Vì sao Trung Quốc xới lại vụ “Mỹ ném bom đại sứ quán” 22 năm trước?

Dư luận Trung Quốc cho rằng, Mỹ ném bom san bằng đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư 22 năm trước là để tiêu hủy bí mật công nghệ làm nên loại chiến đấu cơ tàng hình “Chim Ưng Đêm” F-117 Nighthawk. Đúng sai chưa biết, nhưng việc xới lại sự kiện này phục vụ tốt cho chiến lược tuyên truyền của Bắc Kinh trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đúng hai mươi hai năm trước, tòa đại sứ Trung Quốc tại Belgrade – thủ đô của nước Nam Tư cũ – bất ngờ bị chiến đấu cơ tàng hình F-117 Nighthawk của không quân Mỹ ném bom san bằng, giết chết ba công dân Trung Quốc và làm bị thương 20 người khác, gây ra một sự cố ngoại giao lớn giữa hai nước.

Hoa Kỳ luôn khẳng định vụ ném bom ngày 07-05-1999 là một tai nạn khi NATO dự định ném bom một cơ sở gần đó của Nam Tư. Dù Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Bill Clinton đã lên tiếng xin lỗi, chính phủ Trung Quốc vẫn luôn khẳng định đó không phải là một vụ bắn nhầm, quân đội Mỹ đã cố tình đánh bom đại sứ quán Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh đây là một cuộc tấn công có chủ ý của Hoa Kỳ.

Thời gian trôi đi và sự cố “Mỹ ném bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade” tưởng chừng như đã rơi vào quên lãng. Nhưng hôm thứ Năm 03-06-2021, nhà báo Katsuji Nakazawa của tờ Asia Nikkei Review cho biết, vụ việc đang được cư dân mạng Trung Quốc xới lên lại, bàn tán sôi nổi và đưa ra một cách giải thích khác. Theo ông Nakazawa, nhiều bài viết có tiêu đề giật gân về sự cố này đã xuất hiện liên tục trên các mạng xã hội Trung Quốc từ sau ngày phái đoàn ngoại giao cao cấp của hai nước đấu khẩu với nhau trong cuộc họp ở Alaska cuối tháng Ba vừa qua. Ông Nakazawa nhận định: “những gì thực sự xảy ra đêm đó là một chủ đề hấp dẫn đối với người dân Trung Quốc. Nhưng những thông tin như vậy được tiết lộ vào lúc này là một hiện tượng kỳ lạ, dường như có ai đó đang cố tình tiết lộ những bí mật đằng sau vụ việc.”

Các bài báo xuất hiện gần đây cho rằng, lý do thực sự khiến đại sứ quán Trung Quốc bị nhắm mục tiêu là sự tồn tại của các mảnh vỡ của một máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ dưới tầng hầm của tòa nhà đại sứ quán.

Một tháng trước đó, trong cuộc xung đột Kosovo, một chiến đấu cơ tàng hình F-117 Nighthawk của không quân Mỹ đã bị một tên lửa đất đối không do Nga sản xuất và quân đội Nam Tư do Serbia đứng đầu bắn hạ. Các mảnh vỡ của chiếc F-117 rơi vung vãi trên đồng ruộng tại ngôi làng Budjanovci, Serbia, cách Belgrade khoảng 40 cây số về phía tây, và một số bộ phận sau đó được trưng bày tại bảo tàng hàng không Belgrade. Tuy nhiên, sau khi chiếc máy F-117 bị hạ, các đặc vụ Trung Quốc đã lùng sục khắp khu vực, tìm mua các bộ phận của chiếc máy bay từ nông dân địa phương. Đô đốc Davor Domazet – Loso, khi đó là tham mưu trưởng quân đội của nước láng giềng Croatia, đã nói với hãng tin Associated Press (AP) như vậy vào năm 2011.

Tưởng cần để ý rằng F-117 Nighthawk là chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên trên thế giới, do công ty hàng không vũ trụ Lockheed của Mỹ, nay là Lockheed Martin, chế tạo.

Công nghệ tàng hình cho chiến đấu cơ, hệ thống ngắm mục tiêu chính xác bằng tia laser đã được nghiên cứu từ thập niên 1970, đến thời điểm 1999 không còn là ưu thế vượt trội nữa, nhưng đống mảnh vỡ của F-117 – và loại vật liệu tạo nên tính năng tàng hình của nó – vẫn có giá trị nghiên cứu và các nước đối thủ của Mỹ luôn chú ý và thèm khát.

“Chúng tôi tin rằng người Trung Quốc đã sử dụng những mảnh vỡ đó để tìm hiểu sâu về các công nghệ tàng hình bí mật, và để thiết kế ngược lại (reverse-engineer)”, Đô đốc Domazet-Loso của Croatia nói trong cuộc phỏng vấn với AP.

Theo các bài báo gần đây của Trung Quốc, Bắc Kinh đã yêu cầu chính phủ Nam Tư chia sẻ các mảnh vỡ phi cơ mà họ thu hồi được, và họ đã thành công trong việc thu được hệ thống dẫn hướng, phần thân chính tàng hình và các bộ phận vòi phun động cơ chịu nhiệt của chiếc F-117 xấu số.

Tuy nhiên, do tính chất bí mật của việc thu gom mảnh vỡ, người Trung Quốc khó mà vận chuyển chúng về nước bằng đường biển hoặc đường hàng không. Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác là tạm thời cất giữ chúng trong tầng hầm của tòa nhà đại sứ quán Trung Quốc, các bài báo Trung Quốc tiết lộ.

Quân đội Hoa Kỳ nhận ra tín hiệu định vị từ các thiết bị trong đống đổ nát và biết được vị trí mới của chúng là ở trong tầng hầm của đại sứ quán Trung Quốc. Một oanh tạc cơ B-2 được cử đi, năm quả bom chính xác được laser dẫn đường, đã ném trúng mục tiêu. Nhưng nguồn tin Trung Quốc nói, một trong các quả bom rơi trúng tầng hầm mà không nổ, đống mảnh vỡ F-117 vẫn còn nguyên vẹn.

Sau đó, Trung Quốc đã dành 10 năm để nâng cấp công nghệ tàng hình và nghiên cứu chuyên sâu về tên lửa dẫn đường bằng laser. Một bản tin của AP năm 2011 nói rằng công nghệ cho chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc có thể đã bắt nguồn từ mảnh vỡ của chiếc máy bay F-117 bị bắn rơi.

Trong hai thập kỷ kể từ vụ đánh bom đại sứ quán, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách về sức mạnh với Mỹ. Bằng chứng là tại cuộc gặp gần đây giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Alaska, Trung Quốc tỏ dấu hiệu cho thấy họ không phải sợ bất kỳ nước nào chừng nào họ có sức mạnh thực sự, các bài báo Trung Quốc nhấn mạnh.

Nhưng nhà báo Nakazawa lưu ý, các bài báo Trung Quốc không khẳng định dứt khoát. Khi đề cập đến các sự kiện cốt lõi, họ sử dụng tham chiếu gián tiếp như “được cho là” và “phân tích được ủng hộ rộng rãi nhất trên internet.”

Điều đó là vì, nếu đại sứ quán thật sự đã giấu tài liệu nhạy cảm trong tầng hầm khiến tính mạng của nhân viên của họ gặp rủi ro, thì đó là điềm xấu cho hình ảnh của Trung Quốc. Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn phủ nhận giả thuyết họ đánh cắp công nghệ, cho nên còn quá sớm để nói rằng các bài báo đã tiết lộ sự thật về vụ việc năm 1999.

Nhưng sự thay đổi trong lập trường của Trung Quốc là đáng chú ý. Tại Trung Quốc, các ý kiến ​​bày tỏ trên mạng xã hội được chính quyền giám sát và kiểm soát chặt chẽ; nhà chức trách có thể xóa bất kỳ bài nào mà họ cho là bất tiện. Nhưng các bài báo đề cập vụ ném bom đại sứ quán đã không bị xóa, cho thấy là chúng đã nhận được sự chấp thuận ngầm từ các nhà chức trách Trung Quốc.

Vậy tại sao nhà chức trách Trung Quốc lại bật đèn xanh cho vụ này?

Trước hết, hầu hết người dân Trung Quốc đều tin rằng vụ đánh bom đại sứ quán là có chủ ý. Việc tung “bằng chứng” cho lập luận đó càng làm nổi bật những tội lỗi của người Mỹ và đoàn kết người dân đứng sau chính phủ Trung Quốc khi quan hệ hai nước ngày càng xấu đi.

Thứ hai, các nhà chức trách Trung Quốc rõ ràng đang nêu bật sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ quân sự của nước này kể từ “mối ô nhục ở Belgrade”. 

Sau sự cố đại sứ quán tháng 5-1999, nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ nổ ra khắp Trung Quốc; trong đó sinh viên Trung Quốc giương biểu ngữ với các khẩu hiệu “Đừng coi thường người Trung Quốc” và “Một lúc nào đó Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia mạnh nhất thế giới”. Lúc đó những khẩu hiệu này dường như chỉ là một giấc mơ viển vông, nhưng mục tiêu đó bây giờ đã trong tầm tay.

Cả hai điểm này đều phù hợp với công cuộc tuyên truyền trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 1 tháng Bảy sắp tới.

Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) hôm thứ Sáu 28-05-2021 đã có bài phát biểu trước các nhà khoa học nổi tiếng trong nước tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ông Tập, người cũng là tổng bí thư đảng, nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Trung Quốc thành nước dẫn đầu về khoa học và công nghệ và đạt được “sự tự chủ và tự cường trong lĩnh vực khoa học công nghệ”. Đối với Trung Quốc, các công nghệ quân sự là cốt lõi của lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Giữa những mối lo ngại về khả năng chuỗi cung ứng trong lĩnh vực công nghệ bị gián đoạn do đối đầu với Mỹ, Trung Quốc đang kêu gọi phát triển độc lập các sản phẩm công nghệ có thể giúp nước này tiến tới vị thế thống trị về công nghệ. Trong kế hoạch dài hạn đến năm 2035, Trung Quốc đặt mục tiêu đuổi kịp Mỹ về mặt quân sự cũng như kinh tế.

Một ngày sau bài phát biểu của ông Tập, chương trình tin tức chính buổi tối của đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã chiếu cảnh các máy bay chiến đấu tàng hình J-20 bay theo đội hình trong khi các bình luận viên thảo luận về lời kêu gọi của ông Tập về “sự tự chủ và tự cường trong lĩnh vực khoa học công nghệ”. CCTV coi chiến đấu cơ J-20 như một nguồn tự hào dân tộc.

Cũng ngày hôm đó, Bộ trưởng Ngoại giao Serbia Nikola Selakovic đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tại Quý Dương, thành phố thủ phủ của tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Serbia là “hậu duệ” tách ra từ Liên bang Nam Tư cũ, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. 

Những sự kiện này có vẻ quá trùng hợp.

Tại cuộc họp báo chung với Selakovic, Vương cho biết hợp tác của Trung Quốc với các nước Trung Âu và Đông Âu “tập trung vào hợp tác kinh tế và thương mại thực dụng, không liên quan đến lĩnh vực quốc phòng và an ninh.” Sự hợp tác của Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu “chưa bao giờ có ý định địa chiến lược, và [Trung Quốc] không có ý định tham gia vào bất kỳ khu vực ảnh hưởng nào,” Vương nói.

Tuy nhiên khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa (Wei Fenghe) đến thăm Serbia vào tháng Ba, ông ta và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã trao đổi quan điểm về hợp tác quân sự. Họ cùng nhau duyệt một cuộc diễn tập quân sự của các lực lượng vũ trang Serbia. 

Trung Quốc và Serbia trong lịch sử có mối quan hệ an ninh chặt chẽ. Đó là một mối quan hệ đã trở nên nổi bật nhờ cuộc đối đầu Mỹ-Trung gần đây.

Bây giờ, 22 năm trôi qua, vụ đánh bom đại sứ quán không phải là một mảnh lịch sử đã lùi vào dĩ vãng mà là một yếu tố của quan hệ quốc tế phức tạp ngày nay … và của chính trị nội bộ của Trung Quốc.

(theo Asia Nikkei Review)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: