Nhân dân có còn cần thơ không?

(Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Đó là tiêu đề bài báo trên Tuổi Trẻ, tường thuật buổi Tọa đàm nhân Ngày thơ Việt Nam, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Câu trả lời của các vị khách mời, đại ý là “Nhân dân thời nào cũng cần thơ”.  Nhưng “vấn đề là đâu mới là thứ thơ mà nhân dân cần”.

Đọc bài báo, tôi có mấy suy nghĩ thế này. Một câu hỏi [Nhân dân có cần thơ không?] thì phải xác định Ai hỏi, Hỏi ai, Ai trả lời. Buổi Tọa đàm do Hội Nhà văn tổ chức, hai chữ “nhân dân” ở đây là được sử dụng từ câu thơ “Nhân dân có cần thơ của ta đâu” trong bài “Nói với mình và các bạn” (1970) của nhà thơ Lưu Quang Vũ, do nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đọc trong Tọa đàm.

Tôi không dự nhưng qua tường thuật của báo Tuổi Trẻ, có thể thấy, dù câu hỏi này được Báo nêu ra nhưng là nêu từ chính nội dung của Tọa đàm. Điều này có nghĩa rằng, về cơ bản, đây là câu hỏi của Nhà nước, đặt ra trong khuôn khổ một sự kiện do Nhà nước tổ chức. Và người trả lời là các vị khách mời, trong đó có nhà văn – nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Tóm lại, về cơ bản, là Nhà nước hỏi, Nhà nước trả lời.

Thiết nghĩ, hỏi “Nhân dân có cần thơ không?” thì có thể hỏi tất cả mọi đối tượng, nhưng không thể không hỏi nhân dân và để nghe nhân dân trả lời, thế mới thỏa đáng hơn. Còn ở đây, nhà nước tự đặt câu hỏi, tự trả lời, thì dù câu trả lời ấy có thế nào, nó vẫn không thể mang tính đại diện, nếu không nói rằng có phần áp đặt. Vô tình, Hội Nhà văn Việt Nam đang tự mình đại diện cho ý chí của nhân dân?

Vấn đề thứ hai, có lẽ quan trọng hơn, là theo tôi, thay vì hỏi “Nhân dân có cần thơ không?” thì nên hỏi “Nhân dân có cần TỰ-DO-THƠ không?”. Đây mới chính là câu hỏi mà với trách nhiệm nhà nước của mình Hội Nhà văn Việt Nam cần đặt ra. Vì nếu không hỏi như thế, thì thứ nhất, nó thể hiện tâm lý kẻ cả, bởi câu trả lời dù thế nào đi chăng nữa cũng luôn trù định một tư duy ban phát: [nếu] nhân dân cần thơ thì ta ban thơ cho! Thành ra, trong trường hợp này, ban thứ thơ nào cũng vẫn chỉ là sự ban phát.

Còn nếu hỏi “Nhân dân có cần TỰ DO thơ không?”, thì khi đó, giả sử câu trả lời là CÓ, thì thơ mới có cơ may được trả lại cho nhân dân. Nhân dân trở thành tác giả, là chủ thể của thơ, nhân dân không đợi ai ban phát nữa mà sẽ tự làm ra thơ mình: thứ thơ nói lên chính tâm tư, tình cảm, nghĩ suy, những đóng góp, những dựng xây, sự dữ dội, bất bình, nổi giận…trong tâm hồn họ. Thơ Việt, vì thế, lúc đó sẽ tự giàu có, muôn cung nghìn bậc, “là thứ thơ thỏa mãn yêu cầu của họ, trong đó phải có những tiếng thơ nói lên tiếng nói xã hội mà hiện nay gần như chúng ta không có” – như lời nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.

Tôi nghĩ, chỉ khi nào có “tự do thơ” thì cái mong muốn hay đòi hỏi như của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên mới có cơ may thành hiện thực; còn nếu chỉ biết rằng “nhân dân cần thơ” và ta sẽ sản xuất ra thơ cho nhân dân dùng, thì đó vừa là một việc làm quá sức, vừa vẫn chỉ là một sự chiếu cố. Một cách nào đó, cùng lắm nó vẫn chỉ là tư tưởng “hợp tác xã thơ”.

Thơ là một thuộc tính của Lời nói, nên thực ra không phải chỉ ở người Việt thì thơ mới “có ngay trong mã gene” của mình. Đọc Jakobson và các lý luận hiện đại về thơ thì ta đều biết rằng, tính thơ luôn hiện diện trong lời nói của bất kỳ dân tộc nào. Và vì thế, ở đâu cũng thế thôi, thơ quan trọng – tất nhiên có thể không đến mức như nhà thơ Nguyễn Bình Phương nói, là “Không có thơ, người Việt khó sống”; nhưng điều quan trọng hơn là làm sao để trả Lời nói về cho nhân dân. Chỉ có “tự do thơ” mới hiện thực được điều ấy, chứ không phải cái tham vọng, dù có thể là tham vọng rất cao đẹp: sản xuất ra [đủ] thơ để cho nhân dân tiêu dùng.

Tự do thơ cũng như tự do kinh tế, tự do học thuật, tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, tự do quan điểm, tự do biểu đạt… là cốt lõi của tiến bộ và văn minh. Cũng như “nhân dân” ở bất kỳ quốc gia nào đều cần kinh tế cả, nhưng không phải là cứ biết được điều ấy thì có thể ban phát sự no ấm và thịnh vượng, mà “bí quyết” nằm ở chỗ phải để nhân dân tự làm kinh tế. Bài học tưởng giản dị này đã bị trả giá bằng những điêu linh khi trước 1986 nhà nước đã không nhận ra nó. Và như chúng ta đều đã biết, khi mọi thứ đang đứng bên miệng vực thì một cú “trả tự do kinh tế cho nhân dân” đã mang lại sự hồi sinh. Mọi lĩnh vực khác đều thế cả. Tiếc thay, nó đi quá chậm so với lĩnh vực kinh tế.

Đến hôm nay chúng ta còn ngồi lại và hỏi nhau “Nhân dân có cần thơ không”, mà không hỏi “Nhân dân có cần tự do thơ không”, thì việc ta cố đi tìm câu trả lời, dù hay ho thế nào, có thể vẫn chỉ là một sự luẩn quẩn, như cái luẩn quẩn của kinh tế trước 1986 mà thôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: