Người viết thư tay cuối cùng của Sài Gòn đã ra đi

Ảnh: Human of Saigon

Cuộc đời của ông Dương Văn Ngộ, người viết thư tay giùm ở Bưu điện Sài Gòn, hết sức thầm lặng, nhưng rồi khi ông ra đi, người ta mới chợt hẫng như thấy một bóng cổ thụ vừa ngã xuống. Ông đã ở trong ngành Bưu điện Sài Gòn, từ năm 16 tuổi làm việc và nhận viết thư giúp cho người dân không biết chữ, rồi lặng lẽ nhìn cuộc đời mình trôi qua với ba chế độ Pháp, Việt Nam Cộng Hòa và Cộng sản.

Sáng ngày 5 Tháng Tám ở Việt Nam, linh cửu của ông sẽ được đưa về nghĩa trang Hoa Viên ở Bình Dương, yên nghỉ ở đó, con gái của ông, bà Dương Thị Yên, cho báo chí biết từ nơi cư ngụ của ông tại Quận Bình Thạnh, Sài Gòn.

Ông Ngộ sinh năm 1930, trong khai sinh của ông ghi là sinh tại Liên bang Đông Dương. Là một người Hoa kỹ tính và trách nhiệm. Ông còn là người học giỏi. Trong những năm 1942, ông là một trong những học trò nghèo hiếm hoi được nhận vào học ở Petrus Ký vì có tư chất tốt. Ông bắt đầu gắn bó với nghề bưu chính từ năm 16 tuổi, ban đầu làm việc tại Bưu điện khu Thị Nghè. Đến năm 1948, ông trở thành nhân viên chính thức của Bưu điện Sài Gòn. Công việc ban đầu của ông là lựa thư trong hộp để chuyển đi, sau đó lần lượt trải qua nhiều công việc chuyên môn trong nghề. Ngoài ra, cũng có lúc Dương Văn Ngộ được điều sang làm ở Bộ Giao thông và Bưu điện. Năm 36 tuổi, ông được ngành bưu điện cho đi học thêm tiếng Anh và Pháp nhằm phục vụ công việc ở mức cao hơn.

Ảnh: Human of Saigon

Ông Dương Văn Ngộ kể rằng lúc đầu mình được học tiếng Pháp ở Trường Tiểu học Phú Lâm, còn việc thông thạo tiếng Anh là nhờ được Ban giám đốc cho đi học ở Hội Việt Mỹ. Đặc biệt, nhờ có sự hướng dẫn của một phi công người Mỹ nên trình độ ngoại ngữ của ông được nâng cao. Ông Ngộ có phong cách và dáng vẻ của những người được giáo dục nền nã ở miền Nam, giữ tư cách và chu đáo.

Năm 1990, khi đến tuổi về hưu, Dương Văn Ngộ xin một chỗ ngồi ở Bưu điện thành phố, nói để làm công việc viết thư thuê cùng 6 người khác. Sau này, tất cả bọn họ đều qua đời và chỉ còn lại mình ông. Viết thư thuê là để giúp cho những người không biết chữ, cũng như những người có việc vội đến mà không có giấy bút, hay cách trình bày ngôn từ.

Ông Ngộ xin được một chỗ làm việc nằm ngay một góc của trung tâm Bưu điện, ở cuối dãy hành lang. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, ông Ngộ đều đặn đến làm việc như một công chức, từ 8 giờ sáng đến 3 giờ rưỡi chiều. Ngoài việc nhận viết thư tay, ông còn hướng dẫn thông tin cho những người lần đầu đến bưu điện. Hình ảnh của ông Ngộ gắn liền với chiếc túi da đen, cuốn từ điển cùng cái kính lúp. Người viết thư tay độc đáo này của Sài Gòn thông thạo ba thứ tiếng là Đức, Pháp, Anh, và thường nhận viết thư cho khách bằng tiếng Việt, Anh và Pháp.

Kể từ năm 1990, ông Ngộ đã chấp bút cho hàng ngàn lá thư gửi đi khắp thế giới, chuyển đến tận tay người nhận ở Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Úc, Singapore, Hungary, Thái Lan và Ấn Độ… Kể từ khi máy tính ra đời, công việc của ông Ngộ vắng khách dần, nhưng từ lâu, Dương Văn Ngộ đã không coi công việc này là chuyện để kiếm sống, mà ông còn làm vì yêu nghề, và muốn gìn giữ một công việc đã có tuổi đời lịch sử gần 100 năm ở Sài Gòn. Rất nhiều người đến Sài Gòn, vào Bưu điện chỉ để xin chụp với ông tấm hình làm kỷ niệm. Nhiều khách nước ngoài khi được giới thiệu, đã vô cùng thích thú trò chuyện với ông về công việc hết sức đặc biệt này.

Năm 2020, do tuổi cao sức yếu, ông Ngộ chính thức không đến làm việc ở Bưu điện Sài Gòn nữa sau 30 năm cần mẫn với nghề. Vắng ông, Sài Gòn cũng đột nhiên buồn như vắng những hàng cây xanh muôn thuở đã bị hạ xuống.

Ảnh: Human of Saigon

Con gái của ông kể, trước lúc ra đi, vào buổi tối ngày 1 Tháng Tám, đột nhiên ông choàng tỉnh như chưa đau yếu gì, và cất tiếng hỏi “Ở đây là ở đâu, sao giống Dinh Độc Lập quá vậy?”, khi nghe người con gái trả lời là đang ở nhà, ông im lặng và ra đi ngay sau đó.

Làm sao biết trong trí nhớ và trái tim không dễ thố lộ của người đàn ông đó, sao lại cất giữ hình ảnh của Dinh Độc Lập cho đến tận lúc trút hơi thở cuối cùng? Khi còn sống, ông từng kể hai chữ Sài Gòn ông nắn nót, đã được viết xuống không biết bao nhiêu lần, gửi đi muôn nơi trong thương mến. Ông Ngộ ra đi, mang theo cả một khung trời cũ, và cả những điều ông không thể nói hết về thành phố ông đã sống, lớn lên với những điều đổi thay, mà một ngày bỗng thấy mình trở nên cô quạnh khôn cùng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: