Nỗi lòng người xa quê trong bài vọng cổ “Xuân Đất Khách”

Share:

Bất cứ ai là người con của miền đất mẹ Nam kỳ đều không khỏi nao lòng khi nghe một làn điệu vọng cổ. Giai điệu của một bản vọng cổ có thể làm người nghe rơi lệ, huống chi đây lại là một bài vọng cổ bày tỏ nỗi niềm của một đứa con miền Nam đang ở một phương trời xa lạ với nỗi nhớ quê hương.

Nỗi nhớ quê càng cứa sâu vào lòng người lữ thứ mỗi độ Tết Nguyên đán lại về. “Xuân Đất Khách” là một bài ca cổ nặng trĩu cảm xúc cô đơn của người xa xứ, nhớ quặn lòng nơi chôn nhau cắt rốn qua từng màu sắc, mùi vị, tình người.

Kể từ khi bài “Xuân Đất Khách” của soạn giả Viễn Châu ra đời khoảng năm 1965, đã có nhiều nghệ sĩ trình bày bài ca cổ này, từ Hà Bửu Tân, Út Bạch Lan, Thành Được, Hồng Nga, Tấn Tài, Mỹ Châu, Thanh Hằng, Minh Vương, Lệ Thủy… ở thế hệ trước, đến nghệ sĩ Hoàng Liên, Hồ Minh Đương, Hằng Phạm… ở thế hệ hiện nay.

Lời bài ca cổ chất chứa tâm tư của người lữ thứ, làm rung động lòng người, mà những ai yêu ca cổ đều không khỏi một lần hát bản vọng cổ này một mình hay trong buổi giao lưu họp mặt kiểu đàn ca tài tử. Đặc biệt, với phiên bản của Hà Bửu Tân và phiên bản của Hoàng Liên, người nghe dễ dàng hóa thân thành một người lữ thứ cô đơn nhớ quê khi Xuân về Tết đến.

Lời của bài ca cổ có sự thay đổi đôi chút tùy theo từng phiên bản của mỗi nghệ sĩ trình bày chứ không riêng gì đối với hai phiên bản của Hà Bửu Tân và Hoàng Liên. Trong bài viết này, xin mạo muội lấy lời theo phiên bản của nghệ sĩ Hà Bửu Tân đã được thâu đĩa vào khoảng năm 1974.

(Nói lối)

Con chim sắt đã lao mình trong khói trắng

Bỏ lại nơi này tâm sự kẻ ly hương

Tui đứng đây để mà nhớ mà thương

Mà chờ đợi ngày về trong mộng tưởng

(Vọng cổ)

Không tiễn đưa ai bởi không có ai để mình đưa tiễn, thế sao những buổi chiều mưa lạnh tui vẫn đến đây để nhìn phi cơ cất cánh rồi khuất dần trong khói trắng sương mờ.

Phải chăng nhớ quê hương và trông đợi ngày về. Kẻ vẫy khăn tay chào người ở lại, kẻ vội vàng nhắc (*) mớ hành trang. Nghe họ chúc nhau câu: “Thượng lộ bình an!”, tui nghe lệ rưng rưng từng giọt chảy trong hồn. Vội gục đầu cúi mặt quay lưng để cố ngăn đôi dòng nước mắt.

(Vọng cổ)

Phải chăng đất Việt trời Âu có cách ngăn một bờ Dịch thủy nên một lần đi là khó thể quay về. Một kẻ ly hương với tháng đợi năm chờ. Khói phi cơ đã tan dần trong mây trắng sao tui vẫn còn đứng lặng để nhìn theo. Một đàn chim vỗ cánh bay mau, trời ủ dột như nỗi sầu lữ thứ. Tui muốn mượn cánh chim gửi về đất Mẹ, những tâm sự buồn của một kẻ lìa quê.

(Ngâm thơ)

Chưa một lần ngâm tráng sĩ hề

Nên lòng cứ mãi nhớ thương quê

Mùa xuân về nữa, xuân về nữa

Tuyết trắng rơi nhiều dạ tái tê

(Vọng cổ)

Mỗi bận xuân sang tui thấy lòng se lại, nhớ làm sao hương vị của quê nhà. Dưa hấu miền Đông, với bưởi ngọt Biên Hòa, rượu Bà Điểm, nem chua Thủ Đức, cam Long Thành, măng cụt Lái Thiêu. Múi sầu riêng ngon ngọt biết bao nhiêu, cơm nấu gạo nanh chồn thơm bát ngát. Mùi hương khói lẫn trong tiếng pháo, mấy cành mai nở rộ đón giao thừa.

(Vọng cổ)

Trời Ba Lê lạnh lùng mưa tuyết đổ, xuân đã về sao cây cỏ sơ rơ, ôi biết bao giờ được trông thấy cảnh xuân xưa, ngày về quê cũ vẫn nay lần mai lựa. Mùa xuân trước hẹn mùa xuân tới, xuân năm này lại hẹn đến xuân sau. Âm thầm năm tháng qua mau, xuân này đến nữa là bao xuân rồi.

Nóc giáo đường lạnh lẽo đứng chơ vơ, vài chiếc lá vật vờ bay trước gió, tuyết rơi trắng xóa chân cầu, mùa xuân đất khách ai sầu hơn ai.

Mở đầu bản ca cổ là đoạn nói lối (**) với cách nói ưu tư trầm ngâm của nghệ sĩ Hà Bửu Tân, đưa hồn người vào khung cảnh tại phi trường, sau đoạn dạo đầu của tiếng đàn kìm nghe não ruột.

Khi chiếc phi cơ lao vút lên bầu trời cũng chính là lúc phi cơ biến thành một cánh chim sắt – soạn giả Viễn Châu ví von, nhẹ nhàng đưa ta xuôi theo luồng cảm xúc của một người đứng bơ vơ ở phi trường xứ người, lặng nhìn cảnh tiễn đưa của mọi người, kẻ ở người đi, có khi đi về xứ sở đón Tết ta. Còn bản thân nhân vật trong bài ca cổ vừa nhớ đất Mẹ, vừa nhớ gia đình, vừa lại cô đơn bởi vì “không tiễn đưa ai bởi không có ai để mình đưa tiễn”.

Ở đoạn nói lối, Hà Bửu Tân trình bày chữ “kẻ” có thể khiến thính giả chùng lòng xuống để thưởng thức trọn bài trong tâm trạng lắng đọng. Rồi khi vô vọng cổ, Hà Bửu Tân tiếp tục nhấn nhá chữ “kẻ” như để dằn lòng lại mà không bật ra tiếng khóc. Nhưng đôi dòng lệ đã tuôn ra mất rồi bởi vậy ông ngân nga chữ “lệ” rất dạt dào tình cảm, nghe mà nao lòng.

Thật ra lệ đã tuôn ra từ đoạn nói lối trong câu “Con chim sắt đã lao mình trong khói trắng” và đôi mắt dường như vẫn đẫm lệ trong câu vọng cổ “phi cơ cất cánh rồi khuất dần trong khói trắng sương mờ”. Soạn giả Viễn Châu quá khéo léo khi dùng tính từ “trắng” của khói để giấu lệ. Thính giả cứ ngỡ rằng làn khói, làn sương mang màu trắng nhưng thật ra lệ nhòa trắng cả tầm nhìn!

Trong đoạn vọng cổ tiếp theo, Viễn Châu nhắc đến hoàn cảnh của tráng sĩ Kinh Kha trong bài thơ “Dịch thủy tống biệt để giãi bày nỗi buồn của người lìa quê. Không phải ai lìa quê rồi cũng có thể trở về cố hương sum họp với gia đình, với thân nhân, bằng hữu thuở xưa,  vì “một lần đi là khó thể quay về”. Ví như tráng sĩ Kinh Kha ở nước Trung Hoa cổ xưa vượt qua sông Dịch để hành thích vua Tần Thủy Hoàng nhưng thất bại và mãi mãi không trở về.

Ngẫm người rồi nghĩ đến ta, dầu ở thời Việt Nam Cộng Hòa hay thời nay, một người Việt sinh sống ở phương trời Tây không phải cứ muốn quay trở lại thăm quê nhà thì thực hiện liền được mong muốn đó, nhứt là Tết ta và Tết tây luôn rơi vào hai thời điểm khác nhau.

Ảnh: taan-huyn-unsplash

Khi Tết ta đến, người Việt ở quê nhà thường tề tựu trong gia đình, đi thăm bà con dòng họ, mồ mả tổ tiên. Mặc dầu Tết ta là nét văn hóa riêng của người Việt, nhưng trong dịp này, người phương Tây vẫn hoạt động làm ăn mua bán bình thường. Người Việt xa quê cũng phải hòa nhập vào công việc và cuộc sống ở trời Tây. Khi họ bỏ lỡ cơ hội đoàn tụ với người thân thì lòng lại dấy lên nỗi nhớ người nhớ cảnh. Có nỗi buồn nào tê tái hơn?

Soạn giả Viễn Châu đã lột tả cảm giác tê tái bằng một khúc ngâm thơ. Xin lạm bàn rằng “ngâm” là một trong bốn yếu tố cốt lõi, nâng cảm xúc cho thính giả đồng thời cũng giúp người nghệ sĩ bày tỏ trọn vẹn cảm xúc khi trình bày một bài ca cổ. Bốn yếu tố mùi mẫn không thể thiếu trong đoạn ca cổ đó là “nhứt Lý, nhì Ngâm, tam Nam, tứ Oán” mà những người hâm mộ ca cổ thường bình phẩm cho nhau nghe điều này.

Xin mạo muội giải thích thêm về bốn yếu tố này. Đối với “lý” thì chúng ta có Lý chiều chiều, Lý con sáo, Lý trăng soi, Lý son sắt v.v… “Ngâm” có nghĩa là ngâm thơ. “Nam” thì chúng ta có Nam ai, Nam xuân, Nam đảo. Còn “Oán”, điển hình có bốn bài Oán chính, gồm Tứ đại oán, Giang nam, Phụng cầu, Phụng hoàng; và bốn bài Oán phụ, gồm Văn thiên tường, Bình sa lạc nhạn, Thanh dạ đề quyên, Xuân nữ.

Quay lại ý nghĩa trong đoạn ngâm thơ, soạn giả Viễn Châu dùng từ “tái tê” để nói lên tâm trạng của người cô đơn khi làm con chim lạc bầy. Sự cô đơn dễ làm người ta có cảm giác ớn lạnh. Song kẻ xa xứ trong bài ca cổ này phải chịu gấp đôi cảm giác ớn lạnh từ hai yếu tố: lạnh trong lòng vì cô đơn và lạnh của nhiệt độ thấp ở các nước phương Tây. Khi hai “cái lạnh” này gộp lại sẽ dễ làm cho trái tim trở nên “tái tê” vì nhớ nhung mùi Tết ở quê nhà.

Không nhớ làm sao được vì mùi Tết của Việt Nam có nét riêng biệt, không thể lẫn vào đâu. Một cái Tết có đủ mùi, đủ vị, từ những nén hương thơm trong làn gió nhẹ, với mùi hoa xoài phả xuống mặt trong đêm Giao thừa đường vắng, mùi hương của hoa vạn thọ, mùi củ kiệu, củ hành, mùi bánh tét, mùi khói, mùi rượu cúng, mùi pháo (ngày xưa), rồi còn có cả tiếng trống múa lân tưng bừng nô nức, tiếng cười của trẻ nhỏ. Đó là tất cả những gì đã hiện ra trong ký ức của người lữ thứ mỗi khi nhớ về Tết quê nhà.

Ảnh: jerry-wang-unsplash

Còn nhân vật xa quê trong bài ca cổ nhớ lắm những hương cùng vị của cái Tết đầy đủ thời Việt Nam Cộng Hòa qua những danh từ hình tượng: Dưa hấu miền Đông, bưởi ngọt Biên Hòa, rượu Bà Điểm, nem chua Thủ Đức, cam Long Thành, măng cụt Lái Thiêu, mùi sầu riêng và mùi cơm nấu từ gạo nanh chồn thơm nức, quyện vào mùi khói, mùi pháo. Về màu sắc thì không thể thiếu nét đặc trưng của miền Nam ngày Tết là hoa mai vàng rực trong ánh nắng Xuân.

Những thương nhớ ấy chỉ còn biết quấn lại trong chiếc khăn quàng cổ ở phương trời Ba Lê lạnh lùng tuyết đổ vì mấy bận Xuân về người lữ thứ có trở về được quê nhà đâu mà cứ hẹn lần hẹn lựa ngày về đất Mẹ.

Cuối bài ca, nhân vật chính đưa ra một câu hỏi tu từ “mùa Xuân đất khách ai sầu hơn ai”. Thử hỏi ai xa quê mà không nhớ gia đình, bằng hữu, mồ mả tổ tiên? Những người rời quê hương mà có người đồng hành thì còn được chia sẻ, nhưng người ly hương đơn độc giữa bốn bề gió lạnh tuyết rơi chắc chắn mang nỗi sầu sâu đậm hơn ai hết.

Xuân lại về. Giờ phút này đây có lẽ tất cả những người con đang lưu lạc đều muốn quay về nơi đất Mẹ để có được bầu không khí ấm cúng bên gia đình, bên thân nhân. Còn những ai không thể trở về lại quê nhà trong Xuân này, một mai mở bản “Xuân Đất Khách” sẽ càng thêm tái tê, khó kiềm nén nổi những giọt nước mắt dành cho cội nguồn.

___________

(*) Soạn giả Viễn Châu dùng từ “nhắc” mà không phải “nhấc”. “Nhắc” là từ xưa có nghĩa là nâng lên.

(**) Nói lối là nói suông một câu có cách, có lối, có vần, sau khi hát một câu có giọng lên xuống trong tuồng chèo, ca kịch, cải lương.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: