Có rất nhiều đồn đoán về con người và công việc của Huy Đức. Lời đồn nào cũng đinh ninh tỏa ra từ khói và suy đoán nào cũng trưng tấm biển rút ra từ cốt lõi sự thật.

Anh A. thì thầm với tôi Huy Đức mang hàm đại tá, chị B. như đinh đóng cột rằng Huy Đức thuộc phe này phe kia, rằng tài sản lên tới vài trăm tỉ. Tôi nghe, nhìn, ngửi, rồi tôi nghĩ. Nghĩ một hồi, mặc cho câu hỏi Huy Đức thực ra là ai vẫn còn lơ lửng giữa hoài nghi, tôi gạt hết các giả định sang một bên, để đôi mắt chỉ còn nhìn thấy nhà báo Huy Đức, ngòi bút “khai dân trí” bằng lý trí số một Việt Nam hiện nay.

Theo quan sát của tôi, đa số người viết phản biện có tiếng (nhiều like) ở Việt Nam thường đi theo mấy hướng.

Một là “bày” ra các trường hợp quan chức (đảng viên) tham nhũng, khinh dân, dâm ô đồi trụy, bán tâm mua tước… rồi kết luận bằng bốn chữ viết hoa kinh điển: ĐMCS. Hai là bới bèo ra bọ, đi sâu vào những chuyện vụn vặt, những chuyện có thể xảy ra ở bất cứ chế độ nào, bất cứ xã hội nào, rồi dùng cảm tính để bình phẩm, hạ bệ chế độ mình không ưa. Ba là quá tin tưởng, trông chờ vào sự ủng hộ, giúp sức của Âu – Mỹ cho cuộc cách mạng nào đó vẫn còn chưa viết đề cương, vẫn chỉ là vài ba mảnh của một cơn mê rời rạc. Kiểu tin đồn thất thiệt, chửi đổng cho bõ tức, chửi đổng để trục lợi… tạm thời không tính.

Huy Đức khác họ. Dù anh đưa ra vấn đề gì, cuối cùng cũng hướng người đọc đi tới đường ray cải cách. Dù anh “rời rạc” hay không “rời rạc”, mong muốn thường trực vẫn là một nhà nước pháp quyền, trong đó luật phải thay đổi để theo kịp sự phát triển của xã hội, trong đó các cơ quan hành pháp, tư pháp cũng như người dân phải dựa vào luật để làm việc, để sống. “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”, câu khẩu hiệu tuyên truyền tiến bộ nhất kể từ năm 1946.

Bạn sẽ lắc đầu. Xã hội này vận hành theo luật rừng, luật tiền, luật quyền, làm gì có chỗ cho luật pháp? Những người như Huy Đức, trong đó có tôi, muốn tác động đến bạn, để thay vì ngồi than thở, bạn từ từ đứng lên, từ từ bước từng bước một. Có thể trên đường đến cán cân công lý, bạn sẽ ngã, bạn bị thương, bạn chết. Nhưng ít nhất bạn cũng đã bước đi.

Huy Đức và tôi đã nhiều lần ngồi nói với nhau rằng: với lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam thì không nên có thêm bất cứ cuộc cách mạng bạo lực nào. Mà nên dò đường, làm đường, đi từng bước chậm bước chắc tới đổi thay. Và phải tự mình làm đường, đừng trông ngóng, đừng cậy nhờ ai đó bên ngoài sẽ bước vào, làm thay cho bạn.

Huy Đức và tôi cũng đồng quan điểm về ông Hồ Chí Minh, ông Lê Duẩn và một số “huyền thoại” khác. Anh luôn phân tích, nhìn nhận, đánh giá họ như những nhân vật lịch sử chứ không phải thánh nhân hay tội đồ. Dưới góc nhìn đó, như biết bao con người khác, họ có mặt này mặt kia.

Có thể nói, với những gì đã viết, Huy Đức là nhà báo “có lợi” cho nhà nước, cho dân nhưng lại bất lợi cho một vài lãnh đạo cấp cao. Tôi về Hà Nội đúng ngày Huy Đức bị bắt. Nín lặng, tôi đi trên phố, thấy cây sấu già rụng xuống những quả non. Tôi thấy Huy Đức gầy xanh, mỏi mệt, xương vai nhô cao bên dưới chiếc áo thun thủng một lỗ ngay chỗ trái tim. Lỗ thủng ấy chẳng đau đớn gì đâu. Chỉ là Huy Đức không chịu quảng cáo không công cho thương hiệu áo thun nên đã cắt bỏ logo.

Cho dù Huy Đức làm cho ai, anh cũng sẽ không để tên họ trên ngực.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: