Ước mơ và mộng tưởng là những điều không thật, nhưng sống với nó người ta có thể tạm quên đi những bất hạnh, những nghịch cảnh, những đau buồn, những lo âu,… đang cưu mang trong đời.
Tiến, con trai trưởng của cô Lan, một phi công trong QLVNCH. Là một chàng trai trẻ đầy sức sống và nhiệt huyết, quyết một lòng bảo vệ non sông, nhưng số phần của Tiến thật ngắn ngủi. Trong một trận chiến vào mùa hè đỏ lửa 1972, chiếc máy bay oanh tạc A37 đã bị rớt gần vĩ tuyến 17, bên giòng sông Bến Hải đau thương, dòng sông chia đôi nước Việt.
Xác chiếc máy bay còn nằm đó nhưng người phi công thì không thấy đâu. Sau một thời gian tìm kiếm, truy lùng tông tích và dấu vết; cả phi đội và những người lính biên phòng cũng đành ngưng vì vô vọng. Họ cho rằng Tiến đã hy sinh đền nợ nước, xác bị trôi dạt trên sông Bến Hải, hay vùi lấp đâu đó trên mảnh đất quê hương miền Nam, nơi Tiến sinh ra và lớn lên. Không tìm thấy xác đứa con yêu, cô Lan sống những ngày tháng tràn đầy hy vọng.
Thời gian lúc Tiến mới mất tích, cô Lan luôn hy vọng con của cô vẫn còn sống và bị Việt cộng bắt làm tù binh nhốt ở miền Bắc. Cô nghĩ đến đứa con bị tù tội, bị đánh đập tra tấn thảm thương mà đêm đêm cô thường tỉnh giấc, hốt hoảng kêu la rồi lo buồn, khóc lóc. Cô siêng đi chùa và cúng bái cầu xin ơn trên ban phước lành cho con trai được sống sót, bình an trở về. Có người khuyên cô nên đi gọi hồn nếu con trai đã chết thật rồi. Cô Lan đi hầu đồng bóng, nhưng năm lần bảy lượt, đồng cô, đồng cậu, đồng ông, đồng bà đều không lên được vì không có “hồn” để gọi về. Cô Lan càng vui mừng vì tin rằng Tiến còn sống, hy vọng cứ vươn lên theo năm tháng.
Ngày 30 Tháng Tư 1975 là ngày đầy tang tóc đau thương khi Nam Bắc một nhà, thay vì vui mừng thì nỗi buồn, nỗi sợ, nỗi khổ, nỗi đau bị chia ly, mất mát lại đong đầy trong lòng người dân miền Nam. Ở một góc sâu kín trong tim của một người mẹ, cô Lan thầm mong có ngày Tiến được thả tù về đoàn tụ với gia đình. Trong mơ cô thường nức nở gọi con “con yêu ơi, hãy mau trở về đây!”.
Nhà cô Lan là một cửa tiệm ở khu chợ sầm uất, buôn bán tấp nập. Ngày ngày cô ngồi trước cửa nhìn kẻ qua, người lại. Nếu thấy ai mà dáng dấp nhác trông giống con trai mình là cô nhảy nhỏm lên, mắt mở lớn, chạy vội ra mong ngóng,… rồi cô lại thất vọng. Từ xa xa cô thường dõi mắt tìm kiếm xem có ai mang hình hài một tù nhân được thả về trong bộ quần áo sờn rách, gầy ốm tiều tụy vì bị giam cầm, đói khổ,… Ngày này tháng nọ, mong ngóng mãi, chờ đợi mãi cho đến khi Việt cộng thả hết tù chính trị bị gọi là “ngụy quân” mà cô cũng chẳng hề thấy bóng dáng con trai thân yêu trở về.
Hy vọng của cô Lan vơi dần khi những người tù chính trị đi Mỹ theo diện HO. Tiến, con trai cô có thể đã bỏ xác trong tù vì bị đói khổ, bị hành hạ, sao không thấy nó về? Nếu nó đã chết phải hiện hồn báo mộng chứ? Mà thật, cô chẳng bao giờ mơ thấy “hồn ma”của con. Tia hy vọng lại lóe lên khi nghe tin đồn người Mỹ thường hay trao đổi tù binh với Việt cộng, con cô có thể đang sống ở Mỹ vì sợ liên lụy gia đình nên chưa dám liên lạc.
Cô Lan đi coi bói. Có bà thầy coi bói bài Tarot nổi tiếng của Ai Cập, một xứ sở tiên phong về chiêm tinh học. Các nhân vật trên lá bài thường là những nhân vật trong thần thoại Tây phương với những linh nghiệm thần diệu và chính xác. Thầy bói làm sao biết được chuyện nhà của cô Lan hoặc trong thâm tâm cô đang muốn gì và nghĩ gì? Có lẽ cô quá thương nhớ, mong chờ đứa con mất tích mà thành tâm cầu khẩn nên tâm linh hiển hiện lên lá bài? Bà thầy bói phán: “Lá bài có mặt trời cùng với những vệ tinh xoay quanh cho thấy bà vẫn đi tìm người thương yêu cũ và người ấy đang ẩn nấp đâu đó chưa lộ diện. Nhưng người ấy sắp xuất hiện trong thời gian tới, bà sẽ gặp lại và sống thật vui vẻ, hạnh phúc”.
Nghe bà thầy bói giải đoán, cô Lan ấp ủ thêm một niềm hy vọng mới, nó mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tiến đã từng được gởi đi Mỹ huấn luyện, học lái máy bay và lập nhiều thành tích nên hy vọng đã được trao đổi tù binh và đang sống sung sướng trên đất Mỹ. Cô Lan mơ màng nhớ đến ngày xưa, khi Tiến đi học huấn luyện quân sự ở Mỹ về.
Tiến nhìn chững chạc hơn, cao ráo khỏe mạnh và rất oai phong trong bộ quân phục của một sĩ quan không quân VNCH. Cô tưởng tượng Tiến bây giờ là một người đàn ông trung niên đầy phong độ, dắt vợ đẹp, con xinh về thăm gia đình. Cô run run trong bàng hoàng sung sướng vì sẽ được ôm con, ôm cháu vào lòng, vui mừng hôn hít cho vừa nhớ thương. Mơ đến đó cô nở nụ cười thật tươi, lòng vui phơi phới như gió xuân, hân hoan với viễn ảnh của đứa con trai thân yêu trở về.
Giờ đây, cô quan tâm để ý đến những “Việt kiều” về thăm nhà. Cô vẫn thường thảng thốt, bật người dậy khi nhìn thấy ai đó giống con của cô, hốt hoảng rồi mừng rỡ chạy vội ra… nhưng lại ngỡ ngàng buồn bã… khi họ giương to mắt nhìn cô ngạc nhiên và thắc mắc vì sự hốt hoảng, vui mừng lẫn thất vọng diễn ra trên gương mặt cô một thoáng quá nhanh. Sau cùng chỉ còn lại là nét buồn rầu đau khổ, thất vọng não nề khi nhận ra người không phải là đứa con yêu thương mà cô hằng mong đợi!
Cô Lan không chịu đi Mỹ đoàn tụ với các con mà ở lại với người con gái út để đợi chờ trong căn nhà xưa vì sợ đứa con xa nhà đã lâu bị mất liên lạc. Cửa tiệm của vợ chồng cô Lan nay là tiệm phở do vợ chồng cô con gái đảm trách. Cô Lan giờ đã lớn tuổi, sáng sáng ngồi nhâm nhi ly cà phê sữa, đôi mắt già nua, kèm nhèm ngước nhìn người qua lại và dĩ nhiên là luôn dõi tìm bóng hình đứa con trai yêu dấu.
Mong đợi đã trở thành một thói quen cố hữu, nó khiến cô cảm thấy hạnh phúc. Nhiều hôm cô ngồi đờ đẫn mong chờ cho đến chiều tối, chú Tân, chồng cô ra vỗ về, an ủi rồi dắt cô vào nhà. Đến khi chú Tân qua đời thì cô ngồi chán rồi tự mình thẫn thờ đi vào. Con cháu quá bận rộn mưu sinh nên cứ để mặc cô sống với hoài vọng vì nó đã là một tâm bịnh không có thần dược nào chữa khỏi, trừ khi cô tự thức tỉnh mà vui sống với hiện tại. Có con cháu bên cạnh nhưng hồn cô lúc nào cũng lơ lửng trên mây, vất vưởng với hình bóng đứa con đã khuất bao năm trước.
Ngày ngày mòn mỏi ngóng trông
Bước ra hoan hỉ, tủi buồn trở vô
Sáng trông, trưa đợi, tối chờ mong con…
Mẹ tôi trở về quê hương, đến thăm cô Lan. Cô đã già yếu, niềm hy vọng cũng cạn kiệt theo tuổi đời của cô. Đó cũng là lần cuối cùng, cô thì thào:
– Chị ơi, thằng Tiến nó chết thật rồi, nó đã hy sinh đền nợ nước, nó chẳng bao giờ về lại căn nhà này, em không mong chờ nó nữa đâu. Em rất vui vì sắp gặp lại nó đấy!
Cuộc chiến tranh oan nghiệt giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam đã gieo khổ lụy cho biết bao người mẹ mất con.Tình yêu của người mẹ thật bao la, thiêng liêng và chân thành. Với quá nhiều hy vọng và ước mơ, vô tình mẹ đã phải gánh vác, cưu mang một nỗi buồn không nguôi trong đời. Mẹ chỉ mỉm cười từ giã cõi đời với ước mơ gặp lại đứa con yêu thương mà mẹ hằng mong nhớ.
(Thương nhớ về cô L. – Mẹ của phi công LNT)