Nước Mỹ trong tôi

Một em bé theo cha mẹ đến dự lễ July 4th, năm 2023 (Photo by Probal Rashid/LightRocket via Getty Images)

Kỷ niệm đầu tiên trong đời mà tôi còn nhớ, là lần chạy trốn máy bay Mỹ, khi tôi mới được 6 tuổi.

Lúc đó, lớp mẫu giáo (hay nhà trẻ) của tôi ở số 4 Quan Thánh, đối diện vườn hoa Hàng Đậu. Có báo động, tôi theo cô giáo ra hầm tránh bom ở vườn hoa Hàng Đậu. Khi tôi tỉnh dậy thì trời đã tối, và cha mẹ tôi đi tìm, phát hiện tôi đang ngủ dưới hầm tránh bom. Thì ra là lúc báo yên tôi đã ngủ, mà cô giáo cũng không phát hiện sự vắng mặt của tôi. Đến chiều không thấy cô đưa về (nhà tôi ở 60 Quan Thánh, gần với đầu ngược lại của vườn hoa Hàng Đậu), ba mẹ tôi mới đi tìm. Thực ra thì tôi chỉ nhớ được việc chạy ra hầm và cảm giác sợ hãi khi tỉnh ngủ vì nghe tiếng kêu tên mình.

Suốt từ đó cho đến 10 năm sau, hiểu biết về nước Mỹ của tôi khá lẫn lộn. Đế quốc Mỹ rất độc ác, ném bom khắp các làng mạc, ném bom vô trường tôi. Ngày ngày, nghe đài Tiếng nói Việt nam đọc tin chiến sự, tố cáo giặc Mỹ giết bao nhiêu dân… và những bài hát, kiểu như giặc Mỹ cọp beo, xiên thây quân cướp…

Nhưng tôi lại biết về một nước Mỹ khác. Đầu tiên là cuốn tiểu thuyết “Túp lều của Bác Tom”. Đó là những người da đen dễ thương, những ông bà chủ da trắng cũng hiền hòa, và những người chủ da trắng độc ác. Bên cạnh đó là những người da đen và những người da trắng quyết tâm chiến đấu cho một xã hội bình đẳng, không phân biệt chủng tộc.

Thế rồi những “Chuông nguyện hồn ai”, “Ông già và biển cả”, “Tiếng gọi nơi hoang dã”, “Tình yêu cuộc sống”… đã cho tôi thấy những người Mỹ khác những kẻ đang ném bom vào trường tôi. Đó là những người Mỹ chiến đấu cho lẽ phải, chiến đấu với tự nhiên khắc nghiệt, bảo toàn mạng sống của mình, nhưng vẫn luôn tôn trọng khát vọng của đối thủ.

Người Mỹ đầu tiên mà tôi thấy là một viên phi công Mỹ bị bắn rơi. Năm đó tôi mới khoảng hơn 7 tuổi. Tôi theo các chú lái xe đi chở phi công Mỹ. Có nhiều chú dân quân, bộ đội đi theo. Các chú ấy đã rất vất vả ngăn người dân xông vô đánh viên phi công Mỹ. Tôi bị ám ảnh rất lâu với hình ảnh một ông già cầm đòn gánh kiên quyết nhào vô đòi đánh chết viên phi công Mỹ, vì hôm qua đã ném bom giết chết con trai ông.

Năm 1975 tôi vào Sài Gòn. Nhiều bạn cho biết, người Mỹ rất tốt. Nhiều người khác còn cho biết, lính Mỹ rất nhân đạo, thương người. Tôi đã tận mắt chứng kiến việc máy bay Mỹ ném bom vô trường tôi, ném bom vô nhà thờ, thậm chí là rượt bắn con trâu giữa đồng… nên tôi hiểu là các bạn nói không đúng hoàn toàn. Nhưng tôi có cảm nhận, rằng trên đời có rất nhiều người Mỹ không độc ác, không khát máu.

Năm 1979 tôi bay bằng máy bay IL62, hình như là loại hiện đại nhất của Liên Xô. Khi máy bay dừng quá cảnh ở Bombay (bây giờ là Mumbai), tôi hết sức ngỡ ngàng khi cái máy bay hiện đại của Liên Xô như con chim chích đứng bên cạnh con diều hâu, là chiếc Boing to kềnh càng của Mỹ.

Năm 1980, tôi làm thêm trên một công trường xây dựng ở Đông Âu. Chúng tôi xây một tòa nhà nằm sau tòa nhà mặt tiền cao 7-8 tầng lầu. Một xe cần cẩu chạy lại, đứng ở ngoài đường, cẩu những khối beton đúc sẵn nặng hàng chục tấn, đưa vượt qua nóc tòa nhà bên ngoài, lắp đặt cho tòa nhà bên trong, cách đường khoảng hơn 40m. Ông đốc công nói, ông làm hơn 20 năm, lần đầu tiên mới thấy cái cần cẩu như vậy. Và ổng kết luận, Mỹ là nhất. Thì ra đó là chiếc xe cần cẩu của Mỹ.

Ngay sau vụ khủng bố Trung tâm thương mại ở Mỹ, tôi đến nước Mỹ. Tôi đứng bên bờ sông Potomac nhìn qua Ngũ Giác Đài. Một khung cảnh thật thanh bình. Nếu một người chưa từng ở giữa những làn bom Mỹ, sẽ không thể nghĩ, rằng cái Ngũ Giác Đài thanh bình ấy, là nơi đưa ra những quyết định rải thảm B52, những trận ném bom vô trường học, nhà thờ…

Còn nhớ hôm bữa tôi kể mình từng bị bom bi nổ cách vài mét, rồi máy bay Mỹ ném bom vô trường học, vô nhà thờ… thì nhiều bạn vô khẳng định, rằng quân đội Mỹ không bao giờ hành động như vậy, họ chỉ tấn công vào các cơ sở quân sự… Chẳng có ở đâu mà toàn người tốt đâu các bạn ạ. Chẳng có quân đội nào mà không giết dân cả đâu.

Người thầy dạy tôi, từng là một bác sĩ quân y Mỹ, nói với những bệnh nhân khi xin họ cho tôi được phép thao tác trên người họ, rằng ông muốn làm gì đó cho Việt Nam, để sửa chữa lại những điều không tốt mà người Mỹ đã làm ở Việt Nam. Qua thầy tôi, tôi biết rất nhiều người Mỹ thường xuyên làm những điều tốt cho người dân ở bất cứ đâu.

Thì ra nước Mỹ cũng vẫn có những kẻ độc ác, nhưng những người tốt ở Mỹ có quyền và có thể bộc lộ quan điểm của mình, và sẵn sàng làm điều ngược lại với những kẻ xấu. Chính vì vậy, nước Mỹ có khả tự chỉnh sửa những khiếm khuyết, những sai lầm của mình. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ của chúng ta đã qua gần 70 năm, mà người dân ở đó vẫn cứ nghèo, và chưa biết bao giờ mới thoát được đói nghèo. Nước Mỹ chỉ cần 41 năm, từ khi Luther King bị ám sát năm 1968 lúc đang đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc, đến khi vị Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ nhậm chức vào đầu năm 2009. 

Nước Mỹ có khả năng sinh ra những đại công ty hàng đầu thế giới, nắm giữ những công nghệ lõi có khả năng biến đổi cả thế giới, từ đó làm bá chủ thế giới. Nước Mỹ không hoàn hảo. Nhưng khác với nhiều nước, nước Mỹ có đủ nền tảng về cơ chế, nền tảng kinh tế, nền tảng tri thức xã hội và nền tảng luật pháp, để từng bước phát triển và hoàn thiện dần.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: