Con trâu rừng cuối cùng trên đảo Phú Quốc (1)

Minh họa: jeremy-bishop-unsplash

Đầu năm 1962, anh ra khỏi trường, tưởng rằng sẽ được kéo cái cuộc đời ký cóp an nhàn ở Sài Gòn, trong các bộ, phủ như các khóa tốt nghiệp trước. Nhưng cũng trong thời gian đó, Cộng sản nằm vùng bắt đầu trỗi dậy, mở đầu bằng một trận tấn công đồn Dầu Tiếng và sau đó liên tiếp xẩy ra các cuộc phá rối ở nhiều nơi.

Tổng thống Diệm, lúc đó đang đẩy mạnh chương trình lập ấp chiến lược, tin tưởng rằng sẽ tách rời được Cộng sản ra khỏi dân quê và phát triển được các phương diện kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế và an ninh trong các xã ấp mà dân quê từ bao nhiêu năm đã không được hưởng. Tổng thống Diệm hình như không tin tưởng ở những cấp chỉ huy địa phương chỉ có khả năng về quân sự hay chỉ có khả năng về hành chánh có thể thực hiện được chương trình toàn diện kể trên.

Trường Hành Chánh lúc đó trực thuộc Phủ Tổng Thống, vì thế đã chịu ảnh hưởng trực tiếp ý định trên. Sự sử dụng các sinh viên tốt nghiệp của khóa anh được đổi chiều một cách rõ rệt. Một nửa khóa được chọn để đưa vào làm việc cho ngành Trung Ương Tình Báo, một nửa khóa còn lại đợi ngày nhập quân trường để được huấn luyện thành sĩ quan và sau này sẽ đưa về địa phương phục vụ.

Tổng thống Diệm lại cẩn thận và kỹ tính hơn, đã gửi đi quân trường Đồng Đế, Nha Trang để tướng Đỗ Cao Trí hết lòng “săn sóc” cho cẩn thận trong cái lò luyện thép của các khóa đào tạo sĩ quan hiện dịch.

Hồi đó, anh hay đọc những truyện gián điệp, nghĩ rằng một ngày nào mình sẽ được sống một cuộc đời lầm lì, bí mật, ly kỳ như những nhân vật trong truyện. Anh mong được vào ngành Tình Báo, và nhất là Tình Báo quốc ngoại. Vì thế khi chọn ngành tập sự trước khi tốt nghiệp, anh đã chọn ngành Cảnh Sát Công An và luận văn ra trường anh đã viết rất cẩn thận về đề tài ‘‘Tổ Chức Mạng Lưới Tình Báo.’’

Anh đã không được chọn, không hiểu rằng cái đó là cái may hay là cái không may. Nhưng anh biết rằng, những người bạn của anh trong ngành Tình Báo đã phải hy sinh khép kín trong một đời sống kỷ luật, giới hạn và bảo mật tối đa của tổ chức.

Chiều cuối cùng ở Việt Nam, bao nhiêu sự run rủi đã đưa anh và gia đình lọt qua vòng dây kẽm gai dày đặc của hải quân để vào được bến Bạch Đằng. Bên ngoài, tiếng súng vọng từ ngả xa lộ nghe rõ mồn một. Đang loay hoay, bồn chồn chờ đợi không hiểu có thể kiếm thêm một dịp may nào nữa để cả một bầu đoàn thê tử có thể nhảy lên một chiến hạm ra khơi hay không, thì anh trông thấy một người bạn cùng khóa và gia đình đang hớt hải từ trụ sở của cơ quan Tình Báo lái xe cố len ra. Anh bèn gọi ngược lại:

-Đi đâu đấy?

Anh bạn vội vã đáp:

-Tao phải ra ngay đường Ngô Thời Nhiệm. Tụi Mỹ nó hẹn sẽ hạ trực thăng ở đó để bốc tụi tao.

Anh vội kêu lên:

-Thành phố đã hỗn loạn rồi, mày không thể nào tới đó được, mà trực thăng cũng không thể nào xuống được nữa rồi. Tao đã cố bò vào đây, mày lại cố bò ra. Thôi ở đây đi, xem có thể xuống được tàu hay không.

Anh nhớ đến những người bạn khác trong ngành Tình Báo đã tin tưởng vào trực thăng Mỹ đến bốc phút cuối cùng, hầu hết đều kẹt lại, lê lết trong các trại tập trung miền Bắc bao nhiêu năm trời, nhiều người đã  không thấy trở về.

Nhiều lúc ngồi nghĩ, anh cũng thấy khôi hài về cách chọn nghề một cách tài tử của mình. Hồi xưa anh có một ông chú tính thích đi đây đi đó, nên anh thường theo ông đi từ ga này đến ga khác trong các dịp nghỉ hè. Đến nay, anh vẫn còn nhớ được những tên ga trên vùng mạn ngược: Đồng Giao, Bản Thí, Lạng Sơn… Những ga ở miền trung châu: Phủ Lý, Ninh Bình… Những ga ở miền trong: Đò Lèn, Hàm Rồng, Thanh Hóa… Anh lại vẫn còn mường tượng được cái cảnh mấy chú cháu cố giữ thăng bằng đi trên con đường sắt trong những buổi chiều vắng lặng, mênh mông, mất hút như hai con đường song song chạy về cuối chân trời. Hay trong cảnh hoàng hôn, ngồi một mình trên băng ghế ở sân ga không người, sau khi chuyến tàu chót đã rời xa chỉ còn lại cái quạnh hiu của một ga xép đường rừng.

Ngay cả những năm sau khi đất nước chia đôi, cha anh theo sở đem gia đình ra Đà Nẵng, còn anh theo trường trọ học ở Sài Gòn. Mỗi mùa hè anh đáp xe hỏa trở về Trung, anh nhớ nhất những đêm ngồi trên bực lên xuống của toa tàu, nghe tiếng nhịp xe chạy đều, nhìn cảnh trăng sáng trên biển hay lấp lánh trên các rừng dừa ở bãi biển Sa Huỳnh hay vịnh Cam Ranh. Những chiều trên đỉnh đèo Hải Vân khi xe từ từ chạy vòng nghiến trên đường sắt ở ga Bãi Kả, hay lúc tàu vừa qua khỏi Hầm Sen, thấy cả một cảnh Lăng Cô đẹp như tranh vẽ. Càng đi, anh càng thấy đất nước mình thật đẹp và thấy yêu quê hương mình hơn.

Có lẽ vì thế cái máu giang hồ nó đã thấm vào anh. Khi anh vừa xong Tú Tài phần I, tự nhiên anh thấy chán học, định theo một số bạn bỏ trường vì “Máu giang hồ của ông Cử Hai” mà Nguyễn Tuân đã tả trong “Vang Bóng Một Thời” nổi dậy.

Anh đọc được một thông cáo của trường Hàng Hải, bèn đến nạp đơn xin nhập học, tưởng rằng sau này mình sẽ thành một thuyền trưởng và sẽ có dịp đi năm châu bốn bể. Nhưng không hiểu vì lý do gì ít lâu sau trường này đóng cửa. Anh lại ngỏ ý xin vào Hải Quân, thì một người anh họ vội ngăn:

-Chú mà vào đó thì không có đời sống gia đình. Tàu của chú rồi cũng chỉ luẩn quẩn ở ven biển thôi.

Anh cảm thấy ấm ức vì lời khuyên. Nhưng mùa hè năm đó, anh có dịp đi tàu thủy từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, mấy ngày đêm trong tàu chỉ toàn ngửi mùi dầu. Ăn xong lại ngồi nhìn trời với nước, sách đọc mãi đến phát chán, chuyện nói rồi cũng hết. Anh thấy tù túng, cuồng cẳng và sốt ruột mà con tàu thì cứ lừ lừ, đủng đỉnh, không thể nhanh. Anh bỏ ý định vào Hải Quân.

Một hôm ngồi nhà nghe thấy Việt Tấn Xã tuyển phóng viên. Anh nghĩ cuộc đời tự do như mấy ông làm báo cũng thú. Anh đến Việt Tấn Xã gặp ông trưởng phòng. Ngồi nói chuyện một lúc, ông cũng khuyên anh:

-Cậu nên về học nốt, không nên bỏ ngang rất phí!

Anh không còn biết nói gì hơn, bèn chào ông và lủi thủi bước ra. Hôm đó anh đạp xe một mình trên đường phố Sài Gòn, tưởng chừng như bao nhiêu giấc mộng viễn du của anh từ trước đến nay như đã bị vỡ tan tành. Đời sống của anh như ngày càng thu hẹp lại một cách chán chường. Ít lâu sau, một người bạn đến rủ anh đi nạp đơn vào Không Quân để thành phi công. Anh nghĩ lần này chắc thế nào cũng xong, mình cũng tạm cao ráo, đủ cân đủ lượng, mắt mũi không đến nỗi kèm nhèm.

Về đến nhà trọ, đang mơ màng nghĩ đến ngày được cưỡi mây, lướt gió, nhìn những thành phố nhỏ dưới chân, chắc là thỏa chí tang bồng. Mấy người bạn được tin, họ  xúm nhau vào dèm pha:

-Đừng có vào nhà binh bó buộc lắm, tính mày không chịu được đâu.

Họ nhao nhao, mỗi người một câu ngăn cản:

-Không quân thì cũng oai thật. Nhưng mày thử nghĩ xem, sáng đi từ một nơi, chiều về lại nơi đó, và nếu không về là đi luôn đấy! Thôi cố học nốt phần hai đi, rồi sẽ tính sau!

Thế là ngày ngày anh lại hai buổi lẽo đẽo đạp xe đến trường, ngồi trong lớp chật như cá hộp, mồ hôi chảy như mỡ, ngủ gà ngủ gật gượng không nổi. Tối về gác trọ, vừa đập muỗi, vừa “gạo” cho kỳ thi sắp tới.

Năm đó chính phủ mở rộng nhiều đại học, thi vào đâu cũng dễ. Xong hai phần Tú tài, anh và mấy người bạn suốt ba tháng hè chỉ bận rộn vác đơn đi nạp và ngồi trong các phòng thi tuyển. Nhưng chẳng ai có định kiến gì chắc chắn. Đang thi vào trường Kỹ Sư Phú Thọ, cả bọn bỏ ngang rủ nhau đi ciné buổi chiều hôm đó. Nạp đơn thi vào Sư Phạm cũng không chịu đến thi, chỉ sợ sau này phải sống một cuộc đời mô phạm, gương mẫu, đúng giờ đúng giấc hơn cả mọi người.

Cuối cùng, chẳng vào được trường nào. Anh và Dật, một người bạn thân rủ nhau vào học năm Dự Bị Y Khoa, lúc đó không cần thi nhập học. Mấy tháng trời làm quen với cảnh chai lọ, đo đo, ngắm mgắm cho đủ phân lượng. Tối về lại vùi đầu cố học thuộc những công thức này, công thức khác đến phát ngán.

Vài tháng sau, Dật bỏ lên Đà Lạt học Sư Phạm ban Anh Văn. Anh ta viết về những lá thư dài tả những buổi sáng nằm một mình trong ký túc xá, nhìn qua khung cửa kính, thấy hoa anh đào nở trong sương lạnh, những bụi hồng leo vươn ngang cửa sổ. Dật kể cả cảnh đi thăm hồ Than Thở, thác Gougar, rừng Ái Ân và gửi cho anh một tấm hình chụp một mình ở Suối Vàng. Trông hình bạn, anh thấy cả một nỗi cô đơn, vì phải xa Sài Gòn, vì thiếu những người thân thiết bao nhiêu năm trời ở trung học. Hồi đó hình như Dật đang yêu một cô gái mà anh quen, nhưng đã không thố lộ cho anh biết.

Nhớ lại Dật và những tháng ngày trên gác trọ, những buổi lang thang đạp xe trên đường phố hay những ngày Tết, những ngày hè anh không về thăm nhà được, Dật thường rủ anh về với gia đình anh ta ở đồn điền Quản Lợi. Anh và Dật suốt ngày đi chơi trong các vườn cao su, trong các làng Thượng hay buổi tối theo một số người đi săn nai.

Nhiều năm trước, xuống Cali, được tin Dật cùng một đứa con đã nằm dưới biển sâu trên đường vượt thoát, anh ngậm ngùi thấy nỗi buồn của những ngày xa xứ càng thêm nặng.

Trong cái năm xưa đó, ít lâu sau, anh cũng bỏ trường Khoa Học và thi được vào trường Hành Chánh. Ngày ngày ngồi trong giảng đường nghe những bài giảng triền miên. Nghe giáo sư Nguyễn Cao Hách, thao thao bất tuyệt về những lý thuyết kinh tế, từ khi bước vào lớp cho đến khi bước ra. Sinh viên chỉ việc chúi mũi ngồi ghi, không có thì giờ cựa quậy. Những bài giảng của giáo sư Nguyễn Văn Độ về luật Hành Chánh rối bời như một mớ bòng bong. Lớp học đã ít người, lại gặp giáo sư Nghiêm Đằng, ngồi giảng nghiêm khắc như ở chỗ công đường ngày xưa, về luật Tài Chánh và Công Phí.

Giáo sư Vương Văn Bắc thì lầm lì, nói những lời đanh thép về Chính trị học hay Luật Hiến Pháp. Lại mấy vị luật sư vừa là giáo sư của trường, thường phải đi biện hộ ở tỉnh xa, nhiều hôm cãi thua mang cả cái bực dọc vào trong lớp và có khi hiểu lầm cái cười nửa miệng của anh, khiến một lần anh đã bị đuổi ra khỏi lớp. Sau này, anh mang những mớ lý thuyết cao siêu đó về địa phương, loay hoay với đám dân nghèo và lũ du kích quỷ quái.

Nhưng được cái là đi học chỉ việc ngồi nghe và ghi các lời giảng, về nhà chẳng cần phải làm bài, học bài. Cứ để đến kỳ thi hãy tính sau. Cuối tháng lại được lãnh học bổng cũng khá như một công chức, đủ để mang đi vung vít. Cái “máu giang hồ của ông Cử Hai” của anh cũng tạm yên. Anh cũng chẳng để ý gì đến cái cảnh mai sau phải sớm vác ô đi, tối vác về và cứ để cái cuộc đời sinh viên đó trôi đi một cách dễ dàng không suy nghĩ…

CÒN TIẾP

_____________

Con trâu rừng cuối cùng trên đảo Phú Quốc

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: