Nhớ Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích: một trí thức hiền lương

Kỷ niệm 8 năm, ngày mất Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (1937-2016)
Giao sư Nguyễn Ngọc Bích (ảnh chụp từ video)

Lúc nghe tin anh Nguyễn Ngọc Bích qua đời, tôi biết là Việt Nam vừa chịu một mất mát lớn, nhưng càng nghĩ đến anh tôi càng thấy sự mất mát này lớn hơn.

Tôi gặp anh Bích lần đầu cách đây gần ba mươi năm. Anh Trần Thanh Hiệp gọi điện thoại hỏi có muốn gặp anh Nguyễn Ngọc Bích không anh sẽ dẫn tới. Tôi vui mừng trả lời không chỉ muốn mà còn rất muốn và rất hân hạnh. Tôi đã biết đến anh từ lâu rồi và cũng đã đọc một số sách của anh hoặc do anh xuất bản. Một lúc sau anh Bích đến cùng với anh Trần Thanh Hiệp.

Chúng tôi nói chuyện văn hóa vì tôi biết anh là một nhà nghiên cứu văn hóa lớn. Tôi cũng tránh nói chuyện chính trị dù đó là đề tài trên đầu môi của mọi người tị nạn vào giai đoạn đó. Lý do là vì tôi không muốn đặt anh Bích vào một hoàn cảnh khó xử. Lúc đó anh em chúng tôi đang theo đuổi một đường lối chính trị bị hầu hết các tổ chức chống cộng hải ngoại đả kích, và anh Bích lại là một nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Điều không ngờ là chính anh Bích lại thỉnh thoảng đề cập đến những vấn đề chính trị để bày tỏ một quan điểm rất gần với chúng tôi. Với thời gian tôi ngày càng nhận thấy anh thực sự gần chúng tôi. Cách đây vài năm trong một cuộc hội luận tại Đức anh đã phát biểu rằng chỉ có ba mô hình tương lai cho Việt Nam và mô hình của chúng tôi mà anh gọi là “mô hình Nguyễn Gia Kiểng” là đẹp nhất nếu thực hiện được.

Trở lại với cuộc gặp mặt lần đầu hôm đó. Cả buổi chiều chúng tôi nói chuyện về lịch sử và văn hóa Việt Nam và hầu như đồng ý trên tất cả, chỉ khác một điều là Nguyễn Ngọc Bích biết nhiều hơn hẳn tôi, biết một cách tường thận và thấu đáo trong mọi chi tiết. Tôi hiểu là tôi đang nói chuyện với một cuốn từ điển văn học và lịch sử. Mới đầu là một cuộc trao đổi ý kiến, về sau là một sự giảng giải giữa một giáo sư và một sinh viên. Vấn đề mà chúng tôi trao đổi nhiều nhất hôm đó là tiếng Việt. Cả ba chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Bích, anh Trần Thanh Hiệp và tôi, đều có chung một nhận định là tiếng Việt vừa chưa đầy đủ vừa chưa chính xác để chuyển tải những khái niệm chính trị và triết học, và đó là nguyên nhân chính đưa đến những cuộc tranh cãi gay cấn giữa những người không nói cùng một ngôn ngữ.

Như vậy chúng ta có cần và nên có một viện hàn lâm để qui định chính xác nghĩa của từng từ, tránh mọi hiểu lầm và lành mạnh hóa các cuộc thảo luận không?

Nguyễn Ngọc Bích nói một cách dứt khoát:

“Không nên. Phải để ngôn ngữ hình thành và cải tiến một cách tự nhiên và linh động. Một Viện Hàn Lâm có thể là một bước tiến lúc ban đầu nhưng sau đó lại giam hãm ngôn ngữ trong một khuôn khổ cứng chắc khiến nó dần dần trở thành cằn cỗi.”

Tôi không thể đồng ý hơn với anh. Tôi đang sống tại Pháp, nơi một Viện Hàn Lâm đã góp phần không nhỏ làm cho tiếng Pháp suy thoái dần.

Năm 1990, tôi sang Mỹ thuyết trình ở vài thành phố, trong đó có Washington D.C., ngay sau khi vừa bị hành hung tại Hòa Lan cũng vì đã nói những điều mà tôi sang Mỹ để nói: dân chủ đa nguyên, hòa giải dân tộc, bất bạo động. Trong không khí căng thẳng đó anh Nguyễn Ngọc Bích đã công khai bày tỏ thiện cảm và lái xe chở tôi đi giới thiệu với nhiều người bạn của anh. Con người hiền lành đó cũng sẵn sàng có thái độ thẳng thắn bất chấp dư luận. Từ đó mỗi lần đến Washington D.C. tôi đều cố gắng sắp xếp để được gặp anh. Chúng tôi hầu như không bao giờ đả động đến chuyện chính trị, dành toàn bộ thời gian để thăm hỏi sức khoẻ nhau, hay nói chuyện vui vẻ, đôi khi đề cập đến một vài vấn đề văn học. Anh có câu trả lời cặn kẽ cho tất cả.

Sự kính mến đối với một trí thức lương thiện
Lần cuối, tháng 4/2014. Tôi ăn cơm trưa với anh Bích và một số bạn bè chung trong đó có Đoàn Viết Hoạt, người cũng ở bên cạnh anh vào phút cuối cùng trên chuyến bay tới Manila. Hôm sau trên chuyến bay từ D.C. tới San Francisco tôi tự hỏi tại sao mỗi lần tới D.C. tôi đều tìm gặp anh, mặc dù chúng tôi chẳng có hợp tác gì cả, và khi gặp nhau cũng chẳng có gì để thảo luận ngoài một vài câu thăm hỏi đùa giỡn và nhìn nụ cười hiền hậu của anh. Rồi tôi khám phá ra lý do: đó là sự kính mến đối với một người lương thiện, hiền lành và tốt bụng.

Mới đây một người bạn từ Mỹ sang đem theo cuốn “Trần Đức Thảo, những lời trăng trối” do nhà xuất bản Cành Nam của anh Bích phát hành và nói là của anh Bích tặng tôi. Tôi hỏi:

-Tại sao lại “trăng trối” mà không phải là “trăn trối”?

Anh bạn đáp:

-Mình cũng tưởng là “trăn trối” nhưng ông Bích bảo “trăng trối” mới đúng.

Thế là thôi, chúng tôi không bàn thêm nữa, Nguyễn Ngọc Bích đã nói là phải đúng. Anh là một quyền lực về tiếng Việt. Một quyền lực hiền lành mà chỉ những người thân với anh mới biết đến để tôn trọng. Nguyễn Ngọc Bích có kiến thức vừa rất sâu vừa rất rộng trên tất cả mọi bộ môn khoa học nhân văn, nhưng riêng về tiếng Việt thì có thể quả quyết không ai bằng anh.

Theo những người quen biết anh, cái yếu của Nguyễn Ngọc Bích chính là ở chỗ anh quá hiền lành, hiền đến nỗi không thể từ chối ai bất cứ điều gì. Có người còn nói đùa: “Nếu là đàn bà, không biết ông Bích phải chửa hoang bao nhiêu lần vì không bao giờ ông ấy biết nói KHÔNG với ai”. Quả thực ai nhờ gì anh cũng nhận, nhận để rồi đầu tắt mặt tối bỏ việc của mình mà vác ngà voi.

Nhưng có nhiều, rất nhiều, việc mà anh đã làm xong. Đó là những tác phẩm biên soạn của anh, dù tôi tin chắc là phải có nhiều cuốn sách mà anh đã nghĩ xong nhưng chỉ mới đang viết dở dang hoặc chưa kịp viết vì thiếu thời giờ.

Trong những việc mà anh làm cho người khác và đã làm xong có một công trình rất trọng đại cho đến nay chưa được đánh giá đúng mức. Đó là rà soát, thêm hình ảnh và ấn hành bộ “Nhìn lại sử Việt” của Lê Mạnh Hùng, một công trình vĩ đại đã đòi hỏi gần hai mươi năm sưu tập và biên soạn của một trong những nhà viết sử chuyên nghiệp uyên bác nhất của Việt Nam đồng thời cũng là một trong những trí tuệ ưu việt nhất của thế hệ trưởng thành sau Thế Chiến II, đã sống trong những đảo lộn lịch sử vừa vô lý vừa khốc liệt và vì thế đã bỏ rơi tất cả để tập trung cố gắng tìm hiểu hiểu xem lịch sử Việt Nam thực sự là thế nào. Nguyễn Ngọc Bích đã giúp Lê Mạnh Hùng hoàn tất bộ sử Việt nghiêm túc đầu tiên này. Họ đã giúp dân tộc Việt Nam hồi phục được trí nhớ để từ nay có thể có thể nghĩ về mình một cách đúng đắn.

Nguyễn Ngọc Bích đã chết. Với một người đã chết thì tất cả đều tan biến. Vũ trụ, thế giới, sự sống, đất nước, gia đình, vợ con, anh em, bạn bè, sự nghiệp, những thành công cũng như thất bại. Không gì còn tồn tại đối với người chết, chỉ có người chết còn tồn tại trong cuộc sống và những người còn sống, bằng dấu ấn của những gì đã làm và ký ức trong những người đã biết đến mình. Nguyễn Ngọc Bích đã làm nhiều, rất nhiều, cho đất nước Việt Nam và để lại ký ức của một trí thức lương thiện, hiền và tốt, ba đức tính quí nhất và đẹp nhất nơi một con người. Cảm ơn anh.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: