Chợ Lớn tan hoang sau cuộc tấn công tàn bạo của Việt Cộng vào những ngày Tết Mậu Thân 1968 (ảnh: Tim Page/CORBIS/Corbis via Getty Images)

Với tôi, chiến tranh thật tàn nhẫn, chiến tranh gây nên những thảm cảnh tạo ra địa ngục trần gian, trong đó con người trở thành mãnh thú hoang dại, vô nhân tính.

Cuộc chiến giữa Ukraine và Nga chưa hồi kết thì lại nổ lớn những trận đánh chiếm, pháo kích, giết người của nhóm khủng bố Hamas vào dân Do Thái. Nhìn cảnh thành phố bị bắn phá hoang tàn, nhà tan cửa nát, dân lành chết thảm thương, máu nhuộm đỏ đất trời… tôi rùng mình sợ hãi…!

Ký ức trở về thuở ấu thơ tôi đã từng chứng kiến trên quê hương yêu dấu, một cuộc chiến tranh tương tàn với cảnh “nồi da xáo thịt” của một dân tộc, cùng chung một tiếng nói, một tổ tiên, một dải đất sống. Tôi luôn sợ hãi chiến tranh!

Tôi còn nhớ như in, câu chuyện não lòng xảy ra cho Bác Khâm, người bạn thân thiết của mẹ tôi. Bác trai là một giáo sư dạy văn; bác gái người xinh đẹp, hiền hậu. Họ có tám người con. Mẹ thường dắt tôi đến chơi với Thảo, Thúy và cu Bi, cu Bo con của bác Khâm. Cả bọn nhóc cùng chơi với nhau đủ trò như rồng rắn lên mây, năm mười, tạt lon, dzích hình, banh đũa,…

Lúc ấy tôi còn bé nhưng cũng lờ mờ hiểu biết những đau thương của cuộc chiến tranh đang diễn ra. Chú tôi và ông anh lớn thường đem về những vỏ thùng đựng đạn cho bố tôi đổ cát vào xây hầm tránh bom. Mỗi tối anh em tôi phải vào hầm ngủ, chật chội và nóng nực dù bố tôi đã mở cái quạt máy cho mát. Anh chị của tôi không thích ngủ dưới hầm đâu, nhưng có một hôm…

Một bé trai khóc trước cái chết của người chị bởi đạn lạc tại cầu chữ Y, Sài Gòn, Mậu Thân 1968 (ảnh: Tim Page/CORBIS/Corbis via Getty Images)

Bùm! một tiếng nổ long trời lở đất làm rung chuyển nhà cửa vào lúc nửa đêm về sáng, chị tôi gào lên “pháo kích” và những tiếng chân chạy nhanh xuống lầu, anh chị của tôi hốt hoảng chạy vào hầm trú ẩn vì sợ bom tiếp tục pháo. Hai đứa em tôi thì cứ ôm lấy mẹ khóc ỉ ôi. Cả nhà thao thức cho đến sáng, bố mẹ tôi cứ nằm thở dài, buồn khổ, lo lắng không biết bom rơi đạn lạc vào xóm nhà nào vì tiếng bom nổ nghe rất gần. Ai cũng mang nỗi lo sợ hãi hùng riêng cho đàn con của mình trong lúc dầu sôi lửa bỏng của cuộc chiến.

Nhà tôi nằm giữa chợ và nhà thờ, sáng ra những người đi lễ và đi chợ sớm đã xôn xao tụ họp vì trái bom đêm qua rơi trúng nhà bác Khâm. Bác trai và bốn đứa con nhỏ đã chết; bác gái và hai người con gái bị thương nhẹ; hai anh lớn chỉ bị xây xát. Căn nhà đổ nát vì lãnh trọn trái pháo. Hàng xóm chỉ bị văng miểng và vài người bị thương nhẹ.

Khi nghe tin, mẹ tôi òa khóc và chạy vội đến nhà bác Khâm. Tôi lẻn ra khỏi nhà và bám theo sau mà mẹ tôi không biết. Người ta bu quanh kín ngôi nhà đổ nát, tôi đành lang thang, quanh quẩn ở bên ngoài và mục kích một cảnh tượng thật hãi hùng khiến tôi không bao giờ quên được.

Những người bạn nhỏ cùng chơi đùa với tôi giờ đã chết vì bom bắn pháo vào Sài Gòn trong lúc đang say sưa ngủ. Thân xác lấm đầy đất và máu, cu Bi và cu Bo người còn dính đầy gạo, có lẽ bao gạo cũng bị đạn nổ tung tóe. Người ta đem xác bốn đứa bạn nhỏ ấy ra phông tên nước ở đầu chợ tắm rửa.

Tôi trố mắt sợ hãi nhìn vì lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy xác chết. Cu Bo bé nhất đã mất hẳn đôi chân cụt đến đùi; thân thể cu Bi ghim vài mảnh đạn; chị Thảo (lớn hơn tôi hai tuổi) không còn nhận ra khuôn mặt; Thúy nhỏ bạn thân thương của tôi lòi cả ruột ra ngoài.

Tôi không thể tưởng tượng được rằng mới tối qua chúng tôi còn chơi đùa bên nhau mà giờ đây những người bạn của tôi đã trở thành những cái xác xanh xám, giập nát và bầy nhầy vì bom đạn. Bạn tôi chỉ là những đứa trẻ từ bốn đến chín tuổi, chẳng làm gì nên tội mà phải nhận cái chết đau thương như thế!?

Huế, 10 tuần sau cuộc đột kích của Việt Cộng, Mậu Thân 1968 (ảnh: Bettmann Archive/Getty Images)

Tôi không khóc được, nỗi sợ hãi làm tê cứng tuyến nước mắt, làm trái tim nhỏ bé của tôi đập loạn xạ khiến tôi hoảng hốt đi tìm mẹ nhưng không thể nào chen lấn vào đám đông. Vội ù té chạy về nhà, run rẩy ôm lấy bố, tôi bật khóc. Tôi òa khóc trong sợ hãi nhiều hơn là nỗi đau khổ vì mất bạn.

Tôi còn quá nhỏ để biết về cái chết. Bố ôm lấy tôi vỗ về. Đêm hôm đó và những ngày sau nữa tôi thường ngủ với cơn ác mộng hãi hùng… cùng chơi đùa với những thây ma gớm ghiếc. Bố cứ trách mẹ sao lại dắt tôi theo để thấy cái cảnh thê lương đầy ám ảnh ấy, nhưng thương cho mẹ bị oan vì không biết tôi đã lặng lẽ trốn theo sau.

Tối hôm đó, nhà tôi có họ hàng, bà con ở xa đến rất đông. Họ lo lắng đến hỏi thăm vì thấy mẹ tôi xuất hiện trên TV, dìu bác Khâm đang khóc lóc thảm thiết. Phóng viên nhà báo và đài truyền hình quay phim, chụp hình những nạn nhân trong vụ pháo kích vào thành phố giết hại thường dân. Những ngày sau, tôi mới thấm thía nỗi buồn mất bạn, nhớ bạn vì biết là sẽ không bao giờ cùng nhau vui đùa nữa.

Trên Trái đất này, chiến tranh là một bể khổ, một chốn địa ngục trần gian mà con người cố tình tạo ra để giết hại và hài tội lẫn nhau. Hãy nhìn những kẻ đã gây ra chiến tranh bạo tàn, dã man như:

Hitler với chiến dịch tiêu diệt người Do Thái (1933-1945). Có biết bao câu chuyện kể và rất nhiều phim ảnh (Schindler’s List, Life is beautiful, The Diary of Anne Frank, The Pianist…) đã vạch trần tội ác chiến tranh của Hitler.

Khmer Đỏ ở Campuchia (1975-1979) đã “cáp duồn” người Việt, cắt đầu bỏ trôi sông vì kỳ thị chủng tộc và giết hại giới trí thức vì thù ghét giai cấp, như được thấy trong phim “The Killing Fields, First They Killed My Father”.

Những trái pháo của Nga bắn vào làm Ukraine đổ nát, điêu tàn, người chết với đầy đau thương, tang tóc (2022-). Cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn với nhiều máu và nước mắt. Rồi đây sẽ có cả thiên niên vạn hồi ký và phim ảnh phơi bày tội ác của cuộc chiến khiến cả thế giới phải rơi lệ xót thương. Bây giờ, Tháng Mười 2023, một cuộc chiến nóng bỏng lại nổ ra, khi phiến quân Hamas ở Dải Gaza đánh bom, vãi súng tấn công vào Do Thái khiến nhiều thảm cảnh nhiễu nhương, đau thương diễn ra mà chưa bút mực nào tả xiết…!

Những kẻ đã gây ra những cuộc chiến tranh tàn khốc, vô nhân đạo, khi chết họ sẽ đi về đâu? Họ đã để lại những vết thương hằn sâu, đau đớn không bao giờ lành trong lịch sử.

Ngày tôi đến Mỹ, trong lớp học tiếng Anh, tôi viết một đoạn văn về chiến tranh trên quê hương tôi, khiến cô giáo và các bạn cùng lớp rơi nước mắt. Trong chiến tranh, tất cả những gì ghê sợ, ghê tởm, ghê gớm nhất đã xảy ra. Những ai chưa từng nếm trải qua chiến tranh thì sẽ không bao giờ biết rõ được cái giá trị quý báu vô biên của một cuộc sống an lạc, thái bình. Muôn đời tôi yêu quý hòa bình.

Và như John Lennon trong ban The Beatles cũng yêu hòa bình với “ước vọng”…

Imagine all the people

Living life in peace

Hãy tưởng tượng mọi người

Đều được sống trong yên bình an lạc…

Quê hương giờ đã xa xôi vạn dặm, chiến tranh đã qua đi nhưng niềm đau còn mãi, tôi vẫn u hoài nghe những tiếng ru buồn của một thời…

Đại bác đêm đêm dội vào thành phố

Người phu quét đường cầm chổi đứng nghe

Đại bác như kinh không mang lời nguyền

Trẻ thơ quên sống từng đêm nghe ngóng…

Và kinh hoàng với những đau thương, chết chóc…

Xác người nằm trôi sông

Phơi trên ruộng đồng

Trên nóc nhà thành phố

Trên những đường quanh co

Xác người nằm bơ vơ…

(Trịnh Công Sơn)

Chiến tranh trên quê hương tôi đã chấm dứt hơn nửa thế kỷ. Tóc xanh xưa nay đã phai màu, tôi không còn là một cô bé con mà đã có nhiều tuổi đời… Nhưng tôi vẫn không sao quên được những người bạn nhỏ của tôi bó chiếu nằm bên lề đường, phơi nắng, bị kiến bu, ruồi đậu, muỗi bám…! Viết những dòng này, nước mắt tôi lại chảy dài…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: