Boomerang. Hình: Phan Hiếu/FB)

Sau một tháng ở Úc-đại-lợi, tôi trở lại Hoa Kỳ, hành trang là những tình cảm thân thương, mà những người bạn cùng lý tưởng của tôi ở Úc châu trao gửi một cách nồng nàn, thắm thiết. Tôi cũng đem về những món quà kỷ niệm, người tặng đã gói ghém trong đó một mối chân tình, khiến mỗi khi nhìn chúng, lòng tôi thấy nao nao.

Ngồi trên máy bay, tôi mở túi xách, lấy cái boomerang ra ngắm nghía. Cái boomerang này, một người bạn tặng cho tôi. Khi nhận nó từ tay bạn, tôi biết bạn muốn nói với tôi một điều gì. Chúng tôi đã nói chuyện nhiều với nhau bằng lời, nhưng cũng có những điều chúng tôi nói bằng cử chỉ, những điều ấy thường thâm trầm và nhiều ý nghĩa.

Boomerang là một thanh gỗ dẹp, hình cong cong như cái lưỡi liềm, hai đầu được gọt tròn. Hai mặt của boomerang, một mặt phẳng, còn mặt kia cạnh được mài cong tròn. Phía bên mặt phẳng, ở một đầu tôi thấy vát dẹp xuống, lúc đầu tôi tưởng cái boomerang này bị mẻ, nhưng nhìn kỹ tôi mới biết là người ta cố ý làm như thế.

Trên thị trường có nhiều loại boomerang lắm. Cái boomerang của tôi thuộc loạt đẹp, nó màu nâu, được quang dầu bóng loáng, trên mặt có chữ Australia và hình con kangaroo đang nhảy.

Boomerang nguyên thuỷ là một đồ chơi, hay cũng là một khí giời săn thú rừng, của thổ dân Úc châu. Cầm cái boomerang ở một đầu phía không vát, mặt phẳng úp vào lòng bàn tay, hướng về chiều gió thổi, xoay một góc khoảng 45 độ với bên phải của hướng gió, nâng boomerang cao ngang vai phải và theo chiều thẳng đứng, nhẹ nhàng ném boomerang về phía trước, nó sẽ bay là là theo một hình cung elip và quay trở về với người ném ở phía bên trái. Khi ném boomerang, người ta phải đứng tại một điểm, nhận định chiều gió và nhắm sẵn mục tiêu mới có kết quả như ý. Để đạt được kết quả ấy, người ta phải tập luyện nhiều lần. Gió mạnh hay gió nhẹ không phải là điều kiện quan trọng, quan trọng là phải ném cho đúng cách.

Nhìn cái boomerang, tôi hình dung đến những thổ dân Úc châu hiền lành chất phác, vào một thời nào đó đã sống thanh thản ở lục địa này, chân đạp trên mặt đất rậm rạp cây rừng, tai nghe tiếng chim kêu, gió rít, hoà lẫn với tiếng sóng biển xa xa. Thời buổi huy hoàng đó, đối với họ không còn nữa, nay họ trở thành người thiểu số, sống trong những vùng nhất định, những vùng chưa bị làn sông văn minh kỹ thuật tràn tới làm xáo trộn đời sống vốn an hoà của họ.

Nhưng tôi nghĩ nhiều hơn đến điều mà bạn tôi muốn nhắn gửi qua cái boomerang. Bạn muốn tôi dù đi, nhưng sẽ có ngày quay trở lại, như cái boomerang tuy được ném đi xa, nhưng rồi cũng sẽ trở về với người ném nó. Vâng, bạn ạ, tôi sẽ trở về. Từ khi tôi tìm thấy nơi Úc châu những người bạn cùng ôm ấp một lý tưởng, vùng đất ấy đối với tôi đã trở nên thân yêu, và trước sau rồi thế nào cũng có ngày chúng ta gặp lại. Khi những trái tim đã gặp gỡ nhau, trong nó có sự thôi thúc để trở lại cùng nhau.

Để có được một vòng quay trở về, boomerang phải có một hình thức cấu tạo đặc biệt. Hai mặt của nó không giống nhau, một mặt phẳng, một mặt cạnh được mài cong. Tuy nhiên cả hai mặt tạo nên cái boomerang, thiếu một mặt nào cũng là thiếu cả cái boomerang. Hai mặt cần đến nhau, bổ túc cho nhau. Tôi và bạn cũng thế, chúng ta không giống nhau dù chúng ta yêu thương nhau, nhưng nếu chúng ta cảm thấy cần nhau, chúng ta biết lấy cái mình có, đắp đổi cho nhau cái mình không có, chúng ta sẽ không rời được nhau. Và nếu có phải ra đi, chúng ta vẫn tìm cách trở về . Ngay dù con người thể chất có xa nhau, thì lý tưởng và trái tim chúng ta vẫn mãi mãi tìm đến với nhau.

Tôi chú ý đến cái chỗ boomerang bị gọt vát mà thoạt nhìn, tôi cứ tưởng là bị mẻ. Chính cái chỗ bị gọt vát đó làm cho boomerang có sức xé gió, bay đi và trở về. Có những cái thoạt nhìn cứ tưởng là khuyết điểm, nhưng thật ra lại là điều cần thiết để đạt được mục đích. Trong tình bạn, đôi khi tôi nhìn thấy nơi bạn những điểm không ưa. Không ưa, có lẽ vì những điểm ấy không đúng với quan niệm, ý nghĩ và sở thích của tôi. Nhưng biết đâu những điểm ấy lại là mấu chốt giữ vững tình bạn của chúng tôi, để rồi, chính vì những điểm đó, mỗi khi xa nhau, chúng tôi lại tìm cách trở về.

Rời lãnh vực tình bạn để bước sang những lãnh vực khác rộng rãi hơn, tôi thấy trong bất cứ một sự tụ hội, một sự liên kết nào, người ta cũng cần bổ túc cho nhau và chấp nhận những khiếm khuyết nơi nhau. Nhờ thế, sự tụ hội, liên kết mới tồn tại lâu dài. Thiếu bổ túc và chấp nhận, cuối cùng tổ chức nào cũng tan rã, mà đã tan rã thì khó có cơ hội hàn gắn lại.

Có lẽ tôi nghĩ xa hơn cả điều bạn muốn nhắn gửi. Tôi nghĩ đến cuộc trở về căn nhà nội tâm sâu thẳm của mình. Người ta được tung ra ngoài đời, lăn mình vào những hoạt động, quay theo vòng quay của nhịp sống xã hội, nhào lộn với những thành công, thất bại nối tiếp nhau… Có lúc người ta cần quay trở lại con người thật, con người bên trong của mình để khám phá ra giá trị thật của nó, để định lại hướng đi trong cuộc đời, để biết mình đang ở chỗ nào, sẽ tiến về đâu, khi nào cần dừng lại, lúc nào phải quay về. Nếu những cuộc trở về được lặp đi lặp lại nhiều lần, hằng năm, hằng tháng, hằng tuần hay hằng ngày; như cái boomerang được ném đi, trở lại, ném đi, trở lại… người ta sẽ dung hoà được cuộc sống hoạt động và đời sống nội tâm, một sự dung hoà thật đẹp và ý nghĩa. Rất tiếc có nhiều khi chúng ta không phải là cái boomerang mà chỉ là một thanh gỗ bình thường, ném đi rồi là bay đi luôn, không bao giờ còn quay trở về được nữa!

Cái boomerang được ném ra, nhưng nếu không ném đúng cách, nó rơi xuống đất hay bay luôn không trở lại. Chính nó có khả năng trở về, nhưng ngay từ lúc bay đi, nó đã bay không đúng cách nên mất khả năng quay về. Có phải đó cũng là điều đáng tiếc không?

Người ta cũng thế, ai cũng có niềm ao ước và khả năng tìm về căn nhà nội tâm dồi dào và sung mãn của mình. Nhưng khi bắt đầu cuộc sống hướng ngoại, người ta đã không bắt đầu một cách chính đáng, đã không nhắm sẵn một mục tiêu, người ta hoạt động vì hoạt động, hoạt động một cách mông lung, không định hướng. Hoạt động hướng ngoại kiểu ấy, người ta dễ dàng đánh mất đời sống nội tâm, không còn căn nhà ở nơi sâu thẳm để trở về nữa.

Và cuối cùng, tôi nghĩ đến cuộc trở về với Thiên Chúa, đấng tạo dựng nên tôi, cho tôi vào đời, sống hạnh phúc và giúp người khác sống hạnh phúc. Rồi một ngày nào đó, tôi cũng sẽ trở về với Thiên Chúa. Tôi như cái boomerang nằm trong tay Chúa, Ngài tung tôi đi. Cuối cùng tôi cũng lại trở về, nằm thu gọn ngoan ngoãn trong bàn tay Ngài.

Bao giờ thì tôi trở về? Dĩ nhiên đó là ngày tôi nhắm mắt, vĩnh biệt cõi đời để bước vào cuộc sống thiên thu. Nhưng có phải cứ nhắm mắt xuôi tay là đương nhiên được trở về với Chúa không? Đường về sẽ xa lạ và tôi sẽ lạc lối, nếu ngay trong cuộc sống này, tôi không biết thực tập cho một cuộc trở về thật sự. Sự thực tập ấy cần được lặp lại trong mỗi giai đoạn sống, mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày. Khi tôi khám phá ra con đường trở về với Chúa ngay trong cuộc sống này, con đường ấy sẽ trở nên quen, và khi đến giờ đã định, tôi thanh thản trở về, bước đi trên lối đi dấu ái, trở về nhà Cha tôi, như trở về một nơi chốn thân thương và quen thuộc. Cái boomerang là tôi ngày nào được Chúa gửi và đời, nay vòng trở lại nghỉ an trong Chúa.

Boomerang! Boomerang!

Âm thanh huyền bí mời gọi một cuộc trở về. Bạn ạ, hãy tin đi, tôi sẽ trở về. Trái tim tôi có một màng lọc, không dễ cái gì cũng lọt được vào, nhưng đã lọt vào thì sẽ nằm luôn trong đó, không ra nữa. Tình thân của bạn đã lọt vào trái tim tôi, dễ gì nó lạt phai đi được. Nó sẽ nằm đó và thôi thúc tôi dù đi đâu cũng sẽ trở về với bạn. Tôi hiểu niềm tha thiết của bạn khi trao cho tôi cái boomerang, và tôi hiểu rõ lắm, bạn ạ, những điều bạn không nói bằng lời.

Và lạy Chúa, con cũng sẽ trở về với Chúa, trở về với trái tim chan chứa yêu thương. Xin dạy con biết thực tập cho cuộc trở về này, để đường về nhà Chúa trở nên quen thuộc với con ngay từ bây giờ, khi con còn đang sống, đang kiếm tìm hạnh phúc cho con và cho người khác. Xin cho con biết thưa cùng Chúa như Augustinô: “Hồn con khắc khoải đi tìm Chúa, và chỉ nghỉ yên khi đã gặp Ngài.”

Boomerang! Boomerang!

(Trích trong “Nhìn Xuống Cuộc Đời,” xuất bản năm 1995)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: