Bí mật phía sau “bestseller” – Mánh khóe của nghề buôn sách

(Ảnh: Jeff Greenberg/Education Images/Universal Images Group via Getty Images)

Khi nào một cuốn sách nằm trịnh trọng trên quầy sách bán chạy nhất (bestseller) của cửa hàng sách, không nhất thiết là cuốn sách bán được nhiều nhất.

Một bí mật không phải ai cũng biết

Bảng xếp hạng sách bán chạy của chuỗi cửa hàng sách WH Smith không chỉ dựa trên số lượng bản in đã được bán. Các tác giả và nhà xuất bản đều muốn bán đủ số sách để có thể lọt vào danh sách bestseller. Nhưng một cuốn sách trên quầy “bestseller” có thực sự là một cuốn sách bán được nhiều nhất không? Không hẳn thế, nếu một nhà xuất bản dùng tiền để mua một chỗ trên các kệ sách đang bán chạy nhất (bestselling shelve) hoặc cửa hàng căn cứ vào “dự đoán” để quảng cáo cho cuốn sách. 

Sách là ngành kinh doanh lớn tại Vương quốc Anh, và 2021 là một năm bùng nổ. Với nhiều người mua và đọc sách hơn trong thời đại dịch, doanh số bán sách đã đạt kỷ lục £1.8 tỷ. Chương trình phát thanh Front Row đã phát hiện ra các nhà xuất bản thường trả tiền cho những người bán sách để có vị trí tốt trong cửa hàng của họ và trong một số trường hợp được đưa vào trong danh sách bán chạy nhất của cửa hàng. WH Smith có các quầy sách “New and Bestselling” (mới và đang bán chạy nhất) phục vụ cho nhà xuất bản nào có nhu cầu. 

Một nhà xuất bản đã chia sẻ một đường dẫn email với Front Row kể chi tiết các cuộc đàm phán của họ với chuỗi cửa hàng này về một cuốn sách mới. Trong email, WH Smith ra giá £2,000 để đổi lấy một vị trí trong bảng xếp hạng (thường là viễn tưởng) “sách bán chạy nhất” và “cuốn sách của tuần” (the book of the week) miễn là doanh số bán dự báo ở mức chấp nhận được. 

BBC cho biết, WH Smith thừa nhận bảng xếp hạng sách của họ không chỉ dựa trên số lượng bản đã được bán ra. “Bảng xếp hạng của chúng tôi kết hợp sách đang bán chạy nhất và sách… dự đoán sẽ bán chạy nhất để đảm bảo khả năng tiếp cận của khách hàng” – công ty cho biết trong một tuyên bố và nhấn mạnh: “Các nhà xuất bản không thể mua một vị trí cụ thể trong bảng xếp hạng sách của chúng tôi tại mọi cửa hàng, mà còn tuỳ vào vị trí của mỗi cửa hàng, ở High Street, ở Travel hay cửa hàng trực tuyến, nơi điều kiện thị trường và sở thích của người mua khác nhau”. 

Hình minh hoạ: pexels-kévin-et-laurianne-langlais

Độc giả ngỡ ngàng

Tác giả DV Bishop, người có cuốn tiểu thuyết đầu tay City of Vengeance được xuất bản trong thời gian bị lockdown vì Covid-19, nói: “Trước khi bắt đầu viết, tôi chỉ biết rất ít về cách thức hoạt động của thế giới xuất bản. Là một người đọc, nếu bước vào một cửa hàng và nhìn thấy danh sách ‘sách bán chạy nhất’, tôi sẽ tin đó là dựa trên doanh số bán ra. Bây giờ tôi khi đã là một tác giả và nhà xuất bản, tôi phát hiện rất nhiều thứ bí ẩn trong thế giới sách mà bạn không thể biết nếu là người ngoại cuộc. Sách được quảng bá là bestseller chưa hẳn đã là bestseller!”.

Nhưng trả tiền cho sự nổi trội trong một cửa hàng hoặc một vị trí trên bảng xếp hạng không hề là bí mật đối với ngành xuất bản. Email của nhà xuất bản mà Front Row có được cho thấy WH Smith ấn định mức chiết khấu 60% trên giá bán lẻ đề xuất và “phí” 45 xu cho mỗi cuốn sách được bán ra, kéo phần chia cho nhà xuất bản của một cuốn sách có giá bán £10 xuống còn dưới £4. Đổi lại, WH Smith chấp nhận “ôm” từ 2,000 đến 3,000 bản để bán dần. 

Mark Stay, một nhà xuất bản kỳ cựu có 25 năm kinh nghiệm trong ngành nay chuyển sang viết sách và hiện phụ trách kênh posdcast “The Bestseller Experiment” nói với Front Row: “Thỏa thuận như thế là khá tiêu chuẩn đối với một chuỗi cửa hàng sách lớn như WH Smith. Một số ít siêu thị cũng có thoả thuận tương tự. Đây là cách nhà xuất bản quyết định hy sinh trước lợi nhuận kỳ vọng để cuốn sách có một vị trí nổi bật trong cửa hàng hay có được một vị trí trên bảng xếp hạng bestseller. Mức chiết khấu đó còn cho phép WH Smith bán sách giảm giá trong những chương trình khuyến mãi của mình để có thể cạnh tranh với Amazon thường giảm giá khá sâu”. 

Không phải ai cũng có chính sách bán chỗ

Các cửa hàng sách độc lập không tính phí các nhà xuất bản để đưa sách lên kệ sách “đáng quan tâm” hay vào bảng xếp hạng của cửa hàng. James Daunt, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng sách Waterstones, cho biết chuỗi của ông đã ngừng làm như thế khi ông tiếp quản vào năm 2011, dù bị thất thu £27 triệu. 

Ông giải thích: “Là một nhà bán lẻ, tất nhiên tôi rất thích số tiền được nhà xuất bản trả. Nhưng hậu quả không hề nhỏ đối với các hiệu sách. Vì vậy, chúng tôi đã hoàn toàn ngừng làm việc đó ở Waterstones. Nhưng doanh thu lại khả quan hơn. Thực tế, kể từ khi có quyết định mới, hoạt động kinh doanh đã hoàn toàn thay đổi, khởi sắc hơn do lấy lại được lòng tin của khách hàng”. 

Hình minh hoạ: pexels-furkanfdemir

Ông phủ nhận Waterstones đang đòi các nhà xuất bản phải chiết khấu lớn hơn và nhấn mạnh: “Công ty chủ yếu thu lại số tiền “bán chỗ” bằng cách cung cấp nhiều sách hơn mà độc giả thực sự muốn mua. Trước đây, chúng tôi phải trả lại một lượng khổng lồ sách ‘mua chỗ’ nhưng không bán được cho các nhà xuất bản, nay số sách trả lại ít hơn nhiều. £27 triệu mất đi do huỷ bỏ chính sách bán chỗ được thu lại rất nhanh chóng nhờ bán được nhiều sách hơn”. 

Trong khi đó, hầu hết các siêu thị không có danh sách “sách bán chạy nhất”, dù một số tính phí các nhà xuất bản bán sách trong cửa hàng của họ với số tiền chênh lệch tùy vị trí sách được đặt trong siêu thị. 

Tesco từ chối bình luận về vấn đề này trong khi siêu thị Waitrose khẳng định: “Luôn làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp để chọn những cuốn sách thu hút khách hàng và thường xuyên bổ sung sách hay, mới”. 

Siêu thị Asda nói mức phí các nhà xuất bản trả cho công ty được quyết định bởi nhiều yếu tố nhưng không có yếu tố chọn chỗ trang trọng nhất trên kệ. 

Siêu thị Sainsbury’s giải thích: “Các nhà xuất bản giới thiệu sách cho cửa hàng và phần còn lại là quyết định của chúng tôi. Đây là thực tế phổ biến trong toàn ngành”. Không bị xem là bất hợp pháp việc các cửa hàng sách hay siêu thị thương lượng mua chỗ. 

Cat Mitchell, một giảng viên về xuất bản tại Đại học Derby từng làm việc cho một nhà xuất bản lớn của Vương quốc Anh, cho biết ban đầu bà rất ngạc nhiên khi biết cách hoạt động của ngành này và khá sốc nhưng bà tin rằng hệ thống sẽ tự điều chỉnh khi cả nhà xuất bản và cửa hàng đều thấy không thể mua doanh số bán sách bằng cách mua chỗ. 

“Cả nhà bán lẻ và nhà xuất bản đều không muốn rơi vào một tình huống có nguy cơ chịu nhiều rủi ro. Không có nhà bán lẻ nào muốn lãng phí không gian trên kệ… cho một cuốn sách sẽ không bán được nhiều và không kiếm ra tiền. Rõ ràng, doanh số dự đoán không phải bao giờ cũng là doanh số thật” – bà nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: