Con trâu rừng cuối cùng trên đảo Phú Quốc (8)

Minh họa: valeriy-ryasnyanskiy-unsplash

Sau khi tiễn họ về, anh lại phải sang Hàm Ninh, phía Đông đảo để giúp hội đồng xã tổ chức lại một số vấn đề hành chánh, tài chánh và nhất là định lại thuế má. Xã quá nhỏ, thuế thâu rất là khó khăn, nên chỉ đủ trả lương cho một mình xã trưởng. Ông ta là một ông già, có chút chữ nghĩa, tính toán, hàng ngày lại phải kiêm luôn chức giáo làng dạy một đám trẻ nhỏ. Giáo viên cử đến tháng trước thì tháng sau lấy cớ đau ốm về đất liền rồi ở luôn không thấy ra nữa. Nếu tăng thuế để đủ chi phí điều hành xã thì chắc dân sẽ bỏ đi hết, chỉ còn le que ít lính trong đồn, rồi chẳng bao lâu đồn sẽ bị triệt hạ vì lý do này hay lý do khác và quận sẽ mất thêm một xã nữa. Thành thử, mọi chuyện cứ để lết bết như cũ.

Không còn chuyện gì làm, anh gọi về quận để cho thuyền đến đón, thì trời nổi gió, mây đen ngùn ngụt phủ đầy trời. Ngoài kia, biển chợt sẫm lại và sóng đánh vào mấy chiếc ghe cắm đàng xa, dập vùi như muốn nhận chìm xuống đáy biển.

Thời tiết này thì ít nhất cũng phải một tuần nữa mới có thể trở về quận được. Mấy quyển sách anh đem theo cũng vừa đọc hết, anh lang thang đi từng nhà, nói chuyện với các ông già bà cả. Họ kể lại những chuyện nghe như chuyện ngày xưa tự thuở bán khai. Nói chuyện với các trẻ thơ, thấy chúng vô tội, và thấy thương vô vàn khi nghĩ đến tương lai của chúng. Có lúc, anh trầm ngâm ngồi nhìn và nghe chuyện giữa một cô gái đảo đương thì và một anh lính trẻ trong đồn, anh chưa tưởng tượng được giấc mơ của họ như thế nào ở chốn tận cùng của trời đất này.

Một buổi trưa, đang nằm lơ mơ trên võng sau nhà của một người thợ săn, anh bỗng choàng dậy vì thấy một cái gì ẩn hiện trên đống cát gần hàng rào thưa. Anh vội chạy đến, lấy tay gạt cát và kéo lên một cái sọ trâu trắng hếu với hai cặp sừng cùn sơ mà cái nào cũng chỉ còn một nửa. Anh lệ khệ bê cái sọ trâu vào trong nhà. Họ cho biết, hơn tháng trước Thiếu Úy Bình cùng mấy người trong ấp đi săn, đột nhiên gặp con trâu rừng này. Lúc nó trông thấy Bình, thì chỉ còn cách xa vào khoảng ba chục thước, nó đứng yên, hai chân cào đất lấy thế tấn công. Mọi người thấy thế dãn ra, chỉ còn Bình quỳ xuống sẵn sàng nạp đạn. Sau một lúc nghênh nhau, con trâu rừng bỗng lao về phía Bình, mấy viên đạn nổ kịp, theo đà con trâu ngã gục trước mặt Thiếu Úy Bình…

Anh không còn muốn nghe thêm gì nữa, vội chạy lên đồn để gây sự, thì lính trong đồn cho biết Thiếu Úy Bình đi săn bị ngã từ trên cây xuống, gẫy xương sống, đã phải đưa vào bệnh viện tỉnh tuần trước rồi.

Anh thẫn thờ đi ra khỏi đồn, tưởng tượng đến phút cuối cùng của con trâu rừng trên đảo đã gục ngã. Tưởng tượng đến cả đám trâu rừng của bà Kim Giao đem ra hơn hai trăm năm trước nay không còn nữa. Tưởng tượng đến cái dấu vết cuối cùng của một thiên đường hoang tưởng đã mất mà anh đang tìm, như bỗng chốc không bao giờ còn tìm thấy lại. Anh trở về nhìn lại cái sọ trâu với cặp sừng, lấy tay phủi hết cát trong cặp mắt sâu hoắm, tưởng như bao nhiêu huyền thoại vẫn còn chứa chất trong đó.

Anh thấy đoàn thuyền của Nguyễn Huệ đang lùng đuổi Nguyễn Ánh, thấy con cá voi đang cố sức đỡ thuyền cho Nguyễn Ánh khỏi bị lật trong cơn giông bão, thấy một đàn cá lạ đến dâng mình cho Nguyễn Ánh trong cơn đói lả. Thấy hình ảnh của nhà truyền giáo từ một xứ xa lạ nào đó đang nằm thở những hơi cuối cùng trong ngôi giáo đường ven biển, chờ Chúa đến đón. Thấy Nguyễn Trung Trực đang treo đứa con nhỏ của mình trên nhành cây cho dân trong ấp nuôi để cố thoát khỏi cuộc vây bắt của giặc Pháp.

Thấy cả đám tù binh gầy guộc đang lê lết san bằng đất làm phi trường Cửa Cạn trong Thế Chiến Thứ Hai, thấy lại từng đoàn máy bay Nhật lên xuống bụi mù cả một vùng, thấy đám lính Nhật bắn súng vang trời ăn mừng khi Tân Gia Ba thất thủ. Thấy lại cả đám tàn quân Quốc Dân Đảng bị Hồng Quân Mao Trạch Đông tràn qua sông Dương Tử xua ra khỏi Trung Hoa đang mình trần chặt cây dựng lều tạm trú trên đảo. Thấy hình ảnh nghĩa trang của những Quốc Quân bỏ mình trên đảo mà mắt vẫn trông về cố quốc…

Anh lại thấy hình ảnh thư sinh mới ra trường của mình, một mình tay xách chiếc vali đến đảo, tưởng như đang sống lại một phần đời của Gauguin đang đi tìm lại một thiên đường lỡ dở trong các họa phẩm vẽ cảnh rừng dừa ven biển, với các chàng trai lực lưỡng đang đánh những tiếng trống bập bùng, với những cô gái mình trần đa tình đang cầm vòng hoa đón khách lạ. Thấy lại hình ảnh lang thang của mình như một Gary Cooper sau những ngày phiêu bạt trở lại đảo như trong phim Retour Au Paradis. Thấy lại hình ảnh của mình ngồi trên mũi thuyền những ngày rong ruổi trên biển, nghe sóng vỗ và nhìn vào dọc đảo xanh để đến những ấp lạ như sống trong phim của thời Seven Samurais…

Mấy hôm sau, biển lặng, anh về tới quận. Trong đống thư từ ứ đọng từ hai tuần trước, anh nhận được giấy thuyên chuyển về tỉnh. Người thay thế anh là người khóa dưới, đang tòng sự tại Bộ Nội Vụ. Nhân viên trong quận đến phàn nàn với anh là họ cứ ngỡ anh sẽ ở lại làm xong dự án thành lập tỉnh. Anh thu xếp chờ bàn giao, nhưng chờ mãi không thấy người đồng môn ra thay. Lúc đó, tỉnh trưởng là Thiếu Tá Thụy gọi cho anh an ủi và bảo có mấy chức vụ còn trống trong tỉnh, anh muốn chọn chức nào tùy ý. Ông cũng khuyên anh nên về dần, nếu ở mãi chỗ tận cùng đó người ta sẽ dễ quên. Riêng anh, anh thấy chẳng còn cớ gì có thể giữ anh ở lại đảo nữa.

Vừa về tỉnh không được bao lâu, anh lại được tỉnh trưởng gọi đến nhờ ra đảo tổ chức tiếp đãi phái đoàn Tướng Khánh. Hôm ông đến có hai máy bay, tùy tùng khá đông, có thêm tướng Công Binh, bên dân sự có Thủ tướng Viên và một hai Thứ trưởng. Sau khi hội họp tại quận, duyệt xét kế hoạch lập tỉnh lần chót, phái đoàn dân sự đi thị sát các cơ sở hiện hữu, sau đó sẽ ra máy bay về Sài Gòn. Riêng phái đoàn các tướng lãnh ra chiến hạm xuống đảo Hòn Thơm để quan sát phía nam đảo.

Anh được chỉ thị tháp tùng họ. Lúc đứng trên boong tàu, nhìn lá cờ vàng ba sọc và lá cờ tướng ba sao trên đỉnh chiến hạm, nền trời xanh, mây trắng lững lờ trôi, mặt biển lặng, nước trong và gió chỉ hây hây, anh thấy một ngày quá đẹp. Anh nhìn vào đảo, tưởng tượng đến một ngày nào hòn đảo sẽ trở thành trù phú sinh động như trong sự mơ ước của mình.

Khi đến Hòn Thơm, hai ghe chủ lực đã chờ sẵn sàng ở đó để đưa mọi người vào đảo. Anh đã đến Hòn Thơm vài lần. Trên đảo cây cối xanh tươi, những bãi biển cát vàng lóng lánh, những ghềnh đá sóng vỗ tung bọt trắng, đêm trăng ở đó thật là huyền ảo. Ven biển là những rừng san hô, cá nhiệt đới đủ màu lập lờ bơi dưới nước. Lúc mọi người đang dùng bữa trưa, thì một tin khẩn cấp từ chiến hạm báo cáo qua máy truyền tin là Việt Cộng dùng súng cối 81 pháo vào phi trường, định phá máy bay và tấn công vào phái đoàn dân sự đang chờ tại trạm hàng không. Tướng Khánh yêu cầu mọi người trở lại ngay chiến hạm và ra lệnh tàu quay về Dương Đông. Khi chiến hạm vừa nằm trên đường ngang với phi trường, hàng loạt trọng pháo được phóng ra nã vào sâu trong đảo.

Tiếng nổ vang vọng lại, một vài cột khói bốc cao, anh có cảm tưởng hào hứng như đang đứng trước giờ đổ bộ Normandy trong cuộc Thế Chiến Thứ Hai. Báo cáo của lực lượng địa phương cho biết đã đẩy lui được Việt Cộng ra ngoài hàng rào phi trường. Máy bay bị một số đạn nhỏ, không biết hư hỏng ra sao. Phía ta, hai địa phương quân bị thương nhẹ và một nghĩa quân bị thương nặng.

Anh cùng với một bác sĩ quân y được ghe ra đón vào đảo để săn sóc mấy binh sĩ bị thương. Sau khi băng bó và cho thuốc xong, bác sĩ liên lạc với Tướng Khánh, cho biết cần phải di chuyển nghĩa quân về bệnh viện tỉnh gấp để giải phẫu gấp, nếu chậm sẽ không qua khỏi đêm nay. Trời tối dần, tiếng súng đã ngưng, nhưng tình hình vẫn còn hồi hộp căng thẳng. Vị bác sĩ phải trở lại chiến hạm và đưa cho anh chiếc máy truyền tin nhỏ để liên lạc. Anh tiễn ông ta ra ghe rồi trở về bệnh xá thăm lại mấy binh sĩ bị thương. Bà mẹ anh nghĩa quân vừa thấy anh, ôm choàng lấy anh khóc nức nở, van nài cố cứu sống đứa con.

Anh không biết làm gì hơn, cố đứng yên lấy tay vỗ về bà ta an ủi để cơn đau đớn nguôi dần. Chợt có tín hiệu từ máy truyền tin, anh liền mở máy, từ chiến hạm báo cho anh chuẩn bị bãi đáp cho trực thăng tải thương. Anh lại nghe vọng qua máy, tiếng Tướng Khánh gọi về Cần Thơ, “Mặt Trời đây, Mặt Trời đây! Cho chuồn chuồn ra đón mấy đứa con tôi bị thương về tỉnh ngay!” Anh liền bảo mọi người đem đến một số đèn để làm dấu cho bãi đáp. Nghĩ đến Tướng Khánh, lo cho binh lính của mình, ra lệnh bất chấp các điều kiện mà thấy thương ông. Trời tối mà biển thì rộng, “chuồn chuồn” nào mà dám mò ra. Quá nửa đêm, anh nghe tiếng khóc gào lên từ trong bệnh xá. Lại một thằng con của ông vừa hi sinh…

Đêm đó, anh ngồi ở sân trước bệnh xá, không ngủ, nhìn lên trời máy bay thả hỏa châu liên tiếp sáng rực để bảo vệ hai chiếc máy bay còn lại ở phi trường. Anh được biết Tướng Kỳ cũng có mặt trong những chuyến bay đó để liên lạc với tướng Khánh phía dưới. Sáng sớm hôm sau, một đại đội Dù được thả xuống truy lùng Việt Cộng, nhưng chúng đã trốn lủi vào một xó xỉnh nào đó từ lâu rồi. Anh chợt nhớ đến ít lâu nay, tình báo cho biết Việt Cộng trên đảo có súng cối 81, nhưng thám báo cố tìm mà không ra. Chúng đã dùng đúng lúc, dù không nhằm được đúng mục tiêu, nhưng đã làm tiêu tan dự án của Tướng Khánh cho hòn đảo.

Sau đó, anh về tỉnh Rạch Giá làm việc, rồi bỗng nhiên bị một trận sốt rét kéo dài mấy tháng trời. Chữa tại bệnh viện tỉnh mãi không xong, anh về Sài Gòn. Bác sĩ Pháp ở Saint Paul chữa dai dẳng không hết, cuối cùng một người bạn thân là Nguyễn Dụng Trúc đang học y khoa năm cuối, mát tay giúp anh khỏi bệnh.

Anh trở lại tỉnh và làm một quyết định quan trọng nhất trong đời, là lập gia đình với người yêu. Sau đám cưới, nàng vẫn tiếp tục sống cuộc đời sinh viên ở Sài Gòn và anh vẫn đi đi về về giữa Sài Gòn và Kiên Giang.

Những ngày nghỉ, hai người thường cùng nhau ngồi xe dọc quốc lộ 4, qua những đồng lúa xanh rờn mênh mông và dọc theo các kinh lạch chạy dài bên lộ. Những buổi trưa qua Bắc Mỹ Thuận, ngồi chờ trong quán, ăn những đĩa cơm với chim sẻ chiên giòn hay những con tôm rim đỏ ngậy. Những sạp mãng cầu xanh tươi mơn mởn, những cần-xé đầy vú sữa tròn bóng tưởng như tất cả mầu mỡ của phù sa đồng bằng Cửu Long chan hòa trong đó. Nhớ nhất là những buổi chiều mưa, anh và nàng cùng ngồi bên nhau qua Bắc Vàm Cống, nhìn những giọt mưa rơi trên dòng sông rộng mịt mờ. Vừa mới xa Sài Gòn mà đã thấy nhớ Sài Gòn.

Anh đưa nàng ra thăm lại đảo như một “tuần trăng mật”. Lúc cùng đứng dưới gốc dừa trên bãi biển gần Dinh Cậu, nắng ấm, gió rất nhẹ và sóng vỗ thì thầm, anh nhìn ra biển rộng, an bình, nghĩ đến những giấc mơ ngày nào. Trong đó có giấc mơ, mua được một hòn đảo nhỏ để cùng nàng sống những ngày huyền ảo trên đó. Đột nhiên bao nhiêu kỷ niệm cũ quay lại. Từ ngày đầu tiên anh xách va-li đến đảo và sau hết là hình ảnh cặp sừng trên cát của con trâu rừng cuối cùng trên đảo bị bắn hạ ở một ấp xa. Con trâu này là con cháu của bầy trâu mà bà Kim Giao đã đem ra đảo mấy trăm năm trước trong thời Tây Sơn, con trâu cuối cùng mà anh đã cố đi tìm như đi tìm một huyền thoại, thì nay không còn nữa, và “Thiên đường đã mất” của anh đã mất thật rồi.

Anh nhìn vào mắt nàng, nàng mỉm cười với anh, anh kéo nàng cùng chạy ra biển, như vào một thiên đường hoang tưởng mới.

Chiến tranh ngày càng mãnh liệt, anh bị gọi nhập ngũ. Một sự tình cờ, được anh Nguyễn Ngọc Linh lúc đó làm Giám Đốc Việt Tấn Xã giới thiệu vào một bộ lớn, được thu nhận, và biệt phái làm việc ở đó. Anh tin rằng vận hạn cũ của mình đã hết, nay được ở lại Sài Gòn với người mình yêu, xa hẳn những ngày lang bạt ở chốn tận cùng của trời đất…

Mãi tới năm 1969, khi theo học trường Cao Đẳng Quốc Phòng, trong một chuyến du hành quan sát, anh mới có dịp trở lại Phú Quốc, nhưng chỉ đến được phía Nam đảo để thăm trại tù binh An Thới. Trại trải dài, chứa hơn ba chục ngàn tù binh miền Bắc, và bốn tiểu đoàn Quân Cảnh canh giữ. Tiền của Mỹ, nuôi lính Bắc Việt bị bắt đúng theo tinh thần giam giữ tù binh quốc tế, và dùng để trao đổi tù binh sau này.

Hôm đó trong một phòng riêng, anh có dịp nói chuyện với một viên Thượng Úy, anh ta cũng sinh ở Hà Nội như anh, và bị bắt hai năm trước, trong một trận đánh trên vùng cao nguyên. Lúc rời khỏi phòng, anh bắt tay anh ta và chúc anh bình an, chóng được về với gia đình.

Tác giả, với đất trời Phú Quốc (ảnh tác giả gửi)

Lần cuối, tháng Tư gần tàn cuộc chiến năm 1975, anh lại ra Phú Quốc để tham gia tổ chức trại tiếp cư cho những đồng bào di tản miền Trung mà tàu của họ không được phép vào Vũng Tàu hay Sài Gòn vì sợ rối loạn. Lần này anh cũng chỉ đến được An Thới. Trại tù binh đã bỏ trống hoang tàn, nay phải sửa lại để cho dân tị nạn tạm cư. Tối hôm đó, anh ngủ lại trại, đêm âm u và tiếng rừng ảo não không còn huyền hoặc như những ngày trước. Hôm sau, anh lội bộ theo đường mòn ra phi trường An Thới để đón máy bay về Sài Gòn. Lúc đứng trên những vỉ sắt ở phi đạo, anh nhìn ra biển thấy những xà lan chở đầy người tị nạn dưới sức nắng gay gắt vẫn phải neo ngoài xa chờ Hải Quân thanh lọc.

Anh lại nghĩ đến hòn đảo, sau khi anh rời bỏ, đã thành một hòn đảo của ngục tù. Từ trại tù binh lính miền Bắc, trước đó là trại Cửu Sừng giam những du đãng bất trị như trùm Đại Cathay và một bác sĩ miền Trung chống lại chính phủ. Nay lại là chỗ cho những người tị nạn miền Trung chạy Cộng Sản. Sau Tháng Tư 1975 lại là trại cải tạo giam cầm các sĩ quan VNCH. Nhưng với anh, hòn đảo Phú Quốc vẫn như một hoang tưởng huyền thoại.

Bao nhiêu năm qua ở xứ người, anh vẫn còn nhớ có những chiều trên đảo, đứng một mình trên đồi, nhìn biển rộng mênh mông, nhìn mây bay lang thang trên nền trời xanh, nhìn những đám cỏ may theo gió thổi chạy vờn về cuối đảo, anh như thấy mong nhớ một điều gì xa xôi. Mây và cỏ may thường làm gợi nhớ đến dĩ vãng. Anh chợt nghĩ không biết có còn dịp nào để quay lại hòn đảo này nữa hay không, nhưng mây và cỏ may thì dù có đi đến phương trời nào người ta vẫn thấy…

_____________

Con trâu rừng cuối cùng trên đảo Phú Quốc

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tự sửa máy may
Máy may là một vật dụng vô cùng hữu ích, nhưng thường bị bỏ xó trong tủ vì ít sử dụng nhiều hoặc có phần nào của máy bị hư.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: