Đọc báo, không ngày nào không có những buổi hội họp của các hội ái hữu cựu học sinh, sinh viên trường này, trường kia, những buổi hội ngộ của những người đồng hương tỉnh này, tỉnh nọ. Có người cho đó là chuyện tào lao, vô bổ, của những người vô công rồi nghề. Người Việt ta như vậy: Những gì mình không làm đều là tào lao, vô bổ.
Tôi nghĩ ngược lại. Không những chuyện gặp gỡ, trao đổi là một nhu cầu của con người, còn rất ích lợi cho chính người tham dự, trước khi hữu ích cho một cộng đồng. Không có những sinh hoạt “vô bổ”, con người trở thành người máy, cộng đồng trở thành một cộng đồng chết. Bài này ghi lại nội dung những buổi nói chuyện, thảo luận thân mật với anh chị em hội Cựu học sinh Petrus Ký ở Conneburg, với nhóm Anh Em Tôi, đa số rất trẻ, ở Frankfurt, Đức Quốc, từ ngày 14 đến 18 Tháng Bảy vừa qua.
CƠM NHÀ NGÀ VOI
Tôi sống một nửa thế kỷ ở ngoại quốc, gấp hai thời gian sống trong nước, nhưng ngày nay, nghĩ lại, chỉ nhớ những kỷ niệm ở Việt Nam, mặc dù những ngày đó không có một xu dính túi. Có thể giải thích điều đó: Quê hương là đẹp hơn cả. Hay: 20 năm đầu tiên trong đời quyết định tất cả.
Cũng có thể giải thích cách khác: Những năm 1960 ở miền Nam Việt Nam, các hoạt động xã hội, văn hoá của sinh viên, học sinh miền Nam phát triển rầm rộ. Ngoài những buổi lên đường xuống đường, những đêm không ngủ, các hội đoàn mọc ra như nấm: Nguồn Sống, Du Ca, Phong Trào Học Đường Phục Vụ Xã Hội, Thanh Niên Thiện Chí, Thanh Niên Chí Nguyện…
Chúng tôi sát cánh bên nhau ca hát, vào các xóm nghèo, về vùng quê, lên cao nguyên làm việc từ thiện, dạy học, chích thuốc, đào giếng, cất nhà. Có người tham gia ngày cuối tuần, có người hoạt động suốt ba tháng hè, hay bỏ học làm việc xã hội, ở những vùng còn tạm yên.
Đó là cơ hội khiến chúng tôi khám phá một đất nước gấm vóc, những văn hoá muôn dạng của đồng bào thiểu số, khiến chữ “yêu nước, thương đồng bào” không phải là những từ ngữ trống rỗng.
Sau này, gặp lại những người tích cực tham gia đời sống cộng đồng, kể cả khi về già, đều là những người đã ăn cơm nhà, vác ngà voi thời trẻ. Đã vác ngà voi một lần, sẽ vác suốt đời. Bởi vì chúng tôi khám phá ba điều.
Thứ nhất: Tìm thấy hạnh phúc trong cái hạnh phúc của người khác. Sau này, có phương tiện, có cơ hội hưởng thụ, không bao giờ tìm lại được sự xúc động như khi thấy mấy em nhà nghèo ê a đọc những trang sách đầu tiên trong đời. Hay buổi tối ngồi hát bên nhau, chào mừng một cái giếng vừa đào, một lớp học vừa cất.
Thứ hai: cảm thấy mình có ích. Không có gì buồn thảm hơn một người thấy mình vô ích, vô dụng.
Thứ ba: thấy mình không đơn độc, có bạn bè, mình là thành phần của một cộng đồng, một nhóm. Có cảm tưởng cùng nhau có thể làm bất cứ chuyện gì. Cái tình bạn thời trẻ đó đôi khi kéo dài cả đời người. Đó là tình bạn thực.
VÔ CẢM
Người ta vẫn trách tuổi trẻ ngày nay vô cảm, chỉ biết hưởng thụ, cá nhân chủ nghĩa, thờ ơ với xã hội, với đất nước. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ tuổi trẻ nào cũng có lý tưởng, cũng chống bất công, cũng muốn có ích cho xã hội, nhưng chế độ đã biến họ thành những người vô cảm, bởi vì không có gì tốt hơn cho độc tài bền vững hơn là những người dân vô cảm.
Người ta không sinh ra vô cảm, người ta trở thành vô cảm. Khi còn trang Facebook, tôi viết vài bài vớ vẩn, khô khan, tưởng không ai đọc, ngạc nhiên thấy nhiều bạn trẻ gởi mail, cho hay “nhờ chú mà cháu biết về di cư 54, về Tự Lực Văn Đoàn, về boat people, hiểu thêm về chiến tranh Việt Nam và những lý do đưa đất nước đến băng hoại…”, và muốn gặp để trao đổi thêm. Cái tò mò muốn hiểu hơn sự thực về đất nước mình chưa bị xoá, dù tuổi trẻ bị nhồi sọ, tẩy não.
CON VẬT CHÍNH TRỊ
Aristote, triết gia Hy Lạp, bốn thế kỷ trước Thiên Chúa giáng sinh, định nghĩa con người là một con vật xã hội ( l’homme est un animal social).
Hannah Arendt, triết gia Đức, sửa lại: Aristote muốn nói người là một con vật chính trị (l’homme est un animal politique), vì thời Aristote chưa có chữ xã hội.
Chính trị ở đây không có nghĩa là làm chính trị, lập đảng, tham gia chính quyền. Chính trị là tham gia vào đời sống cộng đồng.
Con vật cũng có đời sống xã hội, phân công trách nhiệm, đôi khi cực kỳ chặt chẽ, như loài ong, loài kiến, nhưng cái khác là con người, animal politique, tham gia đời sống xã hội (Aristote gọi là cité, thành phố), thảo luận, trao đổi để cải thiện đời sống. Từ sự sống chung đó đẻ ra những quy ước xã hội, phong tục, luật lệ, văn hoá.
Theo Aristote, tất cả đều là những con vật chính trị, có nhu cầu sống chung, trừ những người dưới loài người, coi như con vật (animal), hay hiếm hơn nữa, đứng trên loài người, là những bậc thánh (Dieu). Sống chung, tham gia vào đời sống cộng đồng là một nhu cầu, sau nhu cầu thở, ăn uống.
KIM TỰ THÁP MASLO
Nhà xã hội học Hoa Kỳ Abraham Maslow, từ 1943, nổi tiếng với thuyết về nhu cầu của con người (Theory of Human Motivation), tóm tắt những nhu cầu đó trong một mô hình cũng nổi tiếng không kém, gọi là Kim Tự Tháp Maslow (Pyramide de Maslow).
Kim tự tháp Maslow chia nhu cầu của con người ra năm tầng.
Tầng dưới cùng, những nhu cầu tối cần: Thở, ăn, uống, tình dục, ngủ…
Tầng thứ nhì: Sau nhu cần ăn, ngủ, con người tìm an ninh, công việc, tiền bạc, gia đình, sức khoẻ, tài sản, của cải.
Tầng thứ ba: Tình bạn, tình nghĩa gia đình (khác với có gia đình ở tầng hai), tóm lại, nhu cầu thuộc một nhóm, là thành phần của một cộng đồng.
Tầng thứ tư: Thành công trong xã hội, nhu cầu được người khác kính trọng, tự tin, tự trọng.
Tầng cao nhất: Nhu cầu luân lý, sống trong sự tử tế, nhu cầu sáng tạo (văn học, nghệ thuật), nhu cầu có khả năng giải quyết những vấn đề, mở mang trí óc, thoát khỏi những thành kiến.
Như vậy, nhu cầu thuộc một nhóm, đóng góp, tham dự, chia sẻ với một cộng đồng ở từng thứ ba.
Nếu chỉ biết ăn ngủ, làm tình, ăn xong lại nằm, là còn lẩn quẩn ở tầng thứ nhất, sống theo bản năng.
Nếu chỉ nghĩ, chỉ ham mê vật chất, kiếm tiền, mua nhà, mua xe hơi, mua hột xoàn, mua giầy Nike, sac Vuiton, là chưa thoát khỏi tầng thứ nhì.
Muốn leo lên tầng trên, cần đôi chút nỗ lực, cần tự đặt câu hỏi, tự xét lại. Khi lên tầng trên, sẽ tìm thấy một cuộc đời giầu có hơn là tiền bạc, phong phú hơn là cuộc sống chỉ có thú vui vật chất. Lúc đó, người ta sẽ hiểu những cái vô bổ, những thú vui tinh thần, không có ích lợi thực dụng, không ăn được, là những nhu cầu thiết yếu, để đời sống đáng gọi là đời sống.
CẦN NHAU ĐỂ LÀM GÌ
Chúng ta cần có nhau để làm gì?
-Để tương trợ lẫn nhau. Từ thời thượng cổ, con người đã cần nhau sống còn, để săn bắn, để đương đầu với đe doạ của thiên nhiên.
-Để trao đổi, học hỏi lẫn nhau.
-Để đụng độ các ego, hiểu rằng có người nghĩ khác mình, sự thực chỉ tương đối, từ đó cởi mở hơn, không bị trói chặt trong các thành kiến như khỉ giữ ống.
-Cùng với người khác, ta sẽ mạnh hơn, sẽ lây sự nhiệt thành của người khác.
Không phải vô lý mà tất cả những chế độ độc tài đều sợ “tụ tập đông người”. Gặp gỡ nhau cũng là một cách chia sẻ những đau thương của chính mình. Cái gánh nặng đau buồn khi được chia sẻ sẽ nhẹ đi. Đó chính là lý do người Tây Phương tìm gặp các bác sĩ tâm lý.
Người Việt ta không có thói quen thổ lộ tâm tình, với người lạ, hay người quen, kể cả cha mẹ, anh em, con cái. Mỗi người Việt là một bi kịch biết đi. Một bi kịch câm lặng biết đi. Không người Việt nào không là nạn nhân của chiến tranh, chia ly, tang tóc. Cái thảm kịch của dân tộc, của mỗi người chúng ta khủng khiếp hơn bất cứ những trang tiểu thuyết bi thảm nhất.
Gói trọn cái thảm kịch đó trong đầu, ngồi một góc nhà, chúng ta không thể tìm thấy an bình, dù đã thành công trong đời. Gặp gỡ nhau là một cách chia sẻ cái gánh nặng ấy với người khác. Có chung một cảnh ngộ, chúng ta, một cách vô thức, chia sẻ bi kịch cá nhân, không cần lời nói, không cần tâm tình, không cần giải thích.
Một nghiên cứu cho hay một nụ cười, một khuôn mặt thân thiện tạo ra một phản ứng hoá học nơi người nhận, cũng như người cho, khiến người ta yêu đời hơn.
Ngày nay có rất nhiều “club de rire”, hay club de yoga du rire (laughter yoga), nơi người ta đến để cười chung với nhau. Nhìn từ bên ngoài, thấy lố bịch, nhưng những người đã tham dự nói sau một buổi cười với nhau, người ta thấy gần gũi nhau hơn, gánh nặng ưu phiền nhẹ hẳn đi.
THẾ GIỚI ẢO
Những tiến bộ kỹ thuật thông tin đáng lẽ làm chúng ta gần nhau hơn, đã đẩy chúng ta xa nhau. Nhà nhân chủng học Anh Robin Dunbar nói mỗi người chỉ có thể có tối đa năm người bạn thực là bạn. Sau này, với mạng xã hội, người ta có thể có hàng ngàn “friends”, nhưng đó là thế giới ảo. Có người nói nhiều bạn bè trên mạng cũng như tỷ phú trên Monopoly (một trò chơi ăn thua bằng tiền giả).
Chúng ta nói chuyện với những người xa lạ bên kia địa cầu, quên cả bạn bè, người thân bên cạnh. Hình ảnh quen thuộc ngày nay là một bữa cơm gia đình, mỗi người chúi mũi trên smart phone, sống trong thế giới ảo. Gặp gỡ, tham dự những sinh hoạt cộng đồng là một cách hữu hiệu để bớt cô đơn, để tìm lại chính mình. Với điều kiện gặp nnhau không phải chỉ để khoe hột xoàn, xắc Chanel, xe mới.
TIẾNG VIỆT CÒN…
Người Việt ở hải ngoại gặp nhau cũng là cơ hội để tiếng Việt khỏi bị quên lãng, để văn hoá Việt khỏi bị chôn vùi. Phạm Quỳnh nói: Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn; tiếng Việt còn, nước Việt còn.
Ngôn ngữ là sợi dây nối những người đồng hương với nhau. Khi sợi dây đứt, dân tộc tan vỡ thành những mảnh vụn. Chuyện bảo vệ tiếng Việt càng quan trọng, khẩn cấp hơn khi tiếng Việt bị tra tấn, hành hạ bằng những từ ngữ mới, ngây ngô, vô nghĩa, những cách diễn tả lai Tàu, lai Tây, lai Mỹ…
Những tệ hại đó nhan nhản, chỉ cần mở một tờ báo, một đài truyền hình, nghe một video. Đôi khi vì ngu dốt, đôi khi vì vô ý thức, nhưng nguy hiểm hơn, đôi khi vì một chế độ muốn xoá bỏ văn hoá cũ, con người cũ, để đào tạo con người mới, sản phẩm của chế độ, dùng ngôn ngữ của chế độ, suy nghĩ như chế độ. Không phải vô tình mà người Cộng sản đốt sách, đốt nhạc, bỏ tù văn nghệ sĩ, khi chiếm miền Nam năm 1975.
TỪ GIA ĐÌNH TỚI XÃ HỘI
Một đặc điểm của xã hội Việt Nam là tinh thần gia đình, cực mạnh. Vì gia đình, người ta quên mình, quên cả sống, hy sinh vô bờ bến. Cái tôi không có, chỉ có con cái, anh chị, bố mẹ, ông bà. Gia đình là thành trì cuối cùng trong một xã hội băng hoại. Thành trì đạo đức, nhân phẩm, thành trì văn hoá, thành trì của tình người.
Không có gia đình mạnh, xã hội Việt Nam đã tan rã, dân tộc Việt đã giải thể từ lâu. Vấn đề là cái văn hoá gia đình cực mạnh đó khiến chúng ta sao lãng, thờ ơ với xã hội. Một quốc gia đúng nghĩa không thể chỉ là những ốc đảo lẻ loi, là hàng triệu gia đình, sống bên cạnh nhau, nhưng không có nỗ lực chung để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Tham dự đời sống cộng đồng chính là “nối vòng tay lớn” với xã hội.
VĂN HOÁ
Milan Kundera, văn hào Pháp gốc Tiệp, vừa từ trần, đặt câu hỏi: Tại sao các nước Âu Châu đứng vững, tồn tại ngàn thu, không thế lực nào xoá bỏ được, mặc dù chỉ là những quốc gia rất nhỏ, ít người, biên giới bị các “bên thắng cuộc” trong lịch sử vẽ đi vẽ lại?
Kundera trả lời: cái giữ vững Âu Châu là văn hoá. Âu Châu là một vùng văn hoá cực kỳ phát triển. Với nền tảng văn hoá đó, những chế độ độc tài từ Nazi tới Cộng Sản, dù tàn bạo tới đâu, cũng chỉ là dấu ngoặc của lịch sử. Tham dự, đóng góp cho đời sống cộng đồng là một cách, ít hay nhiều, đóng góp cho việc bảo tồn văn hoá Việt.
Từ Thức, Paris, Tháng Bảy 2023