Có một dạo, đi tới đâu cũng nghe người ta nhắc tới “Bang Bang”. Không chỉ từ các quán nhạc hay quán cafe qua giọng ca của Sheila mà trong gia đình, trên đường phố, từ già đến trẻ, từ người làm việc văn phòng đến giới bình dân. Đó là Sài Gòn những năm đầu thập niên 1970. Thời đó, phong trào nhạc trẻ đang được công chúng ưa chuộng. Nhiều ca khúc nổi tiếng của thế giới đã du nhập vào Việt Nam và được các nhạc sĩ trẻ Việt hóa.
“Bang Bang” nguyên là một ca khúc của đôi song ca Mỹ Cher và Sonny, ra đời năm 1966. Với “Bang Bang”, họ đã làm sôi động giới trẻ của nhiều quốc gia trên thế giới. Và rồi, “Bang Bang” được hát bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới. Nhưng “Bang Bang” đã không đi từ Mỹ thẳng vào Việt Nam. Bài hát được người Việt biết đến như là một ca khúc Pháp do danh ca Sheila trình bày.
“Bang Bang” của Sheila là một hợp soạn giữa Claude Carrere và Georges Aber, trên nền nhạc của Sonny Bono. Sheila cho ghi âm phiên bản Pháp ngữ này năm 1966. Từ một tiết tấu sôi động của Rock’n Roll trong phiên bản gốc, “Bang Bang” được Sheila biến thành bài nhạc tình theo điệu ballade nhẹ nhàng. Bài hát đã đưa tên tuổi của Sheila lên đài danh vọng và mang cô đến gần hơn với công chúng trong cộng đồng Pháp ngữ. Sheila đã thật sự Pháp hóa một bài ca Mỹ.
Ở miền Nam Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy đã mang “Bang Bang” của Pháp vào và biến nó thành “Khi Xưa Ta Bé”. Đó là những đầu thập niên 1970. Ông trung thành với phiên bản tiếng Pháp hơn khi chuyển Việt ngữ, mặc dù lời của hai bản Anh và Pháp không khác nhau nhiều lắm.
Đó là một câu chuyện nhắc lại thời thơ ấu với trò chơi bắn súng. Cái khác là bản nguyên gốc của Cher và Sonny chỉ nhắc lại một cảm xúc buồn nhẹ khi trò chơi bắn súng của trẻ con ngoài công viên tình cờ làm nhớ lại một cuộc tình đã qua. Diễn biến tâm lý theo lời nhạc có vẻ hơi nhanh khiến người nghe chưa kịp cảm nhận thì đã đi đến kết thúc, để lại một chút hụt hẫng.
Hình như chủ ý tác giả là ở đoạn điệp khúc khi nhắc đến trò chơi bắn súng “Bang! Bang!” chứ không phải là để tạo ra một cốt truyện hoàn chỉnh. Trong khi đó, Sheila hát “Bang Bang” là kể một câu chuyện tình, bắt đầu bằng trò chơi bắn súng “Bang! Bang!” và kết thúc khi tác giả mang ta về hiện tại, nhìn thấy trẻ con chơi trò bắn súng giống như ngày xưa mình đã từng chơi, mang lại một cảm giác hoài niệm man mác.
Nội dung lời Pháp xem chừng không khác lắm so với lời Anh nhưng lại mang cho người nghe một cảm xúc thật sâu lắng. Đó là nhờ Sheila đã hát thêm một đoạn phiên khúc để tạo phần kết cho một câu chuyện cuộc tình. “Khi Xưa Ta Bé” lại nghe rất thuần Việt. Có lẽ vì lịch sử cận đại của Việt Nam là một chuỗi dài chiến tranh nên trò chơi bắn súng của trẻ con là có thật, rất thật.
Bài hát đi vào Việt Nam ở thập niên 1970 khi chiến tranh đang leo thang và hơi thở mùi thuốc súng của nó đang đi dần vào thành phố. Từ cái thật của trò chơi bắn súng, người nghe cho phép mình thả hồn vào hư cấu để sống trọn với bài hát một cách say đắm. Lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy đẹp tựa một bài thơ. Phần điệp khúc được lặp lại nhiều lần như một tiếng vọng từ quá khứ, khiến lòng người nghe man mác buồn khi nghĩ về những kỷ niệm đã qua.
Anh bắn ngay em, Bang! Bang!
Em ngã trên sân, Bang! Bang!
Tiếng súng khi xưa, Bang! Bang!
Ta sẽ không quên bao giờ.
Ca sĩ Thanh Lan ghi âm bài hát này trong chương trình Nhạc Trẻ do nhạc sĩ Ngọc Chánh thực hiện. Ngoài cô ra cũng có nhiều ca sĩ khác hát ca khúc “Bang Bang”. Dường như ca sĩ Diễm Chi, Du Ca Chi Bảo, cũng có lần xuất hiện trên màn ảnh đài truyền hình THVN9 với ban nhạc The Dreamers với bài hát này. Tiếc là chưa đủ thời gian để công chúng chiêm nghiệm thì xã hội đã có những thay đổi lớn khiến người ta không còn được ngân nga những bài hát như thế này nữa.
Nhiều năm trôi qua. Người Việt phút chốc thấy mình lênh đênh trên những chiếc thuyền tạm dung khắp nơi trên thế giới. Rồi người ta cũng biết là ngoài Sheila từ Pháp quốc, ở Canada cũng có cô ca sĩ Claire Lepage đã Pháp hóa “Bang Bang” theo khiếu nhạc của dân Quebec từ năm 1966. Phiên bản “Bang Bang” được Pháp hóa của Claire Lepage rất giống với phiên bản gốc của Cher và Sonny. Hiệu ứng của ca khúc nằm ở phần điệp khúc với tiếng “Bang Bang” được lặp lại nhiều lần. Có lẽ cũng vì vậy mà người Việt yêu nhạc Pháp ít biết đến phiên bản “Bang Bang” này.
Bây giờ đã là năm 2020. Những đứa trẻ của trò chơi bắn súng ngày xưa giờ đã lớn lắm. Có khi thành ông cụ bà cụ rồi. Có đứa đã không còn. Nhưng “Bang Bang” vẫn còn là trò chơi bắn súng của trẻ con ngoài công viên. Khiếu thưởng thức âm nhạc cũng đã thay đổi nhiều, theo dòng thời gian luôn trôi… Dù vậy, “Khi Xưa Ta Bé” vẫn còn được hát, không chỉ bởi Thanh Lan hay những ca sĩ cùng thế hệ với cô mà cả bởi các ca sĩ thuộc thế hệ trẻ thời nay, tại Việt Nam cũng như hải ngoại.
“Khi Xưa Ta Bé” dường như vẫn mãi là câu chuyện để kể lại cho đời sau…
Vancouver, ngày 1 tháng 10 năm 2020