Kiều bào nào vậy?!

Ông Nguyễn Phương Hùng, một người Việt sống ở lòng cộng đồng người Việt tự do ở Mỹ, về Việt Nam, được ông Bình Minh (lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao) bắt tay như một Việt kiều “đặc biệt” (Ảnh: BVCVG)

Tin được đưa ra hồi ngày 21 Tháng Tám năm 2024 từ trang “Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài” phỏng vấn Thứ trưởng bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng [1] với câu hỏi: Sau 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, còn đặt ra những yêu cầu và thách thức gì cho công tác này trong tình hình mới, thưa Thứ trưởng?” Bà Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trả lời, trong đó có đoạn: “… công tác vận động NVNONN mặc dù đã có bước đột phá, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Một bộ phận nhỏ kiều bào chưa thực sự mở lòng, xóa bỏ định kiến”.

Câu trả lời của bà Hằng đã được mang ra bàn luận tiếp tục, bởi “cái định kiến” như bà ta nói, vốn chưa hề mất đi, dù chiến cuộc đã tàn ngót nghét gần nửa thế kỷ, tính từ 30 Tháng Tư năm 1975.

Tình cảm – dù thương yêu hay khinh ghét – nó là một quá trình. Không thể có loại tình cảm “quay ngoắc” trong một sớm một chiều. Không thể có hôm nay thương yêu, vài ba năm sau khinh ghét và ngược lại. Dù tình yêu gia đình hay quê hương cũng vẫn tuân theo quy luật tự nhiên như vậy.

Một bộ phận nhỏ kiều bào à? Kiều bào là gì? Đó là những người ở ngoài quê hương vẫn tha thiết với quê mẹ, sau quãng thời gian ly hương vì hoàn cảnh, họ nỗ lực vươn lên, bằng những thành đạt có thật cùng cuộc sống hạnh phúc, giờ đây họ muốn làm cầu nối với nơi “chôn nhao cắt rún”, để mang tri thức – vốn liếng về giúp cho quê mẹ, thoát khỏi nghèo đói và lạc hậu. Bà Lê Thị Thu Hằng đang nói về những “kiều bào” nào vậy (?).

Nói đến “kiều bào” không thể không nhắc về Sài Gòn – Đô thành hoa lệ – đã phôi pha từ ngày Việt Nam Cộng Hòa sập đổ. Thành phố Hồ Chí Minh sau khi chiếm ngự, nó đã được phép lui xuống hạng nhì, khi tính trên danh chánh ngôn thuận của một nhà nước, với thủ đô Hà Nội. Đó là điều dĩ nhiên và tất yếu. Không có gì bàn cãi.

Nói về Sài Gòn lại càng không thể không nhắc lại những kỷ niệm đau thương khó vùi chôn theo năm tháng – Thuyền Nhân. Thuở đó, người dân Sài Gòn để lại một “tục ngữ sống” – Một là con nuôi má, hai là má nuôi con, ba là con nuôi cá. Câu này hàm ý: Một là con vượt biên thành công, con cố gắng làm lụng để gởi tiền về cho má và gia đình trong cơn bĩ cực. Hai là con bị bắt và ở tù, má ráng nuôi con. Ba là con chết mất xác trên biển và làm mồi cho cá. Câu “tục ngữ sống” như lời thề: Một đi không trở lại! Lớp trẻ bây giờ mấy ai hiểu và cám cảnh cho những phận người vong quốc!

Trôi theo dòng đời… những Thuyền Nhân năm xưa, họ đâu có “dính dáng” gì với thành phố Hồ Chí Minh? Họ càng xa lạ với Hà Nội! Họ cũng không còn là người Việt Nam từ lâu. Thế cho nên, mới có khái niệm người Mỹ (Úc – Canada – Pháp v.v…) gốc Việt.

Lịch sử Việt Nam vốn phức tạp. Càng phức tạp hơn với sự hình thành khái niệm “Bên Thắng Cuộc”. Ngày 29/4/2020, trả lời phỏng vấn nhân kỷ niệm 45 năm ngày 30 tháng Tư năm 1975 từ báo Quân Đội Nhân Dân, Cố cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vinh cho biết [2]: “Cứ vào dịp 30-4 hằng năm, giống như mọi người dân Việt Nam, tôi đều nghĩ đến chiến thắng và trào dâng niềm tự hào dân tộc. Tôi tin chắc rằng hàng trăm năm sau nữa, người dân Việt Nam vẫn luôn có cảm nhận chung như vậy”. Làm sao có thể hiểu cho nổi, “kiều bào” nào phải tháo chạy mọi cách và bỏ mạng mọi kiểu, kể từ loại “chiến thắng và trào dâng niềm tự hào dân tộc” như ông Vịnh nói? Có nhà nước nào trên thế giới đối xử với “kiều bào” như vậy không (?). Có quốc gia nào, cả nửa thế kỷ vẫn giương giương tự đắc; vẫn hân hoan thích thú giành phần thắng lợi với “kiều bào” của họ (?)

Một nhà nước chính danh mang tên Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được Liên Hợp Quốc công nhận; có quan hệ ngoại giao với hàng trăm quốc gia khác; có chánh sách “làm bạn với thế giới” cho tới nay vẫn còn phải kêu rên: “Một bộ phận nhỏ kiều bào chưa thực sự mở lòng, xóa bỏ định kiến” nghe thật tội nghiệp, không khác một nạn nhơn bị bạo hành tinh thần (!).

Gần nửa thế kỷ, “kiều bào xưa” đã cũ. Thế giới dường như cũng xếp bi kịch đó vào trong những bài giảng, những cuốn sách tại… nước ngoài. Người Việt Nam (mà phải gọi thêm) Xã Hội Chủ Nghĩa vẫn đang lũ lượt kéo nhau vượt biên bằng mọi cách và thiên hạ mỉa mai với khái niệm “Thùng Nhân” ngày nay. Mới nhứt, trang fanpage của đài BBC vào ngày 22 tháng Tám năm 2024 cho hay [3]:

“HONG KONG TRẢ LẠI VIỆT NAM 22 NGƯỜI NHẬP CƯ BẤT HỢP PHÁP. Sở Di trú Hong Kong đã hồi hương 22 người Việt Nam nhập cảnh bất hợp pháp hôm 21/8. Những người bị trục xuất gồm 13 nữ và chín nam, Sở Di trú Hong Kong cho biết trong thông cáo báo chí phát ra cùng ngày. Tất cả những người này đều nộp đơn xin áp dụng điều khoản “không đẩy trả lại” (non-refoulement), nhưng bị từ chối vì không đủ căn cứ. Trong nhóm 22 người còn có những người đã mãn hạn tù, từng phạm tội hình sự và bị kết án, theo chính quyền Hong Kong. Những năm gần đây, Hong Kong nhiều lần trục xuất người Việt Nam nhập cảnh bất hợp pháp. Tháng 1/2021, Hong Kong gửi 40 người nhập cảnh bất hợp pháp về Việt Nam. Trước đó, vào năm 2018, chính quyền Hong Kong từng trục xuất lần lượt 68 người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp vào tháng 1 và 83 người vào tháng 12”.

Tin trên chỉ là một tin mang tính điển hình, trong vô vàn những bản tin từ các trang báo nước ngoài, về thảm nạn người Việt Nam vẫn tiếp tục vượt biên vô Mỹ – Anh – Pháp v.v… Điều đáng lấy làm lạ và chính bà Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nên suy ngẫm rồi báo cáo cho Thủ tướng về hai điểm:

1. Các “kiều bào” này hầu hết đều được sanh trưởng và nhận sự giáo dục từ cái nôi Xã Hội Chủ Nghĩa.
2. Các “kiều bào” chắc chắn không có tri thức và càng không có vốn liếng để về giúp xứ xở thiên đàng.
Do đó, bà Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đừng lo lắng về “kiều bào xưa” mà nên sốt vó về “kiều bào nay”. Bởi khi họ bị trục xuất về, sẽ gây thêm gánh nặng kinh tế và nguy nan về an ninh trật tự an toàn xã hội.

[1] https://scov.gov.vn/cong-tac-ve-nvnonn/tin-tuc/phat-huy-nguon-luc-tiem-n…
[2] https://www.qdnd.vn/45-mua-xuan-toan-thang/chien-thang-de-co-hoa-binh-61…
[3] https://www.facebook.com/BBCnewsVietnamese/posts/pfbid028DgnYLEwrqNVtZ1g…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: