“Barbie” lọt vào chính trường Washington

Trong thế giới búp bê Barbie và “Barbieland”, ai kiểm soát Biển Đông?
Những vạch kẽ đứt khúc – hình ảnh được cho là “đường lưỡi bò” trong “Barbie” (ảnh: Warner Bros. Pictures)

Dù hãng Warner Bros. khẳng định hình bản đồ trong “Barbie” (trình chiếu thị trường Mỹ ngày 20 Tháng Bảy) không phải là Biển Đông và những vạch ngắn nguệch ngoặc càng không phải đường lưỡi bò chín đoạn mà Trung Quốc vẽ ra để làm ranh giới biểu thị chủ quyền của họ nhưng một số ông nghị Cộng hòa đang làm mạnh vụ việc.

Một số nghị sĩ Cộng hòa (GOP) cáo buộc giới nhà làm phim Hollywood chiều lòng cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc. Khó có thể khẳng định đằng sau vụ này có âm mưu ngầm bắt tay giữa Warner Bros với Bắc Kinh hay không nhưng tình trạng Hollywood cúi đầu trước Bắc Kinh, trong một số trường hợp thậm chí thể hiện sự hèn hạ đáng khinh, là điều chẳng là chuyện lạ.

POLITICO mới đây cho biết, dân biểu Mike Gallagher (Cộng hòa-Wisconsin), người đứng đầu một ủy ban chọn lọc của Hạ viện nhằm chống lại ảnh hưởng Trung Quốc, nói rằng bản đồ (trong “Barbie”) đã “minh họa áp lực mà Hollywood phải chịu để làm hài lòng các cơ quan kiểm duyệt của đảng cộng sản Trung Quốc.”

Mike Gallagher nhấn mạnh: “Dù nó có thể chỉ là một bản đồ Barbie trong thế giới Barbie, nhưng thực tế rõ ràng là việc có một bản đồ nguệch ngoạc bằng bút chì màu – dẫu không mô tả rõ các yêu sách lãnh thổ bất hợp pháp của CHND Trung Hoa – thì điều này cũng cho thấy áp lực mà Hollywood phải chịu để làm hài lòng giới kiểm duyệt đảng cộng sản Trung Quốc”; và “tôi hy vọng Warner Brothers cần phải làm rõ rằng bản đồ trong phim không phải được vẽ ra với mục đích nhằm xác nhận bất kỳ yêu sách lãnh thổ nào và trên thực tế, nó chỉ là tác phẩm của một con búp bê hình người bằng nhựa trước đó.”

Phần mình, phát ngôn viên Warner Bros. Film Group cho biết: “Bản đồ trong Barbie Land là một bản vẽ bút chì kiểu nguệch ngoạc con nít”. “Những nét vẽ nguệch ngoạc mô tả hành trình giả tưởng của Barbie từ Barbie Land đến ‘thế giới thực’. Nó không nhằm mục đích đưa ra bất kỳ hình thức tuyên bố nào.”

Không chỉ Mike Gallagher, thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng hòa-Texas) và Marsha Blackburn (Cộng hòa-Tennessee) cũng lên tiếng phản đối đường lưỡi bò trong “Barbie”. Ngày 4 Tháng Bảy, người phát ngôn của thượng nghị sĩ Ted Cruz nói với Daily Mail rằng “Barbie” của Warner Bros. đang cố “vuốt ve đảng cộng sản Trung Quốc.” Người phát ngôn Ted Cruz nói: “Trong nhiều năm, Thượng nghị sĩ Cruz đã chiến đấu để chặn các công ty Mỹ, đặc biệt các hãng phim Hollywood, để họ không thay đổi và chỉnh sửa nội dung nhằm làm vừa lòng Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Và trong một tweet, thượng nghị sĩ Marsha Blackburn viết, ‘Barbie’ đang nghiêng về Bắc Kinh để có thể dễ dàng kiếm tiền.”

Dân biểu Mark Green (Cộng hòa-Tennessee), gương mặt nổi tiếng diều hâu trong hàng ngũ Cộng hòa, đặc biệt trong đối sách với Trung Quốc, đã nhắc lại lời kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ luật của ông nhằm ngăn cản Hollywood chịu sự kiểm duyệt thô bạo và công khai của Trung Quốc. Suốt nhiều năm nay, giới làm phim Mỹ, cũng như một số tài tử điện ảnh tên tuổi, đều phải nhượng bộ một cách hèn hạ bộ máy kiểm duyệt Bắc Kinh cốt sao họ có thể thâm nhập thị trường khổng lồ Trung Quốc.

“Barbie” không phải là sản phẩm văn hóa đầu tiên nằm trong vòng lửa đạn chính trị. Năm 2022, “Top Gun: Maverick” cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi. Dân biểu Mark Green nói, “Việc các hãng phim Hollywood cúi đầu trước cộng sản Trung Quốc đã thôi thúc tôi đưa ra Đạo luật SCREEN. Nước Mỹ không đời nào chấp nhận việc phim Mỹ lại tuyên truyền cho đảng cộng sản Trung Quốc. Tôi khuyến khích tất cả hãng phim phải đứng thẳng lưng với sự chính trực, nếu không họ sẽ mất sự hỗ trợ từ các cơ quan liên bang chẳng hạn Bộ Quốc phòng.”

Cần nói thêm, Ngũ Giác Đài gần đây khẳng định rằng họ tuyệt đối không hỗ trợ các hãng phim Mỹ nếu Hollywood nhượng bộ Trung Quốc về chính sách kiểm duyệt. Một tài liệu Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ mà POLITICO tiếp cận được cho biết, Bộ Quốc phòng “sẽ không cung cấp và hỗ trợ sản xuất khi có bằng chứng rõ ràng cho thấy việc sản xuất đã tuân thủ hoặc có khả năng tuân thủ yêu cầu từ Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa… lợi ích quốc gia của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” tài liệu viết.

Hollywood và Bộ Quốc phòng vốn có mối quan hệ cộng sinh trong nhiều thập niên. Ngũ Giác Đài cho phép các nhà làm phim dựng phim tại các căn cứ quân sự, sử dụng tàu thuyền, máy bay và thậm chí nguồn nhân sự Ngũ Giác Đài… Cả hai bên đều có lợi, trong khi hình ảnh và sức mạnh quân đội Mỹ được quảng bá, giới làm phim không chỉ có thể sử dụng phim trường mà còn được tư vấn kỹ thuật cũng như kịch bản.

Việc phản ứng với Trung Quốc là điều ngày càng cần thiết. Sự thao túng trong kiểm duyệt của Trung Quốc đối với phim ảnh Mỹ đã trở thành công khai và thô bạo. Họ buộc các nhà sản xuất “Spider-man: No Way Home” phải… dỡ bỏ Tượng Nữ thần Tự do. Họ muốn các nhà làm phim phải cắt bớt cảnh nụ hôn đồng giới trong “Lightyear”…

Từ khi Trung Quốc trở thành thị trường khổng lồ mang lại doanh thu nhiều nhất, Hollywood bắt đầu trở nên “biến chất”. Ngôi sao Hollywood đến Trung Quốc thực hiện các chương trình quảng bá phim tuyệt đối không được đề cập Tây Tạng hoặc Đài Loan. Trong quyển Red Carpet, tác giả Erich Schwartzel thậm chí cho biết, dây phơi quần áo trong một cảnh đường phố Thượng Hải trong Mission: Impossible III đã bị yêu cầu cắt; rồi những yêu cầu gay gắt chẳng hạn viết lại kịch bản World War Z để “làm rõ” rằng virus zombie ngày tận thế không bắt nguồn từ Trung Quốc; hoặc việc cắt một cảnh trong phim Skyfall trong đó có đoạn James Bond “xử” một nhân viên bảo vệ Trung Quốc..

Không chỉ tự kiểm duyệt hoặc nghe theo chỉ thị kiểm duyệt của Trung Quốc, Hollywood còn tự đưa vào những thứ mà Trung Quốc chắc chắn hài lòng. Chẳng hạn bằng mọi giá phải có cảnh một thành phố Trung Quốc, bằng mọi giá phải casting một nữ diễn viên Trung Quốc hoặc phải có hình ảnh lon nước giải khát tăng lực Trung Quốc… Đó là những thứ mà giới sản xuất Hollywood gọi là “yếu tố Trung Quốc”.

Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc “gợi ý”: Thay vì máy bay phản lực Mỹ ào ạt xông vào cứu Hong Kong khỏi những con robot khổng lồ trong cảnh cao trào của Transformers: Age of Extinction thì tại sao không phải là máy bay phản lực Trung Quốc?! (Để biết thêm nhiều chi tiết nữa về việc này, mời đọc lại bài “Tấm thảm đen” Trung Quốc dành cho Hollywood trên Saigon Nhỏ)…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: