bà nói

Nhìn bà Bộc cắt rau, bó rau, cắt từng quả mướp  trên giàn mới hiểu bà yêu vườn rau của bà như thế nào. Một quả bí đỏ trong khu vườn của bà, tầm khoảng ba người khiêng mới xuể. Bầu, bí, mướp trên giàn thì phủ kín đầu người.

Những trái bí trong vườn của bà Bộc. (Hình: SGN)
Những trái bí trong vườn của bà Bộc. (Hình: SGN)

Những bụi cây húng quế cao gần bằng đứa trẻ lên 5. Lá to, khỏe, xanh mướt, thơm lừng một góc vườn.

Siêu thị rau ngoài trời

Khoảng 11 giờ trưa, sau giờ tan lễ của một nhà thờ gần đó, người dân bắt đầu tấp vào siêu thị rau ngoài trời của bà.

Siêu thị được dựng bằng một túp lều vải. Bên trong là những loại rau trong vườn bà Bộc đã cắt từ sớm, bó sẵn từng bó. Bí cũng cắt thành từng phần to, nhỏ hoặc để nguyên trái cho người mua lựa chọn.

Nếu vị khách nào thích tự mình ra vườn cắt rau, bà cũng đồng ý. Đây cũng chính là điểm đặc biệt ở vườn rau bà Bộc. Đa số khách mua là người Việt đều thích tự mình cắt ngọn rau, cọng ngò.

Một người khách đang mua rau quả trong siêu thị ngoài trời của bà Bộc. (Hình: SGN)

Sau đó, hàng hóa sẽ được ông Jeans đặt lên quả cân, nói giá tiền, và giao cho khách.Cảm giác thú vị như đi một khu chợ miền quê là điều ai cũng có.

Cô Hằng Nguyễn, cư dân Alexandria, cho biết cứ mỗi cuối tuần cô đều ghé vườn rau bà Bộc dù phải mất khoảng 25 phút lái xe.

“Thích lắm. Rất thú vị. Ở nhà mình đâu có được như vậy đâu. Bà bán với giá phải chăng lắm. Ông bà rất thật thà. Tôi thích mua rau tận vườn như thế này. 100% organic không phải lo sợ gì cả.”

Một khách mua rau khác, đang cắt những lá húng quế cho biết bà là khách hàng của bà Bộc từ rất lâu.

“Tôi mua rau của bà Bộc lâu rồi. Rau của bà tươi và có nhiều loại. Ngoài chợ nhiều khi không có loại mình thích, như rau kinh giới, rau muống thì tùy chợ. Mình tự cắt mình biết nó tươi tốt. Rau ngoài chợ có loại chở từ tiểu bang khác về, để lâu không còn tươi. Rau organic vì bà chỉ dùng bã đậu nành và cỏ để làm phân bón. Nhìn thấy ong bay quanh mấy cây rau là biết không dùng thuốc.”

Một góc vườn rau bà Bộc. (Hình: SGN)

Xe này chạy ra, xe khách lại chạy vô. Mỗi khi hết rau đã bó sẵn, ông Jeans ‘thông báo’ cho bà biết. Thế là một tay cầm kéo, một tay xách chậu nhỏ, cái lung khòm của bà lại thoắt ẩn thoắt hiện giữa những luống rau xanh ngắt.

Ai cũng biết, mùa đông vùng Đông Bắc khắc nghiệt. Có năm, bang Virginia chịu những trận tuyết lớn kéo dài mấy ngày liền. Sau đó là cả một đến hai tuần lễ chờ tuyết tan. Đây cũng là thời điểm vườn rau của bà “đóng cửa.” Bà và Jeans thì đi trú đông.

“Hai đứa dắt nhau đi lang thang. Đi tùm lum hết. Chỗ nào chưa đi tới thì đi.Hồi xưa ổng làm trong ban thanh tra nên ổng đi đâu thì tôi đi theo. Lên rừng lên núi, đi xuống biển.Bây giờ vẫn thế. Chứ ngồi trong nhà, chịu không nổi.”

Bà Bộc, ông Jeans hơn 70 tuổi. Vườn rau của ông bà cũng hơn 30 năm. Mỗi một mùa rau, lưng của ông bà lại còng thêm một chút. Bà từng nói muốn nghỉ ngơi lắm rồi, nhưng chỉ muốn giao lại vườn rau này cho ai yêu nghề nông như mình. “Nếu mua mà không tiếp tục trồng rau thì trả tôi chục triệu tôi cũng không bán.” Bà nói như thế.

Bà, là bà Bộc, bà nông dân triệu phú gốc Việt của vùng Đông Bắc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: