WHO phản bác TT Trump, cảnh báo “thêm nhiều túi đựng xác”!

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus , Tổng giám đốc WHO trong một cuộc họp báo ở Geneva đầu tháng 03. AP

H.C.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng nay thứ Tư phản bác cáo buộc của Tổng thống Donald Trump rằng cơ quan này “coi Trung Quốc là trung tâm” (China-centric) và nói thời điểm đại dịch đang vào giai đoạn ác liệt không phải là lúc để Mỹ cắt nguồn tài trợ. Người lãnh đạo của tổ chức này thậm chí còn dọa “sẽ có thêm nhiều túi đựng xác” nếu cứ “chính trị hóa” đại dịch!

Tại cuộc họp báo sáng hôm qua thứ Ba, Tổng thống Donald Trump nói WHO đã đưa ra những khuyến nghị sai lầm, may mắn là ông đã không làm theo những khuyến nghị đó và dọa sẽ xem xét cắt hoặc giảm bớt khoản đóng góp của Mỹ cho tổ chức này.

Năm 2019, Mỹ đóng góp cho WHO hơn 452 triệu USD, nhiều nhất thế giới, và nhiều hơn hai lần nước đóng góp nhiều thứ hai, trong khi Trung Quốc chỉ góp 44 triệu USD, theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ. Tính chung trong hai năm 2018-2019, Mỹ đã đóng góp cho WHO 900 triệu USD, gần bằng 20% tổng ngân sách 4,4 tỷ USD của tổ chức này.

Từ khi đại dịch bùng phát ở Trung Quốc và phát tán khắp thế giới, dư luận và truyền thông đã nhiều lần cảnh báo WHO đánh mất vai trò giám sát và hướng dẫn của mình, trở thành cái loa phát ngôn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hàng ngày, WHO nhận số liệu về số người nhiễm bệnh, số tử vong từ chính quyền Trung Quốc rồi công bố trên công luận mà không có sự điều tra, kiểm chứng độc lập. Các chuyên gia của WHO không được vào Trung Quốc thực hiện điều tra dịch tễ tại hiện trường để nghiên cứu giải pháp đối phó, mãi đến giữa tháng 02-2020 khi Trung Quốc đã căn bản kiểm soát được dịch Vũ Hán thì một đoàn chuyên gia WHO mới được phép vào nước này nhưng hoạt động của họ hoàn toàn do chính quyền Trung Quốc sắp xếp và dẫn dắt.

Chính vì thế, những nhận định và khuyến nghị của WHO vừa chậm trễ, vừa sai lệch, khiến chính phủ các nước lúng túng trong việc ngăn chặn đại dịch; chẳng hạn như WHO cho rằng không có bằng chứng coronavirus lây lan từ người sang người khi dịch đã phát tán từ Trung Quốc sang một số nước láng giềng; WHO phản đối biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới khi nhiều nước đã bắt đầu cách ly người nhiễm bệnh và sàng lọc những người nước ngoài nhập cảnh.

Các nhà lãnh đạo của WHO, chẳng hạn như Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus, cố vấn cao cấp Bruce Aylward, thường xuyên ca tụng chính quyền Trung Quốc chống dịch “minh bạch”, “nhanh chóng”, “hiệu quả” trong khi thực tế thì ngược lại. WHO cũng “chính trị hóa” đại dịch bằng việc loại bỏ Đài Loan ra khỏi luồng thông tin về dịch dù Đài Loan cũng là nơi bị dịch tàn phá và đã có những biện pháp chống dịch hữu hiệu.

Chính phủ Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã có những đánh giá sai lầm và hành động chậm trễ trong việc ứng phó với dịch coronavirus, khiến tình hình trở nên tồi tệ như hiện nay, nhưng trong đó có phần trách nhiệm của WHO. WHO chẳng những chậm công bố đại dịch toàn cầu mà còn phản đối các biện pháp của Mỹ như di tản công dân Mỹ khỏi ổ dịch Vũ Hán, cấm nhập cảnh những người ngoại quốc từ Trung Quốc tới Mỹ, công dân Mỹ từ Trung Quốc trở về phải chịu cách ly 14 ngày v.v…

Không riêng ông Trump mà chính phủ nhiều nước, nhất là các chính phủ châu Âu, đã gạt qua một bên, không thèm để ý hoặc phê phán các khuyến nghị của WHO về chính sách đối phó với dịch, chẳng hạn như không nên hạn chế đi lại, không nên mang khẩu trang v.v…

Theo một số nhà bình luận, chính phủ Mỹ đang tìm cách đổ tội cho WHO để gỡ gạc cho sự kém cỏi của mình trong cuộc ứng phó với đại dịch. Và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đang dựa vào luận điểm đó để tố cáo ngược lại rằng Mỹ “chính trị hóa” đại dịch, để “ghi điểm chính trị”.

“Trọng tâm của mọi đảng chính trị nên là cứu người dân, xin đừng chính trị hóa virus. Nếu các người muốn lợi dụng và nếu các người muốn có thêm nhiều túi đựng xác thì các người cứ việc. Còn nếu các người không muốn có thêm túi đựng xác thì hãy nên kiềm chế, đừng chính trị hóa virus nữa,” ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một tuyên bố đầy giận dữ phát đi sáng nay thứ Tư.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi đoàn kết toàn cầu để chống dịch, nói rằng virus sẽ lợi dụng những kẽ nứt giữa các đảng chính trị, các tôn giáo, các quốc gia để phát tán rộng hơn. Tuy không nhắc tên quốc gia nào hoặc nhân vật nào nhưng ông cảnh báo, nếu không đoàn kết thì ngay cả các nước phát triển nhất cũng sẽ “đối mặt với thêm nhiều rắc rối, thêm nhiều khủng hoảng.” “Không cần phải sử dụng Covid-19 để ghi điểm chính trị. Không cần thiết. Các người có nhiều cách khác để chứng tỏ mình,” ông nói.

Tổng thống Trump lúc đầu thông báo cắt tài trợ cho WHO, nhưng sau đó ông đổi ý, chỉ “xem xét kỹ chuyện này” và cho rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp để làm việc đó. Nhiều chuyên gia y tế quốc tế cũng nhận định, việc Mỹ cắt tài trợ lúc này sẽ là một đòn đánh mạnh, một thảm họa cho tổ chức quốc tế này.

Nên lưu ý, theo luật pháp Mỹ, thẩm quyền cấp ngân sách cho các tổ chức quốc tế thuộc về Quốc hội Mỹ chứ không phải tổng thống. Trong năm tài chính hiện hành, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn khoản đóng góp cho WHO là 122 triệu USD, còn chính phủ Trump đề nghị khoản đóng góp cho năm tới 2021 chỉ là 58 triệu USD nhưng còn phải được Quốc hội duyệt xét.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: