Ái chà, sao lại đi “bắt thóp” Kim Dung?

Minh họa

Kỳ tuyệt của Kim tiên sinh là đã thực sự “sáng tạo” ra những mối “kỳ tình” đầy đủ diễn tiến, tác động “rất người”. Tôi nói “rất người”, vì những miêu tả của Kim Dung rõ ràng đã lột trần những biến chuyển, biến động tâm sinh lý của nhân vật một cách rất khoa học và chính xác với xã hội con người thật ngoài đời, ở mọi không gian và thời gian.

Nhà văn nữ quá cố Tam Mao sinh thời rất hâm mộ Kim Dung. Một lần trò chuyện với khoa học gia Thẩm Quân Sơn, bà nói:

“Tôi cho rằng có một dạng chỉ dựa vào trí tưởng tượng, ví như ngài Kim Dung, tôi rất khâm phục Kim tiên sinh.Tôi không có nhiều thì giờ để xem tiểu thuyết võ hiệp, nhưng truyện của Kim Dung tôi xem không sót bộ nào. Về khuynh hướng sáng tác, tôi và ông ta không hề giống nhau, những điều Kim tiên sinh viết là từ không mà thành có, nhưng lại rất thật, mượn hình thức là tiểu thuyết võ hiệp.

Tôi đã từng nói với Kim Dung, sao ông chỉ viết tiểu thuyết võ hiệp? Ông đã viết về một chữ mà người ta xưa nay không giải quyết được, làm bao nhiêu người điên đảo: đó chính là chữ “tình”. Tác phẩm của tôi với Kim Dung tuy không giống nhau, nhưng có một điểm về bản chất lại giống nhau. Đó chính là chữ “tình” [4].

Kim Dung viết về “tình yêu”, diễn tả tâm lý phụ nữ xuất sắc đến nỗi, Trương Hiểu Yến đòi phong cho tiên sinh bằng tiến sĩ về “Phụ Nữ Học”. Nhà văn Mao Tam, tác giả chuyên về “tình yêu” lại rất hân hưởng hâm mộ tiên sinh. Hai người phụ nữ cùng trong giới cầm bút, đã tỏ ra rất ngưỡng trọng tài ba và tài hoa của Kim tiên sinh trong lãnh vực viết về tình yêu và miêu tả tâm lý phụ nữ. Như vậy, tưởng cũng đầy đủ xác quyết uy tín Kim Dung trong lãnh vực này.

Bản thảo Kim Dung trong Viện bảo tàng Heritage tại Hong Kong (ảnh: K. Y. Cheng/South China Morning Post via Getty Images)

Thông thường, mỗi tác giả có những thủ pháp sở trường của mình, vì đã có nhiều kinh nghiệm, thể nghiệm và chiêm nghiệm chủ thể đó. Kim Dung tỏ ra rất sở trường về chủ thể “tình yêu”. Vậy, Kim tiên sinh chắc hẳn là một bậc “Tình Thánh” trong tình trường chăng? Hoặc giả, Kim tiên sinh chỉ thuần là một người sáng tác theo trí “tưởng tượng”, từ cái “không”, viết thành “có” như Mao Tam đã phát biểu?

Cách tốt nhất là thử “khảo sát”, tìm hiểu về cuộc đời tình ái của Kim Dung. Đời sống “tình ái” của họ Kim chẳng những không ồn ào, mà còn tỏ ra thầm lặng và ít nhiều… bí ẩn! Tôi xin trích một đoạn khá dài từ “Kim Dung, Cuộc Đời Và Tác Phẩm” của hai tác giả Bành Hoa và Triệu Kính Lập, để có thêm dữ kiện luận bàn:

“Sau khi chia tay với tiểu thư nhà họ Đỗ [người vợ đầu tiên của Kim Dung; TNH chú thích] Kim Dung sống độc thân. Bấy giờ Kim Dung đang làm việc ở “Công ty điện ảnh Trường Thành”, nghe đâu ở đây cũng có một đoạn “tình sử”.

Nghe nói, Kim Dung từng theo đuổi ngôi sao điện ảnh trẻ tuổi xinh đẹp: Hạ Mộng. Chỉ là “nghe nói” mà thôi. Nhưng có người “thêm giấm thêm ớt” làm cho câu chuyện thêm ly kỳ. Để khỏi sai ngoa, xin dẫn ra đây một đoạn văn của Thẩm Tây Thành, bởi vì Thẩm Tây Thành là một tác giả rất nghiêm túc lại quen thân với Kim Dung và Nghê Khuông, tin rằng ông không nói một cách “hàm hồ”.

Trong bài “Kim Dung và Nghê Khuông”, Thẩm Tây Thành đã viết:

Kim Dung đã yêu một ngôi sao xinh đẹp, là ai?

Vì cần viết về chuyện này, tôi đã hỏi nhiều bạn cũ của Kim Dung, trong đó có Nghê Khuông và Hứa Quốc. Về sau tôi gặp Lý Hàn Tường, lúc ấy anh ta cũng làm việc ở “Trường Thành”, có thể nói là đồng sự của Kim Dung. Anh ta nửa đùa nửa thật nói với tôi:

-Ái chà, mẹ kiếp, sao lại đi “bắt thóp” Kim Dung thế?

Tôi nói:

-Thưa Lý đạo diễn, ngài chỉ đùa tôi, mà không thử sờ vào gáy mình. Vậy chứ trong đại tác “Kể Chuyện 30 Năm” của ngài có ai mà không bị ngài “bắt thóp”

Lý Hàn Tường ngửa cổ cười ha ha:

-Kim Dung theo đuổi minh tinh thì có gì là lạ. Tôi cũng chẳng theo đuổi hay sao? Cuối cùng chẳng công cốc sao?

-Vậy chớ Kim Dung có nên cơm cháo gì không? Tôi hỏi.

-Đương nhiên là nên chứ. Mắc nghiện một chút còn hơn không.

Lý Hàn Tường nổi tiếng hài hước trong làng phim, quả là không sai.

-Như vậy hóa ra Lý đạo diễn không bằng Kim Dung sao?

Tôi cố ý khích anh ta.

-Đương nhiên – Không ngờ Lý Hàn Tường vui vẻ thừa nhận – Tớ đen như cột nhà cháy thế này, ma nào ưa. Kim Dung bảnh giai. Nói chung mấy chàng hậu sinh đều bảnh giai hơn tớ.

Lại hỏi Hứa Quốc. Hứa Quốc ranh mãnh đáp:

-Có lẽ có đấy.

Thế là lại phải kính bác một lý cối. Rượu vào lời thật mới ra:

-Hình như theo đuổi Trần Tứ Tứ. Ô, lại có vẻ như theo đuổi Hạ Mộng.

-Ái chà, Hứa công, thế chính xác là ai? Trần Tứ Tứ hay là Hạ Mộng? Nói rõ hơn một chút xem nào!

Kìa, sao lại không trả lời. Thì ra Hứa Quốc đã say rồi.

Lại hỏi Nghê Khuông.

Nghê Khuông có vẻ thật thà:

-Giống như là theo đuổi Hạ Mộng.

Nhưng Nghê Khuông lại dùng cái giọng Quảng Đông lơ lớ răn đe tôi:

-Nhưng cậu đừng có mà viết lăng nhăng đấy nhé. Bài báo lần trước của cậu, lão họ Tra ấy đọc được, đã mắng tôi rồi đấy.

Nhưng tôi nói Kim Dung chẳng đến nỗi hẹp hòi như thế. Khi người ta còn trẻ tuổi ai chẳng có những việc làm mà sau này già rồi lại thấy nông nổi. Một “tuyệt đại giai nhân” như Hạ Mộng thì chàng trai nào mà chẳng muốn theo đuổi. Kim Dung lúc ấy mới khoảng 30, đương nhiên cũng có “quyền theo đuổi”.

Kim Dung vào “Trường Thành” viết kịch bản, rồi lại làm đạo diễn, kết quả chẳng phải tầm thường.

Hạ Mộng là minh tinh hoa khôi của “Trường Thành”. Lý Hàn Tường đã từng nói:

-Hạ Mộng là ngôi sao đẹp nhất từ khi Trung Quốc có điện ảnh đến nay, khí chất phi phàm, khiến người ta say mê.

Kim Dung rất thích Hạ Mộng, theo đuổi nàng. Không ai biết Kim Dung có thành công hay không. Nhưng Lý Hàn Tường thì nói rằng không hề thất bại.

Về sau, Hạ Mộng lấy chồng, Kim Dung cũng rời “Trường Thành”, tự mình mở mang cơ nghiệp mới.

Minh họa: Unsplash

Đối với việc này, Kim Dung không hề nhắc tới. Nhưng trong tiểu thuyết của Kim Dung có thể nhìn thấy hình bóng của Hạ Mộng, như Hoàng Dung trong “Anh Hùng Xạ Điêu”, Vương Ngữ Yến trong “Thiên Long Bát Bộ”, Tiểu Long Nữ trong “Thần Điêu”, dù là một nét chau mày, một nụ cười đều giống Hạ Mộng. Độc giả nếu lưu ý, sẽ công nhận rằng Thẩm Tây Thành tôi nói chẳng ngoa .” [5]

Bành Hoa và Triệu Kính Lập dựa vào Thẩm Tây Thành rồi đưa ra những “thông tin” như vậy. Nhưng ngay sau đó, cũng Bành Hoa và Triệu Kính Lập lại bị Cáp Công, tác giả của chuyên mục “Bàn Trà Buổi Chiều” phản bác làm cho hoang mang. Theo Cáp Công, Kim Dung không hề theo đuổi được Hạ Mộng. Lý do, Cáp Công lập luận chủ yếu trên căn bản địa vị và danh vọng lúc bấy giờ Kim Dung đều không cao. Cáp Công viết:

“Tra tiên sinh là con người rất chung tình. Thời tôi làm việc với ông ở “Công ty điện ảnh Trường Thành” Tra tiên sinh rất thích một nữ minh tinh xinh đẹp. Nữ minh tinh đó là một tuyệt thế giai nhân, mà Tra tiên sinh của chúng ta bấy giờ chẳng qua chỉ là một anh chàng biên kịch, một tiểu thuyết gia bình thường, đương nhiên là không được minh tinh để ý”. [6]

Xem ra, cuộc tình “đeo đuổi tuyệt đại giai nhân minh tinh màn bạc” của Kim Dung nghe tới lui từ bè bạn qua đến trong giới văn nghệ sĩ của tiên sinh, vẫn còn là một tồn nghi. Tình trạng mơ hồ đen trắng này, tôi nghĩ chỉ có chính hai đương sự là Kim Dung và Hạ Mộng cô nương mới có khả năng làm sáng tỏ!!!

Song le, Kim tiên sinh thái độ xưa nay vẫn an nhiên tự tại, kín tiếng thủ khẩu như bình đặc biệt về “vấn đề tình ái” của tiên sinh. Còn Hạ Mộng cô nương thì bây giờ yên bề gia thất ở xứ tuyết Canada, chắc chắn cũng chẳng khi nào chịu tiết lộ nửa câu về “thiên tình sử” với nhà đại văn hào võ hiệp Kim Dung ngày đó! Có điều, trong một bài báo, Kim Dung đã vô tình tiết lộ chút “thiên cơ”. Bành Hoa và Triệu Kính Lập viết:

“Đó là lúc đang ở Paris, Kim Dung đang đi trên đường phố, bỗng nghe thấy tiếng chim kêu, “Tiếng kêu thật tuyệt vời, thanh âm tựa như hai tiếng Hạ Mộng, Hạ Mộng.. . [7].

Minh họa: Unsplash

Năm 1976 Hạ Mộng rời Hong Kong, đến định cư ở Canada. Kim Dung có mở một bữa tiệc tiễn đưa ở “Minh Báo”, chúc “Người Bạn Tốt” được bình an và còn viết một bài xã luận trên “Minh Báo”: “Hạ Mộng Đích Xuân Mộng” (Giấc Mộng Của Hạ Mộng). Bài báo có đoạn:

“… Đối với nhiều năm nay, làng điện ảnh đã khiến cô nổi tiếng, và đối với trang sử phấn đấu vươn lên của mình, hẳn là Hạ Mộng vô cùng lưu luyến. Nhưng, cuối cùng cô đã ra đi. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng trong tưởng tượng của chúng ta, hẳn là không khí thảo nguyên ở Canada trong lành có thể giúp cô sống một cuộc sống bình yên thanh thản, cho nên cô mới có thể từ bỏ đỉnh cao sự nghiệp để trở về ẩn dật chốn thanh u. Chúng ta chỉ còn biết chúc cô hạnh phúc. [8]

“Xã Luận” vốn là chuyên mục bình luận về vấn đề chính trị, xã hội hay quốc gia đại sự. “Xã Luận” của “Minh Báo” do Kim Dung chấp bút là một chuyên mục nổi tiếng của Kim tiên sinh. Sự vụ Hạ Mộng rời Hong Kong đi Canada, có thể tất nhiên chẳng là một biến động đại sự chi với mọi người. Nhưng với Kim Dung, thì Hạ Mộng rời bỏ Hong Kong là đã mang theo cái “đích Xuân Mộng” của tiên sinh…

Ôm một mối tình vô vọng hằng bao nhiêu năm, hình ảnh Hạ Mộng vẫn chập chờn trong trái tim Kim đại hiệp… Hình ảnh Hạ Mộng từng phút từng giây đã đập cùng nhịp với trái tim của Kim Dung? Hay hình bóng giai nhân chỉ “thoáng hiện em về như lá rơi” (thơ Hoàng Trúc Ly)? Kim Dung đi giữa trời Paris, nghe tiếng chim (chẳng thấy nói là loại chim gì) kêu. Lại mơ mơ hồ hồ nghe ra thành hai chữ “Hạ Mộng”.

Mối tình của Kim Dung với Hạ Mộng xem ra đúng là mối tình mơ hồ sương khói! Có thể nào Hạ Mộng của Kim Dung đã được hoán thoát thành Mộng Cô của Hư Trúc trong Thiên Long Bát Bộ? Nhưng Hư Trúc cuối cùng đã tái hồi Mộng Cô là công chúa Tây Hạ. Còn Hạ Mộng thì bây giờ lưu lạc hà phương và có còn nhớ tới Kim Dung  Tiên Sinh?

__________________

[4] Tam Mao. “Trong Mơ Biết Bao Cánh Hoa Đã Tàn” (theo Nghê Khuông)

[5] Bành Hoa & Triệu Kính Lập. “Kim Dung, Cuộc Đời Và Tác Phẩm”. Nguyễn Thị Bích Hải dịch. Nxb Trẻ & Công Ty Văn Hóa Phương Nam phối hợp xuất bản. Trang 93 – 96.

[6] Bành Hoa & Triệu Kính Lập. Như trên. Trang 96.

[7] Bành Hoa & Triệu Kính Lập. Như trên. Trang 97.

[8] Bành Hoa & Triệu Kính Lập. Như trên. Trang 98.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: