Mỗi năm, khi giai phẩm Xuân của các báo được bày bán tràn ngập trên các sạp, chợ hoa đường Nguyễn Huệ tưng bừng khai trương và náo nhiệt với hàng hàng lớp lớp khách hàng mua bông chưng Tết, ta thấy mùa Xuân và Tết Nguyên Đán đã cận kề.
Những bản nhạc rộn rã chào xuân đón Tết của các chương trình văn nghệ đặc biệt, phát đi từ đài phát thanh Sài Gòn làm bầu không khí gia đình Thày/Ba Mẹ tôi vui tươi hơn trong những ngày cuối năm Âm lịch, vang lên từ chiếc “Radio National 3 băng (band) AM/FM/SW” để trên kệ sách.
Như thông lệ, ngày 28 Tháng Chạp mỗi năm, cạnh bể nước mưa ở sân sau nhà, cô Mận – em út của Thày tôi – ngồi rửa rồi lau sạch từng chiếc lá dong. Mẹ lo phần vớt gạo nếp đã ngâm qua đêm trong nước lạnh với chút muối cho vị bánh thêm đậm đà, xóc đậu xanh cho sạch để đem vào trong nhà cho Thày tôi gói bánh chưng. Trong gian nhà trên, cách nhà bếp một sân xi-măng, những thau đựng thịt heo ba chỉ đã được Mẹ ướp với hạt tiêu đen xay, đặt cạnh những thau đậu xanh và gạo nếp. Thày tôi ngồi gói bánh trên chiếc ghế gỗ thấp, xếp lá giong lên một mâm đồng đặt trên cái chiếu hoa cũ với những sợi lạt mềm.
Lạt được làm từ những ống giang khô – một loại tre có đốt dài – được mua về trước cả tuần, ngâm nước, chẻ ra những thanh nhỏ rồi tước thành từng sợi lạt mỏng. Những chiếc bánh chưng được gói chặt tay vuông vức, xếp vào trong nồi nấu là một thùng phuy đã cắt đôi, sau tám chín tiếng luộc xong được vớt ra và rửa sạch từng chiếc trong một chậu thau lớn bằng nước lạnh, rồi Thày tôi nắn lại cho vuông trước khi xếp ngay ngắn lên tấm ván gỗ thật lớn và dầy, được nén bằng một tấm ván lớn khác với những hòn gạch để bên trên, để ép cho nước luộc từ từ thoát ra khỏi tấm bánh.
Thày tôi được tiếng trong dòng tộc là người khéo tay, gói bánh không dùng khuôn nhưng chắc và đẹp đều. Năm nào cũng vậy, vài tuần trước tết, Mẹ tôi mua sẵn mấy yến gạo nếp hạt dài và dẻo (1 yến = 10kg) để đến ngày giáp Tết gói bánh biếu họ hàng và cho con cháu ăn Tết đến “ra Giêng”, cùng với những nồi thịt heo, thịt gà nấu đông, những hũ hành tía, củ kiệu muối, và cả dưa món làm bằng củ cải trắng với cà rốt.
Tiếng súng nổ trong đêm Giao thừa kéo dài sang mồng một Tết Mậu Thân. Qua tiếng radio mở thật nhỏ, gia đình tôi biết tin Việt Cộng đã tổng công kích trên toàn quốc, bất chấp lệnh hưu chiến Tết Nguyên Đán mà họ đã cam kết. Cả nhà tôi ngồi im trong tăng-xê (trancée) dưới tầng trệt của căn nhà hai tầng để tránh bị lạc đạn và miểng đạn pháo kích. Tăng-xê làm bằng những bao cám, bao bột ngô/bắp và những bao gạo lức dùng làm thức ăn cho heo, được Thày tôi xếp ngang dọc chung quanh và che phủ trên nóc của những thanh gỗ lớn mà anh em tôi vác từ dãy chuồng heo ở phía sau nhà lên.
Sáng Mồng Hai Tết, tiếng súng nổ và tiếng đạn pháo ngày càng ầm ĩ ở đầu ấp Dân An 10, kế cận nhà Cha Xứ Lạng Sơn cư ngụ và tiếp giáp với làng “Nam” thuộc ấp Dân An 6, khu vực của những người “Nam” – dân địa phương tại miền Nam – sống lẻ loi, rải rác dọc theo tuyến đường cắt chéo đến khu nhà thờ xứ Thông Tây Hội và khu dân cư gần các cơ xưởng của trường Quân Cụ, cũng như xứ đạo Xóm Thuốc.
Khoảng 10 giờ sáng, một vài lính Việt Cộng đã đột nhập vào khu vực tiếp giáp với nhà xứ Lạng Sơn, rồi để lại một người với cây AK trên tay, đứng gác ngay trước cửa tiệm sửa chữa, vá vỏ xe đạp của anh Khái tại ngã tư Lạng Sơn.
Khi không có bóng dáng trực thăng và phi cơ quan sát bay trên bầu trời, từng nhóm lính Việt Cộng, có lẽ từ mật khu Dương Minh Châu băng qua miền Thạnh Lộc Thôn, rồi vượt qua kinh nước đen chảy đến cây “cầu cụt” giáp ranh hãng bột ngọt Thiên Hương, Vị Hương Tố ở xã Tân Thới Hiệp, khom mình chạy lúp xúp băng qua cánh ruộng khô vào khu dân cư thưa thớt để xâm nhập vào vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất.
Đường xá vắng tanh khi chiếc đồng hồ treo tường chỉ gần sáu giờ chiều, ánh nắng và nhiệt độ chiều ngày Mồng Hai đã bớt nóng, nhưng tiếng súng vẫn nổ chát chúa, vang vọng khắp vùng ngoại ô Sài Gòn. Anh em chúng tôi sửa soạn theo Mẹ và Cô tản cư xuống nhà ông bà Bẩy và chú thím Cơ, những người đồng hương ở xứ Bắc Dũng – một xứ đạo nằm khoảng giữa vùng Xóm Mới và Thày tôi ở lại một mình để giữ nhà. Từ ngoài đường, bóng dáng cha Gioakim Nguyễn Đình Quyến – Chánh Xứ giáo xứ Lạng Sơn – tuổi trung niên dáng gầy và khắc khổ, mặc chiếc áo bà ba trắng, quần đen, đi đôi dép da đang rẽ bước vào nhà tôi.
-Chúng con kính chào Cha – Thày tôi nói và gật đầu chào Cha.
-Chào ông Chánh, ông và nhà dùng cơm chưa? – Cha hỏi.
-Dạ thưa Cha rồi, các cháu sửa soạn tản cư xuống xứ Bắc Dũng, để con dọn cơm mời Cha dùng – Thày tôi trả lời và mời Cha.
-Thôi, Cha không đói, nguyện kinh tối xong, Cha sẽ ngủ lại đây với ông Chánh – Cha Quyến nói.
-Dạ – Thày tôi trả lời.
Thày tôi thắp nến trên bàn thờ để Cha thầm cầu nguyện và lui vào trong sửa soạn chỗ ngủ cho Cha. Sau đó, Cha hỏi thăm về sinh hoạt gia đình tôi trong mấy ngày Tết. Thày tôi đề nghị Cha nên rút lui vào trong các xứ khác để tránh nguy hiểm. Cha cho biết Ngài và Cha Phó Xứ sẽ ở lại và lui tới các gia đình để giúp đỡ khi cần. Ngồi nói chuyện trong ít phút rồi Cha đi qua thăm hỏi vài gia đình kế cận, và cuối cùng Cha ngủ lại nhà ông Trùm Khang, cách nhà tôi hai căn, thay vì trở lại nhà chúng tôi.
Xóm Mới là một khu vực đồng bằng rộng lớn, ngoại ô quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định với mười một xứ đạo và ngôi chùa Tiên Long kề cận bên nhau. Giáo dân và Phật tử đa phần là những người miền Bắc di cư vào miền Nam năm 1954, nên cuộc sống rất hài hòa, thân tình. Xứ đạo Lạng Sơn là khu vực bị ảnh hưởng bởi trận tổng công kích vì nằm cạnh tuyến đường xâm nhập của Việt Cộng từ mật khu vào Thạnh Lộc Thôn, cắt đường, băng qua ấp Mười để tấn công vào vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất. Tiếng súng vẫn nỗ dòn dã khắp đó đây suốt đêm khuya.
Trời vừa mờ sáng, Thày tôi chạy đến nơi Mẹ và anh em tôi cùng nhiều gia đình khác đang trú ngụ qua đêm, báo tin Cha Quyến đã bị miểng đạn pháo kích văng trúng đầu chết tại chỗ, ngay tại cửa hầm tránh bom đạn ở gian bếp nhà ông Trùm Khang khi Cha đang chạy vào để ẩn núp. Chú Giáo Thuấn – chồng dì út tôi – ngồi sát cửa hầm cũng bị miểng nhỏ ghim trúng mí mắt. Những người còn lại trong hầm như ông Trùm Khang, ông trưởng ấp Phạm Văn Lược, một vài người trong ban An ninh và Nhân dân Tự vệ của giáo xứ và ấp đều không hề hấn gì. Tất cả đều tin rằng Cha đã lãnh đạn thay cho mọi người trong hầm.
Tin Cha Quyến, Chánh Xứ Lạng Sơn, đã ở lại và chết giữa đoàn chiên làm mọi người thêm lo âu, và rồi từng đoàn người nối đuôi nhau tìm đường chạy trốn tiếp, các gia đình nối đuôi theo nhau đi bộ hơn bốn cây số đến tạm trú tại trường Don Bosco gần chợ Gò Vấp, trong đó có gia đình tôi. Trước khi đi, Thày tôi đã cẩn thận bỏ tất cả những chiếc bánh chưng vào các bao tải, buộc dây thừng và thả xuống giếng nước cạnh nhà bếp cho khỏi bị hư.
Tuần lễ sau khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa đánh bật và tiêu diệt được đám tàn quân Việt Cộng khỏi thủ đô Sài Gòn và các vùng phụ cận. Cùng với nhiều gia đình, chúng tôi trở về lại nhà, và lần đầu tiên dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, gia đình chúng tôi ăn Tết, đón Xuân muộn màng trong tang tóc, với những chiếc bánh chưng được kéo lên từ đáy giếng nước. Cũng nhờ bánh được gói chặt tay, nên không có chiếc nào bị ngấm nước vào trong ruột, vẫn thơm mùi nếp và rắn chắc như đã để vào tủ lạnh vậy.
Trận tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 của Việt Cộng tuy bị thất bại hoàn toàn nhưng để lại biết bao tang thương và hệ lụy cho mọi người. Các tỉnh địa đầu giới tuyến miền Trung như Quảng Trị, cố đô Huế và vùng phụ cận tan hoang với hàng trăm ngôi mộ của những người bị chôn sống hoặc bị giết tập thể, bắn hàng xâu người, với những cuộn dây thừng còn trói giật cánh khủy, vùi lấp trong các hố chôn nông sơ sài. Có những hố chôn còn thấy bàn chân hay một phần cánh tay người nhô lên mặt đất. Nhà thờ, cổ thành, hoàng cung và các khu dân cư đổ nát với những đống gạch vụn, những bức tường loang lổ máu người cùng với những vết đạn chi chít như đan vào nhau.
Khi tiếng súng còn đang nổ dòn để săn bắt tàn quân thì bốn anh em chúng tôi cũng như những thanh niên sinh viên cùng trang lứa đã lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên. Thời gian thắm thoắt qua đi, và năm 1973, người đồng minh năm nào đã quay mặt bước đi trong kế hoạch được giới truyền thông gọi là “Tái phối trí chiến lược toàn cầu”, cắt đứt ngoại viện và quân viện, bỏ rơi không thương tiếc một chế độ với quân lực thiện chiến, từng sát cánh chiến đấu bên nhau vì lý tưởng tự do.
Nắm bắt cơ hội ngàn năm một thuở, đảng Cộng Sản Liên Xô cùng Trung Quốc và đảng Cộng Sản Việt Nam đã bắt tay nhau, xé nát bản Hiệp định Paris 1973. Với tham vọng bá quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam và dưới sự chỉ đạo cùng chi viện bất tận của hai đảng cộng sản đàn anh Liên Xô và Trung Quốc, máu lửa một lần nữa tràn ngập trên quê hương Việt Nam thân yêu với những trận tấn công biển người, đẫm máu. Và cuối cùng, trận chiến đã dẫn đến biến cố 30 Tháng Tư 1975 đưa dân tộc đến đói nghèo, mất tự do cùng với biển đảo và biên giới thống thuộc vào Trung Quốc theo từng năm tháng.
Dù ít hay nhiều năm phục vụ trong đời quân ngũ, những người thanh niên Việt Nam phục vụ dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã phải trải qua những mùa Xuân tang thương trong những trại tù nằm sâu trong các miền rừng núi biên giới, và sau ngày trở về từ các trại tù đã thành những người lữ khách trên đất lạ quê người, hoặc bị lưu đày trên chính quê hương mình chỉ vì đã sống và phục vụ cho một chế độ dân chủ và tự do.
Những mùa Xuân lao động trong rừng sâu, gặp được những bông mai trong nắng sớm và những giò lan cùng với các bạn tù và những cán binh Việt Cộng canh giữ đã làm tâm tư tôi xao xuyến, liên tưởng đến những bông mai nở trên cổ áo ngày nào, cảm thông với những giò lan đang bị rêu phong ôm cứng trong rừng. Nhìn những nấm mộ hoang vu ven bìa rừng, những thân cây cháy nám đứng nằm, mà nhớ đến thân phận của những người tù không tội, đang sống đọa đày hay đang ngủ yên trong cánh rừng già bên gò mối, cùng với tình người dân quê đang sống ven rừng.
Vượt qua con suối gặp mai
Đường đi không đến ngày dài thương đau
Rừng già in dấu chân người
Rêu phong ôm rễ giò lan trong rừng
Cây khô cháy nám đứng nằm
Nhìn nhau những thấy thương đau đoạn trường
Con đường khúc khuỷu quanh co
Gần xa thúng sắn rổ khoai trước nhà
Bóng người xiêu đổ trong sân
Chợt nghe có tiếng mời chào thân thương
Gởi người một chút hương xuân
Tương giao nghĩa cũ tình người dân quê
Nắng vàng mờ nhạt cuối thôn
Gió rừng lạnh buốt hồn người đón xuân.
Những mùa Xuân về trên đất khách, trong lãnh vực văn hóa và xã hội đã có nhiều bài viết hoặc các sinh hoạt nói về những năm tháng thân ái và nổi trôi trong cuộc đời của người thanh niên Việt Nam, những bất hạnh và niềm đau đớn khôn nguôi của một dân tộc trước thảm họa của chủ nghĩa cộng sản không tưởng.
Tất cả, không phải là phản biện hay than thở, nhưng để cảm nhận được “mình còn là mình”, cho dù tất cả đã trôi theo giòng nước lũ, chìm sâu trong trong lòng đại dương khi trận cuồng phong Marxist vô nhân tính đã giật sập căn nhà Việt Nam Tự Do đang được xây dựng trên nền tàng khai phóng, nhân bản và khoa học.