1.
Ngày cuối cùng của Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, bà Kamala Harris đã nhận đề cử làm ứng viên tổng thống của đảng và đã có bài phát biểu quan trọng.
Trong bài phát biểu, bà Harris cam kết sẽ là tổng thống của mọi người dân Mỹ, và rằng nước Mỹ sẽ không quay trở lại thời Trump. Mặt khác, bà Harris hứa sẽ sát cánh cùng Ukraine và các đồng minh NATO một khi bà trở thành tổng thống. Bà nhấn mạnh quan điểm ủng hộ quyền tự vệ của Israel và chỉ trích Hamas, Iran…
Bà Harris cáo buộc ông Trump đã “cúi đầu” trước những kẻ độc tài : “Tôi sẽ không thân thiện với bọn bạo chúa và độc tài như Kim Jong Un, người đang mong chờ chiến thắng của ông Trump”.
Bà Harris kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết và thống nhất, cho rằng cuộc bầu cử sắp tới là “cơ hội quí giá để vạch ra một con đường mới phia trước” cho tương lai nước Mỹ.
Bà gần như không nhắc tới TQ. Với quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này, có lẽ bà Harris sẽ thực thi một chính sách không mềm mỏng nhưng cũng không quá cứng rắn. TQ không phải là Triều Tiên. Tập Cận Bình không phải là Kim Jong Un.
Nhìn chung, bài phát biểu của bà Harris chứa nhiều lời bóng bẩy. Mọi ứng cử viên TT đều có những lời hứa bóng bẩy, nhưng nhiều người trong họ khi trở thành TT thì lại không giữ lời, hứa thì hay mà làm thì dở. Hy vọng bà Harris sẽ thực hiện tốt đẹp những lời hứa của mình một khi trở thành “tổng thống của mọi người dân Mỹ”. Có thế nước Mỹ mới ngày càng vĩ đại hơn, một nước Mỹ không chỉ của người da trắng mà còn của mọi sắc dân.
2.
Sau khi thăm Ba Lan, ông Narendra Modi đã tới Kyiv. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ tới Ukraine kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992.
Kéo dài vài giờ, chuyến thăm của ông Modi tới Kyiv được xem chỉ có tính xã giao.
Trước đó độ một tháng, ông Modi đã tới thăm Nga và ôm ông Putin một cách thắm thiết. Kyiv đã chỉ trích mạnh mẽ chuyến thăm này, gọi đó là cú đánh vào các nỗ lực hòa bình.
Giữ quan điểm trung lập trong cuộc chiến Nga – Ukraine, Ấn Độ không hề lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, mà chỉ kêu gọi hai bên đối thoại để chấm dứt xung đột. Một lời kêu gọi rất chung chung.
Liệu Ấn Độ sẽ đóng vai trò nào đáng kể để giúp xung đột Nga – Ukraine sớm chấm dứt ? Câu trả lời có thể là không. Ai cũng tin vai trò duy nhất mà Ấn Độ muốn đóng chỉ là làm cầu nối giữa Moscow và Kyiv mà thôi. Còn Kyiv và Moscow sẽ có bước đi nào để kết thúc xung đột là chuyện của hai nước đó !
3.
Ông Kennedy Jr., người đang được khoảng 4% cử tri Mỹ ủng hộ, tuyên bố dừng cuộc đua và ủng hộ ông Trump nhưng có lẽ với một điều kiện.
Điều kiện đó rất có thể là ông phải được ông Trump dành cho một vị trí trong chính quyền Trump trong tương lai trong trường hợp ông Trump đắc cử, đổi lại ông Kennedy Jr. sẽ dành sự ủng hộ cho ông Trump.
Trong tình thế khó khăn của mình lúc này trước bà Harris, nhiều khả năng ông Trump sẽ chấp thuận đề nghị đổi chác của Kennedy Jr. để kiếm phiếu từ các cử tri ủng hộ Kennedy Jr.
Về Kennedy Jr., ông Trump nói : “Tôi tôn trọng ông ấy và nghĩ rằng ông ấy cũng tôn trọng tôi”. Chưa rõ ông Trump tôn trọng Kennedy Jr. tới mức nào, nhưng biết đâu nếu thắng cử thì ông Trump, sau khi đã cho Kennedy Jr. một ghế trong chính quyền của mình, sẽ tìm cớ đá đít ông ta !
4.
Cuối cùng Mỹ đã chấp thuận cho Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Mỹ cho rằng đó là một phần trong quyền tự vệ của Ukraine trước các cuộc tấn công của Nga.
TT Zelensky trước đây thường than phiền về việc Ukraine bị Mỹ cũng như một số nước NATO “trói tay” trong việc viện trợ quân sự. Trong khi đó, Moscow tin rằng đến một lúc nào đó, Mỹ sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế sử dụng vũ khí cung cấp cho Ukraine. Nếu vậy thì sẽ thật là công bằng cho Ukraine. Bởi đánh nhau bằng cả hai tay bao giờ cũng hiệu quả hơn bằng một tay.
Trước việc các lằn ranh đỏ của mình bị Ukraine và NATO thi nhau dẫm lên, có lẽ Moscow sẽ buộc phải trả đũa bằng cách vẽ thêm nhiều lằn ranh đỏ khác !
5.
Theo BBC, Quốc hội Pakistan đang gặp khủng hoảng vì những con chuột khổng lồ tràn ngập ở cơ quan lập pháp này, từ văn phòng, căng tin tới các hành lang.
Chuột ở đây to tới mức ngay cả mèo cũng sợ chúng. Lũ chuột này ban ngày chẳng làm gì nhưng vào ban đêm chúng hoành hành dữ tợn, gây nhiều thiệt hại. Chính quyền Pakistan đã chi nhiều tiền để thuê méo tiêu diệt những con chuột phá hoại nhưng kết quả không mấy khả quan. Chúng gặm nát hồ sơ các cuộc họp, nhai cả dây máy tính và ăn thực phẩm trong căng tin.
Nhưng đám chuột ở Quốc hội Pakistan xem ra còn kém xa lũ chuột ở một nước Đông Nam Á. Chúng ăn của dân không từ một thứ gì !