Trong hội nghị của Đảng Ủy Công An Trung Ương ngày 4 Tháng Bảy vừa qua ông Nguyễn Phú Trọng không tới dự mà chỉ gửi bài phát biểu để các lãnh đạo công an tham khảo, thảo luận. Cần nhớ là ngoài chức vụ tổng bí thư thì ông Trọng cũng là ủy viên thường vụ Đảng ủy Công An Trung Ương, một vai trò không thể thiếu trong các cuộc họp của cơ quan này.
Hai ông Tô Lâm, Phạm Minh Chính tuy đã lên làm chủ tịch nước và thủ tướng, nhưng vẫn còn giữ ghế ủy viên thường vụ như ông Trọng, đều có mặt trong hội nghị lần này. Việc ông Trọng vắng mặt quá bất thường trong bối cảnh nội bộ ĐCS đang thanh trừng nhau khốc liệt.
Tuy nhiên những chi tiết đáng chú ý nhất là trong nội dung văn bản gửi tới hội nghị, ông Trọng dường như tỏ ra nhượng bộ và có nhiều lời thẳng thắn bày tỏ sự “tâm phục khẩu phục.” Thậm chí có đoạn cho thấy ông Trọng mong phe công an chừa đường lui để được “hạ cánh an toàn” làm người tử tế.
Nguyễn Phú Trọng ‘né’
Ngay phần đầu thư, ông Trọng chúc mừng chiến thắng oanh liệt của phe Tô Lâm khi chiếm được cả ba vị trí quan trọng tại Trung Ương Đảng: “Trước hết, tôi xin thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, chúc mừng đồng chí Chủ Tịch Nước Tô Lâm, đồng chí Bí Thư Đảng Ủy Công An Trung Ương, Bộ Trưởng Bộ Công An Lương Tam Quang, đồng chí Chánh Văn Phòng Trung Ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, vinh dự được Đảng, Nhà nước giao trọng trách lớn.”
Tiếp theo, ông Trọng ca ngợi “thanh bảo kiếm” sắc bén của bộ công an khi cắt đứt tất cả những tay chân thân cận của tổng bí thư. “Các đồng chí đã chủ động phối hợp bài bản, chặt chẽ, …. đánh trúng, điều tra làm rõ nhiều vụ án tham nhũng… như vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập Đoàn Phúc Sơn, Thuận An, vụ án liên quan đến Khu Đô Thị Đại Ninh ở tỉnh Lâm Đồng…; góp phần cảnh tỉnh, răn đe các đối tượng tham nhũng. Việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vừa qua được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ với công tác cán bộ, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình, các đối tượng đều “tâm phục, khẩu phục.”
Từng lời từng chữ của Nguyễn Phú Trọng gửi tới bộ công an đều cho thấy sự nhượng bộ hết mức. Thậm chí còn viết rõ ra rằng đã được “cảnh tỉnh,” đã “tâm phục khẩu phục” thì ông Trọng có chọn giao ghế tổng bí thư lại cho Tô Lâm?
Để phe nhóm còn lại của mình được hạ cánh an toàn, ông Trọng không chỉ giao lại ghế tổng bí thư, mà còn cam kết giao luôn toàn quyền quản lý bộ chính trị cho phe công an. Ông Trọng viết: “Đảng ủy Công An Trung Ương luôn là một trong những cấp ủy “gương mẫu, đi đầu” trong hệ thống chính trị, sớm xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, góp phần tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn lực lượng.”
Tại sao Nguyễn Phú Trọng lại xuống nước mềm mỏng?
Gần 20 năm qua ông Trọng đã cố gắng xây dựng hình ảnh “sĩ phu Bắc Hà” thanh liêm vì nước vì dân không vụ lợi. Nhưng mấy tuần qua lại rộ lên câu chuyện sai phạm liên quan đến dự án Ciputra trong thời gian ông Trọng làm bí thư Thành Ủy Hà Nội.
Theo thông tin, năm 2004 ông Trọng chỉ đạo áp giá đất thấp hơn 10 lần giá thị trường: 620,000 VNĐ/m2 để đền bù cho dân. Chỉ 16 ngày sau, ông lại chỉ đạo nâng giá đất lên 12 triệu VNĐ/m2 cho nhà đầu tư Ciputra. Gây thất thoát cho ngân sách 3,000 tỷ VNĐ (thời giá 2004). Vụ việc từng được Thứ Trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn công khai nhắc tới vào Tháng Ba năm 2012. Nhưng sau đó chìm vào quên lãng khi ông Trọng yên vị trên ghế tổng bí thư.
Vụ Ciputra chắc chắn là đòn đánh vào tử huyệt của “thanh bảo kiếm” trong tay ông Tô Lâm với hình ảnh “Nguyễn Phú Trọng thanh liêm,” được mệnh danh là “người cộng sản trong sạch cuối cùng.” Đứng trước nguy cơ thân bại danh liệt, Nguyễn Phú Trọng buộc phải hai tay dâng ghế, thậm chí tỏ ra van xin, nài nỉ Tô Lâm vì lợi ích chung của Đảng mà đừng làm lộ bí mật của tổng bí thư.
Chính vì vậy, ở phần “phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024,” Tổng Trọng “xin lưu ý” với Tô Lâm rằng cần “khắc phục tình trạng lộ, mất bí mật Nhà nước,” tránh “bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động, nói xấu… gây hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân, gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ Đảng,… Ông viết: “Do đó, tôi đề nghị các đồng chí cần nắm chắc tình hình, làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược; có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng lộ, mất bí mật nhà nước, “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường.”
Xin một chỗ đáp an toàn
Để chắc chắn rằng mọi chuyện sẽ kết thúc tốt đẹp cho phe cánh của mình, ông Trọng nhắc lại lời thề của ông Tô Lâm năm 2018. Lúc đó ông Lâm tuyên bố trung thành với ông Trọng, rằng “công an chỉ biết còn Đảng còn mình, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Đảng.”
Ông Trọng viết ở phần cuối thư “Tôi tha thiết mong rằng, các đồng chí tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công An Nhân Dân, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo. Với tinh thần “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, “Còn Đảng thì còn mình”, “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”, các đồng chí cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ”…
Tới bước đường cùng, Nguyễn Phú Trọng buộc phải xuống nước van nài với những lời lẽ thống thiết như vậy. Nhưng có lẽ cũng bằng mặt mà chưa bằng lòng nên ông Trọng mới tránh mặt tại cuộc họp mừng chiến tích của các tướng lãnh ngành công an. Ở thế thắng cuộc, có thể ông Lâm sẽ chừa cho ông Trọng một đường lui để bảo vệ hình ảnh của “người cộng sản cuối cùng.” Nhưng những vây cánh còn lại của ông Trọng, xem ra, chưa thể yên tâm được!