Sư Minh Tuệ có lẽ là một hiện tượng vô tiền khoáng hậu. Hoặc nếu có ở tương lai chắc cũng phải vài trăm năm nữa. Để xác định đúng bản chất của hiện tượng này, cần phải nhìn nhận nó ở nhiều góc độ khác nhau, khi đó mới có thể đánh giá được một cách đầy đủ.
Trước hết, với tư cách là một tu sĩ, sự nổi bật và sức ảnh hưởng của ông đối với tăng ni, chùa chiền thì phải được xem là một hiện tượng tôn giáo.
Và khi sự ảnh hưởng đó lan tỏa một cách mạnh mẽ đến nhiều hoạt động đời sống, tác động sâu sắc vào mọi giai tầng xã hội thì nó hẳn nhiên là hiện tượng xã hội.
Xác định như vậy sẽ lý giải được các ứng xử trực tiếp dành cho ông thuộc về ai, đồng thời cũng hình dung được kết quả sẽ xảy ra như thế nào.
Ứng xử đầu tiên và chính thống là công văn của Giáo hội khi phủ nhận tư cách “tu sĩ Phật giáo” của ông (*). Xin nhắc lại rằng tư cách “tu sĩ Phật giáo” chứ không phải tư cách “tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam”. Chính điểm này là quan trọng. Không biết do vô tình hay hữu ý mà trên bề mặt câu chữ, giấy trắng mực đen thì rõ là như vậy.
Có thể nói, qua việc làm này Giáo hội đã đi ngược chiều với đại chúng; vì ai cũng hiểu rẳng “tu sĩ” là người tu, mà tu theo Phật, tất nhiên phải là “tu sĩ Phật giáo”, chứ chả nhẽ gọi ông là “tu sĩ Công giáo,” hay “tu sĩ Lão giáo”… Khi mà họ vẫn chưa nhận ra cái sai tưởng chừng như rất nhỏ này thì Wikipedia đã ghi danh ông Minh Tuệ là “tu sĩ Phật giáo.” Đến đây như một dấu chấm hết cho việc có thừa nhận hay không thừa nhận, vì nó đã trở nên vô nghĩa.
Sự việc giá như cứ để thời gian chữa lành là xong, có phải êm thấm thuận lòng hơn không? Nhưng họ chưa chịu tiết chế tâm sân, một lần nữa, quyết phải bơi ngược dòng. Khi ông Minh Tuệ không thuộc giáo hội thì đương nhiên họ không có đủ thẩm quyền gì để trói buộc ông. Thế là thương cho sư Minh Đạo – một tỳ kheo đức độ, giàu lòng nhân ái, ngay lập tức phải sám hối, chỉ vì bày tỏ sự kính trọng và lo lắng cho sư Minh Tuệ. Chính tại thời điểm này sư Minh Đạo bỗng trở thành một bậc chân tu khả kính trong mắt của muôn dân. Và ông được tự do, cởi trói tất cả để tìm về bến giác.
Như vậy, chẳng lẽ họ không lắng nghe tiếng lòng của trăm dân, hay họ không hiểu được tâm tư của từng Phật tử ! Tôi tự hỏi vì sao họ cứ nhất quyết bơi ngược dòng để rồi sai lầm cứ nối tiếp sai lầm?
Thật không hiểu nổi !
Đến khi hiện tượng Minh Tuệ đã vượt tầm với của họ, họ mất quyền kiểm soát, ông trở thành một hiện tượng xã hội. Thực ra, ngay từ đầu ông đã không thuộc về họ. Sự liên quan, dính dáng cũng chỉ ở chỗ theo Phật mà thôi. Lúc này, mọi ánh mắt luôn dõi theo ông, nhất cử nhất động, từng bước chân ông đi, từng nơi ông đang đến, tất cả đều được mô tả tường tận, trực tiếp.
Thế rồi, đột nhiên, một buổi sớm, mọi người hụt hẫng, buồn đau khi không còn thấy ông xuất hiện nữa, thay vào đó chỉ là vài tấm hình và một số thông báo trên báo chí chính thống. Nhìn thấy vậy, họ cũng tạm tin, trút được gánh nặng chở đợi, lo lắng. Nhưng, ngày lại ngày, bặt vô âm tín, ngoại trừ cái lý do “tự nguyện ẩn tu.”
Phải rồi, đã “ẩn tu” thì sao mà “hiện” được, đã “tự nguyện” (tự ông mong muốn) thì ai có quyền để lên tiếng nữa chứ.
Cách ứng xử này là thông minh, kín kẽ. Tuy nhiên, họ quên rằng dù sư Minh Tuệ có muốn hay không muốn như thế nào, thì ông lúc này đã là một phần trong tâm thức của mọi người. Vậy nên, nhân dân sẽ chỉ thôi đòi hỏi khi họ có được những thông tin đầy đủ về ông mà phải được thực chứng.
Thiết nghĩ, việc này có gì khó đâu, mà sao cứ để nhân dân chờ đợi như vậy?
Hy vọng, lấy kinh nghiệm từ hai lần ngược dòng của Giáo hội, lần thứ ba này cơ quan hữu trách sẽ lựa chọn một cách ứng xử thật tinh tế, khéo léo, thuận lòng trăm dân.
(Tựa gốc: Đã hai lần ứng xử chưa hay…)