Giữa thực và ảo: Thực tại núi rừng Khe Sanh và thế giới internet

Minh họa: Unsplash

LAO BẢO, QUẢNG TRỊ: Bạn hãy biết rằng tôi đang ở một thị trấn nhỏ gần biên giới Lào-Việt, gần Khe Sanh. Trong một căn lều giữa một trang trại trà trên núi, bên dòng sông thượng nguồn Thạch Hãn, có đủ tiện nghi hiện đại, tôi ngồi bên máy vi tính để “bước vào” thư viện đại học online. Chọn cuốn mới nhất của triết gia Mỹ nổi tiếng hiện nay, David J. Chalmers, “Reality Plus: Virtual Reality and the Problems of Philosophy” (Thực tại Cộng: Thế giới gần như thực và các vấn đề triết học).

Cuốn sách hiện lên trên màn ảnh vi tính như hình thể thực tế của cuốn sách bên ngoài. Tôi “giở” từng trang và đọc chương đầu. Tôi “gấp” sách lại và nhìn qua cửa sổ. Bên ngoài, cơn nắng vàng cao nguyên Việt Nam chiếu xuống thung lũng xanh rờn bên kia đồi. Tôi thấy chính mình đối diện với hai cõi thực tại: Một thực tại của “virtual reality” (gần như thực) qua kỹ thuật điện tử, đối lại cái thực tại của tổng thể thân xác trong môi trường mà bạn đang hiện diện trong đó. Tôi tự hỏi, thực tại nào là “thực”? Biên giới giữa “thực” và “ảo” nằm ở đâu?

THẾ GIỚI ẢO LÀ GÌ?

Trong thực tại gần như thực của “virtual reality,” thế giới của không gian điện tử, cyberspace, là một tổng thể hiện hữu khác: Một cõi vượt thời gian và không gian mà tất cả chỉ còn là tín hiệu của một trật tự điện toán vượt ra khỏi biên độ thế giới vật thể. Ở đó, bạn có thể đi lướt qua hàng trăm đề mục thư viện với tốc độ của ánh sáng. Bạn chọn lựa tin tức và dữ kiện trên tầm mức hàng ngang – mọi thứ đều được sắp xếp như nhau và chỉ cần một nút bấm là bạn có thể bước vào gần như mọi cửa ngõ tin tức.

Ðây là “hypertext,” nơi mà bản chất liên hệ giữa các đơn vị hiện hữu được đặt trên căn bản “nodal order” – không có tính lịch sử từ những nội dung thực nghiệm. Tất cả đều nằm trên một vĩ tuyến hàng ngang gần như tuyệt đối mà sự di động của tâm ý của kẻ đi tìm (searcher) có thể vượt qua hàng triệu biên giới vô hình trong khoảnh khắc.

Một cõi hiện hữu chỉ là một màn ảnh của những “digital beings”: Hữu thể (being) và hư không (nothingness) biến dạng và tương giao qua dạng thức 1-0 để tạo nên một thế giới đầy “thực tế” cho kẻ đối diện – nếu hắn muốn đi tìm. Kẻ vượt sóng internet, online surfer, không còn là của thân xác vượt non sông nữa – mà là của chủ ý vận hành qua “cursor” và con chuột (mouse) di động trong một khoảng mặt bằng không quá vài phân tây.

Minh họa: Unsplash

Trong không gian điện toán của internet và liên mạng toàn cầu, sinh hiện là của tín hiệu – một dòng sống của ý thức và thân xác được cấu thành từ một gốc rễ bản thể hoàn toàn là trừu tượng và vượt qua thực nghiệm. Paul Tipler, trong tác phẩm về vật lý học nổi tiếng, “The Physics of Immortality” (Vật lý học về tính Bất tử; 1994), đã định nghĩa sự sống (life) bằng khái niệm “sinh thể” (living being) rằng,

“Một sinh thể là bất cứ đơn thể nào vốn ấn ký tín hiệu, để từ đó ấn ký tín hiệu này được tồn giữ bởi sự đãi lọc tự nhiên. Do đó, ‘đời sống’ là một thể thức vận hành tín hiệu, và đầu óc nhân loại – và linh hồn con người – là một chương liệu điện toán rất phức tạp.” (A “living being” is any entity which codes information with the information coded being preserved by natural selection. Thus “life” is a form of information processing, and the human mind – and the human soul – is a very complex computer program).

Từ đó, theo Tipler thì con người có thể trở nên bất tử và sẽ sống lại ở một điểm tối hậu – the Omega Point. Đây là điểm khi mà tất cả những sinh nghiệm thể xác và linh hồn của cá nhân qua tất cả các kiếp sống luân hồi đều được dữ kiện hóa trên cơ sở dữ kiện và được giả động (simulated) lại ở thời điểm cuối cùng này. Mỗi chúng ta sẽ sống vĩnh cửu trên cõi sinh động này bằng chương trình điện toán. Ðời sống, vì thế, là hoàn toàn mang bản chất kỹ thuật điện tử. Cảm nhận và kinh nghiệm vui sướng, đau khổ đều có thể “simulated” theo ý muốn bằng dữ kiện trên căn bản “digital beings.” Và “linh hồn” chỉ là một thảo chương điện toán (computer program) hoàn toàn được tự do và thuần chủ quan.

BI KỊCH THỜI ĐẠI

Vì vậy, lịch sử chỉ là thuần biểu tượng. Nói như Nietzsche thì lịch sử chỉ là một tiến trình sinh nở, tiếp nối những lỗi lầm của khái niệm và tín hiệu. Chủ nghĩa tiến hóa của Darwin, “tồn hữu của kẻ thích ứng” (survival of the fittest), nay không còn áp dụng ở bình diện sinh vật, mà là của thế giới điện toán vì bản chất tiến hóa và đáp ứng quá nhanh và quá thực.

Tất cả những gì đang bận tâm các chuyên gia kỹ thuật ở vùng Thung lũng Ðiện tử ở California đều mới chỉ được phát minh trong vòng hai năm qua – và sẽ hoàn toàn biến mất trong vòng hai năm tới. Ðời sống chỉ còn là những nỗ lực hoàn chỉnh hệ thống trật tự dữ kiện hàng ngang. Con người bị tràn ngập với dữ kiện để tất cả không còn cái gì là quan trọng và không quan trọng.

Tất cả chỉ là con số. Cái “thực” và “không thực” sinh hiện theo chừng phút chốc của tâm ý bất định của kẻ ngồi trước màn ảnh vi tính. Như trong những chúng ta cầm cái “remote control” liên tục bấm cả trăm băng tầng truyền hình nhưng không có gì đáng để coi mà dừng lại. Ðây là thảm kịch của sự dư thừa. Chúng ta không còn suy nghĩ, không còn thao thức với sách vở như người xưa. Chúng ta có quá nhiều nhưng không có gì cả.

Trong thế giới của internet, đời sống không còn thuộc về bình diện sinh nghiệm dục thức (sensual immediacy). Chúng ta rơi vào cõi thực tại mới mà tất cả những kinh nghiệm bản thân và tri thức chỉ là những hệ quả của một trật tự logic. Như W. V. Quine, một triết gia lừng danh của Mỹ, quan niệm rằng con người thực tại, cá thể như tôi và anh, không có một thực tính (reality) cao hơn hay khác chi; mỗi cá thể chỉ là một giá trị của từng biến số (to be the value of a variable).

Hay nói theo Michael Heim, trong “Siêu Hình Học về Cõi Gần Như Thực” (The Metaphysics of Virtual Reality; 1993) thì trong thế giới “gần như thực” cá nhân sinh động trên cõi thuần thể thức và tách biệt trừu tượng (pure formality and abstract detachment). Heim trích dẫn triết gia Nhật Kitaro Nishida về “Logic của tính Không” rằng, sự Hữu thì toàn phương và vô thể (Being is omnidirectional and formless). Cá nhân trở nên hư không và tất cả: Hắn chỉ là một đơn vị tín hiệu kết hợp qua tâm ý từ các phạm trù khái niệm. Thế là lịch sử trở nên một cuộc đời của Khái niệm (Concept) muốn phô diễn để đi tìm chính mình – như là G. F. Hegel đã viết hai trăm năm trước.

Minh họa: Unsplash

NHƯNG THỰC TẠI KHỔ ĐAU KHÔNG THỂ TRÁNH ĐƯỢC

Và để rồi kẻ đi tìm đánh mất chính mình trong không gian gần như thực?

Không. Thân xác của tôi ở trong căn lều bé nhỏ giữa rừng núi biên cương trung phần Việt Nam, vẫn ngồi bên cửa sổ căn nhà tranh. Tôi bỗng nghe giữa núi đồi hoang dã có tiếng rao bán bánh mì báo hiệu màn đêm đang đến. Tôi bước ra đường nhỏ, thấy một em bé bảy tám tuối xanh xao vác bao bánh mì nặng trĩu trên vai rao kêu trong sương lạnh núi đồi. Tiếng rao “bánh mì nóng đây!” làm tôi chợt tỉnh thức. Tôi hình dung đứa bé là con hay cháu gái của mình.

Và tôi phải đối diện với một thực tính cuộc đời – một cõi sống bi đát vì trình độ sinh nghiệm chúng sanh vẫn còn ở nấc thang mà nghiệp thức tổng thể chưa được nâng lên đến cõi khái niệm. Cái đau khổ của con người Việt Nam là bản chất bi thảm nơi một cộng đồng nhân loại vẫn còn chưa đến nơi chốn mà cái ý và lý cao hơn cái thân và cái tình.

Tôi gọi em bé đến để mua một ổ mì nóng. Cầm ổ bánh mì ấm trên tay, tôi cảm thức với cuộc đời, với gian lao của sự sống mà đôi mắt em bé trước mặt đánh thức tận đáy sâu tâm hồn.

Tôi tự nhủ, ta chỉ có muốn ngồi ẩn trong túp lều tranh giữa rừng xanh để nghiền ngẫm cổ thư, để giao tác với cộng đồng thế giới ảo, cho chặng cuối đời người, để tìm ra được ý nghĩa của sự Hữu (Being) chỉ để khích động cơn say chữ nghĩa, tin tức hay là tính dục – hơn là ta phải sống bên ngoài màn ảnh vi tính như là một con người chung đụng và chia sẻ với tất cả những gì chung quanh, ở đây, ở xứ Lao Bảo, Khe Sanh, Việt Nam. Lối sống nào cho tôi chọn lựa?

Thế giới ngày nay đang bị chia ra thành hai cõi: Cõi của không gian điện toán, cyberspace, nơi mà thực tính chỉ là “gần như thực” mà giá trị sinh hiện chỉ là một hệ thống tín hiệu của digital logic; cõi còn lại là của phần lớn những con người thực hữu đầy khổ đau.

Họ là em bé bán bánh mì buổi sáng, bà mẹ bảy mươi tuổi vẫn còn lặn lội giữa nương tranh núi rừng đào tìm khoai sắn, hay của anh phu xe đói khát, vật vã với cuộc sống cay nghiệt trên phố thị, của cô sinh viên bán thân tủi nhục ở bên đường biên giới – của tất cả chúng ta, đang sinh hữu trong một cảm nhận về giá trị thuần dấu trừ, của cái mất nhiều hơn cái hy vọng.

Chúng ta bước vào không gian điện toán nhưng chúng ta không quên cái Ta thực tại dính liền với khổ đau của con người Việt Nam hiện nay.

A VISIO DEI?

Bạn có cảm được với tôi, đôi khi rằng, như có một Thần đế đứng trên cao nhìn xuống cuộc đời và thấy con người chỉ thuần là dữ kiện – a set of statistical variables? Kiến thức qua thị giác trong không gian internet, mượn từ của G. W. Leibnitz, có trở nên một ảo giác visio dei – một thứ “tri thức toàn năng”: an omniscient cognition of the deity?

Liệu rằng cái ảo vọng tri thức toàn năng đó – qua mỗi chúng ta – có còn cảm nhận được nỗi khổ đau của em bé nghèo khổ Việt Nam ngoài kia?

__________

(Tác giả gửi SGN)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: