1.
Ngày 22 Tháng Tám 2024, Tòa Phúc thẩm Paris đã ra phán quyết về vụ kiện của bà Trần Tố Nga, 82 tuổi.
Được biết bà Trần Tố Nga, “đại diện cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, kiện 14 tập đoàn, công ty hóa chất vì đã sản xuất loại chất độc “giết người xuyên qua nhiều thế hệ” được sử dụng trong chiến tranh VN.
Tòa Phúc thẩm Paris ra phán quyết giống với tòa sơ thẩm Evry năm 2021 : Các tập đoàn, công ty hóa chất Mỹ được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý vì họ sản xuất các độc chất theo yêu cầu của chính phủ Mỹ (trong khi chính phủ Mỹ được miễn trừ do hoàn cảnh chiến tranh). Do vậy, tòa không có thẩm quyền xét xử.
Bà Trần Tố Nga cho biết sẽ kháng án lên Tòa Giám đốc thẩm Tối cao. Bà cho rằng chất độc da cam đã ảnh hưởng đến cả gia đình bà. Theo bà, con gái của bà, sinh năm 1969, đã qua đời vì bị dị tật tim khi mới 17 tháng tuổi, và rằng hai người con gái khác và các cháu của bà cũng mắc phải những căn bệnh nghiêm trọng. Bà nói : “Chất độc này không chỉ tàn phá cơ thể tôi mà còn hủy hoại gia đình tôi. Sứ mệnh của chúng tôi là làm cho mọi người biết đến tội ác của chiến tranh hóa học”.
Về cái chết cũng như bệnh tật của các con và cháu bà Trần Tố Nga, những người ủng hộ bà tin rằng đó là do chất độc da cam mà “Đế quốc Mỹ” rải trong chiến tranh VN. Nhưng nhiều người khác lại không nghĩ thế. Họ cho rằng con cháu bà chết hoặc bệnh tật là vì nguyên nhân khác. Họ cũng đặt dấu hỏi rằng nếu bị chất độc da cam “tàn phá” thì sao bà Trần Tố Nga lại sống tới 82 tuổi, và xem ra sẽ còn sống lâu nữa!
2.
Hệ thống phòng không của Moscow đang được quan tâm, sau khi khu vực này bị không kích bằng drone từ phía Ukraine.
Sáng 21 Tháng Tám 2024, khu vực Moscow đã hứng chịu đợt tấn công bằng drone lớn nhất kể từ đầu chiến sự tới nay. Tháng Tám 2023, Moscow cũng đã hứng một đợt không kích bằng drone từ Ukraine, song lần này nặng nề hơn nhiều.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao drone của Ukraine lại có thể xuyên thủng Moscow, thành phố được mệnh danh là “thủ đô khó tiếp cận nhất thế giới”?
Lực lượng phòng không Moscow vốn được trang bị những loại vũ khí hiện đại nhất của Nga. Căn cứ của lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa Nga cũng là nơi có những thiết bị hiện đại nhất nhằm cung cấp thông tin về đối phương nằm ở xa biên giới và có thể tiêu diệt các máy bay của đối phương ngay khi các máy bay này vừa tiếp cận biên giới Nga.
Nhưng với những đợt không kích bằng drone vừa qua, có thể nói hệ thống phòng không vốn được cho là hiện đại của Moscow vẫn chưa thực sự hiện đại. Hệ thống này hóa ra vẫn còn nhiều yếu kém. Một số chuyên gia quân sự Nga cho rằng để bảo vệ hiệu quả thủ đô Moscow, cần phải tăng cường lực lượng phòng thủ lên ít nhất 4 lần so với hiện nay.
Chưa biết Moscow sẽ tăng cường hệ thồng phòng không của mình như thế nào, nhưng có một ý kiến khiến người ta phải suy nghĩ rất nhiều : Có một thứ “phòng không” lợi hại và bền vững nhất, đó là chung sống hòa bình và không bao giờ xâm lược nhau!
3.
Phát biểu tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ ở Chicago, cựu TT Bill Clinton nói ông Trump là một nhà lãnh đạo “ích kỷ, gây ra hỗn loạn” và cho rằng bà Harris có tầm nhìn và kinh nghiệm.
Ông Clinton cũng cho rằng bà Harris là người biết vì dân, còn ông Trump là kẻ chỉ biết nghĩ tới mình. Những ai từng ủng hộ ông Clinton ngày trước có lẽ cũng đồng ý với nhận định của ông về bà Harris. Họ hẳn cũng sẽ bỏ phiếu cho bà Harris như đã từng bỏ phiếu cho ông.
Không thấy ông Clinton lên giọng phê phán ông Trump về chuyện gái gú. Có lẽ vì bản thân ông cũng đã từng bị tai tiếng vì vụ Monica Lewinsky.
Trong khi bà Harris nhận được sự ủng hộ của các nhân vật nổi tiếng như cựu TT Obama, cựu TT Clinton hoặc đương kim TT Biden, thì ông Trump dường như không có sự ủng hộ nào đáng kể bên phe Cộng hòa, dù là cựu TT George Bush. Có lẽ vì thế ông đã cần tới sự đồng hành của tỷ phú Elon Musk. Liệu ông Musk sẽ giúp được gì nhiều cho ông Trump ? Có thể là có. Ít ra là trong trường hợp ông Trump bị bà Harris đánh bại, nhà tỷ phú này sẽ cho ông Trump lên phi thuyền SpaceX, làm một chuyến du lịch vũ trụ miễn phí cho quên sự đời !
4.
Sau hơn hai tuần đột kích vào vùng Kursk của Nga, Kyiv tuyên bố đã kiểm soát gần 1.300km2 lãnh thổ của tỉnh biên giới này.
Theo Phương Tây, khoảng 10 ngàn binh sĩ Ukraine đã tham gia vào cuộc tấn công. Nga đã phải sơ tán 200 ngàn dân tại Kursk ra khỏi vùng chiến sự. Đây là lần đầu tiên một quân đội nước ngoài xâm nhập và kiểm soát lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến 2. Phản ứng của Moscow đối với cuộc đột kích của Ukraine được cho là chậm chạp và thiếu hiệu quả.
Các cây cầu huyết mạch ở Kursk đã bị quân Ukraine phá hủy để cắt đứt tiếp tế của Nga. Hàng ngàn quân Nga được cho là đang bị Ukraine cô lập tại Kursk. Họ có thể sẽ phải ra hàng nếu không muốn bị tiêu diệt. Nếu quả thực Kyiv sẽ thực hiện trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Kursk vào Ukraine, Kyiv nên bắt các binh sĩ Nga ra hàng lập các phòng phiếu để tổ chức trưng cầu dân ý. Xong bảo họ giăng biểu ngữ có hàng chữ : Sung sướng được làm dân Ukraine !