Anh lấy thuyền đi Cửa Cạn. Những ngày trời yên biển lặng, thường có cá heo bơi đến giỡn sóng đua cạnh thuyền. Đôi lúc anh có thể lấy tay xoa lên cái đầu nhẵn bóng của chúng. Lúc vào Cửa Cạn, phải vòng theo một quãng sông nhỏ, mọi người thường không dám ngồi lì trên thuyền để vào tận ấp, sợ Việt Cộng trên núi bắn xuống, phải lội qua cồn cát rồi gọi ghe sang đón.
Có lần đến, họ cho anh xem một con cá sấu lớn bốn người khiêng còn nặng, bị trói gô dọc theo một thân cây lớn. Con sấu này, ít lâu nay thường đến phá chỗ con lạch mọi người tắm giặt. Họ cố dùng súng bắn đuổi mà không được. Sau đó, họ lập mưu, làm một lưỡi câu lớn, buộc vào mình một con vịt thả trên dòng nước. Dây câu là một cuộn thừng nylon không thể đứt.
Chờ đến nửa đêm, lính trong đồn canh nghe tiếng quẫy nước ầm ầm, rọi đèn biết là con sấu đã cắn mồi và mắc câu. Nó mạnh quá, vùng vẫy nhổ luôn cọc thuyền và kéo chiếc tam bản theo con lạch vào sâu trong đảo. Sáng ra, mọi người đem súng ống, để đề phòng Việt Cộng, theo ghe máy ngược dòng đến hai ba cây số mới tìm thấy dấu vết. Mãi sau một hồi vật lộn, gần hụt hơi, mới chụp nổi nó.
Ấp Cây Dừa nằm dưới phía Nam đảo, gồm căn cứ chỉ huy Duyên Khu 4, một sân bay quân sự và một số đông dân cư. Dân chúng trong ấp ngoài số nhỏ là dân địa phương, còn lại phần lớn là dân di cư Ba Làng từ miền Bắc Trung Việt vượt biển vào Nam tìm tự do năm 1954.
Lần nào đến ấp, anh cũng thường đến thăm cha xứ Hoàng Văn Cung trước, cha rất vui tính và thế nào tối đó cũng được cha khoản đãi món cháo gà do ông trưởng ấp Niệm làm. Có khi lại được ăn món “biên mai”, một loại nghêu rất ngon do mấy người bạn bên Hải Quân mời đến nhậu.
Toàn ấp, kể cả căn cứ của duyên khu đều trông cậy vào sự bảo vệ vùng ngoài của một trung đội nghĩa quân, hầu hết là dân Công Giáo, trang bị vũ khí cơ bản, nhưng du kích địa phương cũng rất ít khi đến trêu chọc.
Anh nhớ lại những buổi chiều ở Cây Dừa, anh thường lang thang một mình đi bộ ra sân bay, đứng trên những vỉ sắt ở đầu phi đạo, nhìn những đám cỏ may trên những cồn cát chạy vờn theo gió về phía cuối đảo, tự nhiên anh thấy lòng bồi hồi như mong nhớ một điều gì xa vắng. Hình như những đám cỏ may thường làm cho người ta gợi nhớ đến dĩ vãng.
Anh sang phía Đông của đảo, đến ấp Hàm Ninh, bờ biển nông và soải dài, thuyền lớn thường phải đậu ngoài xa và chờ ghe nhỏ ra đón. Ấp có độ dưới một trăm dân và một trung đội địa phương quân mà quân số chắc chỉ có một nửa sống trong một vòng đai nhỏ hẹp. Đứng ở đâu trong ấp cũng thấy hàng rào chiến lược gần ngay trước mặt, cứ lớ ngớ là rất dễ bị Việt Cộng bên ngoài bắn sẻ. Vì thế, sau này đi đâu xa, anh thường được khuyên là nên mặc bà ba đen, đừng mặc quần tây áo trắng. Có những lúc anh ngồi họp với hội đồng xã và đồn trưởng, anh tưởng tượng như đang sống trong cái thời của phim “Bảy Chàng Hiệp Sĩ” của Nhật.
Những bữa ăn do hội đồng xã thết đãi chỉ toàn là ghẹ. Anh chưa thấy có những con ghẹ ở đâu ngon như ghẹ Hàm Ninh, to gần như con cua, luộc chín đỏ như gạch, thịt đầy và ngọt lừ. Họ cho anh ăn hết ghẹ luộc, ghẹ rang muối rồi cả đến cơm ghẹ v.v… Còn những nồi nghêu, buổi chiều họ đi cào về trắng phau, đầy đặn ăn thật tuyệt. Có lần họ mang về một con vít, đó là một loài rùa biển to gần đến một thước, ăn tàm tạm được, nhưng không được ngon như những con rùa nướng ở Cần Thơ hay Long Xuyên.
Những ngày ở đó, mỗi khi xong việc anh phải chờ ghe đến đón, nên rỗi rãi. Anh hay đi nhặt các đầu khỉ khô, trắng nằm rải rác trên cát sau nhà của các tay thợ săn, rửa cho sạch sẽ trông như những cái đầu lâu tí hon rồi gởi về cho các bạn ở Sài Gòn.
Nhiều lần anh theo Thiếu Úy Bình, đồn trưởng, đi sâu vào đảo săn thú. Anh ta là một tay thiện xạ, bắn được rất nhiều thú rừng thường mang về cho lính và dân trong ấp ăn, nhưng chẳng bao giờ anh ta ăn cả. Có lần gặp một đoàn khỉ, bị lùa lên một cây giữa khoảng trống, chúng hốt hoảng, nhảy chuyền từ cành này sang cành nọ. Lính ở dưới cứ việc nhắm và bắn rụng từng con rơi bồm bộp trên đất. Nhìn thấy thật tội nghiệp, anh phải bảo họ thôi đừng bắn nữa.
Một lần lính bắn được một con nai đang nhú sừng non, người ta thường gọi là nhung; một anh lính bèn cắt ngang và hút. Không hiểu chất nhung đó bổ đến mức nào mà làm anh ta bị sốc, ngã lăn quay ra như người bị say rượu.
Nhưng mệt nhất là đuổi theo mấy chú heo rừng, chúng rất khỏe, chạy nhanh và luồn cũng khéo. Có lần, anh chạy theo Thiếu Úy Bình hụt hơi và lạc luôn. Rừng lại khá rậm, lúc ấy có một mình, cố định phương hướng tìm đường về ấp, nghĩ đã chẳng săn được con nào mà bị Việt Cộng săn lại thì thật là chết lãng nhách.
Anh rời Hàm Ninh, lấy thuyền đi lên ấp Bãi Bổn. Ấp này nằm phía ven Đông Bắc của đảo, bất an vì chưa lập được hàng rào chiến lược. Thường thuyền phải đi vòng xuống phía Nam rồi ngược lên, hơi xa, nhưng an ninh hơn nếu đi vòng lên phía bắc từ Dương Đông bằng tàu nhỏ. Lúc đi gần giữa eo biển nhỏ giữa Việt Nam và Cam Bốt, chỉ sợ Việt Cộng trong đảo bắn ra, và nếu có gặp chiến hạm của Cam Bốt ăn hiếp, đổ thừa là vi phạm hải phận cũng chẳng có ai làm chứng.
Lúc ngồi bập bềnh trên ghe, chờ thuyền nhỏ ra đón, anh nhìn vào khu rừng dừa của ấp Bãi Bổn chạy dài theo ven biển, thấp thoáng một vài căn nhà lá và những bóng người. Đôi lúc anh tưởng như có những chàng trai mình trần, lực lưỡng đang bắt đầu đánh những tiếng trống bập bùng và những cô gái đảo đang sửa soạn những vòng hoa để quàng vào cổ những khách lạ.
Càng sát bờ, biển càng nông. Mọi người thường phải xuống lội nước một quãng khá xa. Biển ở đây có rất nhiều hải sâm, tiếng địa phương gọi là con đồn đột màu đen và những con sao biển màu đỏ nằm soải năm cánh trên cả một vùng cát dài.
Thường thường đến ấp này anh hay đi với Đại Úy Hùng, chỉ huy trưởng địa phương quân trên đảo, và một toán thám báo mà đến một nửa là người Việt gốc Miên. Lần nào, cũng đến tạm trú tại nhà một ông già quắc thước ở giữa ấp, có tên là Tám Vân, có một cô con gái tuổi đôi mươi, có sắc đẹp của một cô gái hải đảo. Nói là tạm trú, nhưng không ai nằm ở trong nhà cả, chỉ nhờ bếp để làm bữa ăn. Anh nghe đâu, ông Tám Vân hồi trước đã từng là đầu đảng cướp biển, nhưng như Robin Hood, ông hay phân phát lại cho các kẻ nghèo.
Ấp Bãi Bốn cũng không có quá nổi một trăm dân, chưa có tổ chức hành chánh, cũng không có một lực lượng nào bảo vệ, lại quá bị cô lập. Dân chúng ở đây, trước kia thường giao dịch với các thành phố ven biển của Cam Bốt hơn là với Việt Nam.
Những chiều ở đó, anh thường lội nước dọc theo những hàng dừa hay ra ngoài xa nhặt những con sao biển cho đến khi gần tối. Hôm nào trời trong có thể nhìn thấy le lói ánh đèn trên đỉnh núi Bokor của Cam Bốt mới trở về. Buổi tối anh và Đại Úy Hùng thường ngồi trên nhà sàn, dựa lưng vào những ba-lô ngồi uống nước trà nhìn ra biển tối ngoài xa, và nghe những tiếng đêm ở xung quanh vọng lại.
Đại Úy Hùng hơn anh mấy tuổi, hay nói chuyện gẫu, có lần anh ta tâm sự:
-Mình sinh ra mãi tận ngoài Bắc mà không hiểu sao lại phải đến tận chỗ này. Hồi 1946, tôi là tự vệ thành rồi theo kháng chiến chống Pháp. Mãi sau mới trở về Hà Nội, học hành dang dở, kiếm việc không ra bèn vào làm sĩ quan Bảo Chính Đoàn. Khi ấy chỉ huy các đội khinh binh, đóng hết đồn này đến đồn khác trong vùng châu thổ sông Hồng, nhiều lúc mất đồn, chạy dài chỉ còn quần xà lỏn.
Anh nghĩ thầm hồi đó càng thua, càng chạy thì bây giờ Đại Úy Hùng lại là người có nhiều kinh nghiệm chiến trường. Từ ngày đến đảo, anh ta đã làm cho du kích địa phương nhiều trận xiểng liểng. Hàng ngày đối diện với du kích, Đại Úy Hùng như muốn chơi trò đấu cờ với chúng, lúc đánh nhử, lúc đánh lừa, đi một nước nhưng tính đến ba bốn nước khiến chúng không biết đâu mà lường. Có lần anh ta lừa bắt được viên Huyện Uỷ, nhưng lúc sửa soạn giải về tỉnh thì hắn ta tự sát trong phòng giam.
Mỗi lần ở ấp này, trước khi đi ngủ, Đại Úy Hùng thường cắt đặt toán thám báo nằm ở các bờ bụi xung quanh và cố ý nói to có lẽ để cho Việt Cộng đâu đó biết là sẽ nằm trong nhà ông Tám Vân. Lúc vào nhà, anh và Đại Úy Hùng cũng cố nói chuyện thật lớn một hồi lâu, rồi cả hai cùng lén ra ngoài bụi nằm. Ngay cả toán thám báo cũng không biết hai người ngủ ở chỗ nào.
Sáng sau, mọi người đi nghiên cứu địa thể để lập ấp chiến lược. Dân thì ít, ấp thì trải dài. Di dân vào một chỗ cũng rất là phiền, mất nhiều công. Sau khi nghiên cứu và vẽ họa đồ xong, hôm sau có thuyền đón trở về quận để lập kế hoạch.
Lần nào rời ấp Bãi Bổn, lúc ngồi trên ghe, nhìn lại đám dừa xanh, anh cũng tưởng như chắc lần này là lần cuối anh còn có thể đến được nơi này. Theo anh, nếu cứ để nguyên như thế này thì may ra còn ấp, nếu đã cố làm hàng rào chiến lược, thì Việt Cộng chắc không để yên, tiếp cứu cũng chẳng nổi, và ấp sẽ tan tành. Nhưng chính sách của chính phủ đã có, chỉ tiêu đã đề ra và quận cứ phải thi hành…
Lần đó trở về quận, anh viết được một bài tùy bút dài “Mây Bay Qua Đảo” cho đặc san Phú Quốc, với tất cả tấm lòng yêu đảo. Bài tùy bút này sau khi anh rời đảo, họ vẫn còn mang ra đăng đi đăng lại nhiều lần.
Mùa mưa đến trên đảo thật là dầm dề và dai dẳng. Có những lần mưa gió hàng tháng không dứt. Mây mù bay từ biển vào sà gần xuống mặt đất. Cả tháng không nhìn thấy trời, không thấy màu xanh của núi rừng, không nhìn thấy chân trời giáp với mặt biển. Nước mưa từ trên ngàn đổ xuống, chảy như nước lũ, dâng tràn lên mặt đường, mấp mé các nhà sàn hai bên bờ sông Dương Đông. Nhiều buổi chiều, nghe gió hú và đứng nhìn các ngọn dừa bị gió giật từng hồi uốn cong xuống xác xơ. Những lần đó, quận thường ra thông cáo yêu cầu phải giữ trẻ trong nhà, đừng để gần sông trượt chân rất dễ bị trôi ra biển. Nhiều gia đình phải vào nhà lồng chợ trú ẩn.
Không có thuyền nào dám ra khơi, không có tàu chở hàng từ Rạch Giá trở về. Bữa ăn nào cũng trở nên đạm bạc. Thỉnh thoảng mới có một ít thịt, một ít rau, và ngay cả cá cũng không có. Máy bay dân sự hồi đó mỗi tuần mới có một chuyến. Một hôm, ngồi buồn không biết làm gì, mở máy dò các đài xem có tin gì mới, thì bất chợt bắt được đài Khí Tượng Phú Quốc nhắn với Trưởng Đài Rạch Giá, nhờ gửi ba ký thịt bò và rau vào chuyến máy bay tới. Đại Úy Hùng nghe thấy cười lớn, tuần này chắc có món thịt bò nhúng dấm rồi.
Gia đình ông Trưởng ty Khí Tượng này không rõ có một thiên tình sử ra sao mà họ có một đời sống khá ly kỳ. Bà vợ không bao giờ thấy ra ngoài, chỉ có ông chồng hiền lành ngày ngày yên lặng xách giỏ đi chợ. Một hôm, Đại Úy Hùng từ bãi biển trở về, cứ thắc mắc hoài với anh vì nhìn thấy một người đàn bà mặc áo tắm hai mảnh kiểu tân kỳ, đang nằm trên ghế xích đu, chỗ bãi biển Đài Khí Tượng. Hỏi lính thì mới biết đó là bà vợ ông Khí Tượng. Sau này, anh còn được biết thêm hai vợ chồng đổi từ đảo Hoàng Sa về đây. Họ đã ở đó sáu năm trời. Chắc những ai mà đến đó thì còn thắc mắc hơn Đại Úy Hùng nhiều.
Những tuần mưa gió như thế, cả quận chỉ mong chờ ngày có chuyến máy bay. Nhiều lúc đứng trong quận, nghe tiếng máy bay vừa mừng lại vừa thấy cái hy vọng mong manh. Có lúc thấy tiếng máy bay thật thấp, ẩn hiện chớp nhoáng trong đám mây mù, đảo quanh một hai vòng rồi bay đi mất hút để cả quận ngơ ngẩn. Giống như cái cảnh bao nhiêu ngày kiệt quệ lênh đênh trên biển, không biết đâu là bến bờ, thấp thoáng thấy có bóng chiếc tàu ở đằng xa, nhưng chỉ trong chốc lát lại mất dạng.
Cả bọn thất vọng vì không có gì cho tuần lễ sắp tới, đứng rủa thầm anh chàng phi công nhát gan. Có lần, một anh phi công Đài Loan liều đáp xuống từ phía biển vào bị gió thổi chạy văng ra ngoài phi đạo. Hút chết, không đâm vào núi là may. Quận lại phải đem xe Dodge 4, lấy dây buộc vào đuôi kéo ngược trở lại.
Những tuần đó không có việc, chỉ luẩn quẩn quanh văn phòng. Dân cũng không có ai đến. Quận thường đóng cửa kín mít, chỉ sợ gió mạnh làm bật tung các cửa, thổi loạn các giấy tờ bay tứ tung, phải nhặt và xếp lại cũng đủ mệt. Ngồi không, hút thuốc đến đen cả mấy đầu ngón tay, phải đổi sang hút ống điếu. Anh thường nhờ bạn bè ở Sài Gòn gửi ra hai loại thuốc 79 và Half and Half để trộn lẫn với nhau.
Hôm đầu, anh mang ra hút, mùi thơm làm tỉnh mấy anh thư ký quận đang ngồi nhìn mưa rơi buồn hiu, và làm ngưng cả tiếng vọng cổ rầu rĩ của mấy tay nghĩa quân sau nhà. Cả bọn tưởng như trong không gian có cái gì làm thay đổi khứu giác của họ. Lúc sau, họ mới khám phá ra anh đang hút ống điếu. Tất cả nhao nhao ùa lại mỗi người xin một ít để làm thuốc quấn, thi nhau thả khói làm thơm lừng văn phòng quận.
Nhiều hôm vừa mưa lại vừa oi bức, anh thường mở cửa sổ đứng nhìn ra biển lấy một chút gió. Mùa này là mùa ruốc, dân chài cũng thường ra khơi để vớt về làm mắm. Cá voi cũng về, chỉ việc há mồm đón những đàn ruốc bơi qua cuống họng, thỉnh thoảng chúng lấy hơi phun những cột nước bắn lên cao.
Ai cũng nghĩ lúc này mà tụ họp nhau ăn nhậu thì không còn gì bằng. Nhưng “mồi” thì không dễ kiếm ra. Tối đến, mấy tay thư ký quận rủ nhau nai nịt, lội mưa cầm đèn bão đi lùng ếch. Cứ chỗ nào nghe tiếng ồm ộp là mò vào rọi đèn, thế nào cũng chộp được một con. Có tối mang về được vài chục con ếch non, tẩm bột đem chiên, ăn được cả xương, ngon hơn thịt gà. Có “mồi” nhưng rượu lại càng hiếm. Ngày thường ngư dân uống đã nhiều, ngày bão ngồi không lại càng uống dữ hơn nữa. Có một điều làm anh phải giật mình khi làm các con số thống kê các hàng xuất nhập đảo. Số xăng nhập vào đảo đã nhiều cho thuyền bè đánh cá, mà số lít rượu nhập vào còn cao hơn. Anh yêu cầu cộng lại, nhưng mấy người thư ký ở lâu trên đảo, thấy họ chẳng ngạc nhiên chút nào.
CÒN TIẾP
_____________