Olympics 2024 kết thúc, với những lời bàn còn để mở

(Olympics.com)

Vậy là Thế vận hội Olympic tại Paris đã kết thúc với nhiều cảm xúc lẫn lộn. Vui có, buồn có, đó là những cảm xúc bình thường ở các kỳ Olympics.

Nhưng Olympic năm nay lại là một kỳ thế vận hội có nhiều điểm đặc biệt, theo nhiều nghĩa khác nhau.

Màn khai mạc gây tranh cãi

Olympics Paris khai mạc và đã gây ấn tượng mạnh với thế giới, nhưng lại không phải bằng một điều tích cực, khi nghệ sĩ Barbara Butch cùng các cộng sự đã có pha mở màn giễu nhại Bữa Tiệc Ly (The Last Supper) của danh họa Leonardo Da Vinci, gây ra một làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng Ki-tô hữu ở khắp nơi trên thế giới.

Tại Việt Nam, nơi có tới hơn 7 triệu tín hữu Công giáo cũng có những phản ứng mạnh mẽ. Nhiều người thay hình đại diện tẩy chay Olympic Paris, và thay hình bìa bằng Bữa Tiệc Ly trên không gian mạng xã hội. Linh Mục Anthony Đặng Hữu Nam – một người luôn hết lòng với giáo dân và từng có các hoạt động mạnh mẽ chống lại thảm họa môi trường biển Formosa tại Việt Nam trước đây – thậm chí còn nhấn mạnh: “Olympic Paris 2024 xúc phạm tôn giáo, đầu độc trẻ em.”

Giới nghệ sĩ thì có cách nhìn thoáng hơn. Khi đã quá nhiều năm sống dưới sự bóp nghẹt tự do sáng tạo của nhà cầm quyền cộng sản, họ luôn có khát vọng hướng đến chân giá trị tự do hơn. Nhạc Sĩ Tuấn Khanh viết trên trang Facebook cá nhân của anh: “Việc Olympic 2024 nhấn mạnh quyền của LGBT+, với dàn dựng này thật ra là hơi thiên vị, so với quá nhiều quyền khác trên thế giới cần được xiển dương, vốn đang bị tước đoạt và chà đạp, như quyền tự do ngôn luận, quyền được thương lượng tiền công với giới chủ, quyền tự do tư tưởng chính trị, quyền được chọn lựa lãnh đạo và thể chế… Tuy nhiên, mình chọn đứng về phía quyền tự do sáng tạo, dù không thích màn trình diễn này.”

(Facebook)

Sau khi bị nhiều phản ứng từ công luận, và thậm chí đã có hiện tượng các nhà tài trợ rút quảng cáo khỏi Olympic, ban tổ chức, sau những cố gắng ban đầu để phủ nhận thông tin, đã thừa nhận rằng màn biểu diễn gây tai tiếng trên quả thực đã được ‘lấy cảm hứng’ từ bức tranh Bữa Tiệc Ly. Sau đó, họ đã đưa ra lời xin lỗi về bất kỳ “hành vi xúc phạm” nào do tiết mục trên gây ra, nói rằng “không bao giờ có ý định thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với bất kỳ nhóm tôn giáo nào,” và mục đích là để “tôn vinh sự khoan dung của cộng đồng.”

Ngày 3 Tháng Tám, Tòa Thánh Vatican cuối cùng cũng đưa ra thông cáo chính thức về vụ việc, cho rằng lễ khai mạc thế vận hội năm nay tại Paris đã xúc phạm đến Cơ Đốc nhân và tín đồ của các tôn giáo khác, nhấn mạnh: “Tự do ngôn luận là một quyền hiển nhiên, tuy nhiên nên được giới hạn trong sự tôn trọng người khác.”

Một số người cho rằng, sự xuất hiện đầy nỗ lực sau bệnh tật của nữ danh ca Celine Dion đã cứu lễ khai mạc Olympic tại Paris năm nay khỏi một bàn thua trông thấy.

Olympic 2024 và một cuộc ‘khủng hoảng định nghĩa giới tính’

Không chỉ có màn khai mạc, Olympic tại Paris năm nay còn gây tranh cãi trên phạm vi toàn cầu về việc định nghĩa giới tính.

Imane Khelif, võ sĩ người Algeria, giành huy chương vàng (HCV) ở hạng cân bán trung của nữ (66kg) trong môn quyền anh, là người đầu tiên gây nên những ‘cơn bão’ tranh luận về giới tính của các vận động viên tham dự Olympic kỳ này. Sau cô là Lin Yu-ting, võ sĩ Đài Loan, người cũng vừa giành huy chương vàng (HCV) ở hạng cân 57kg nữ và cũng trong môn quyền anh. Trước đây, cả hai đều bị Hiệp Hội Quyền Anh Quốc Tế (IBA) nghi ngờ về giới tính. Dù vậy, Ủy Ban Olympic Quốc Tế (IOC) vẫn cho phép Imane Khelif và Lin Yu-ting  thi đấu tại Olympic Paris 2024 với tư cách vận động viên nữ trong môn quyền anh.

(Facebook)

Lập luận của những người phản đối đa số đều cho rằng sẽ thật không công bằng với những người nữ còn lại, khi cho những người có nhiễm sắc thể nam, và có mức hormone testosterone cao hơn nhiều so với trung bình chung của nữ giới.

Còn lập luận của những người bảo vệ đa số đều cho rằng ban tổ chức Olympic đã theo đúng luật của chương trình. Những người trên sinh ra đều mang bộ phận sinh dục nữ, và được xác định là nữ giới trong các giấy tờ tùy thân. Nancy Hanh Vy Nguyen, người Mỹ gốc Việt, có nhiều hoạt động nhân quyền cho Việt Nam, nêu nhận định:

“Cần nói rõ là ngay từ đầu, uỷ ban thế vận đã KHÔNG CHO PHÉP người chuyển giới tham gia thi đấu (…) Riêng trường hợp cô Khelif, cô ấy sinh ra với bộ phận sinh dục nữ, một cách tự nhiên, và mang trong mình bộ nhiễm sắc thể XY, cũng một cách hoàn toàn tự nhiên, nên không phải là ‘chuyển.’ Và vì cô ấy sinh ra với bộ phận sinh dục nữ nên đã được xác nhận là giới tính nữ từ khi chào đời.

Trước vấn đề này, tôi đồ rằng hội đồng Olympic đã có nhiều đắn đo. Xét về lý, cô ấy không vi phạm quy định của hội đồng Olympic đặt ra, cô ấy không phải là một người chuyển giới. Nếu chỉ xét về lý, cô ấy được quyền tham gia thi đấu, luật là luật, và cô ấy đã không phạm luật.

Tuy vậy, xét về tình, sức khoẻ của cô ấy vượt trội hơn các đối thủ khác, liệu có công bằng cho họ? Cá nhân tôi cho rằng quyết định cuối cùng cho phép Khelif thi đấu phù hợp về luật và nhân văn với cá nhân cô ấy, song, đã không nhân văn với những thí sinh còn lại.

Về phần Khelif, tôi không bao giờ muốn bất cứ một đứa trẻ nào nghĩ rằng cơ thể chúng mà cha mẹ, tạo hoá, ban cho là một sự khiếm khuyết, đến nỗi nó bị cấm đoán trong các sân chơi chung. Đó sẽ là một nỗi bất hạnh quá lớn lao mà một người phải đối mặt có thể là từ khi còn rất nhỏ.

Đối với các vận động viên khác, họ cũng dành cả cuộc đời để khổ luyện, cũng phải hy sinh rất nhiều, để rồi phải thua trước một đối thủ bẩm sinh đã có lợi thế hơn. Đó cũng là một nỗi đau, một mất mát lớn của đời người.

Không có giải pháp nào toàn hảo bởi sự toàn hảo không tồn tại. Nhưng nếu buộc phải chọn, như hội đồng Olympic đã buộc phải chọn, tôi sẽ chọn không để đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau chỉ vì nó trót sinh ra như thế.”

Việc hai nữ vận động viên tham gia thế vận hội lần này với giới tính nữ được nhiều tổ chức lên tiếng, bảo vệ, trong đó có cả Tổ chức Thúc Đẩy Bình Đẳng Giới Việt Nam (VOGE). Chủ tịch của IOC Thomas Bach cũng khẳng định: “Hai võ sĩ được sinh ra là phụ nữ, nuôi dạy như một phụ nữ, có hộ chiếu phụ nữ và đã thi đấu nhiều năm với tư cách phụ nữ. Không có bất kỳ nghi ngờ nào về việc họ là phụ nữ.”

Hiện vấn đề nêu trên vẫn gây chia rẽ sâu sắc giữa những người lên tiếng bảo vệ hai cô, và những người lên tiếng bảo vệ cho quyền lợi của những người phụ nữ còn lại.

‘Người về nhì vĩ đại’

Chưa có bao giờ, một người về nhì lại có thể gây ‘bão truyền thông’ theo một hướng tích cực như vận động viên bắn súng người Thổ Nhĩ Kỳ Yusuf Dikeç. Ông tuy chỉ dành huy chương bạc, nhưng bằng việc tham gia thi đấu bằng một phong cách bình thản và chỉ đeo kính cận thay vì là các trang bị chuyên dụng, ông đã chiếm sóng của giới truyền thông trong nhiều ngày qua. Bức hình ông một tay đút túi quần, ung dung ngắm bắn khi thi đấu nội dung súng ngắn hơi 10m đồng đội tại Olympic Paris 2024 đã thu hút tới hơn 80 triệu lượt xem chỉ sau chưa đầy nửa ngày được đăng lên mạng xã hội X.

(Olympics.com)

Sức ảnh hưởng do Yusuf Dikeç tạo ra là rất lớn, thu hút từ giới nghệ sĩ cho tới cả giới coder và những người sáng tác tranh, cũng đem hình của ông ra chế thành các meme hài hước. Dáng đứng khi bắn súng của ông cũng được một số vận động viên bắt chước theo. Thậm chí cho đến giờ, dù đã sau hơn 10 ngày đoạt bạc, Yusuf Dikeç vẫn là chủ đề tạo được độ nóng.

Một số người còn đùa rằng ông là sát thủ chuyên nghiệp, đi thi lấy HCV dễ như bỡn, nhưng chỉ lấy bạc thôi “để tránh sự chú ý.” Trang Seasia goal lấy hình ông để chế giễu sự chênh lệch quá lớn giữa thành tích của Việt Nam tại các kỳ Seagames, và thành tích Việt Nam tại đấu trường Olympic cũng thu hút hơn 30 ngàn lượt thích và nhiều lượt bình luận, chia sẻ…

Ảnh chế giễu về ‘thành tích VN’ của Seasia goal (trước khi Singapore có huy chương)

Sự lan tỏa rộng rãi của ông khiến cho những câu nói nổi tiếng như “không ai quan tâm khi bạn về nhì,” hay “Hãy là số 1, hoặc không là gì cả,” cũng được cộng đồng mạng đem ra chế lại. Ông đã chứng tỏ được rằng vị thế không quan trọng bằng sự độc đáo. Mà sự độc đáo ông đã tạo dựng được chính là phong thái thi đấu của ông. Nhiều người thậm chí còn không biết ai đã giành được huy chương vàng, nhưng biết rõ có ông Dikeç người Thổ Nhĩ Kỳ đã giành được huy chương bạc.

Dù sao thì giữa những bất cập trong kỳ Olympic vừa qua, ông Yusuf Dikeç đã là điểm sáng khi đã tạo ra được rất nhiều năng lượng tích cực trong cộng đồng, và đi vào lịch sử các kỳ thế vận hội như một “người về nhì vĩ đại.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Trồng khoai lang
Khoai lang rất tốt cho sức khỏe nhờ cung cấp nhiều chất xơ và vitamin, là loại củ có rất nhiều công dụng trong chế biến ẩm thực. Ngoài việc…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: