Kẻ khiêu vũ với số phận ngập ngừng
Một lần, thêm lần nữa, trong bóng đêm cản dừng sa đọa,
Với Trái đất này – lấp lánh.
Vậy nhưng mỗi lần đến hạn
Chàng vẫn tưng bừng bước vào cửa lớn.
(Rainer M. Rilke, Bài ca cho Orpheus)
___________
Có thuở nọ bên bờ đại dương Cửa Việt, xứ Quảng Trị, có một chàng nhà quê tên Hai Lúa sống với bà vợ Mộng Ruộng trong một túp lều tranh vách bùn tồi tàn bên bờ biển. Hằng ngày Hai Lúa vác cần câu ra bờ sông câu cá bán cho chợ gần bên độ nhật qua ngày.
Một hôm, chàng cảm thấy dây câu của mình bị kéo sâu xuống biển thật mạnh. Chàng vật lộn để kéo dây câu lên. Cuối cùng, ở nơi móc câu là một con cá lớn vùng vẫy. Con cá tự nhiên nói tiếng người, “Ông ơi, hãy để tôi sống, thả tôi ra. Tôi không phải là cá thật; tôi là một hoàng tử phù thủy. Hãy bỏ tôi xuống nước và tha cho tôi.” Hai Lúa nói, “Ôi, mày đừng có lo. Tao không muốn dính dáng đến một con cá biết nói đâu; vậy hãy bơi đi đâu thì đi.” Xong chàng thả con cá xuống nước, và con cá vẫy đuôi một cái và lặn sâu xuống biển, sau lưng còn lại một vết máu loang.
Khi mụ vợ nổi lòng tham
Khi Hai Lúa về đến nhà, kể lại cho vợ Mộng Ruộng nghe chuyện bắt được con cá biết nói, tự khai là nó là một chàng hoàng tử phù thủy, và chàng đã thả nó lại xuống biển. Bà hỏi chồng là có yêu cầu điều gì không? Chàng thành thật trả lời là không. Bà vợ mắng lên rằng, “Vợ chồng sống trong cái túp lều bùn đất này mà không biết yêu cầu cho được ít nhất là một căn nhà nhỏ sao?” Nàng quát tháo, “Đi! Đi ra bờ biển mà nói với con cá để xin nó một căn nhà nhỏ.”
Hai Lúa không tin, nhưng cực chẳng đã, tánh chàng nhu nhược sợ hãi và nghe lời vợ từ lâu thành thói quen, vác thân ra đứng bên bờ biển, nơi chàng câu được con cá biết nói, nhìn xuống biển nước xanh ngời ánh vàng. Chàng ta than thở:
“Hỡi con người của biển xanh. Hãy lắng nghe ta đây. Nàng Mộng Ruộng ôi chao – cái cục nợ của ta kiếp này. Mụ bắt ta ra đây để xin ngươi chút việc.”
Bỗng từ dưới nước, con cá phù thủy bơi lên mặt nước, và hỏi, “Thế thì nàng ta muốn gì?” Hai Lúa vui mừng, không tin tai mắt của mình, nhưng cũng trả lời, “A ha! Vợ ta bắt phải yêu cầu ngươi một điều: Hãy cho chúng tôi một căn nhà nhỏ để sống.”
Con cá trả lời, “Hãy về đi, nàng ta đang ở trong căn nhà nhỏ rồi đó.” Hai Lúa về đến nhà thì thấy Mộng Ruộng đang đứng trước căn nhà nhỏ bé xinh xắn. Bà ta kêu lên, “Vào đây hỡi ba mày ơi. Coi nhà của ta có đẹp không.” Hai Lúa thấy cây cỏ, hoa trái xinh tươi, và đằng sau vườn có cả bầy gà, một hồ nhỏ đầy cá và cả một bầy vịt. Hai Lúa mừng rỡ, “Ha, ha, từ nay, vợ chồng ta chắc là sẽ hạnh phúc hơn nhiều.” Nàng Mộng Ruộng cũng đồng ý, “Vợ chồng ta sẽ cố gắng.”
Mọi chuyện đều yên ổn trong vòng một hai tuần. Mộng Ruộng một hôm quay sang bảo chồng, “Này ba mày, nhà mình hơi bị hẹp đấy. Phòng không đủ lớn, vườn thì nhỏ quá, gà vịt cần nhiều đất đai hơn. Hãy đi gặp con cá phù thủy để xin một cái lâu đài ngay đi.” Hai Lúa la lên, “Trời ơi, cái mụ ni! Ta không mần rứa mô. Kỳ cục! Được voi nay lại đòi tiên. Con cá mà nghe thêm nữa thì nó sẽ giận lắm.”
Nhưng khi lòng tham nhà quê trỗi lên, Mộng Ruộng cương quyết, “Tào lao. Đi ngay, xuống biển mà xin nó đi. Cứ thử mà coi, có mất chi mô!” Hai Lúa mặt xìu tin nghỉn đi ra bờ biển mà than:
“Hỡi con người của biển xanh. Hãy lắng nghe ta đây. Nàng Mộng Ruộng ôi chao – cái cục nợ của ta kiếp này. Mụ bắt ta ra đây để nhờ ngươi chút việc.”
Con cá lại trỗi đầu lên mặt nước, “Răng đây, mụ ta muốn cái chi bây chừ?” Chàng ta vui mừng, “À ha! Mụ ta bây giờ muốn sống trong một lâu đài thật lớn.” “Ông về đi. Mụ ta đang sống trong lâu đài đó.” Hai Lúa bán tín bán nghi về đến nhà thì quả nhiên thấy vợ mình đang đứng truớc một lâu đài bằng đá lớn, có kẻ hầu người hạ. Bên trong bàn ghế, tủ giường sang trọng. Vườn tược ngay nắp, thẳng nếp, với tượng đá, hồ bơi, cây cảnh huy hoàng. Hai Lúa vui mừng bảo vợ, “Thôi nhé. Như ri thì còn muốn chi nữa. Từ nay, chúng ta sẽ rất là mãn nguyện.” Mộng Ruộng trả lời, “Ừ chắc là rứa thôi. Nhưng mà sáng mai sẽ biết.”
Mộng Ruộng muốn mần hoàng đế
Sáng sớm khi Hai Lúa còn đang say giấc, Mộng Ruộng lắc vai chồng, “Dậy đi. Ngủ chi mà say dữ rứa. Hãy lên tinh thần đi. Chúng ta phải làm vua thiên hạ mới được.” Hai Lúa giật nẩy người tỉnh giấc, “Trời Phật ơi! Răng mà lạ lùng ri? Làm vua thiên hạ. Chuyện tiếu lâm, hoang tưởng! Tui không muốn làm vua ai cả mụ ơi!” Nhưng Mộng Ruộng cương cổ, “Thế thì tui mần vua vậy. Dậy đi ra biển ngay, hỏi con cá để mà tui làm vua.”
Hai Lúa đã bị vợ ức chế bắt làm hết mọi chuyện lâu ngày thành quen nếp; vợ nói là như sấm bảo thôi, dù là vô lý gì đi đi nữa. Chàng đi ra biển và than:
“Hỡi con người của biển xanh. Hãy lắng nghe ta đây. Nàng Mộng Ruộng ôi chao – cái cục nợ của ta kiếp này. Mụ bắt ta ra đây để nhờ ngươi chút việc.”
Con cá, như mấy lần trước, lò đầu lên hỏi, “Răng đây! Mụ ta muốn thêm chi nữa hí?” “Ôi chao ngươi ơi, cái mụ vợ tao mới tác quái. Nó muốn làm vua thiên hạ, mi xem có buồn cười không?” Con cá thở dài nhưng nói, “Không sao. Mụ ta nay là vua rồi đó. Về đi thì ngươi sẽ thấy.”
Hai Lúa về đến nhà – và thấy vợ mình ngồi trên ngai vàng, trong cung điện huy hoàng, quân thần, lính tráng canh gác, hầu cận, lễ nghi nghiêm cẩn. Mộng Ruộng vui đón Hai Lúa theo nghi lễ quân triều, cờ xí, kèn lộng cao sang. “Thôi mụ ơi, thế này thì còn mơ cái chi nữa hỉ?”
Nhưng không tin ở lỗ tai mình, Hai Lúa nghe nàng ta cười bảo, “Tại sao chỉ làm vua thôi. Ta muốn làm Giáo Hoàng La Mã kia.” Hai Lúa giật nẩy mình, “Nữa! Cái này là hết sức tưởng tượng rồi. Mạ mi nói chuyện chơi. Thế gian này chỉ có một giáo hoàng thôi. Đừng đùa giỡn chuyện linh thiêng cõi trên.” “Đi ngay, ra đòi con cá cho ta làm giáo hoàng,” Mộng Ruộng ra lệnh nghiêm khắc.
Hai Lúa nay càng sợ vợ hơn khi miệng lưỡi của Mộng Ruộng là của một nữ hoàng uy quyền, cái đầu chàng không biết có ngày còn nằm ở trên cổ không nữa chứ. Ngất ngưỡng và sợ sệt ra đến bờ biển, hôm nay Hai Lúa thấy biển không còn như những hôm trước, sóng to gió lớn, bất thường. Chàng quỳ xuống cát trong tiếng sóng ào ạt, gió lớn quần quật:
“Hỡi con người của biển xanh. Hãy lắng nghe ta đây. Nàng Mộng Ruộng ôi chao – cái cục nợ của ta kiếp này. Mụ bắt ta ra đây để nhờ ngươi chút việc.”
“Nữa! Mụ ta muốn chi thêm bây chừ?” Hai Lúa trả lời thẳng thừng, “Giáo Hoàng La Mã.” “Xong! Về đi. Mụ ta nay là đức Giáo Hoàng của cõi trần gian này.” Hai Lúa về đến nhà thì y chang như rứa. Nàng uy nghi, thánh thiện đứng trước sân đình của điện Peter giữa trung tâm của Roma, trăm ngàn con chiên quỳ phục, nàng cầm thánh giá, làm phép ban ơn, đọc kinh bằng tiếng Latin. Hai Lúa cũng quỳ xuống lạy, không biết là có còn nghĩ rằng giáo hoàng uy nghi kia là vợ mình Mộng Ruộng ngày hôm qua.
Phải là Chúa Trời tê!
Nhưng nàng đến gần Hai Lúa và thầm thì, “Ta ban phép lành cho ngươi. Ôi Yê Su Ma mầu nhiệm. Nhưng ba mày phải đi ngay ra biển để xin cho ta làm Chúa Trời, chúa tể muôn loài, cha lành của mọi kiếp, sáng thế của vũ trụ vô cùng. Đi, đi ngay.” Hai Lúa lại ra bờ biển.
Đến bên bờ, cả đại dương chấn động, núi vỡ, nước dâng, mặt trời trở nên đỏ tím, giông bão trỗi dậy, rung chuyển bốn phương trời. Hai Lúa sợ hãi vô cùng. Nhưng chàng sợ vợ còn hơn sợ trời đất và cả số phận con người.
“Hỡi con người của biển xanh. Hãy lắng nghe ta đây. Nàng Mộng Ruộng ôi chao – cái cục nợ của ta kiếp này. Mụ bắt ta ra đây để nhờ ngươi chút việc.”
Con cá phù thủy lại hỏi, “Sao? Cấy chi bữa ni?” Hai Lúa run rẩy, “Mụ ta muốn trở thành Chúa Trời.” Con cá lặn ngay sau khi nói, “Về lại cái ổ chuột dưới ruộng bùn của ngươi đi.” Và trong ổ chuột, Hai Lúa sống với vợ Mộng Ruộng cho đến ngày hôm nay.
_______
(Diễn dịch từ Jacob Needleman, Tiền bạc và ý nghĩa cuộc đời, 1983).