Ngày nay, không chỉ những thính giả ở độ tuổi thất thập cổ lai hy mà ngay cả thế hệ trẻ đã quá quen thuộc với tình khúc Aline. Đặc biệt, ở Việt Nam còn có hai phiên bản lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy với tựa đề “Gọi Tên Người Yêu” và “Lầu Tình Trên Cát” của nhạc sĩ Khánh Băng. Nhạc phẩm “Aline” là một trong những ca khúc tiếng Pháp làm tim tôi ngất ngây từ khi tuổi đời còn rất nhỏ.
‘Aline’ từng lan đến làng quê miền Nam Việt Nam…
Nhớ hồi còn nhỏ, tôi thường đi lượm trái chay trái gùi ở một mảnh đất bị bỏ hoang. Nơi đó rậm rạp cỏ hôi quấn xung quanh người và có những cây tán rộng. Trong số cây tán rộng có vài cây chay cây gùi ra trái chín mà không có người hái cho đến khi nó rụng xuống thảm cỏ. Lần nào tôi cũng lượm được vài trái chay và trái gùi.
Trong lúc tìm trái rụng trên thảm cỏ, tôi có thể nghe được những ca khúc phát ra từ máy cassette ở quán cà phê “Ba Cô” kế bên. Vì quán có ba cô gái xinh đẹp bán cà phê nên người xóm tôi gọi tên như vậy. Tôi thích nhất là khi chiếc máy đó phát ra những nhạc khúc tiếng Pháp. Lúc đó tôi chưa phân biệt được giọng hát của ca sĩ nào và cũng không hiểu gì về ý nghĩa lời nhạc, song giai điệu những nhạc khúc tiếng Pháp thật sự cuốn hút tôi.
Khi lớn lên tôi đi học tiếng Pháp, chỉ cốt có thể hiểu được lời các nhạc khúc tiếng Pháp, tại Viện Trao Đổi Văn Hóa Với Pháp – Idecaf tại Sài Gòn nhưng trớ trêu thay, tôi chỉ học được vài tháng do sức khỏe không cho phép. Bây giờ tôi không còn nhớ được gì từ khóa học tiếng Pháp, ngoại trừ câu “passe-moi ton du savon (!)” có nghĩa nôm na là “đưa tôi một ít xà phòng của bạn.”
Tuy vậy, tôi vẫn không từ bỏ niềm đam mê thưởng thức và tìm hiểu các nhạc khúc tiếng Pháp. Để tìm kiếm những nhạc khúc tiếng Pháp yêu thích, ký ức gợi nhớ lại mảnh vườn bị bỏ hoang và làn gió mang đến những âm gợi nhớ một vài lời trong từng ca khúc. Bằng những âm của các lời ca đó tôi đã tìm ra những ca khúc thưở nào trên Google và YouTube. Dần dà, tôi đã xác định các nhạc phẩm đó là “Comme toi”, “Oh Mon Amour”, “Et Si Tu N’Existais Pas”, “L’amour Est Bleu”, “La Plus Belle Pour Aller Danser”, “Je N’pourrai Jamais Toublier”, “Histoire D’un Amour”, “Tombe La Neige”, “Paroles paroles”, “Tous Les Garçons Et Les Filles”, “Aline,”…
Trong số đó, ca khúc trữ tình “Aline” gây nhiều ấn tượng nhất với tôi. Tác giả của nhạc phẩm Aline là Christophe – tên thật là Daniel Bevilacqua, ra đời vào năm 1945 tại vùng ngoại ô Paris – sáng tác và trình bày nhạc phẩm này theo giai điệu Slow Rock để bộc bạch câu chuyện chàng trai cầu xin người yêu hàn gắn lại mối quan hệ tình cảm. Đây cũng là chủ đề muôn thưở trong âm nhạc – văn học – nghệ thuật. Thêm vào đó, ở đoạn điệp khúc Christophe đã gieo các nốt cao để hát lời ca “crie” và “pleuré” như đang gọi tên nàng “Aline” nào đó làm thính giả khó quên. Mãi sau này tôi mới tìm được lời nhạc phẩm “Aline” bằng tiếng Pháp:
J’avais dessiné sur le sable
Son doux visage qui me souriait
Puis il a plu sur cette plage
Dans cet orage, elle a disparu
Et j’ai crié, crié, Aline, pour qu’elle revienne
Et j’ai pleuré, pleuré, oh, j’avais trop de peine
Je me suis assis près de son âme
Mais la belle dame s’était enfuie
Je l’ai cherchée sans plus y croire
Et sans un espoir, pour me guider
Et j’ai crié, crié, Aline, pour qu’elle revienne
Et j’ai pleuré, pleuré, oh, j’avais trop de peine
Je n’ai gardé que ce doux visage
Et comme une épave sur le sable mouillé
Et j’ai crié, crié, Aline, pour qu’elle revienne
Et j’ai pleuré, pleuré, oh, j’avais trop de peine
Et j’ai crié, crié, Aline, pour qu’elle revienne
Et j’ai pleuré, pleuré, oh, j’avais trop de peine.
…“Aline” từ Pháp lan đến các nước khác
Christophe ra mắt ca khúc “Aline” hồi năm 1965, với hòa âm của nghệ sĩ tài năng Jacques Dejean, đã trở thành ca khúc thịnh hành ở Pháp suốt mùa hè năm ấy. Số lượng đĩa của bản thu âm nhạc phẩm “Aline” được bán ra lên đến một triệu bản. Mùa thu cùng năm, ca khúc đã chiếm vị trí đầu tiên trong bản xếp hạng âm nhạc tại Bỉ. Đồng thời ca khúc “Aline” cũng lan rộng ra các nước: Israel, Ý, Thụy Sĩ. Và rồi mùa thu năm 1966, nhạc phẩm “Aline” đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc tại Israel. “Aline” đã mang đến thành công rực rỡ đầu tiên cho Christophe.
Hồi năm 1979, theo lời khuyên của vợ, bà Véronique, Christophe phát hành lại đĩa ca khúc “Aline” mà không chỉnh sửa gì so với bản thâu âm đầu tiên và đã bán ra một triệu đĩa. Lần phát hành thứ hai tiếp tục mang lại thành công cho Christophe.
Trong sự nghiệp của Christophe, “Aline” là ca khúc ưa chuộng của ông. Vì vậy, ông đã hát nhạc khúc này trong suốt sự nghiệp cho đến ngày mất – 16 Tháng Tư 2020 – vì bệnh khí phổi thũng (là một dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) mà không liên quan đến COVID, thọ 74 tuổi.
Bản thâu âm “Aline” được đăng kênh YouTube có đến 22 triệu lượt xem trong 15 năm qua, với những lời bình luận thật dễ thương dành cho ca khúc này. Nickname @rabahelaawar2499 viết đầy cảm động: “Ba tôi không biết nói tiếng Pháp. Hồi còn trẻ ông sống ở Lebanon. Khi đó ông có máy hát cassette. Đây là một trong những bài hát yêu thích mà ông thường nghe bằng máy cassette. Rồi có lúc mối quan hệ giữa ba và tôi không tốt đẹp, nhưng khi ba chở tôi bằng xe hơi, ba đã phát ca khúc này bằng máy cassette để chúng tôi cùng nghe. Chính ca khúc này đã chạm vào trái tim tôi. Bây giờ, ba không còn trên đời này nữa, mỗi lần nghe ca khúc này ở đâu đó thì lòng tôi như se thắt lại.”
Nickname @user-dx5qn6gp7y bình luận hài hước: “Mẹ tôi tên là Aline, còn ba tên là Christophe. Ba mẹ quen nhau hồi năm 1980. Khi đó ba mẹ mới 14 tuổi, chỉ một năm sau khi bản thâu âm “Aline” được phát hành lần thứ hai. Cậu tôi là em trai của mẹ thường chọc ghẹo mẹ bằng cách mở ca khúc này lên khi ba tôi đến thăm gia đình mẹ. 43 năm sau, ba mẹ vẫn bên nhau. Bây giờ ba mẹ có với nhau ba đứa con gái. Và bất cứ khi nào nghe được ca khúc này, tôi luôn nhớ nhà, nhớ về cái thời xa xưa.”
Khi ‘Aline’ và ‘Gọi Tên Người Yêu’ giao thoa tại Paris By Night 54
Giai điệu nhạc phẩm “Aline” du dương nhẹ nhàng chậm rãi được nhấn nhá bằng những nốt nhạc cao đã truyền cảm hứng cho các nhạc sĩ ở Việt Nam viết lời Việt, trong số đó có hai nhạc sĩ đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Bản phổ lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy có tựa đề là “Gọi Tên Người Yêu” còn bản phổ lời Việt của nhạc sĩ Khánh Bằng có tên là “Lầu Tình Trên Cát.”
Có nhiều ca sĩ Việt hải ngoại như Don Hồ, Bằng Kiều, Elvis và trong nước như Lân Nhã trình bày phiên bản “Gọi Tên Người Yêu” của Phạm Duy.
Trong chương trình Paris By Night 54 hồi năm 2000, ca sĩ Christophe cùng trình bày nguyên bản “Aline” với ca sĩ Don Hồ và Thế Sơn. Trong màn trình diễn này, Don Hồ trình bày cả lời Pháp và lời Việt phiên bản “Gọi Tên Người Yêu,” còn Christophe và Thế Sơn hát nguyên bản.
Rất tiếc tôi không tìm thấy ca sĩ chuyên nghiệp nào hát phiên bản “Lầu Tình Trên Cát” mà chỉ có ca sĩ nghiệp dư hát khá hay. Tuy vậy, anh này hát không trọn phiên bản lời Việt vốn dĩ in trong tờ nhạc xưa như sau:
“Ngồi nhìn ra mênh mông.Trên bãi cát vàng.
Hình dáng yêu kiều trọn đời tôi ấp yêu.
Kề vai bên nhau, cùng xây mộng ước nhiều để được có bao nhiêu.
Tình đời sao trớ trêu.
Người yêu tôi hỡi có thấu chăng cho lòng lòng tôi chờ mong.
Người yêu tôi hỡi có thấu chăng cho lòng… lòng tôi khổ đau.
Lầu tình nhiều mong manh. Xây trên bãi cát vàng.
Đợt sóng xô ngang lầu tình ôi vỡ tan.
Tìm lại người yêu dù trong ngỡ ngàng.
Một phút yêu đương. Ngàn năm khó quên.
Người yêu tôi hỡi có thấu chăng cho lòng… lòng tôi chờ mong.
Người yêu tôi hỡi có thấu chăng cho lòng… lòng tôi khổ đau.
Chuyện mình yêu nhau. Cuộc tình sao nhiều não nề.
Chợt tỉnh cơn mê, một mình tôi lẻ loi.
Người yêu tôi hỡi có thấu chăng cho lòng… lòng tôi chờ mong,
Người yêu tôi hỡi có thấu chăng cho lòng… lòng tôi khổ đau.
Người yêu tôi.
Có lẽ phiên bản “Gọi Tên Người Yêu” của Phạm Duy bám sát ý nghĩa nguyên bản hơn nên có phần nổi trội hơn phiên bản “Lầu Tình Trên Cát.”
60 năm đã trôi qua, nguyên bản “Aline” và “Gọi Tên Người Yêu” vẫn còn vang vọng trên các sân khấu lớn, các tụ điểm ca nhạc, kể cả phát ra từ những chiếc loa của các quán cà phê, và ngân nga trên môi của những con người yêu mến giai điệu tình ca Pháp.
Và bất cứ lúc nào tôi chợt nghe được giai điệu này, ký ức lại đưa tôi trở về mảnh vườn hoang ở miền quê có những trái chay, trái gùi chín cây thơm ngon, quyện với mùi cỏ hôi đặc trưng không thể nào quên.