Khoảng năm 1990, trong một dịp tình cờ, tôi gặp vị một Hòa thượng có hiểu biết rất sâu rộng, và có khoảng hơn một giờ đàm đạo với ông. Sau này tôi mới biết, ông là Hòa thượng Thích Đức Nhuận, một đại thụ trong giới tu học.
Câu chuyện bắt đầu từ bộ truyện Tây Du ký. Với lối nói chuyện vừa dí dỏm, vừa sắc sảo, ông cho biết, Ngô thừa Ân đã dùng nhiều thủ pháp để tôn vinh Đạo Phật. Thế rồi câu chuyện chuyển sang Phật giáo. Thì ra là Phật giáo Đại thừa của Việt nam khi đó chưa được hệ thống Phật giáo quốc tế công nhận (hình như chỉ có tư các quan sát viên gì đó).
Qua Hòa thượng Thích Đức Nhuận, tôi mới biết, là Đạo Phật có Tiểu thừa và Đại thừa, trong đó Tiểu thừa được xem là chính thống. Ông cũng cho biết, Tiểu thừa là tu khổ hạnh, ngày ăn một bữa trước Ngọ, ngày đi khất thực, tối về chùa ngủ (tôi không chắc Hòa thượng nói là họ về chùa ngủ, nhưng tôi cứ đinh ninh là họ về chùa ngủ). Họ không được ngủ trên giường mà chỉ được nằm dưới đất. Rồi ông mô tả bước chân đi của những người tu theo cách đó. Họ đi rất chậm, chân sau đặt đúng vào chỗ của chân trước, để tránh đạp nhằm sâu bọ, cây cỏ.
Trước đó, tôi không có khái niệm gì về các môn phái của Đạo Phật. Hiểu biết duy nhất của tôi về Đạo Phật là đọc cuốn tiểu thuyết gì đó về cuộc chiến chống Pháp, mô tả một nhóm thầy chùa không ăn chay vừa tham lam, vừa độc ác. Hồi đó, tôi hiểu rằng, đã tu là phải ăn chay. Vì vậy, khi Hòa thượng Thích Đức Nhuận nói rằng phái không ăn chay mới là phái chính thống của Đạo Phật, còn phái ăn chay là do Đạo Phật qua Trung quốc rồi cải biên, tôi khá bất ngờ.
Mặc dù chỉ gặp Hòa thượng Thích Đức Nhuận có một lần đó, nhưng ông đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Tôi hoàn toàn không ngờ rằng, khi tôi gặp, Hòa thượng đã trên 90 tuổi. Khi đó, ông rất hoạt bát, nhanh nhẹn và đầy năng lượng. Thực tình khi đó tôi nghĩ ông chỉ khoảng 70 tuổi là cùng.
Sau khi tôi gặp ông, tôi để ý, thì thấy có rất nhiều người đi tu theo cách mà ông mô tả những người tu theo phái tu khổ hạnh của Tiểu thừa. Tôi gặp họ ở rất nhiều con đường ở Sài Gòn. Các vị ấy đi chậm, mắt nhìn thẳng, tay bưng bình bát, chân sau bước gần đúng với chỗ chân trước đặt. Họ cứ thế đi mà không dừng, không nhìn, ngay cả khi người ta bỏ đồ vô bình bát. Tôi không biết họ có nhận tiền hay không, nhưng đồ ăn, trái cây thì tôi thấy.
Có một giai đoạn thấy báo chí nói có một số kẻ ăn xin giả dạng thầy tu theo kiểu đó. Một lần, tôi thấy ai đó mắng chửi một ông mặc áo vàng cầm bình bát đi xin, cho rằng ông ta giả tu. Tôi đã để ý ông này trước khi ổng bị chửi. Ổng không đi như mấy ông kia, mà bước chân như thường nhưng chậm hơn đi bình thường một chút. Mắt không nhìn thẳng mà đảo lung tung.
Thế rồi sau đó, hình như có qui định gì của nhà nước cấm không được đi tu theo kiểu đi xin như vậy.
Kể từ đó, tôi rất ít thấy các thầy tu như vậy ở Sài Gòn. Tuy nhiên, ngay bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp họ, nhưng khá là hiếm hoi so với trước đây.
Tôi hơi lạ khi ai đó nói gần cả trăm năm nay ở Việt Nam không có ai tu khổ hạnh như Ngài Thích Minh Tuệ.