LTS: Kể từ sau 30 Tháng Tư 1975, lịch sử đột ngột sang trang khác. Những câu chuyện đời thường nhưng là hình ảnh đặc trưng của người Sài Gòn dường như không còn dễ tìm thấy ở mọi nơi, nhưng vẫn chưa mất hẳn. Đã 49 năm rồi, khi nào thì những ký ức đẹp đẽ dưới đây sẽ mãi mãi là kỷ niệm?
1.
Lần đầu tiên lên Sài Gòn là để đi thi đại học. Tôi và một thằng bạn thi chung trường nên đi chung với nhau.
Ngay sau khi thi xong môn đầu tiên, hai đứa kéo nhau ra quán cạnh trường kêu hai dĩa cơm sườn. Cầm cái muỗng, cái nĩa để ăn cơm dĩa mà cứ lọng cọng. Ăn hết dĩa cơm, uống cạn mấy ly trà đá tự múc ở trong cái xô để ở góc quán, mà bụng vẫn trống không.
Ngó quanh ngó quất, thấy bàn nào cũng để một nải chuối, mọi người ăn xong cứ thuận tay bẻ. Thế là hai đứa sáng mắt, chuối này chắc người ta cũng cho không như trà đá. Chỉ một loáng, nguyên nải chuối để trên bàn chỉ còn đống vỏ.
Khi tính tiền, thấy phụ quán cứ đếm đi đếm lại mấy cái vỏ chuối để trên bàn, đâm lo không biết tiền mang theo có đủ trả không. Nhìn hai đứa gom từng đồng bạc để bỏ lên bàn, chủ quán bước lại, nói:
”Thôi, tính hai dĩa cơm thôi. Phần chuối chắc là không biết có tính tiền nên lỡ ăn, chị không tính. Ngày mai ăn có thiếu thì cứ kêu cơm thêm mà ăn, để bụng đói không làm bài được đâu.”
2.
Trong những năm của thập niên 80, có lần tôi thử sức mình với nghề đạp xích lô. Chạy lòng vòng Sài Gòn cả tiếng đồng hồ, ngang qua rạp Quốc Thanh, thấy một đôi nam nữ đi ra, ngoắc lại: “Xích lô!”
Luồn tay kéo thắng ngừng xe lại, tôi hỏi: “Anh chị đi đâu?”
– Cho ra bến xe Miền Tây. Nhiêu?
Mới lên Sài Gòn tập tành chạy xe kiếm sống, biết bến xe Miền Tây đâu mà cho giá. “Dạ, em mới chạy xe chưa rành đường, anh chị chỉ đường em chở. Tới đó cho nhiêu thì cho.”
Anh con trai nói: “15 đồng mọi khi vẫn đi. Cứ chạy đi, tui chỉ đường.”
Sức trẻ, thế mà vẫn không chịu nổi đường xa, đạp xe chở hai người từ rạp Quốc Thanh đến chân cầu Phú Lâm thì đuối. Tôi mới nói: “Em mới chạy xe, đi xa không nổi. Anh chị thông cảm, đi xe khác giùm.”
Ai ngờ anh con trai ngoái đầu lại, nói: “Tui biết ông đuối từ hồi nãy rồi. Thôi leo lên đằng trước ngồi với bà xã tui. Đưa xe đây tui đạp cho. Tui cũng từng đạp xích lô mà!”
Thế là… được khách chở, đã vậy đến nơi, anh con trai còn trả tiền đầy đủ, không thèm bớt cắc nào vì thực ra tôi chỉ mới chở được hơn nửa đường.
3.
Hỏi người Sài Gòn về đường sá thật dễ chịu, già trẻ, lớn bé đều chỉ dẫn tận tình. Có nhiều người còn bỏ cả công việc để dẫn kẻ lạc đường đi đến đúng địa chỉ cần tìm.
Có những địa chỉ nhiều người hỏi quá, thế là người Sài Gòn làm một cái bảng đặt bên lề đường, gắn vào gốc cây. Như cái bảng viết trên nắp thùng mốp trên đường Sư Vạn Hạnh: “Bà con nào đi photo thì qua bưu điện bên đường, mé tay phải, 10m. Hỏi hoài mệt quá!”
Ở Sài Gòn, có nhiều nhà đặt một bình trà đá trước nhà, kèm thêm một cái ly, một cái bảng “nước uống miễn phí.”
Khi bạn đang chạy xe trên đường phố Sài Gòn, nếu có ai đó la lớn nhắc bạn quên gạt cái chân chống, hoặc nhắc bạn nhét cái bóp vào sâu trong túi quần bị lòi ra sắp rớt, đích thị đó là người Sài Gòn!
Bây giờ còn vậy nữa không, nhiều hay ít?
Mà nếu bạn không còn gặp những người như vậy, câu trả lời của tôi là… những người mà bạn gặp đó không phải là người Sài Gòn. Vậy thôi.”
Thay lời kết
Đây là mẩu chuyện ngắn từ một người tù:
“Năm 1978 khi ra tù, tại ga xe lửa đường Lê Lai, một anh xích lô chạy đến hỏi tui :’Về đâu?’. Tui nói thật, ‘Mới ra tù, không còn tiền…’ Anh xích lô huơ tay, nói ngay: ‘Lên đi ông nội, tui chở về. Không có tính tiền đâu.’ Làm sao tui quên được câu nói đó…”
Không bị chết cứng bởi quan điểm chính trị chính em gì ráo, người Sài Gòn sống với nhau quan trọng hơn hết là phải biết “CHƠI ĐẸP!”
Hai chữ “chơi đẹp” nghe gọn lỏn, mà hay vô cùng.
Hình như hai chữ “chơi đẹp” đã biến mất khỏi ngôn ngữ hiện nay rồi thì phải?